Hạt sạn quá to
Những ngày đầu năm mới, giữa tưng bừng khí thế nhộn nhịp của nhiều công trường xây dựng, giữa những thông tin tích cực về ANTT được đảm bảo an toàn, người dân Hà Nội vẫn rất bức xúc bởi sự “hoành hành” của hàng loạt điểm trông giữ xe không phép với mức phí trông giữ “trên trời”, đặc biệt ở các địa bàn trung tâm, xung quanh thắng cảnh đền chùa, lễ hội, công viên…
Đến điểm gửi xe nào, mức giá thấp nhất được áp dụng cũng cao gấp 2, 3 lần mức phí thành phố quy định; và người gửi phương tiện buộc phải chấp nhận, bởi không có chỗ để, cũng như chẳng biết cấp nào, lực lượng nào để mà “kêu”.
Mở điểm trông giữ phương tiện không phép và thu phí cao gấp nhiều lần quy định là căn bệnh không mới ở Hà Nội, nhất là những ngày áp Tết, sau Tết. Song lạ một điều, không có “bác sỹ” nào sớm đứng ra chấn chỉnh, chữa căn bệnh này. Chiếm dụng vỉa hè, lòng đường, choán ngay lối ra vào các điểm thắng tích, vậy mà những đối tượng tổ chức trông giữ xe trái phép ấy không hề bị chính quyền sở tại quan tâm, cũng chẳng bị Thanh tra GTVT nhắc nhở. Nhiều chế tài cho lỗi vi phạm về trông giữ xe, được đánh giá có hiệu lực mạnh, song cứ sau Tết tới hết tháng Giêng, dường như lại trở nên… vô tác dụng, bởi không có lực lượng chức năng đứng ra xử lý, và không có cấp nào dũng cảm nhận trách nhiệm.
Tháng Giêng được xem là “Tháng ăn chơi”. Người dân “ăn chơi” đã đành, đến lực lượng chức năng mà cũng mê mải “ăn chơi”, bỏ bẵng công tác xử lý những điểm trông giữ xe vi phạm, là điều không thể chấp nhận. Người dân bị móc túi, phải chịu thiệt thòi trong những ngày vui Xuân là một chuyện; lớn hơn, cái “nếp” chấp hành quy định của thành phố về trông giữ phương tiện, vốn được định hình trong năm bằng nhiều giải pháp, nhiều cố gắng, sẽ có nguy cơ bị phá hỏng. “Chủ tịch quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước thành phố nếu để xảy ra tình trạng vi phạm ở các điểm trông giữ xe”, nguyên tắc ấy vẫn còn “ nóng hôi hổi”, hôm giao ban triển khai công tác năm 2013 của BCĐ 197 thành phố hồi đầu tháng 1 vừa rồi. Tương tự, lãnh đạo phường, xã sẽ phải chịu trách nhiệm trước quận, huyện, nếu không “quản” được loại hình kinh doanh trông giữ xe. Không quá khó để chấn chỉnh những vi phạm, nếu lực lượng chức năng vào cuộc thật sớm, thật nghiêm túc, và nhất là, đừng “tạo điều kiện” để đối tượng trông giữ phương tiện có cơ hội móc túi người dân.
Theo ANTD
Bức xúc vụ cán bộ đòi xử người tham gia giao thông
Những ngày qua, dư luận không khỏi bức xúc trước hình ảnh 2 người mặc sắc phục Thanh tra giao thông đòi "xử" người tham gia giao thông. Tuy nhiên, qua xác minh, 2 cán bộ đó chỉ là cán bộ Đội QLTTĐT thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định), không phải là cán bộ thanh tra giao thông. Sự nhầm lẫn trên bắt nguồn từ chính bộ sắc phục mà 2 cán bộ đó khoác trên người.
2 cán bộ Đội QLTTĐT thành phố Nam Định mạo danh thanh tra giao thông để phạt người đi đường
"Thanh tra" giả mạo
Ngày 24-1, Báo điện tử An ninh Thủ đô nhận được đơn thư trình báo của anh Nguyễn Văn Hải (trú tại xã Nghĩa Bình, Tân Kỳ, Nghệ An) về việc anh này cùng người bạn bị 2 người mặc sắc phục xưng là Thanh tra giao thông thành phố Nam Định đòi đánh.
