Hấp dẫn như bánh khọt Vũng Tàu
Nhắc đến món bánh khọt, người ta hay liên tưởng đến 2 phiên bản riêng biệt: phiên bản dân dã miền Tây với phần bánh dày có màu vàng, phủ lên đậu xanh, mỡ hành, một chút nước cốt dừa cùng tép tươi ở phía trên… và phiên bản Vũng Tàu với đế bánh mỏng cùng mỡ hành, tôm tươi và tôm cháy giã nhuyễn.
Nếu đặt 2 phiên bản này cạnh nhau, khó có thể kết luận chúng có chung họ “bánh khọt” bởi màu sắc và hình dáng quá khác biệt. Có chăng là cùng một loại khuôn đổ hình tròn có nhiều lỗ cũng như nguyên liệu chính từ bột gạo. Ngoài ra, cách đổ bánh và nguyên liệu của bánh khọt cũng tương tự với món bánh căn của vùng Nam Trung Bộ, nên có lúc người ta gọi vui bánh khọt là “bột gạo chiên” vì lúc nào cũng ngập trong dầu, còn bánh căn là “bột gạo nướng” vì sử dụng rất ít dầu lúc đổ bánh.
Bánh khọt nguyên bản Vũng Tàu tại quán Khanh gần cư xá Bắc Hải (quận 10)
Ở miền Tây, bánh khọt được bán như một món ăn bình dân, rẻ tiền, ai cũng có thể làm được. Hình ảnh quen thuộc thường thấy ở một quán nhỏ ven đường là khuôn bánh khọt nhỏ nhỏ làm từ đất nung đỏ au (khoảng 8 lỗ), một thố rau cùng bình nước mắm thật to. Thật đơn giản, tiện lợi và tiết kiệm như chính sự mộc mạc của người dân nơi đây. Còn ở Vũng Tàu thì hoàn toàn khác. Nếu bạn ghé qua những khu chuyên bán bánh khọt như trên đường Nguyễn Trường Tộ chẳng hạn, sẽ thấy nghi ngút khói cùng vô số khách đang chờ đến lượt mình. Một quầy bánh khọt Vũng Tàu phải ít nhất từ 2 khuôn đổ bánh trở lên, và một khuôn đổ được ít nhất 50 bánh/lần mới đáp ứng được nhu cầu của khách. Khuôn đổ không làm từ đất nung mà bằng gang, đáy nông hơn và có nắp riêng cho từng lỗ bánh. Người đổ bánh phải đeo khẩu trang (vì khói bốc ra ngùn ngụt), mở đóng nắp liên tục để lấy bánh ra. Khong thong dong như bánh khọt miền Tây, bánh khọt Vũng Tàu là một sự hối hả, đôi khi kèm theo chút bực mình vì phải chờ quá lâu (nhưng rồi cũng lắng xuống phần nào khi dĩa bánh nóng hổi được bưng ra).
Phần rau sống ăn kèm bao gồm cải xanh, xà lách, tía tô, dấp cá
Pha bột là công đoạn quyết định một cái bánh khọt đạt chuẩn. Bột gạo làm bánh khọt không kén gạo, loại gạo cứng hay mềm cơm gì cũng có thể dùng được. Gạo được vo sạch ngâm nước qua một đêm rồi xay bột bằng cối đá. xay xong dùng cái rây gạn cho hết mày gạo rồi cho vô bồng bột dằn để bột ráo nước. Xong lấy bột ra cho vào thau, cho thêm bột năng vào để bánh thêm dẻo và trong. Nếu bột pha đặc quá sẽ khiến cho bánh bị bở, còn lỏng quá bánh sẽ bị mỏng.
Video đang HOT
Nhân bánh khọt Vũng Tàu rất đơn giản, chỉ bao gồm tôm tươi và tôm cháy, mỡ hành phủ lên trên. Một số phiên bản sau này như Bánh khọt Cô Ba có thêm thắt một số nhân mới như mực, chả cá hay sò điệp. Tuy nhiên tôm tươi vẫn là cách ăn phổ biến nhất. Bên cạnh tôm tươi, thì tôm cháy là một “nhận diện” thú vị của món bánh này. Tôm tươi giã nhuyễn rồi bắt lên bếp, cháy cho đến khi mịn và khô là có thể dùng được.
