Háo hức nhận S-400, Trung Quốc chuyển tiền đặt cọc sớm cho Nga
Vào hôm 11.3, giám đốc tập đoàn công nghệ quốc gia Nga Rostec, ông Sergei Chemezov cho biết, mặc dù chưa hoàn thành xong hợp đồng nhưng Trung Quốc đã chuyển tiền đặt cọc thoả thuận tên lửa phòng không S-400 cho Nga.
“Chúng tôi vẫn phải giải quyết nhiều vấn đề về giấy tờ nhưng Trung Quốc đã gửi cho Nga một khoản tiền đặt cọc. Tôi tin rằng, 2 nước có thể hoàn thành toàn bộ thủ tục vào cuối năm nay”, ông Chemezov cho hay và tiết lộ rằng, việc bàn giao các hệ thống phòng không này cho Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu từ quý 1 năm 2017.
Thoả thuận mua bán các hệ thống tên lửa phòng không S-400 được tuyên bố từ đầu năm 2015. Tuy Moscow và Bắc Kinh không tiết lộ chi tiết thỏa thuận này nhưng theo nguồn tin truyền thông, quân đội Trung Quốc đã đặt mua 6 tổ hợp S-400, mỗi tổ hợp gồm 8 bệ phóng và một số lượng đạn không xác định. Hợp đồng đã ký có trị giá tới hơn 3 tỷ USD.
Tổ hợp tên lửa phòng không S-400
S-400 là hệ thống tên lửa đánh chặn hiện đại nhất của Nga, có khả năng tiêu diệt các mục tiêu ở tốc độ bay 4,8 km/s. S-400 được nâng cấp từ dòng S-300 Growler và có bán kính đánh chặn tối đa 400km.
Nó là một tổ hợp bao gồm các hệ thống radar, ống phóng tên lửa và đồn chỉ huy. Mỗi hệ thống S-400 có thể đồng thời tấn công 36 mục tiêu, với 72 tên lửa sẵn sàng phóng ngay lập tức.
S-400 sử dụng được nhiều loại đạn với tầm bắn và mức độ huỷ diệt khác nhau bao gồm tên lửa tầm trung 9M96E2 có tầm bắn từ 40 đến 120km và tầm cao tối đa 30km; tên lửa tầm xa 48N6E3/48N6E2, tầm bắn 200km; tên lửa tầm xa 48N6DM, tầm bắn 250km; và tên lửa tầm cực xa 40N6 với tầm bắn 400km. Các tên lửa này đều sử dụng đầu đạn định vị radar chủ động hoặc bán chủ động.
Video đang HOT
S-400 đã được đưa vào biên chế quân đội Nga từ năm 2007 và tính đến cuối năm 2016, sẽ tổng cộng 16 trung đoàn hoạt động trên lãnh thổ nước này. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ là nước đầu tiên mua được S-400.
Theo Danviet
Trung Quốc chuyển tiền mua S-400: Toan tính mới trên biển?
Trung Quốc đã chuyển cho Nga khoản tiền ứng trước để điện Kremlin cung cấp các hệ thống tên lửa phòng thủ tầm xa S-400.
Trung Quốc chuyển tiền cho Nga mua S-400
Ngày 11/3, ông Sergey Chemezov - người đứng đầu tập đoàn Nhà nước Rostec cho biết, Trung Quốc đã chuyển cho Nga khoản tiền ứng trước để cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 "Triumph", theo hợp đồng đã ký kết năm 2015.
Ông Chemezov cho biết thêm, dù đã nhận được khoản tiền ứng trước, nhưng Nga và Trung Quốc vẫn còn chưa hoàn thành rất nhiều thủ tục chính thức của hợp đồng.
Hiện nay 2 bên đang nỗ lực làm việc để hoàn tất những điều khoản thương lượng cuối cùng trước cuối năm 2016, để bắt đầu việc giao hàng trong quý I năm 2017, theo đề xuất của phía Trung Quốc.
Trước đó, vào tháng 10 năm ngoái, Tổng Giám đốc Rosoboronexport Anatoly Isaikin bất ngờ đưa ra lời cam kết sẽ thực hiện chuyển giao 6 tiểu đoàn S-400 cho Trung Quốc đúng như hợp đồng ký kết.
