Hấp dẫn món ram bắp ngày lạnh
Bắp vốn quen thuộc với người dân quê qua nhiều món ăn đậm đà, ý vị như bắp rang, bắp nướng, bắp luộc, bắp xào, chè bắp…Và đa số những món ăn đó cũng chỉ là món ăn chơi nhưng riêng với món ram bắp còn là món ngon được bày biện trong mâm cỗ khi cung kính, đãi khách dù rất dân dã nhưng lại lạ lẫm với nhiều người.
Bắp có nhiều loại để chế biến món ram như bắp nếp, bắp ta, bắp cao sản… song để món ram ngon hơn cả vẫn là bắp nếp vừa mềm lại thơm. Không những thế muốn làm ram phải lựa chọn những trái bắp còn non, hạt bắp đương ở thời kì ngậm sữa căng mọng. Nếu trái bắp già, hạt cứng thì món ram không ngọt, ăn vừa cứng vừa xổm.
Để làm món ram bắp trước tiên dùng dao xước nhỏ từng luống hạt, rồi cho vào cối giã quết thật nhỏ, thật nhuyễn thêm một ít khoai môn để có mùi ngầy ngậy, bùi bùi; trộn tiêu, hành, tỏi cùng gia vị, sau đó cho vào chảo dầu, bắc lên bếp, vặn nhỏ lửa và đảo cho chín đều. Khi mùi thơm lan tỏa khắp không gian căn nhà cũng là lúc bắp vừa chín tới. Nếu muốn món này ngon hơn nữa có thể cho thêm trứng gà, thịt nạc, đậu, tôm tươi băm nhỏ. Như vậy là xong phần chuẩn bị nguyên liệu nhân để gói ram.
Để có những miếng ram xinh xắn, đẹp mắt thì cần có một loại bánh tráng chuyên để gói ram bắp chứ không thể dùng loại bánh tráng thông thường. Mỗi bánh tráng loại này được gói đủ hai cây ram, to hơn ngón tay cái một chút. Lại bỏ ram vừa gói vào chảo dầu, cho lửa cháy vừa phải, khi nào thấy gói ram chớm vàng là vớt ra đĩa.
Thưởng thức ram bắp, không thể bỏ qua bát nước chấm đủ gia vị và rau sống hái trong vườn còn tươi nguyên. Ram bắp vàng rộm, béo ngọt, tỏa mùi thơm phức. Đặc biệt trong những ngày tiết trời lành lạnh này được ăn những miếng ram bắp vừa chiên xuống còn nóng hôi hổi, vừa thổi, vừa ăn thì không có gì thú vị bằng.
Theo LĐO
Đến Hội An ăn cao lầu, cơm gà, chè bắp
Đến Hội An không thể không ăn cao lầu, tuy nhiên nếu bỏ qua cơm gà thì sẽ là cả một sự hối tiếc, và trong lúc mải ngắm những ngôi nhà cổ, bạn cũng đừng quên rẽ vào quán nhỏ để ăn một bát chè bắp.
Hội An là điểm đến đầy thú vị của du khách trong và ngoài nước. Những ngôi nhà cổ, những quán cà phê nhỏ xinh, những gánh hàng hoa rực rỡ, những đêm rằm thả đèn hoa đăng lãng mạn... đã mê hoặc lòng người.
Và dĩ nhiên, đi dọc theo những con phố tĩnh lặng của Hội An, khi bụng đã réo ầm ĩ thì bạn không thể tìm cho mình một món ăn ngon. Xin điểm những món ăn ngon khó bỏ qua và rất dễ tìm thấy khi đến phố Hội.
Cơm gà Hội An
Sự lựa chọn đầu tiên của bạn, chắc chắn sẽ là cơm gà Hội An. Bởi trước khi đến đây, bất kỳ ai cũng "google" những món ngon của xứ sở này, và cơm gà là đặc sản. Nhưng Hội An không có nhiều quán cơm gà, phải đi vòng vèo vài con phố, bạn mới "tia" thấy lác đác những tấm biển gỗ, và đặc sắc nhất là quán cơm gà Bà Buội, Cô Nga, thường bắt đầu từ 11h trưa hoặc tối.
Video đang HOT
Đó là một đĩa cơm nhỏ, với gà xé, gà trộn và rau sống. Cơm trắng nấu riêng, được trộn trước với một ít mỡ gà, béo ngậy và vàng ươm. Thịt gà ta được xé nhỏ, lọc hết xương, trộn và bóp đều với các loại gia vị, chanh, ớt, tỏi, rau sống.
Cơm gà Hội An.
Trong tiết trời ấm áp của Hội An, chỉ vì mải chơi quá nên lúc nhìn đĩa cơm gà vàng ươm, dậy mùi thì chỉ sau 5 phút bạn đã "xử" hết veo một đĩa cơm gà. Nếu muốn bạn có thể gọi thêm một đĩa, nhưng ăn theo kiểu "thòm thèm" thì mới ngon và còn chỗ để tiếp tục thưởng thức những món khác khi dạo phố. Giá cơm gà ở Hội An rất phải chăng, từ 25.000-40.000 tùy vào độ lớn nhỏ.
Tò mò với cao lầu
Với những "tín đồ" của phim truyền hình Việt Nam thì sau những thước phim Cho một tình yêu, cao lầu sẽ là món ăn khiến bạn tò mò nhất khi đến Hội An. Đây cũng là món ăn gắn liền với thương hiệu của phố Hội từ xưa đến nay.
So với cơm gà thì cao lầu được bán phổ biến hơn tại phố cổ. Trong những nhà hàng sang trọng, những quán ăn nhỏ hay đơn giản là một gánh hàng trong đêm, bạn đều có thể gọi món cao lầu. Mỗi bát cao lầu có giá từ 10.000-20.000 đồng, tùy vào địa điểm mà bạn lựa chọn.
