Hấp dẫn Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng ( Đắk Nông)
Từ thị xã Gia Nghĩa, theo quốc lộ 28 khoảng 50 km, đến địa phận xã Đắk Som (Đắk Glong) là gặp Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, nơi đang chứa đựng nhiều điều ký thú, hấp dẫn…
Đa dạng các loại động thực vật
Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng có diện tích 21.307 ha, nằm giữa cao nguyên Đắk Nông và cao nguyên Di Linh thuộc vùng địa lý sinh học Nam Trung bộ, có đỉnh núi cao nhất là 1.982m. Khu vực này là điểm giao thoa về địa lý và sinh học giữa khu vực Nam Tây Nguyên và khu vực miền Đông Nam bộ.
Hiện nay, Tà Đùng có lớp thảm thực vật rộng lớn, tỷ lệ độ che phủ rừng vùng lõi của khu bảo tồn chiếm tới 85%; trong đó, rừng nguyên sinh chiếm 48%, rừng thứ sinh các loại chiếm 36%… Vì vậy, nơi đây có sự đa dạng sinh học rất lớn, là nơi sinh sống của trên 1.000 loài động thực vật.
Theo kết quả điều tra của Trung tâm đa dạng sinh học và phát triển, Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam thì nơi đây có đến 1.406 loài thực vật bậc cao, thuộc 760 chi và 192 họ của 6 ngành thực vật khác nhau; trong đó, có 69 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam (2007). Đặc biệt, có 5 loài được xếp ở cấp CR trong sách đỏ Việt Nam như: hổ, báo hoa mai, trăn mốc, trăn gấm, rắn hổ chúa và một số loài được ưu tiên bảo tồn cao, được thế giới đặc biệt quan tâm, như Chà vá chân đen, Vượn má hung, Cu li nhỏ…
Video đang HOT
Bên cạnh đó, Tà Đùng là một trong 3 khu bảo tồn duy nhất của Việt Nam hiện có loài hươu vàng (còn gọi là hươu đầm lầy) đang có nguy cơ tuyệt chủng. Mặt khác, Tà Đùng còn là 1 trong 4 vùng chim đặc hữu của Việt Nam và 1 trong 222 vùng chim đặc hữu trên toàn thế giới, với 202 loài thuộc 18 bộ và 45 họ khác nhau.
Nhiều cảnh quan kỳ thú
Không chỉ là nơi có nhiều loài động, thực vật mà Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng còn có vị trí địa lý đặc biệt, với cảnh quan, môi trường tươi đẹp. Trong đó, đầu tiên phải kể đến là việc Tà Đùng nằm ở khu vực thượng nguồn của hệ thống sông Đồng Nai, có các dự án thủy điện Đồng Nai 3 và 4 đang hoạt động đã tạo ra những hồ nước có diện tích khoảng 3.632 ha mặt nước và hình thành nên 47 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau. Trong đó, có một số đảo có diện tích khá lớn thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái trên đảo.
Đi vào sâu bên trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng sẽ gặp các dòng suối Đắk N’teng, Đắk Plao… chảy qua, tạo thành những ngọn thác hết sức hấp dẫn, kỳ bí như: thác Đắk Plao, thác 7 tầng, thác mặt trời… Đơn cử như thác Digne Klan nằm ở xã Đắk Som, xung quanh thác có những tảng đá bằng phẳng, nhiều cây cổ thụ tán rộng rất thuận tiện cho khách du lịch có thể cắm trại, nghỉ mát qua đêm để tận hưởng không khí của núi rừng nơi đây.
Trên hành trình đến thác, du khách còn phải vượt qua những tảng đá lớn và nhiều cây cổ thụ thì mới chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của thác. Thác có độ cao hơn 3 m, với nguồn nước trong xanh, mát lạnh… chảy bất tận quanh năm. Đứng trên cao nhìn xuống những sườn dốc là bon làng của đồng bào các xã Đắk P’lao, Đắk R’măng, Đắk Som…nằm thấp thoáng trong mây.