"Rosoboronexport - cơ quan quản lý xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga sẽ cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Trung Quốc mà không có sự chậm trễ nào. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng chúng tôi sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong khoảng thời gian được qui định bởi hợp đồng", ông Anatoly Isaikin tuyên bố.
Hợp đồng chính thức bán S-400 đã được Moskva và Bắc Kinh ký kết vào tháng 4/2015, sau khi xuất hiện thông tin Trung Quốc đã dạm mua ngay từ năm 2012 và chính thức đề xuất đàm phán hồi đầu năm 2014.
Trung Quốc đã chuyển cho Nga khoản tiền ứng trước để điện Kremlin cung cấp các hệ thống tên lửa phòng thủ tầm xa S-400.
Tuy Công ty Rosoboronexport của Nga không tiết lộ khối lượng, thời hạn và trị giá giao dịch này nhưng theo nguồn tin riêng, quân đội Trung Quốc đã đặt mua 6 tổ hợp S-400, mỗi tổ hợp gồm 8 bệ phóng và một số lượng đạn không xác định. Hợp đồng đã ký có trị giá tới hơn 3 tỷ USD.
Sau khi hợp đồng được ký kết, ông Anatoly Isaykin, giám đốc điều hành công ty xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport, khẳng định chắc chắn rằng, dù nhiều quốc gia" muốn mua S-400, nhưng Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên được Nga chấp thuận bán hệ thống phòng không siêu tiên tiến này.
Trước đó, Trung Quốc cũng đã từng mua hệ thống S-300 của Nga và kể từ tháng 8/2008, Trung Quốc đã có 40 hệ thống S-300 và 60 hệ thống HQ 15/18s, một hệ thống tương đương với S-300 do Trung Quốc tự chế.
Toan tính trên biển Đông?
Việc Trung Quốc quyết định chuyển cho Nga khoản tiền ứng trước để điện Kremlin cung cấp các hệ thống tên lửa phòng thủ tầm xa S-400được đưa ra khi tình hình Biển Đông và Hoa Đông đang nóng do những hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc tại hai vùng biển này.
Theo phân tích của truyền thông nước ngoài, mối nguy hiểm với các nước láng giềng khi Trung Quốc sở hữu hệ thống S-400 là khá rõ.
Chuyên gia quân sự Nga Igor Korotchenko nhận định: "Có 2 cách Trung Quốc sử dụng hệ thống S-400. Họ có thể sử dụng S-400 để bảo vệ khu vực đầu não là thủ đô Bắc Kinh và các vùng biển của họ. Bằng việc mua S-400 của Nga, Trung Quốc đang cho thấy họ đầu tư mạnh vào an ninh quốc phòng".
Theo ông Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Hòa Bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), hệ thống S-400 có tầm bắn xa hơn đáng kể so với hệ thống S-300 nên Bắc Kinh có thể sử dụng hệ thống này để bảo vệ không phận Đài Loan, khu vực vùng biển phía Đông của nước này và Biển Đông.
Ông Vassily Kashin, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ có trụ sở tại Moscow cho biết, hệ thống S-400 của Nga có tầm bắn lên đến 400km. Điều này có nghĩa là Trung Quốc cũng có thể sử dụng hệ thống này để bắn hạ các mục tiêu trên biển Hoa Đông.
"Ngay cả khi được đặt trong đất liền, hệ thống tên lửa này hoàn toàn có thể bắn hạ các mục tiêu trong khu vực đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku", ông Kashin khẳng định.
Rõ ràng với âm mưu bành trướng và quốc tế hóa biển Đông, việc đẩy nhanh tiến độ chuyển giao hệ thống S-400 có thể giúp Trung Quốc đối phó với những mối đe dọa đến từ Mỹ hay khối liên minh giữa Washington và các nước trong khu vực ASEAN.
Theo Lương Sơn (Tổng hợp)
Đất Việt
Những hình ảnh "chụp trộm" về đất nước bí ẩn nhất thế giới Một nhiếp ảnh gia người Anh đã bí mật đưa ra khỏi Triều Tiên những bức ảnh "chụp trộm" trong chuyến thăm Triều Tiên. Đây là một trong những bộ ảnh hiếm hoi phản ánh cuộc sống đời thường tại đất nước bí ẩn nhất thế giới, khác xa những hình ảnh tuyên truyền mà truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố....