Háo hức chờ tuyến buýt đường sông đầu tiên ở Sài Gòn ra mắt
Công tác chuẩn bị cho việc đưa vào khai thác tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thuỷ ( buýt đường sông) vào tháng 6 tới, đang được các ngành liên quan khẩn trương thực hiện.
Thông tin TPHCM sắp đưa vào hoạt động 2 tuyến buýt đường sông (Bình Quới – Bạch Đằng và Bạch Đằng – Lò Gốm) đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân. Đây được xem là phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng đường thuỷ đầu tiên ở TPHCM.
Mẫu tàu lựa chọn cho tuyến Vận tải hành khách công cộng bằng đường thuỷ (buýt đường sông). Tàu có sức chứa 80 hành khách, được trang bị máy điều hoà, trang thiết bị cứu hộ- cứu nạn
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý Giao thông đường thuỷ (GTĐT) – Sở GTVT TPHCM) cho biết: UBND TPHCM đã phê duyệt dự án đầu tư hai tuyến buýt đường sông đầu tiên của thành phố. Hai tuyến buýt đường sông này có tổng chiều dài hơn 21 km, chạy từ quận Thủ Đức đến quận 8.
“Hai tuyến buýt đường sông này (theo hai chiều xuôi ngược) sẽ được thực hiện trên các tuyến sông Sài Gòn, kênh Thanh Đa, rạch Bến Nghé và kênh Tàu Hủ. Cụ thể, tuyến Bình Quới – Bạch Đằng (tuyến số 1) bắt đầu từ bến đò Bình Quới (phường Linh Đông, quận Thủ Đức, cách giao lộ Phạm Văn Đồng – Kha Vạn Cân chưa đầy 1 km) theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa (phía phường 28, quận Bình Thạnh) và đổ ra sông Sài Gòn để dừng ở khu vực bến Bạch Đằng (đang được chỉnh trang).
Tuyến nối tiếp là Bạch Đằng – Lò Gốm (tuyến số 2) bắt đầu từ bến Bạch Đằng, theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé – kênh Tàu Hủ đến khu vực bến Lò Gốm (phường 7, quận 7)”, ông Bằng thông tin chi tiết.
Trưởng phòng GTĐT khẳng định: Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị như bàn giao mặt bằng các vị trí bến bãi, phương tiện vận chuyển hành khách (tàu buýt)… đều đang được khẩn trương thực hiện và chắc chắn, tháng 6/2017 sẽ chính thức đưa vào hoạt động tuyến số 1 vào hoạt động.
Theo ông Bằng, tuyến số 1 sẽ có 9 bến, 10 tàu điện (mỗi tàu có giá gần 3,8 tỷ đồng), được trang bị máy điều hoà, trang thiết bị cứu hộ- cứu nạn với sức chứa khoảng 80 hành khách/tàu và giá vé 15 nghìn đồng/người/lượt. Thời gian di chuyển của tàu (với khoảng cách từ bến đầu ở phường Linh Đông, quận Thủ Đức đến bến cuối Bạch Đằng (đường Tôn Đức Thắng, quận 1, khoảng 11km) là 30 phút, chỉ bằng 2/3 thời gian của xe buýt đường bộ trên cùng một tuyến.
Trước thông tin sẽ có tuyến buýt đường sông đầu tiên ở TPHCM, nhiều người dân tỏ ra vô cùng phấn khởi và nóng lòng chờ đợi loại hình phương tiện vận tải hành khách công cộng “mới toanh” này đi vào hoạt động. “Là sinh viên trường Đại học ở Thủ Đức, hàng ngày đi lại bằng xe buýt ra vào trung tâm Sài Gòn, tôi và rất nhiều người rất sợ tình trạng kẹt xe ở các tuyến cửa ngõ. Sắp tới sẽ có buýt đường sông, tôi và bạn bè đang háo hức chờ đợi. Tuy nhiên tôi mong muốn ngành giao thông có kế hoạch giảm giá cho các đối tượng là sinh viên, người già…để khuyến khích mọi người sử dụng phương tiện này”, anh Quốc Bảo, một sinh viên chia sẻ.
Bến Bạch Đằng (đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1), bến cuối thuộc tuyến buýt đường sông số 1 (Bình Quới, Thủ Đức – Bạch Đằng, quận 1).
9 bến đón trả khách của tuyến buýt đường sông Bình Quới – Bạch Đằng (tuyến số 1):
Video đang HOT
1- Bến Bình Quới, phường Linh Đông, quận Thủ Đức (Km12 500).
2- Bến Hiệp Bình Chánh, phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức (Km10 770).
3- Khu bến trung tâm rộng khoảng 3 ha phường Hiệp Bình Chánh (Km08 750)
4- Bến Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh (Km08 940).
