Hấp dẫn bún nghệ xào xứ Huế
Vị thanh ngọt của nghệ, béo béo của lòng, cay cay, thơm thơm của rau răm đã tạo nên món bún nghệ mang đậm chất cố đô.
Tên gọi đầy đủ của món ăn là bún nghệ xào lòng heo. Vài năm trở lại đây, món ăn bình dị này đã được nhiều thực khách ưa chuộng.
Chỉ với những nguyên liệu đơn giản như nghệ, lòng heo, rau răm, bún khô… bàn tay khéo léo của người phụ nữ Huế đã tạo nên món bún nghệ ngon miệng và bổ dưỡng, làm phong phú thêm ẩm thực của vùng đất cố đô.
Chế biến món ăn này rất đơn giản, chỉ cần chọn các nguyên cho tươi ngon là được. Nguyên liệu quan trọng, làm nên hương vị và màu sắc cho món ăn là nghệ. Nghệ phải chọn củ có vỏ láng bóng, dùng tay cào nhẹ lên vỏ nghệ thấy có màu vàng đậm và không chảy nước là được. Nghệ sau khi mua về, gọt vỏ rồi xay hoặc giã hơi nát không quá to cũng không quá nhỏ.
Thành phần thứ hai là lòng heo, nếu không biết cách chọn thì sẽ bị đắng. Bạn phải lựa chọn loại lòng heo dày, bên trong có màu trắng, nếu là màu vàng thì sẽ dễ bị đắng và dai làm bún nghệ không ngon. Lòng heo mua về, dùng muối chà xát nhiều lần, rửa sạch với chanh hoặc giấm, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Thái thành từng miếng nhỏ vừa ăn.
Video đang HOT
Bún để xào nghệ là loại bún khô, sợi to, màu vàng. Bún khô đem luộc chín rồi xả lại bằng nước sạch, vớt ra, để ráo. Đặt chảo lên bếp, làm nóng dầu và phi thơm hành tỏi, tiếp đến cho lòng heo vào xào, khi vừa chín thì cho nghệ vào đảo đều, nêm lại gia vị cho vừa ăn, cho bún và rau răm vào đảo nhanh tay, tắt bếp. Ngoài ra, bạn cũng có thể xào riêng từng loại. Khi ăn, cho các nguyên liệu vào trong bát, trộn đều với nhau và thưởng thức.
Nghệ rất tốt cho sức khỏe, nhất là phổi. Trong thời tiết se lạnh của mùa đông, thưởng thức món bún nghệ xào lòng vừa đem lại cho bạn sự ngon miệng vừa giúp bạn tránh được các bệnh liên quan đến phổi trong mùa đông.
Nguyễn Thị Hoa
Theo VNE
Bánh ướt dân dã nhưng ngon miệng
Một chút ớt cay nồng cùng những lát hành phi thơm giòn làm tăng thêm hương vị cho món ăn.
Bánh ướt là món ăn bình dị của người dân miền Trung, từ đất cố đô Huế chạy vào đến thành phố biển Nha Trang xinh đẹp, ở đâu bạn cũng có thể dễ dàng thưởng thức món ăn dân dã nhưng ngon miệng này.
Bánh ướt là món ăn bình dị, dân dã của người miền Trung.
Cái tên bánh ướt đã nói lên đặc trưng của món ăn, đó là nó được dùng sau khi tráng (vẫn còn ướt) chứ không phơi khô hay trữ lâu ngày. Bánh ướt của người miền Trung có thành phần tương tự như bánh cuốn miền Bắc, chỉ khác là bánh cuốn có nhân, bánh ướt thì không nhân được ăn kèm với chả, nem chua...
Nguyên liệu chính làm bánh ướt là bột gạo pha chung với một ít bột lọc theo một tỉ lệ nhất định để khi tráng bánh mỏng nhưng không bị rách, bánh vừa mềm và hơi dai. Bột sau khi pha được tráng thành một lớp mỏng trên lớp màng vải mỏng được căng trên một nồi hơi. Quá trình hấp bột sẽ tạo thành một màng mỏng gọi là bánh, thời gian hấp từ 1 đến 2 phút tùy độ dày của bánh.
Khi thưởng thức bánh ướt thường có hai cách, một là cho nhân vào cuốn tròn lại ăn với nước chấm, hoặc cắt bánh thành từng khúc nhỏ và ăn chung với các nguyên liệu khác. Nguyên liệu ăn kèm bánh ướt rất phong phú và đa dạng, như: thịt nướng, thịt heo quay, lòng heo, tôm, nem... nhưng phổ biến và đơn giản hơn cả là ăn với chả lụa cùng một ít rau thơm, húng quế và giá và hành phi.
Chả giò...
... cùng chả lụa, nem, các loại rau... là nguyên liệu quen thuộc ăn kèm với bánh ướt.
Ngoài ra, nước chấm cũng là một thành phần rất quan trọng quyết định đến hương vị của bánh ướt. Nước chấm thường được làm hơi ngọt và có vị chua, tùy theo từng vùng mà nước chấm được pha theo nhiều cách khác nhau. Nước chấm của người miền Trung thường ít chua và đậm hơn, trong khi miền Nam nước chấm được pha rất loãng nhưng vị chua ngọt thì rất hài hòa.
Bánh ướt là món ăn dân dã, không cầu kỳ, chỉ là những chiếc bánh mỏng, thêm một ít nguyên liệu, dăm loại rau là bạn đã có một đĩa bánh ngon để thưởng thức. Vì đơn giản như vậy nên ngoài những hàng bán bánh ướt thì bạn có thể dễ dàng bắt gặp những gánh bánh ướt rong khắp các con hẻm nhỏ. Từ một món ăn bình dị của người miền Trung, bánh ướt theo chân những người xa quê vào phương Nam lập nghiệp, tạo nên một món ăn ngon miệng, phổ biến và được nhiều người yêu thích.
Huấn Phan
Theo ngôi sao
Bình dị cháo mực Sài Gòn Không phổ biến như cháo lòng, cháo gà... nhưng cháo mực vẫn được nhiều người ưa thích vì sự bình dị và ngon miệng. Đây là món ăn phổ biến của người dân vùng Đồng Tháp Mười ở miền Tây Nam Bộ. Có hai nguyên liệu chính dùng để chế biến cháo mực là mực tươi và khô. Nấu bằng mực tươi thì...