Hanjin đã bị “chơi xỏ” khi phá sản, nhưng kẻ chủ mưu cũng chẳng khá hơn bao nhiêu
Một số chuyên gia nhận định hài hước rằng những con quái thú khổng lồ trên biển mà Maersk tạo ra như Triple E hoạt động “quá tốt”, chúng không chỉ nghiền nát những đối thủ yếu hơn như Hanjin mà còn sắp đánh chìm cả chính Maersk Line
Vụ tập đoàn vận tải biển lớn thứ 7 thế giới Hanjin phá sản được nhiều chuyên gia nhận định là do Ngân hàng phát triển Hàn Quốc (KDB), chủ nợ lớn nhất của công ty, ngừng cho vay thêm. Tuy nhiên, sự thật là ngành công nghiệp tàu biển của Hàn Quốc đã gặp khó khăn rất nhiều trong những năm gần đây do thương mại giảm sút.
Đặc biệt hơn, rất có thể việc Hanjin phá sản là do tác động cố ý của những ông lớn trong ngành như Maersk Line nhằm kiếm thêm thị phần.
Ngành vận tải biển đang dư thừa 30% công suất
Việc Hanjin phá sản cho thấy rõ ràng rằng thế giới không cần những con tàu chở hàng khổng lồ, thậm chí với tình trạng suy giảm thương mại trên toàn cầu hiện nay thì người tiêu dùng còn cần ít tàu chở hàng hơn trước.
Rất nhiều công ty đã bị sốc trước thông tin Hanjin phá sản và nhiều bến cảng không chấp nhận cho tàu chở hàng của hãng được neo đậu hay dỡ hàng. Nhiều doanh nghiệp đang phải đứng ngồi không yên khi kỳ mua sắm cuối năm đến gần và họ có thể thua lỗ lớn nếu chậm giao hàng.
Dẫu vậy, vụ việc của Hanjin đã đánh lên hồi chuông cảnh tỉnh một lần nữa về sự suy thoái của ngành hàng hải kể từ sau vụ phá sản của United States Lines vào năm 1986.
Ngành hàng hải hay những ngành công nghiệp mang tính chu kỳ khác như khai khoáng thường mắc những sai lầm tương tự. Họ đầu tư mạnh khi thị trường gần lên mức đỉnh của chu kỳ nhằm cố gắng đánh bại đối thủ cạnh tranh.
Sau đó, sự suy thoái của toàn ngành đến trước đà cung ngày một tăng khiến giá cả đi xuống và hậu quả là những kẻ yếu hơn phải rời bỏ cuộc chơi. Trong trường hợp trên, Hanjin rõ ràng là kẻ yếu hơn.
Ngành vận tải biển chưa bao giờ trải qua những cuộc khủng hoảng nặng nề và kéo dài quá mức như hiện nay. Kể từ năm 1956, ngành công nghiệp này chưa bao giờ ngừng tăng trưởng cho đến cuộc khủng hoảng hiện nay.
Công nghệ kỹ thuật phát triển, thương mại bùng nổ, kinh tế tăng trưởng… nhiều yếu tố đã thúc đẩy đà phát triển của ngành vận tải biển trong nhiều năm. Cũng có những lúc ngành vận tải biển gặp khó khăn, nhưng chỉ kéo dài trong khoảng 1-2 năm và chính phủ cũng như các chủ nợ luôn đứng sau hỗ trợ ngành này. Hệ quả là những công ty hoạt động yếu kém vẫn có thể tồn tại cho đến ngày nay.
Có lẽ, chính những khối tài sản khổng lồ là các con tàu vận tải cũng như “bộ mặt” của một quốc gia khiến chính phủ và các ngân hàng sẵn sàng cho các doanh nghiệp này vay tiền mà không nhìn nhận được thực tế của thị trường.
Ngoài yếu tố suy giảm thương mại giao dịch hàng hóa, việc toàn cầu hóa bị chững lại trước làn sóng bài Trung Quốc, khủng bố, Brexit hay những căng thẳng chính trị giữa Nga và Mỹ, tình hình biến động tại Biển Đông… khiến hoạt động giao thương cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Thậm chí, việc các ứng cử viên Tổng thống Mỹ như Hillary Clinton và Donald Trump đều phản đối các hiệp định thương mại tự do gây bất lợi cho một số tầng lớp ở nước này cũng gây nên những lo ngại cho ngành vận tải biển.