Quán bánh khọt nhỏ xíu nằm trên đường Đồng Nai (khu cư xá Bắc Hải, quận 10) náo nhiệt suốt ngày với vô số những quán cà phê lớn nhỏ. Đầu bếp Thảo của quán cũng là của chi nhánh gốc ở số 14 Nguyễn Trường Tộ, Vũng Tàu. Món bánh khọt ở đây hầu như vẫn giữ được nét riêng của phiên bản Vũng Tàu, chỉ đơn giản là tôm tươi, một chút mỡ hành và tôm cháy. Dĩa bánh khọt nóng hổi dọn ra cùng tô rau sống với cải xanh, xà lách, tía tô, dấp cá… cùng tô đồ chua (đu đủ thái sợi), chỉ cần nhìn qua đã thấy ngon rồi. Cuộn bánh với xà lách rồi chấm vào chén nước mắm đặc trưng mới thấy hết cái độc đáo của món ngon này: vỏ bánh mềm rụm, nhanh chóng hòa với nước mắm rồi như chảy tan ra trong miệng. Lúc đó mới thấy hết cái ngọt của tôm tươi, của bột bánh, mùi thơm của rau và mỡ hành…
Không cần ra Vũng Tàu bạn cũng có thể thưởng thức món bánh khọt độc đáo ngay tại khu cư xá Bắc Hải sầm uất này. Đó có lẽ là đặc ân của Sài Gòn, nơi hội tụ gần như đầy đủ tinh hoa ẩm thực Việt.
Bánh khọt Khanh
07 Đồng Nai, phường 15, quận 10 (cư xá Bắc Hải)
Mở cửa: 8h sáng đến 10h tối
Giá: 40.000đ/phần
Theo Saigonamthuc
Bánh khọt Nhật Bản
Nếu hỏi một cư dân Osaka (Nhật Bản) rằng món ngon gì "phải thử" một khi đã đến đây, thì chắc chắn câu trả lời sẽ là "takoyaki". Món ăn đường phố này có hẳn một bảo tàng cho riêng mình, đủ để bạn hiểu được mức độ phổ biến của món ăn biểu tượng này.
Ít ai nghĩ rằng món ăn đường phố này có thể trở thành biểu tượng
của thành phố Osaka - Ảnh: Japan Visitor
Takoyaki - ở Việt Nam thường hay gọi là "bánh khọt Nhật", là món ăn đường phố khá đơn giản: những viên bột mì vo tròn được nướng trên một loại khuôn khá đặc biệt. Nếu đối chiếu giữa khuôn và thành phẩm, bạn sẽ thắc mắc ngay vì sao người ta tạo được những viên tròn đẹp như vậy nếu chỉ sử dụng loại khuôn bán nguyệt.
Thật ra, khi đổ bột mì cùng phần nhân (chủ yếu là bạch tuộc luộc sẵn, sau này có thêm nhân tôm, thịt...), người đầu bếp sẽ dùng những que nhỏ bằng kim loại đảo liên tục cho đến khi phần vỏ bên ngoài chín đều. Cũng vì cách chế biến như vậy mà phần nhân rất mịn và luôn nóng sốt.
Đổ bột mì vào khuôn để làm takoyaki - Ảnh: Visit Japan
Người sáng tạo ra món takoyaki được ghi nhận là Endo Tomekichi, vốn có một quầy bánh nhỏ ở Osaka. Trong thời gian buôn bán ông cũng đồng thời nghiên cứu các món mới, và nhận thấy nếu cho bạch tuộc luộc chín (vốn có rất nhiều ở Osaka) vào những viên choboyaki và phủ sốt lên trên, chúng sẽ hấp dẫn hơn bội phần. Và thế là, năm 1935 món takoyaki chính thức ra đời, tạo nên một cơn sốt khắp Osaka.
Và cho đến ngày nay, bạn có thể tìm thấy món ăn độc đáo này khắp hang cùng ngõ hẻm của Osaka. Thậm chí có cả một bảo tàng dành riêng cho takoyaki ở Osaka với những hình ảnh và phiên bản khác nhau của món này. Trong bảo tàng cũng có nhiều quầy takoyaki với các phiên bản của từng giai đoạn phát triển.
Xuất phát từ xu hướng sử dụng bột mì thay cho bột gạo, takoyaki đã trở thành món chơi phổ biến hàng đầu của Nhật Bản, cũng như lan rộng ở các quốc gia có cộng đồng người Nhật sinh sống. Ở Việt Nam món ăn này cũng có thể dễ dàng tìm thấy ở các nhà hàng Nhật.
Cùng xem thêm một số hình ảnh về món ăn đường phố thú vị này:
Phủ lên trên bánh takoyaki là khô cá bào và các loại sốt - Ảnh: Foodie Asia
Bào tàng takoyaki ở Osaka - Ảnh: Visit Japan
Cảnh xếp hàng quen thuộc thường thấy trước một quầy takoyaki ở Osaka - Ảnh: Food News
Theo Ihay
Món ngon Sài Gòn tại quán Dũng Tại đây, bạn sẽ được thưởng thức những món ăn ngon và đặc trưng Sài Gòn như bánh xèo, gỏi cuốn, bánh khọt, lẩu hải sản hay lẩu cá lóc Nam bộ... Bánh xèo là một trong những món ăn đặc trưng tại quán. Bạn có thể dùng tay quấn bánh xèo với các loại rau thơm, đồ chua, kết hợp với nước...