Hạt cốm ngọt bùi Chùa Thượng
Xã An Châu trước đây thuộc huyện Nam Sách, nay thuộc thành phố Hải Dương nổi tiếng với truyền thống làm nghề cốm, trong xã hiện có làng Chùa Thượng có nhiều hộ làm cốm ngon nhất. Không còn nhớ ông tổ của làng nghề mình là ai và không biết có từ thuở nào, đến nay người dân làng Chùa Thượng vẫn còn duy trì được nghề làm cốm truyền thống của tiền nhân quê mình.
Truyện xưa kể rằng: khi mùa lũ lụt đi qua miền quê ấy, những ruộng lúa chất chứa bao thành quả lao động của người nông dân bị ngập lụt, người dân phải cắt lúa non về sấy, rang cho khô để ăn dần qua cơn đói mất mùa…nhưng quả nhiên người dân lại không thể ngờ được những hạt thóc non vừa ngậm sữa khi rang nên bỏ vỏ lại thấy thơm ngon, quyện dẻo và hấp dẫn kỳ lạ. Và sau này nhờ có những sáng tạo, cải tiến nên người Việt Nam ta mới có món cốm làng Vòng (Hà Nội), cốm làng Thạch thuộc xã An Châu (Hải Dương).
Để có được những mẻ cốm màu xanh, thơm, ngọt đượm và dẻo theo phương pháp truyền thống cũng khá kỳ công, những người già làng Chùa Thượng còn nhớ rất rõ cách làm cốm này.
Cốm dẻo làng Chùa Thượng, xã An Châu.
Video đang HOT
Cốm làng Chùa Thượng đã trở thành thương hiệu bay đi xa gần nhiều nơi trong vùng, ngày xưa cốm chỉ được làm vào mùa thu, mùa lúa non nhưng hiện nay người làng Chùa Thượng làm cốm quanh năm. Theo truyền thống thì để có những hạt cốm ngon nhất, người dân phải gặt lúa nếp từ lúc “tám rưỡi” tức là từ lúc lúa còn non, hạt vừa chớm mẩy và căng sữa. Người nông dân tuốt lúa đem phơi qua nắng rồi cho vào rang.
Nếu muốn có những hạt cốm giòn thì để trên bếp rang kỹ hơn, sao cho hạt gạo nếp nở bung lớp trấu bên ngoài và giòn tan là được. Còn làm cốm dẻo cầu kỳ và công phu, đòi hỏi sự khéo léo hơn nhiều. Để có những mẻ cốm dẻo thơm thì lúc rang thóc phải vừa chín tới để giữ độ dẻo của lúa non, rang xong đưa thóc vào cối giã cho bật lớp vỏ trấu bên ngoài. Người làm cốm phải sàng sảy, nhặt nhạnh hết lớp vỏ bên ngoài ,chỉ để lại những hạt gạo nếp màu xanh non.
Cốm Nam Sách, sản vật nổi tiếng.
Chị Vũ Thị Thêm, người làng Chùa Thượng chuyên làm cốm đi bán tại khu du lịch Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương cho biết, nhà chị có truyền thống làm cốm từ lâu đời, tuy nhiên, ngày nay người ta đã không còn duy trì phương pháp làm cốm truyền thống nữa, thay vì dùng cối để giã họ đã dùng máy, công đoạn sàng sảy cũng không còn vất vả. Cốm không chỉ làm từ lúa nếp non vì như vậy chỉ chính vụ mới có cốm. Ngày ngay người làng Chùa Thượng dùng cả thóc nếp già để làm cốm, chính vì vậy cốm không có được màu xanh bắt mắt như trước đây nữa.
Tuy nhiên, để cốm vừa có màu xanh tươi đẹp lại vừa thơm ngon, chị Thêm tâm sự: người dân dùng lá gừng hoặc lá cây mây nghiền nhỏ lấy nước cốt đồ lên cùng với cốm, thêm chút nước đường, đậu xanh, cùi dừa… tạo nên sắc thái mới cho hương cốm ngày nay.