Tuy nhiên, có lẽ yếu tố khiến ngành vận tải biển bị ảnh hưởng nhiều nhất là sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các công ty về kích cỡ tàu. Trong 20 năm qua, kích cỡ bình quân của các tàu chở hàng đã tăng 90% và tổng khối lượng chuyên chở khả dụng của tất cả các đội tàu trên thế giới năm 2015 đã cao gấp 4 lần so với năm 2000.
Nghiên cứu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD cho thấy ngành đóng tàu đã bùng nổ mạnh mẽ kể từ năm 2007 nhưng điều này hoàn toàn không dựa trên tình hình thực tế của nhu cầu vận chuyển mà chỉ đơn thuần nhờ vào các đơn hàng của công ty vận tải.
Ví dụ như chiếc tàu siêu lớn Triple E của hãng vận tải biển lớn nhất thế giới Maersk cho ra mắt vào năm 2013. Chiếc tàu này có gia 190 triệu USD và có thể mang theo 18.000 container hàng hóa cỡ 20ft. Tuy nhiên, hãng Maersk còn có tham vọng đóng những chiếc tàu chở hàng to hơn mà không tính đến năng suất và hiệu quả thực sự của những con tàu này.
Chi phí mua lớn, giá cả bảo trì lớn, tốn tiền nhiên liệu, neo đậu, dỡ hàng, bảo hiểm….hàng loạt những vấn đề phát sinh nhưng các công ty vận tải duy trì quan điểm rằng họ sẽ thu hồi lại được vốn.
Bên cạnh việc tiếp tục đóng những con tàu khổng lồ, số lượng các tàu vận tải biển đi vào hoạt động cũng ngày một nhiều hơn. Thông thường, các tàu chở hàng có thời gian biểu hoạt động rõ ràng và mỗi đợt nhận hàng cách nhau khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, hãng Maersk bất ngờ ra mắt dịch vụ nhận đơn hàng hàng ngày (Daily Maersk) cho các chuyến đi từ Trung Quốc đến Bắc Âu vào năm 2011 nhờ ưu thế có đội tàu đông đảo.
Trớ trêu thay, Maersk đã phải giảm hoạt động của dịch vụ này vào năm 2015 do nhu cầu không cao.
Sau cuộc khủng hoảng năm 2008, các hãng vận tải biển có một vài năm kinh doanh có lợi nhuận. Hệ quả là họ tăng cường vay nợ để mua thêm tàu, khiến lượng cung ngày một thừa. Đến hiện tại, khi thương mại giảm sút và nhiếu yếu tố khiến cầu vận tải biển đi xuống, nguồn cung trong ngành đã vượt 30% so với thức tế.
Theo lý thuyết, hãng Maersk và những ông lớn khác trong ngành vận tải biển như Mediterranean Shipping hay CMA CGM sẽ được hưởng lợi từ vụ Hanjin phá sản. Nếu những công ty có nguồn lực yếu kém hơn rời cuộc chơi, nguồn cung trên thị trường sẽ giảm và khiến các ông lớn còn lại chiếm thêm thị phần.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chính việc Maersk đóng những con tàu khổng lồ khiến tình trạng thừa cung tăng trong ngành vận tải biển đã đẩy những công ty yếu hơn như Hanjin vào tình trạng phá sản.
Video đang HOT
Dẫu vậy, có lẽ nước đi này của Maersk là một bước cờ sai khi công ty đang làm ăn bết bát từ đầu năm đến nay. Thậm chí tổng công ty mẹ, hãng AP Moller Maersk đã phải cách chức Tổng giám đốc của Maersk Line vào tháng 6/2016.
Ông Soren Skou, CEO mới của Maersk Line đang lên kế hoạch tái cấu trúc lại doanh nghiệp.
Một số chuyên gia nhận định hài hước rằng những con quái thú khổng lồ trên biển mà Maersk tạo ra như Triple E hoạt động “quá tốt”, chúng không chỉ nghiền nát những đối thủ yếu hơn như Hanjin mà còn sắp đánh chìm cả chính Maersk Line.
Niềm tự hào Hàn Quốc sụp đổ
Hàn Quốc là 1 trong 3 quốc gia có ngành công nghiệp đóng tàu phát triển nhất thế giới và là một trong những niềm tự hào của nước này. Tuy nhiên, sự suy giảm nhu cầu đang khiến mảng công nghiệp này điêu đứng.
