Hào hứng xem cái ác nhân danh tình yêu, gieo mầm ác?
Mấy ngày nghỉ lễ, đáng lẽ là những ngày vui vẻ, thế mà vào mạng sơ sơ đã thấy mấy vụ án kinh hoàng, hai mẹ con lột quần đánh ghen tình địch, một kẻ thất tình tưới xăng thiêu người con gái từ chối hắn. Toàn là những tội ác ghê rợn nhân danhtình yêu.
Có lẽ những hình ảnh gây sốc từ hai vụ án thương tâm này còn lưu giữ trong tâm trí nhiều người. Một người đàn bà, một thanh niên xúm vào lột quần áo và hành hung một phụ nữ khác, có người dùng điện thoại đứng quay clip. Một cô gái trẻ tràn đầy sức sống giờ nằm thoi thóp trên giường bệnh, băng trắng kín người, không biết còn cầm cự được bao lâu.
Trước những hình ảnh này, chúng ta thấy ghê rợn, vì những gì con người có thể nhân danh tình yêu đối xử với nhau có lẽ đã vượt xa sức tưởng tượng của nhiều người. Nó khiến chúng ta hoài nghi vào tương lai.
Trong đám đông đứng xem cuộc đánh ghen dã man như thời trung cổ, có khá nhiều người, nhưng không ai can gián quyết liệt, để đến nỗi người đàn bà nạn nhân bị lột trần truồng, bị đánh vào mặt, lại còn có người cầm điện thoại ghi hình.
Một cảnh trích từ clip đánh ghen.
Khoan hãy nói về nguyên nhân gây ra sự vụ này, nhưng nhìn thấy cảnh một người đàn bà bị ức hiếp và làm nhục như thế, cùng là con người, tại sao có thể hào hứng đứng xem như xem diễn trò trong rạp hát? Và người đàn bà dẫn theo đứa con trai để hợp sức đánh ghen với mình, có biết rằng đang cấy vào đầu óc đứa con những mầm mống độc ác nhất, vô nhân nhất? Người thanh niên này liệu có còn biết tôn trọng người phụ nữ sẽ gắn bó với anh ta trong suốt quãng đời sau này nữa không? Và liệu có cô gái dám đến với một người đàn ông như thế nữa không?
Đó là những câu hỏi luôn trăn trở trong tôi. Thế gian có câu “ngứa ghẻ hờn ghen” để giải thích cho những hành động ghen tuông mù quáng của con người. Trên các diễn đàn, các mạng xã hội, những người phụ nữ (chắc đã một lần nếm nỗi đau của sự bội phản) đưa ra những bình luận ủng hộ người đàn bà đánh ghen, rằng với những loại đàn bà trơ trẽn cướp chồng như vậy, phải như thế mới đáng.
Tôi đọc những bình luận đó và lấy làm buồn. Vì cái cảm giác muốn được sở hữu toàn vẹn một người đàn ông có thói “mèo mả gà đồng” mà một số chị em đã quên mất lòng tự trọng của mình, tìm cách để trút hận lên nhau. Sao không thể vì lòng tự trọng của mình mà chọn một cách khác để giải quyết hợp lý hơn, để khỏi phải lột truồng nhau ra giữa đường giữa chợ như một lũ người mông muội?
Video đang HOT
Giữa cái thảm cảnh này, người đàn ông- nhân vật chính của câu chuyện bao giờ cũng là người vắng mặt, chẳng có mặt để can ngăn vợ cũng như bênh vực “bồ” giống trong một bức tranh dân gian Đông Hồ. Chỉ toàn những người phụ nữ tự xử nhau, thế mới biết các đấng mày râu thích “ăn chả” vừa hèn nhát vừa khôn ranh biết bao nhiêu.
Tôi cảm thấy buồn nản vô cùng vì càng ngày, những clip đánh ghen kinh hoàng thế này càng nhiều hơn trên mạng. Nào là nữ sinh lột đồ bạn đánh ghen, rồi thì nhan nhản các mẹ của nữ sinh cũng lột đồ tình địch đánh ghen. Những người phụ nữ- giới tính được sinh ra để nhân hậu, để bao dung và thương xót đã không còn thương nổi nhau, thì hỏi rằng trên đời còn ai thương ai được nữa?