5- Bến Tầm Vu, phường 26, quận Bình Thạnh (Km07 820).
6- Bến Thảo Điền, phường Thảo Điền, quận 2 (KM05 660).
7-Bến Bình An, phường Bình An, quận 2 (Km03 604).
8- Bến Sài Gòn Pearl, phường 22, quận Bình Thạnh (Km02 326).
9- Bến Bạch Đằng, phường Bến Nghé, quận 1 (Km00 000).
Theo Đăng Lê (Dân trí)
Ngôi miếu hơn 300 năm giữa sông ở Sài Gòn
Miếu Phù Châu nằm giữa một nhánh của sông Sài Gòn (TP HCM) có tuổi đời 3 thế kỷ được nhiều người tìm đến bởi sự linh thiêng.
Miếu Phù Châu trên sông Vàm Thuật (phường 5, quận Gò Vấp, TP HCM) là một trong những công trình tín ngưỡng độc đáo ở Việt Nam. Miếu được xây gần như bao trùm trên một cồn đất nhỏ có diện tích khoảng 2.500 m2 nổi giữa sông Vàm Thuật, một nhánh sông Sài Gòn.
Để sang được miếu, khách phải đi đò với giá 10.000 đồng một chuyến. Do địa thế đặc biệt giữa lòng sông nên miếu thường được người dân gọi là Miếu Nổi.
Vẫn không rõ thời gian cụ thể xây dựng, ước chừng thời gian dựng miếu vào đầu thế kỷ 19. Tương truyền, một người đàn ông chài lưới trên đoạn sông này đã lưới phải xác một phụ nữ. Ông đã đem chôn lên cù lao rồi lập một miếu nhỏ để thờ oan hồn. Từ đó cuộc sống của ông khấm khá hơn.
Những người dân, chủ ghe thuyền sau đó tới đây cầu phúc nhiều. Dần dà, họ dựng lên một ngôi miếu khang trang thờ Ngũ Hành, Long Mẫu. Trước năm 1975, đây là điểm hành hương nổi tiếng của người dân Sài Gòn nhưng sau đó gần như bị bỏ hoang. Đến năm 1989, một người Hoa tên Lục Câu bỏ tiền sửa sang, khôi phục lại miếu.
Sau nhiều lần trùng tu Phù Châu miếu đã trở nên khang trang và lối kiến trúc đặc sắc pha lẫn nét văn hóa Việt - Hoa. Chính điện của Phù Châu miếu được thiết kế cầu kỳ và đẹp mắt.
Chính giữa gian tiền điện thờ Phật Di Lặc, hai bên thờ Phật Tổ Như Lai và Địa Mẫu.
Không chỉ có địa thế độc đáo mà hình ảnh hơn 100 con rồng lớn nhỏ được đặt khắp nơi cũng là điểm đặc biệt của Miếu Nổi. Ngay lối vào miếu và chánh điện là những con rồng to lớn đang chầu.
Những con rồng được chạm trổ, vẽ... ở nhiều vị trí trong miếu với nhiều tư thế khác nhau. Phổ biến nhất là hình ảnh lưỡng long tranh châu ở phần mái của ngôi miếu.
Những con rồng được chạm trổ tinh xảo, uốn lượn ôm lấy thân cột. Các gian thờ bên trong, trái, phải đều có khắc rất nhiều đôi rồng sinh động, đẹp mắt.
Toàn bộ các con rồng, cột, tường, mái... của miếu được cẩn sứ tỉ mỉ.
Phần mái của miếu cũng chạm trổ tinh xảo với hàng trăm nghìn mảnh sứ tạo thành hình ảnh rồng, chim, mây núi...
Dù địa thế khó đi nhưng Miếu Nổi thu hút khách từ khắp nơi đến du lịch thưởng ngoạn, thắp hương cầu an, nhất là các ngày rẳm, dịp lễ Tết...
"Hồi bé tôi vẫn hay theo mẹ đi Miếu Nổi. Bây giờ, mỗi năm tôi cũng đi đến đây vài lần thắp nhang, phóng sinh để cầu an. Ngôi miếu này được nhiều người truyền là rất linh thiêng", bà Lê Thị Thanh Tú (52 tuổi, quận Gò Vấp) nói.
Năm 2010, Phù Châu Miếu được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố.
Quỳnh Trần
Theo VNE
Cống bung nắp, hàng nghìn gốc mai Thủ Đức bị nhấn chìm Người dân phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức (TP HCM) "đứng ngồi không yên" vì hàng nghìn gốc mai và hoa màu đang bị ngập dù không mưa hay triều cường. Ông Vân bên gốc mai chìm trong nước. Ảnh: Thành Nguyễn. Ngày 26/2, ông Trương Hoàng Vân, người dân khu phố 5 phường Hiệp Bình Phước cho biết, chiều qua ông...