Những hãng đóng tàu lớn như Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering, Huyndai Heavy Industries, Samsung Heavy Industries đã cai trị ngành đóng tàu Hàn Quốc trong nhiều thập niên, nhưng giờ đây những ông lớn này đang phải lao đao vì suy thoái, nợ nần và lượng đơn đặt hàng ngày một ít.
Ngành đóng tàu cũng như vận tải biển đóng vai trò khá quan trọng trong nền kinh tế Hàn Quốc và đây là lý do các ngân hàng quốc doanh như KDB bơm hàng tỷ USD tín dụng cho các ông lớn trong ngành. Tuy nhiên, động thái này chỉ khiến nợ của các công ty ngày càng phình to hơn.
Hiện ngành đóng tàu Hàn Quốc đang gặp phải cạnh tranh ác liệt từ đối thủ Trung Quốc với những con tàu giá rẻ. Cả 3 ông lớn trong ngành này đã lỗ ròng 4,9 tỷ USD năm 2015 sau khi đã lỗ 2,5 tỷ USD năm 2014.
Trong khi các hãng đóng tàu Trung Quốc đã chiếm gần 50% số đơn đặt hàng mới thì Hàn Quốc chỉ chiếm 7,4% còn Nhật bản là 5,7%.
Tháng 6/2016, chính quyền Seoul đã phải bơm 9,5 tỷ USD dưới dạng vay ưu đãi cho 3 tập đoàn lớn, trong khi các công ty này cũng phải bán 7,3 tỷ USD tài sản để có tiền kinh doanh.
Chính phủ Hàn Quốc cũng dự báo ngành đóng tàu nước này sẽ giảm 30% công suất và 30% lực lượng lao động vào năm 2018.
Thay đổi giá cổ phiếu của 3 ông lớn ngành đóng tàu Hàn Quốc và chỉ số Kospi trong 5 năm qua (%)
Lượng đặt hàng đống tàu mới đang giảm trong 2 năm qua
Giá đóng tàu chở hàng đang giảm mạnh kể từ sau khủng hoảng 2008 (triệu USD)
Theo CafeBiz
Khi hàng loạt Tập đoàn 'khổng lồ' xứ Kim chi sụp đổ
Daewoo, Lotte, Keangnam, Hanjin... là những tập đoàn đã từng và đang là những tập đoàn khổng lồ ở Hàn Quốc lần lượt gặp khó khăn, bê bối và phải tuyên bố phá sản hoặc đang vật lộn với trồng chất những gánh nặng không dễ gì vượt qua.
Daewoo: "Cái chết" đã được báo trước
Một ngày sau khi cựu Chủ tịch tập đoàn Daewoo Kim Woo-choong trở về Hàn Quốc "chịu trận" về sự thất bại của tập đoàn Daewoo hồi năm 1999, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Tài chính nước này khẳng định: Tập đoàn Daewoo sụp đổ là điều không thể tránh khỏi!
Theo Bộ trưởng Bộ Kinh tế Tài chính, khi lâm vào khủng hoảng, thay vì thực hiển cải tổ thì Kim Woo-choong lại ngập sâu vào nợ nần chồng chất.
Ông Kim Woo-Choong.
"Khả năng sinh lời của tập đoàn theo đó càng sụt giảm rõ rệt, cùng chiều hướng ngày càng đi xuống của thâm hụt tài chính, được phản ánh qua tỷ suất vay nợ lên đến 588,2% vào cuối tháng 6 năm 1999" - trích lời Bộ trưởng Bộ Kinh tế Hàn Quốc.
Để cứu vãn tình thế, chính phủ Hàn Quốc lúc đó đã đưa ra khuyến cáo rằng Daewoo nên tập trung vào cải tổ, bao gồm việc đóng cửa những chi nhánh làm ăn kém hiệu quả.
Mặc dù năm 1999, Daewoo công bố kế hoạch tái cơ cấu tập đoàn nhưng sau đó đã không thực hiện nổi vì khả năng thanh khoản yếu kém, do hệ thống tài chính ngân hàng từ chối cấp thêm tín dụng.
Nợ nần chồng chất khiến Daewoo, tập đoàn hùng mạnh vốn 1 thời đứng thứ hai trong cường quốc công nghiệp Hàn Quốc, sụp đổ hoàn toàn vào tháng 7 năm 1999, với tổng số nợ lên tới 80 tỷ USD và nhanh chóng được đưa vào chương trình tái cơ cấu và giải quyết vấn đề nợ do chính phủ trực tiếp chỉ đạo.