Chúng ta đang thiếu thốn quá nhiều kỹ năng để đối phó với những vấn đề trong cuộc sống, các bà mẹ dường như đã lơ là quá trong việc truyền tụ cho con cái mình một tấm lòng nhân hậu và trái tim biết yêu thương, đơn giản vì họ cũng đang không biết giải quyết vấn đề của mình như thế nào. Thế nên hơi có chuyện là các nữ sinh xúm vào đánh hội đồng bạn, và mẹ của các nữ sinh thì cũng hành xử man rợ với người đồng giới của mình.
Ở một xứ sở mà những người đàn bà đã quên mất thiên chức của giới tính mình, quên rằng mình sinh ra trên đời để làm cho thế giới này đẹp đẽ, nhân hậu và thuần dịu hơn thì quả là không còn chút hy vọng nào cho các thế hệ tương lai. Bởi những người đàn bà biết yêu và biết sống sẽ dạy bảo cho con cái mình, cả con gái và con trai, cách để nâng niu và trân trọng sự tự nguyện của tình yêu chứ không phải đề cao sự sở hữu. Và từ đó, sẽ tìm ra những cách giải quyết văn minh nhất cho bất cứ một xung đột nào.
Vì sao cái ác trong xã hội mỗi ngày một nhiều hơn? Ngoài những yếu tố ngoại cảnh tác động, ngoài sự xuống cấp của đạo đức xã hội thì còn vì xã hội vẫn có những người phụ nữ u mê trong bạo lực thế này. Những người phụ nữ đã không được thừa hưởng ở mẹ của họ một sự giáo dục đủ đầy, đã không được học hành tới nơi tới chốn sẽ rất dễ dàng đẩy con cái mình vào vòng luân hồi của cái ác.
Những người mẹ ưa bạo lực sẽ sinh ra những đứa con ưa bạo lực, những người mẹ sẵn sàng xuống tay làm việc ác sẽ sinh ra những đứa con làm việc ác mà không biết ghê tay.
Đó là lý do vì sao tôi buồn miên man khi nghĩ tới những clip lột đồ đánh ghen kinh sợ như thế này.
Theo vietbao
"Điện Biên Phủ trên không": Có người con gái bên mâm pháo
12 ngày, đêm lịch sử cuối năm 1972, họ là những cô gái bên mâm pháo cao xạ, góp phần làm nên huyền thại "Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không". 40 năm sau, họ đã thành bà nội, bà ngoại, nhưng ký ức một thời bi thương, hào hùng vẫn như ngày hôm qua.
Nằm sâu trong ngõ 281, ngách 751, hẻm 151, phố Trương Định, Hà Nội, là ngôi nhà của bà Phạm Thị Viễn, công nhân Nhà máy Cơ khí Mai Động. Nhìn người phụ nữ tóc đã pha sương đang chăm chút bón cho đứa cháu nội chưa tròn tuổi từng thìa ăn dặm, không quá khó để nhận những đường nét của cô gái trắng khăn tang trên mâm pháo cao xạ năm nào. Cô gái đó cũng là người đã lập chiến công bắn hạ máy bay siêu thanh F111 A của không quân Hoa Kỳ hồi 40 năm về trước.
Bà Phạm Thị Viễn - cô gái trắng khăn tang bên mâm pháo cao xạ năm xưa (Ảnh: Thể thao & Văn hóa)
Nghe nhắc đến những ngày cuối tháng chạp năm 1972, giọng bà chùng xuống, ký ức dội về những năm tháng đau thương nhất trong cuộc đời bà. Sinh năm 1951 trong một gia đình đã nghèo lại khá đông con, năm 1966, bà phải khai tăng tuổi để vào học nghề tại Nhà máy cơ khí Mai Ðộng. Sau đó, bà chính thức làm công nhân thợ nguội.