Với tiềm năng về tự nhiên và văn hóa độc đáo như vậy nên Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng đã được tỉnh quy hoạch thành khu du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng, với những chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc như: vui chơi giải trí hồ – đảo; vui chơi giải trí cụm thác dưới tán rừng; du lịch thể thao mạo hiểm; dã ngoại nghiên cứu hệ sinh thái rừng nguyên sinh; du lịch tín ngưỡng…
Nỗ lực bảo tồn các giá trị thiên nhiên
Thời gian qua, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng đã có nhiều biện pháp bảo tồn các giá trị tự nhiên nơi đây. Bên cạnh việc đưa ra những kế hoạch cụ thể nhằm hạn chế tối đa các hoạt động có thể gây tác động xấu đến môi trường như: chặt phá rừng, săn bắn chim hay khai thác thủy sản quá mức…
Ngoài ra, Ban quản lý còn phối hợp với các nhà khoa học tiến hành khảo sát những địa điểm có sự đa dạng sinh học cao, những nơi có hệ sinh thái điển hình để khoanh vùng quản lý, bảo vệ với điều kiện riêng.
Theo ông Trần Quốc Trọng, Trạm phó Trạm kiểm lâm số 2 (Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng) thì do địa bàn rộng và hết sức phức tạp, chủ yếu là đồi núi cao, sông, suối và vực sâu… nên mỗi chuyến tuần tra, kiểm soát trong rừng sâu cũng thường mất cả nửa tháng.
Vì vậy, mỗi chuyến công tác, các cán bộ, nhân viên phải mang gạo, thực phẩm, mùng, mền, võng, các dụng cụ y tế… để ở lại trong rừng dài ngày. Chuyện bị muỗi, vắt, rết, côn trùng cắn diễn ra như cơm bữa, thậm chí, có khi còn bị lâm tặc tấn công hết sức nguy hiểm. Thế nhưng, hầu hết cán bộ, nhân viên trong trạm luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ông Lê Quang Dần, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng cũng cho biết: “Khu bảo tồn có diện tích rộng hàng chục ngàn ha, đồng thời tiếp giáp với 7 xã, 4 huyện của hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng. Theo quy định, mỗi kiểm lâm viên chỉ quản lý 500 ha rừng đặc dụng, nhưng ở đây phải quản lý gấp đôi. Thế nhưng, trong những năm qua, sự tác động từ bên ngoài đến Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng là rất ít. Để có được điều đó, lực lượng kiểm lâm không những thường xuyên tuần tra, kiểm soát mà còn tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên thiên nhiên của đất nước cho đồng bào ở các bon làng xung quanh”.
Tà Đùng (Đắk Nông) - Biển hồ trên núi
Hồ Tà Đùng, tỉnh Đắk Nông gần đây trở thành điểm du lịch sinh thái mới mẻ và hấp dẫn khách du lịch gần xa ví von là biển hồ trên núi, vì hồ nằm ở vùng cao nguyên giao thoa giữa 2 hệ sinh thái Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, đoạn cuối của dãy Trường Sơn về phía Nam.
Hồ Tà Đùng thuộc tại 2 xã Đắk P'lao và Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông (cách TP Gia Nghĩa thủ phủ của tỉnh Đắk Nông 48km), là hồ nước ngọt có diện tích khoảng 22.103ha vào mùa khô và có thể lên đến gần 50.000ha vào cuối mùa mưa. Trong quá trình xây dựng Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3, người ta đã chặn, ngăn dòng chảy của một nhánh sông Đồng Nai để tạo nên hồ Tà Đùng mênh mông, kỳ vĩ. Hồ có độ sâu trung bình trên 20m, trong lòng hồ rải rác hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ, cây cối xanh tốt, rậm rạp. Từ cảnh quan đó mà người ta còn ví von hồ Tà Đùng giống như một vịnh Hạ Long thu nhỏ trên cao nguyên. Du khách thường đến Tà Đùng vào khoảng từ tháng 11 năm trước đến tháng 1, tháng 2 năm sau. Vào cuối mùa mưa, nước hồ dâng cao, cây cối trên các đảo xanh mướt, khiến hồ Tà Đùng lúc này như một bức tranh thiên nhiên hoang sơ non nước hữu tình.