Vị chủ tịch tập đoàn đương nhiệm lúc đó, ông Kim Woo-choong không chậm trễ cũng "cao chạy xa bay".
Và đến cuối tháng 4 năm 2005 Chính phủ đã thu hồi được gần 12,7 triệu won từ các khoản nợ xấu của Daewoo - và những "tàn dư" của tập đoàn này đang nằm dưới sự quản lý của Công ty quản lý tài sản Hàn Quốc.
Trên thực tế, số tiền Chính phủ bỏ ra để cứu vãn tập đoàn này là hơn 30 triệu won. Tiền thu hồi chủ yếu từ các nguồn như nợ xấu, tiền bán những chi nhánh còn lại của tập đoàn như Công ty Thiết kế & Xây dựng Daewoo, Công ty Đóng tàu và các công trình hàng hải Daewoo, Công ty tài chính Daewoo...
Còn phía các chủ nợ thì cho biết: 6 năm trước họ buộc phải đẩy Daewoo vào tình trạng điêu đứng là do những áp lực từ thị trường. Vào thời điểm Daewoo sụp đổ, những ngân hàng cấp tín dụng lớn nhất của nó như Ngân hàng Hàn Quốc, Ngân hàng phát triển Hàn Quốc và Ngân hàng hối đoái Hàn Quốc đang cho tập đoàn này vay hơn 20 triệu won.
Keangnam: Đế chế sụp đổ và nghi vấn lừa đảo
Tập đoàn Keangnam đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sau bê bối tham nhũng và hành động tự sát của vị chủ tịch Sung Wan-Jong vào tháng 5/2015.
Được thành lập từ năm 1951, Keangnam Enterprise là một công ty xây dựng, nằm trong danh sách 20 công ty lớn nhất Hàn Quốc. Tháng 2/1973, Keangnam trở thành doanh nghiệp xây đựng đầu tiên được niêm yết trên sàn chứng khoán Hàn Quốc. Đây cũng là công ty xây dựng đầu tiên của Hàn Quốc tiến ra thị trường nước ngoài.
Cố Chu tich Keangnam Sung Wan-jong.
Keangnam gắn liền với tên tuổi của vị chủ tịch Sung Wan-jong, một nhân vật huyền thoại trong ngành công nghiệp xây dựng thời bấy giờ. Ông Sung đã mua lại và lèo lái nó tới nhiều thành công lớn, mở rộng doanh thu hàng năm lên đến hơn 2 nghìn tỷ won.
Trong 2 năm gần đây, do thị trường bất động sản và xây dựng tại Hàn Quốc trở nên trầm lắng, hoạt động kinh doanh của Keangnam gặp nhiều khó khăn và liên tục thua lỗ, năm 2013 lỗ 182,7 tỷ won, năm 2014 lỗ 310,9 tỷ won (tỷ giá hiện tại 1USD = 1.086 won). Hiện Keangnam đã vay tổng cộng 2.200 tỷ won (khoảng 2 tỷ USD) từ nhóm chủ nợ đứng đầu là 4 ngân hàng Shinhan, Woori, Nonghyup và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, song không có khả năng thanh toán.
Trước khi tự sát, cố Chủ tịch Tập đoàn Keangnam Sung Wan-jong ngày 17/3/2015 từng tuyên bố sẵn sàng từ chức nhằm thuyết phục các chủ nợ tiếp tục cho công ty vay tiền để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, đến ngày 27/3/2015, nhóm chủ nợ đã từ chối cung cấp thêm khoản vay trị giá 110 tỷ won (khoảng 99,2 triệu USD) theo đề nghị của Keangnam và từ chối tham gia chương trình hoán đổi trái phiếu thành cổ phiếu trị giá 90,3 tỷ won do cổ phiếu của Keangnam đã bị ngừng giao dịch trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc từ ngày 11/3/2015.
Công ty tại Hàn đang bị cơ quan điều tra
Các ngân hàng là cổ đông lớn của tập đoàn này bị thiệt hại nặng: Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc - nắm giữ 10,9% cổ phần của tập đoàn - bị mất khoản 20 tỉ won; Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc và Ngân hàng Shinhan mất khoảng 12 tỉ won mỗi đơn vị.