Đất nước đang chiến tranh, bà vừa phải tăng ca sản xuất vừa tham gia chiến đấu. Năm 1967, giặc Mỹ điên cuồng leo thang bắn phá miền Bắc. Trong một lần máy bay địch đánh phá, rải bom bi xuống khu vực Hoàng Mai, mẹ bà Viễn trúng bom. Bản thân bà Viễn cũng bị thương bởi vệt bom này. Biết tin mẹ mất, nhìn cảnh hoang tàn đổ nát của ngôi nhà, bà ôm cậu em trai 4 tuổi khóc. Đầu hai chị em trắng vành khăn tang. Năm đó, bà Phạm Thị Viễn 17 tuổi. "Ngay ngày hôm sau, nghe tin tự vệ Nhà máy được tập trung cao độ để tăng cường sức chiến đấu và phục vụ chiến đấu, tôi lập tức nộp đơn và được Ban chỉ huy chấp thuận, kết nạp vào đội tự vệ"- giọng bà Viễn thoáng nghẹn ngào.
Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, khi đế quốc Mỹ đem B52 rải thảm bom xuống Thủ đô với âm mưu tàn độc "đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá", bà Phạm Thị Viễn tham gia trực chiến trên trận địa cả ngày lẫn đêm. Hỏa lực của Trung đội súng máy cao xạ của Nhà máy Cơ khí Mai Động là hai khẩu 14,5mm với nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu phía Nam thành phố trước các máy bay chiến thuật của địch như: Nhà máy dệt 8/3, nhà máy Cơ khí Mai Động nhà máy dệt Minh Khai, nhà máy bánh kẹo Hải Châu và các trận địa pháo 37mm, 100mm của bộ đội khu vực Vĩnh Tuy, Mai Động, Vân Đồn... "Trong những ngày đó, tôi thường từ trận địa về nhà lấy gạo mang đi. Bố tôi thường cẩn thận dặn dò con, nào là việc ăn ở nơi tập thể khi xa gia đình đến việc qua lại trông nom nhà cửa mỗi lúc ông đi thăm các em..."- Bà Viễn nhớ lại.
Nói tới chiến công vào chiều 22/12, giọng bà Viễn trở nên sôi nổi hẳn, bà bảo: Đó là chiến công của cả tập thể. Ðêm hôm trước, khu tập thể Tổ rập của Nhà máy bị bom đánh trúng. Anh em trong đơn vị vừa khẩn trương cứu người bị thương, vừa đưa người chết đi mai táng gần trận địa. Ai cũng căm hờn lũ "giặc trời". Ý chí quyết tâm chiến đấu đánh trả lũ "con ma", "thần sấm", "cánh cụp cánh xòe", đánh trả B52 sôi sục trong con tim, khối óc những nữ tự vệ tuổi mới trên dưới đôi mươi.
Khoảng 14h ngày 22/12, đất trời Hà Nội chìm trong khói lửa. Bom đạn nổ inh tai nhức óc. Trận địa pháo ở Vân Đồn gồm hai khẩu pháo cao xạ của Nhà máy cơ khí Lương Yên, một khẩu của Nhà máy Gỗ và hai khẩu của Nhà máy cơ khí Mai Ðộng, vẫn trụ vững vàng. Chỉ huy liên đội tự vệ này là trung úy Hoàng Minh Giám, một sĩ quan trẻ vừa được Quân khu Thủ đô điều ra hỗ trợ.