Cao lầu được bán rất nhiều tại Hội An.
Cao lầu của người Hội An được chế biến rất công phu.
Nhiều người không quen ăn thường cho rằng cao lầu có vị giống mì Quảng, tuy nhiên, chế biến cao lầu là cả một quá trình chăm chút và tinh tế hơn rất nhiều. Cũng từ đó mà vị của món ăn này có sức hút đối với không chỉ người trong nước mà còn cả du khách quốc tế.
Sợi mì làm nên cao lầu được làm từ bột gạo sống và chín, trải qua nhiều công đoạn sẽ cho ra sợi mì giòn và dai hơn mì Quảng. Ngoài giá, rau sống, tóp mỡ giòn tan, thì điểm nhấn chính của một bát cao lầu là thịt lợn xá xíu. Và nước thịt xá xíu này cũng chính là nước cho vào bát cao lầu, rất đậm đà và dậy mùi thơm.
Bánh rán hàng rong
Trên phố, một vài chiếc xe bán các loại bánh rán cũng đẩy đưa rất mời gọi. Mỗi chiếc bánh này có giá từ 4.000-5.000 đồng/chiếc, được bày bán trên chiếc xe nhỏ rất sạch sẽ. Muốn ăn chiếc nào, bạn chỉ vào chiếc đó và chủ xe cho bánh vào chảo mở nóng ran, một lúc sau bạn đã có trên tay chiếc bánh này.
Bánh rán hàng rong.
Tuy nhiên, bánh rán ở Hội An không đa dạng và không có mùi vị đặc trưng riêng, đơn giản đó là những chiếc bánh làm bằng bột mì, nhân đậu, thịt được rán giòn theo vị mặn hoặc ngon.
Tào phớ
Sau khi bước chân qua cầu Nhật Bản, ghé thăm ngôi nhà cổ Phùng Hưng với muôn vàn chiếc đèn lồng sặc sỡ, bạn bước chân ra hít thở khí trời trong lành. Và bên kia đường, bạn nhìn thấy một gánh tào phớ nóng hổi và thơm lừng. Thế là, món ăn này đến với bạn, vừa ngon, vừa vui, vừa gợi nhớ những kỷ niệm thời ấu thơ với những gánh hàng rong: "Ai tào phớ, tào phớ đê"....
Tào phớ ấm lòng.
Chè bắp phố Hội
Buổi tối, Hội An lung linh với những quán cà phê ngập tràn sắc màu của đèn lồng. Bạn cũng có thể chọn một quán cà phê bên dòng sông Hoài, nằm giữa trung tâm phố để vừa ngắm cảnh vừa thưởng thức món ngon. Đồ uống của Hội An cũng không có gì đặc biệt, tuy nhiên, trong lĩnh vực chè thì Hội An rất hãnh diện với chè bắp, chè sen.
Chè sen đặt trong một chiếc ly nhỏ, những hạt sen tươi, trắng muốt, thơm và mát, tương tự như bất kỳ một ly chè sen ở nơi khác, nhưng giá thì rẻ hơn rất nhiều, chỉ 5.000-6.000 đồng/ly.
Chè sen
Chè bắp và bánh tráng đập.
Với chè bắp thì đó là sự khác biệt. Bắp ở đây không hề để nguyên cả hạt như những hạt bắp chúng ta vẫn thường ăn chè ở Hà Nội, TP.HCM hay nhiều nơi khác. Hạt bắp được bào thành những lát rất mỏng, nấu nhừ ở mức độ vừa phải để khi cho ra bát thì đa số vẫn giữ nguyên lát li ti đó.
Vị chè bắp của Hội An cũng thơm, cũng dẻo, nhưng ăn không cần phải cho thêm đá mà vẫn rất mát dịu. Mỗi bát chè bắp nhỏ xinh đó, giá chỉ khoảng 4.000-5.000 đồng.
Bánh tráng đập
Nếu chưa từng một lần ăn bánh tráng đập, đặc sản của người Quảng Nam - Quảng Ngãi, chỉ với 5.000-10.000 đồng, bạn sẽ có ngay món ăn này tại bất kỳ con phố nào ở Hội An. Nghe tên gọi bánh đập thì nhiều người tưởng phải "tung chưởng" ghê lắm, nhưng bánh đập đơn giản là bánh tráng kẹp bánh ướt, đập nhẹ rồi chấm với nước mắm ngọt, cay.
Chè, bánh tráng đập không chỉ được bán ở trong quán mà "xuất hiện" rất nhiều vào buổi tối, tại vỉa hè ở trung tâm phố.
Bánh tráng đập cho vào miệng, có sự giòn tan của bánh tráng, mềm và mát của bánh ướt, chút đậm đà, cay cay sau khi chấm. Ngon một cách dịu nhẹ như đang ở một buổi chiều hoặc đêm mùa hè mát mẻ. Chỉ đơn giản là thế thôi, nhưng cũng đủ để bạn cảm thấy thư thái hơn trong một buổi dạo quanh phố cổ, với những món ăn nhẹ nhàng mà khó quên.
Theo BĐVN
Bắp xào chiều hạ 4h chiều, nó lại ra đứng canh ngoài cổng. 4h5 phút, xe bán bắp đi qua, nó chạy ra cười hớn hở "Cho con hai hộp bắp xào ạ". Cô bán hàng mỉm cười nhìn vị khách quen đứng lí lắc trước đầu xe. Cô bật bếp ga, cho ít dầu vào chảo, xúc những thìa bắp đã được tách hột sẵn trong...