Liên quan tới bê bối chính trị tại Hàn Quốc, Keangnam là tâm điểm của vụ điều tra hối lộ - tham nhũng đang diễn ra, dính dáng tới cả Thủ tướng Lee Wan-koo và một số trợ lý cao cấp của Tổng thống Park Geun-hye.
Ngoài ra, cựu chủ tịch của công ty này là Sung Woan-jong tự vẫn ngay sau khi nhận cáo buộc điều tra tham nhũng. Trước khi chết, ông này đã để lại danh sách những chính trị gia mà ông cho là đã hối lộ, bao gồm cả những phe cánh thân cận của Thủ tướng Park Geun-hye.
Nếu không có nhà đầu tư mua lại hoặc rót vốn mới vào công ty, tòa án sẽ phải tuyên bố Keangnam bị phá sản.
Hàng loạt bê bối kéo Tập đoàn Lotte xuống dốc
Hàng loạt bê bối, từ đấu tranh quyền lực trong nội bộ gia đình đến chuyện hối lộ quan chức, khiến Lotte, tập đoàn lớn thứ 5 Hàn Quốc, gặp nhiều khó khăn.
Lotte Group được thành lập vào năm 1948, với xuất phát là một công ty bán kẹo cao su cho trẻ em trong thời hậu chiến ở Nhật Bản. Năm 1967, Lotte Hàn Quốc bắt đầu mở rộng kinh doanh, từ thực phẩm, bán lẻ sang tài chính, xây dựng, hóa dầu và khách sạn, thành lập hàng chục công ty con trên toàn cầu với những công trình, dự án lớn mọc lên tại khắp châu Á và thế giới.
Shin Dong Bin (giữa) tại sân bay. Dù việc tranh chấp "ngôi vương" thường diễn ra trong các chaebol nhưng trường hợp của Lotte là ngoại lệ, bởi nó đi ngược lại với truyền thống Nho giáo vốn quen thuộc với người Á Đông, khi con trai lại tiếm quyền lật đổ chính cha đẻ.
Tuy nhiên, sóng gió ập tới bắt đầu từ tranh chấp quyền thừa kế giữa 2 con trai của người sáng lập tập đoàn Shin Kyuk Ho, 93 tuổi. Đỉnh điểm của sự việc là con thứ Shin Dong Bin bí mật tiếm quyền cha để sa thải anh trai Shin Dong Joo ra khỏi Lotte. Chưa dừng lại, Dong Bin còn mạo nhận quyền thừa kế và ra quyết định sa thải người cha ra khỏi chiếc ghế chủ tịch, hoàn tất việc kế nhiệm với tư cách người đứng đầu doanh nghiệp của gia đình. Trước sự việc, ông Shin Kyuk Ho gửi lời xin lỗi tới báo chí và công chúng cả nước vì "tình hình đáng thương" đang xảy ra tại Lotte. Bên cạnh đó, ông khẳng định, ông chưa từng bổ nhiệm Shin Dong Bin là người thừa kế và đồng thời tuyên bố sẽ lấy lại những gì đã thuộc về mình.
Tiếp đến tháng 6 vừa qua Lotte tiếp tục dính vu lùm xùm quanh tòa nhà chọc trời cao 123 tầng. Hôm 10/6, hơn 200 công tố viên Hàn Quốc đã đột kích 17 địa điểm liên quan đến Lotte Group, gồm văn phòng của người sáng lập tập đoàn tại Khách sạn Lotte ở Seoul, cũng như nhà của đương kim Chủ tịch Shin Dong Bin, sau những cáo buộc về việc tạo ra quỹ đen thông qua giao dịch nội bộ.
Ông Shin Kyuk Ho và Shin Dong Bin bị tố cáo tạo ra quỹ đen thông qua các giao dịch bất hợp pháp trong nội bộ lần lượt khoảng 10 và 20 tỷ won mỗi năm. Số tiền này được dùng để hối lộ các quan chức dưới thời cựu Tổng thống Lee Myung Bak, trong cuộc chạy đua xin giấy phép xây dựng tổ hợp Lotte World Tower và Lotte World Mall tại phía nam thủ đô Seoul.
Chính quyền dưới thời Tổng thống Lee đã cho phép Shin Kyuk Ho xây dựng, dù phải thay đổi một đường bay quân sự của căn cứ không quân gần đó. Trong quá trình xây dựng, doanh nghiệp vướng vào hàng loạt cáo buộc như lỗi xây dựng và gây mất an ninh.