Buổi hừng đông ở Tà Đùng là thời khắc thiên nhiên đẹp nhất trong ngày. Du khách sẽ chứng kiến biển mây thiên hình vạn trạng bay vùn vụt, cũng có khi la đà trên những dãy núi, trên những hòn đảo. Mây có khắp nơi, trước sân, trong vườn, trên những lối đi, những luống cà phê, hoa dã quỳ... khiến du khách có cảm giác như lạc vào chốn thần tiên. Du khách thường bọc mình trong áo khoác dày vì buổi sớm ở Tà Đùng khá lạnh, ngồi nhâm nhi cà phê nóng, ngắm nhìn toàn cảnh khu vực hồ Tà Đùng từ trên cao và cảm thán cảnh quan kỳ vĩ đúng như lời ví von Tà Đùng là tiểu Hạ Long trên núi. Tại Khu Du lịch sinh thái Tà Đùng còn có thiết kế cây cầu kính dài chừng 50m để du khách dạo chơi. Ngoài ra còn có tổ chim ưng, đôi cánh thiên thần, nấc thang lên thiên đường, vườn hoa kiểng với nhiều loài hoa luôn rực rỡ giữa không gian cao nguyên trong lành: hồng nhung, dã quỳ, mimosa, lan, cẩm tú cầu...
Du khách đến hồ Tà Đùng nhất định sẽ đi du thuyền trên hồ. Trở ra quốc lộ 28, đi thêm chừng 10km về hướng Di Linh, qua cầu Đắk Blao một quãng ngắn, du khách sẽ đến bến du thuyền hồ Tà Đùng, mua vé (giá 100.000 đồng/vé) và lên tàu tham quan hồ. Thuyền máy chở chừng 20 khách lướt tốc độ vừa phải trên làn nước mênh mông, hai bên là những hòn đảo rậm rạp cây cối. Những hòn đảo này xưa kia là những quả đồi, nay chìm trong biển nước trở thành những đảo xanh. Trên thuyền, anh Hồ Bi, người dân tộc Mạ sẽ kể cho khách nghe về truyền thuyết núi Tà Đùng.
Chuyện kể rằng Bon (thôn) B'Nâm xa xưa là một vùng bình nguyên phì nhiêu, nhưng cứ mỗi mùa mưa bão cả làng thường bị nước lũ nhấn chìm, cuộc sống người dân vô cùng vất vả. Già làng Tang Klao Ca vì vậy đã ngày đêm băng rừng vượt suối đi mời hai anh em Thần Dít và Thần Dri đến giúp đỡ. Hai Thần nhận lời và đã tìm gặp Thần Cột Vồng (vị thần cai quản biển cả) để xin vài ngọn núi về đặt gần Bon B'Nâm nhằm cho dân có chỗ trú ẩn khi mưa bão, lũ lụt. Núi kéo về trước gọi là núi Cha, núi kéo sau là núi Mẹ... Được Thần giúp đỡ, bà con tổ chức lễ cúng tạ ơn và mời các Thần cai quản các ngọn núi chung vui. Bà con vui vẻ nhảy múa, đánh cồng chiêng bên bếp lửa đêm rừng, thế nhưng khi trời hửng sáng xuất hiện một cơn bão tuyết phủ trắng Bon B'Nâm, mọi lễ vật trong lễ cúng đều biến thành đá. Dân làng được thần Siêng Rút báo mộng cho biết, đó là do cơn thịnh nộ của thần Ba Trặ vì cho rằng dân làng cố tình quên mời ông trong lễ cúng tạ ơn. Vậy là dân làng tổ chức lễ cúng một lần nữa để tạ lỗi. Sau lễ tạ lỗi, khu vực núi Cha bỗng nhiên mọc lên rất nhiều cây mía to khổng lồ, mấy người ôm chưa giáp. Từ đó, dân gian gọi núi Cha là B'Nâm Tào Dung (có nghĩa là núi có cây mía to). Theo thời gian núi B'Nâm Tào Dung được gọi là núi Tà Đùng...
Trong hành trình khám phá Nam Tây Nguyên, đến với Đắk Nông, điểm đến hồ Tà Đùng đang được du khách yêu thích vì cảnh quan hùng vĩ, thiên nhiên còn giữ nét hoang sơ và vẫn lưu truyền những chuyện xưa tích cũ về vùng non nước hữu tình...
Sự tích núi Gà Rừng Nguời ta đặt tên núi Gà Rừng vì núi là ổ của gà rừng. Một dãy núi theo hướng Bắc - Nam. Nâm Nung, Nâm Jang rồi đến núi Gà Rừng. Núi Gà Rừng hiện thuộc xã Nâm N'Jang, huyện Đắk Song (Đắk Nông). Ngày xưa ở trên núi Gà Rừng này là nơi loại gà rừng làm ổ, đẻ trứng, là nơi...