Những người con gái làm nên bản anh hùng ca "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (Ảnh tư liệu)
"Khoảng 20 giờ 30 phút, mặc bom đạn gào rít chung quanh, anh chị em chúng tôi căng mắt đón chờ máy bay tầm thấp. Trong những luồng chớp lửa, chúng tôi nhìn nhau, gương mặt ai cũng hốc hác, đôi mắt rực lửa. Lúc này, một tốp F111 A xuất hiện. Chúng bay thấp, dọc sông Hồng. Anh Hoàng Minh Giám kiên nhẫn đợi rồi hạ lệnh: &'Một điểm xạ ngắn, bắn!'. Năm khẩu pháo đồng loạt khạc lửa. Tôi ở vị trí pháo thủ số 1 nhìn thấy rất rõ chiếc máy bay trúng đạn, phần đuôi của nó lóe sáng. Chừng 30 phút sau, một chiếc xe quân sự của quận Hai Bà Trưng chạy vào báo tin: Các chị vừa bắn phải không. Một máy bay F111A trúng đạn rơi rồi nhé. Nghe thế, tôi cùng các anh chị em trong khẩu đội ôm nhau hò reo, vui mừng khôn xiết"- bà Viễn bồi hồi nhớ lại.
Mấy ngày sau, bom Mỹ tiếp tục dội xuống. Trận địa pháo cao xạ của bà Viễn không một phút thảnh thơi. Các nữ pháo thủ thay phiên nhau trên mâm pháo. Ngày 26 tháng 12, Hà Nội bị đánh phá ác liệt. Còi báo động chốc chốc lại rú lên từng hồi. Khói lửa loang trời. Bom B52 rải thảm xuống các khu dân cư như phố Khâm Thiên, Yên Viên, Gia Lâm... Rạng sáng hôm sau, bà Viễn đang trực chiến thì hai người em gái bà chạy đến trận địa mang theo một tin dữ: "Bố bị bom thả chết rồi!". Bà Viễn như ngất đi. Ba chị em ôm nhau khóc.
"Chúng tôi không sao tìm được thi thể bố. Căn hầm nơi ông thường ẩn nấp, lúc đó chỉ là một hố bom sâu hoắm. Mãi ba ngày sau, mới tìm thấy bố nhưng chỉ còn một phần thân thể rách nát. Tôi chỉ nhận ra ông qua vạt áo bông đẫm máu. Đó là lần thứ hai trong vòng năm năm tôi phải để tang cả cha lẫn mẹ vì bom đạn quân thù"- bà Viễn nghẹn ngào kể lại.
Sau đó mấy ngày, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng nhà thơ Tố Hữu đến thăm trận địa pháo của Nhà máy Cơ khí Mai Động. Nhìn thấy cô pháo thủ trẻ đầu trắng khăn tang đang ngồi bên mâm pháo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà thơ Tố Hữu liền hỏi thăm hoàn cảnh. Câu chuyện của bà Viễn khiến nhà thơ Tố Hữu hết sức xúc động. Ông ân cần thăm hỏi, động viên bà hồi lâu. Một thời gian ngắn sau đó, có người mang tặng bà bài thơ "Việt Nam máu và hoa" của nhà thơ Tố Hữu. Bài thơ ấy có bốn câu mà bà nhớ mãi:
"...Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu
Hỡi em gái mất cha mất mẹ
Nước mắt em làm nhòa mặt quân thù
Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ..."
Sau chiến dịch "Ðiện Biên Phủ trên không", bà Phạm Thị Viễn vẫn cùng trung đội tự vệ vừa sản xuất, vừa trực chiến. Năm 1979, Nhà máy được trang bị thêm một đại đội pháo 37mm, với cương vị đại đội phó, bà gắn bó với trận địa mãi đến năm 1989 mới trở lại nhà máy làm việc. "Năm 1991, do hoàn cảnh gia đình, tôi xin về hưu với mức lương khiêm tốn. Cũng vất vả bươn chải đủ nghề để nuôi dạy đàn con khôn lớn trưởng thành. Còn bản thân tôi, được tín nhiệm bầu làm tổ phó tổ dân phố 49 - khu dân cư 10 (phường Tương Mai)"- bà Viễn nói.
Theo Dantri
Nghị quyết T.Ư 4 liên quan đến sự tồn vong của Đảng Ngày 1.12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội (QH) đơn vị bầu cử số 1 của Hà Nội đã có buổi tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4 QH khóa 13. "Thẻ vàng", "thẻ đỏ" trong giám sát Nghị quyết T.Ư 4 ra đời không...