Cũng từ những hạt cốm đó người dân lại chế biến ra các món bánh độc đáo mà nay trở thành những đặc sản như bánh cốm, chả cốm, kem cốm, chè cốm…Thưởng thức món cốm trong cái se lạnh của mùa thu là hay nhất, hương lúa non phảng phất quyến rũ lạ kỳ, đưa những hạt cốm nhỏ vào miệng ta cảm nhận vị ngọt đậm đà, dẻo quyện và vô cùng gần gũi, thanh đạm với người dân quê.
Theo Lao Động
Thơm nồng bánh khoai xứ Quảng
Trời trở gió, thành phố chiều nay bất chợt quay trở lại với cái lạnh se se. Giữa phố đông người, mỗi khi nghe cảm giác thiếu "ấm áp", không hiểu sao tôi lại nhớ cái mùi bánh khoai thơm nồng của mẹ và thèm được vừa xuýt xoa, vừa cắn chiếc bánh vẫn còn nóng hôi hổi.
Củ khoai lang đã bao đời nay gắn liền với người dân xứ Quảng. Ở cái xứ "tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm" này, củ khoai một thời từng là nguồn lương thực chính. Dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ miệt vườn quê tôi, củ khoai có thể chế biến thành nhiều món: khoai chà, khoai lang luộc, khoai hấp cơm, ...và cả bánh khoai - một món ăn chơi, ngon, lạ miệng, ai từng một lần thưởng thức có lẽ sẽ nhớ mãi.
Ngày nhỏ, những hôm mưa dầm, không đi làm được, cả nhà tôi lại quây quần cùng nhau làm bánh khoai. Món ngon ngày khó, chẳng nỡ ăn một mình, nên bao giờ mẹ cũng làm nhiều, bảo chúng tôi mang sang biếu hàng xóm.
Những củ khoai được mẹ chọn làm bánh phải là khoai ta, tức khoai ruột trắng được trồng trên vùng đất cát. Khoai để nguyên vỏ rửa thật sạch, cho vào nồi đổ một ít nước thêm chút muối đun đến khi nước cạn thì khoai vừa chín tới. Mẹ vớt những củ khoai tròn mũm mĩm, để nguội, bóc vỏ và cho vào bát to nghiền nát. Thường, bột khoai được trộn cùng với ít cốt dừa, sợi dừa thái chỉ, chút muối và chút đường cho đậm đà. Khi bột khoai đã được tán nhuyễn, chị em tôi bao quanh mẹ nặn những miếng khoai tròn tròn.
Khâu cuối cùng và cũng là quan trọng nhất đó là nướng bánh. Bếp nướng thường được tận dụng từ những cái nồi đất lớn bị thủng hay thau kim loại bị rỉ. Đổ vào nồi một lớp tro, nhóm lửa than phía trên lớp tro. Xong chỉ cần đặt một cái vỉ sắt lên phía trên miệng nồi là có thể xếp từng chiếc bánh khoai lên nướng. Có lẽ giây phút thú vị nhất là ngồi quanh bếp than hồng, vừa ấm cúng lại vừa được hít hà hương thơm lan tỏa. Chiếc bánh tròn trịa, chuyển sang màu vàng lựng, được chuyền từ bàn tay gầy gò của mẹ, mới nhìn thôi là đã thèm.
Đã lâu lắm rồi mẹ không còn làm bánh khoai, bởi các con đã lớn và xa quê lập nghiệp. Những lúc về thăm nhà, cũng chỉ kịp dạo quanh xóm, ghé thăm những rẫy mía, bờ khoai. Nhưng chắc chắn rằng, không riêng gì tôi, những người con xứ Quảng đã từng một thời gắn với củ khoai, củ sắn, dù đã đi thật xa, dù đã thành đạt nhiều vẫn cứ thương nhớ hoài bánh khoai chân chất, đậm đà tình quê.
Theo Lao Động
Lí do người ấy 'đá' bạn dù vẫn còn yêu Chia tay không hẳn vì đã hết yêu, có khi chỉ bởi sự tự ái hoặc mặc cảm của một trong hai người cũng dẫn đến việc đường ai nấy đi. Bạn rất tự tin vào tình cảm đối phương dành cho mình, không bao giờ bạn nghĩ người ấy dám nói đến 2 chữ "chia tay". Vậy mà hôm nay, điều khủng...