Theo đó, vào khoảng 12h40 cùng ngày, anh Hải cùng một người bạn đi trên chiếc xe máy, khi vừa dừng xe dưới đoạn chân cầu vượt thành phố Nam Định thì từ phía sau xuất hiện 2 người mặc sắc phục thanh tra giao thông, không đeo phù hiệu đi đến yêu cầu anh Hải xuất trình giấy tờ để kiểm tra. Sau khi kiểm tra giấy tờ, một trong 2 người thanh tra cho biết, việc dừng xe dưới gầm cầu là không đúng quy định và yêu cầu anh Hải về trụ sở tại 133 Hoàng Văn Thụ, thành phố Nam Định để giải quyết. Anh Hải không đồng ý và yêu cầu lập biên bản vi phạm và xử phạt tại chỗ theo quy định pháp luật, tuy nhiên 2 thanh tra giao thông không đồng ý. Trước sự kiên quyết của anh Hải cùng người bạn, một trong hai người mặc sắc phục thanh tra nổi nóng, lao đến đòi đánh anh Hải nhưng đã được người còn lại ngăn cản.
Ngay sau khi sự việc được phản ánh, đông đảo bạn đọc từ khắp mọi miền đã gửi thư đến bày tỏ sự bức xúc. Bạn đọc Phạm Hồng Hà cho biết: "Về lý thì anh tham gia giao thông sai, nhưng trong hoàn cảnh thấy cụ già lang thang đói rách nằm ở dưới chân cầu anh này dừng xe cho tiền từ thiện, đáng lẽ phải thông cảm động viên, đằng này lại hùng hổ đòi ăn thua, cố tình phạt, mặc dù lúc đó đường rất vắng". Không ít bạn đọc yêu cầu phải xử lý thật nghiêm hành vi của 2 cán bộ trên.
Tuy nhiên, phần lớn bạn đọc lại bày tỏ sự hoài nghi về cách ứng xử của 2 người mặc sắc phục thanh tra và cho rằng, đó chỉ là sự giả mạo, không phải thanh tra giao thông. Bạn đọc Ngô Thanh Quân cảnh giác: "Coi chừng là cướp giả mạo, chứ thanh tra giao thông không có ai hành xử kiểu côn đồ như thế". "Đây là thanh tra giả mạo bởi nếu là người trong ngành thanh tra thì khó có những hành xử thô bạo như thế, hơn nữa, cách ăn mặc của thanh tra thật cũng chỉnh chu hơn", bạn đọc Đinh Ngọc khẳng định.
Đồng quan điểm đó, bạn đọc Lâm Xung nói: "Hai người này không phải là thanh tra giao thông" và cho biết, bộ quần áo mà 2 người xưng thanh tra giao thông đang mặc có thể mua được dễ dàng ở phố Lê Duẩn, Hà Nội. Đồng thời đề nghị CATP Nam Định vào cuộc để điều tra, làm rõ để không làm xấu hình ảnh của thanh tra giao thông.
Chấn chỉnh lại trang phục của một số đơn vị
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, ngày 25-1, Thanh tra Sở GTVT tỉnh Nam Định đã xác minh hai cán bộ trong ảnh của bài báo là Trần Văn Long (SN 1975) và Hoàng Xuân Trường (SN 1984) thuộc Đội QLTTĐT thành phố Nam Định trực tiếp quản lý. Đội QLTTĐT chỉ có chức năng làm nhiệm vụ quản lý trật tự đô thị trong phạm vị địa bàn thành phố Nam Định, không có chức năng xử phạt vi phạm hành chính và cho biết Đội QLTTĐT thành phố Nam Định không phải là đơn vị Thanh tra giao thông và hai cán bộ nêu trên không phải là Thanh tra giao thông.
Điều đáng nói ở đây là việc hai cán bộ trên, tuy không phải cán bộ thanh tra nhưng lại mặc trang phục gần giống với sắc phục của Thanh tra giao thông và với cách hành xử trên, hai cán bộ này đã vô hình trung làm xấu đi hình ảnh của Thanh tra giao thông trong lòng người dân. Trên thực tế, không chỉ có trang phục của Thanh tra giao thông, trang phục của một số ngành chức năng cũng đang được nhiều đơn vị không liên quan may gần giống, khiến người dân nhiều khi không thể phân biệt nổi đâu là đơn vị thực thi pháp luật, đâu là một tổ chức hay một nhóm người. Chính điều đó đã gây không ít sự hiểu lầm đáng tiếc trong người dân.
Ông Nguyễn Minh Thuỵ, Chánh thanh tra giao thông tỉnh Nam Định cho biết: "Chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh Nam Định rà soát, chấn chỉnh tình trạng trang phục của một số đơn vị giống với thanh tra giao thông. Chính việc lực lượng trật tự đô thị Nam Định ghi tên hiệu, mặc trang phục gần giống với Thanh tra giao thông đã gây nên sự nhầm lẫn trên".
Theo ANTD
Chấn chỉnh hoạt động quảng cáo tấm lớn UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu chấn chỉnh tình hình quảng cáo tấm lớn trên địa bàn. UBND TP chỉ các các quận huyện, thị xã, sở ngành thực hiện ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND TP tại buổi giao ban về việc chấn chỉnh các biển quảng cáo tấm lớn đảm bảo mỹ quan đô thị trên địa bàn....