Sau những cáo buộc về quỹ đen và các cuộc kiểm tra của công tố viên, Lotte Group buộc phải dừng việc đấu thầu công ty hóa chất của Mỹ Axiall do Lotte Chemical không thể tiếp tục theo đuổi cuộc chiến trong điều kiện hiện tại của tập đoàn. Bên cạnh đó, kế hoạch niêm yết Khách sạn Lotte cũng bị tạm hoãn vô thời hạn.
Một khách sạn thuộc tập đoàn Lotte.
Chưa dừng lại đó, hôm 7/7 Tòa án Quận Trung tâm thành phố Seoul ban lệnh bắt chính thức đối với Shin Young Jia, 73 tuổi, là con gái của nhà sáng lập Lotte bởi cáo buộc nhận hối lộ từ nhiều công ty cho quyền kinh doanh tại các cửa hàng miễn thuế của Lotte. Số tiền "lại quả" có thể lên tới hơn 3 tỷ won.
Trước đó, hôm 11/6, Noh Byung Yong, chủ tịch của Lotte Corp và từng là người đứng đầu Lotte Mart, bị bắt vì cáo buộc tắc trách trong vụ máy khử trùng phun ẩm độc hại khiến nhiều người mắc bệnh và tử vong.
Mới đây, lãnh đạo của Lotte Chemial Huh Soo-young bị triệu tập đến Văn phòng Công tố viên quận Trung tâm Seoul để trả lời xung quanh cáo buộc "lobby" các cơ quan thuế địa phương và lôi kéo vào vụ kiện trái luật của công ty chống lại Chính phủ.
2 tuần trước, người tiền nhiệm của Huh Soo-young là Ki Joon bị bắt vì có liên quan đến các cáo buộc tham nhũng.
Bên cạnh đó, các công tố viên dự kiến triệu tập ông Lee In Won, người đàn ông số 2 của Lotte Group kiêm phụ tá thân cận của Chủ tịch tập đoàn Shin Dong Bin với những tội danh liên quan đến cuộc điều tra về tập đoàn vào ngày 26/8. Tuy nhiên vị Phó chủ tịch tập đoàn này đã treo cổ tự tử vào ngày 26/8 vừa qua.
Hãng tàu biển Hanjin khổng lồ sụp đổ- ngành vận tải biển thế giới rơi vào hỗn loạn
Ngày 5/9, sự sụp đổ của Hanjin Shipping, tập đoàn vận tải biển khổng lồ của Hàn Quốc, đã gây ra nhiều xáo trộn trong thương mại toàn cầu.
Hãng tin Reuters cho biết, một phát ngôn viên của Hanjin sáng 5/9 cho biết hãng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ theo chương 15 của luật phá sản Mỹ. Mục đích của động thái này là nhằm bảo vệ các tàu chở hàng của Hanjin khỏi bị các chủ nợ bắt giữ.
Hanjin Shipping Global là 1 trong 10 hãng tàu lớn nhất thế giới.
Trước đó, Hanjin, hãng vận tải biển lớn thứ 7 thế giới, đã nộp đơn xin tòa án thụ lý tài sản (court receivership) lên tòa án ở Seoul, Hàn Quốc vào hôm thứ Tư tuần trước, sau khi bị các ngân hàng từ chối tiếp tục giúp đỡ. Tòa án đã quyết định bắt đầu một quá trình hồi phục cho Hanjin tại Hàn Quốc.
Cổ phiếu của Hanjin đã bị ngừng giao dịch tại thị trường chứng khoán Seoul vào hôm 30/8. Sáng 5/9, khi giao dịch trở lại, giá cổ phiếu này có lúc giảm kịch sàn biên độ 30%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2009.
Hanjin chỉ chiếm 2,9 % công suất vận tải container toàn cầu, nhưng sự sụp đổ của hãng này đã gây ra những xáo trộn lớn trong thương mại toàn cầu ngay giữa mùa sôi động của hoạt động vận tải nhằm chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm.
Giá vận tải container toàn cầu đã tăng trong mấy ngày gần đây, trong khi tàu của Hanjin bị nhiều cảng từ chối tiếp nhận khiến hàng hóa bị mắc kẹt.
Theo tài liệu của tòa án, Hanjin là hãng vận tải biển lớn nhất của Hàn Quốc, vận hành khoảng 60 tuyến vận tải thường xuyên trên thế giới, với 140 tàu container. Mỗi năm, hãng này vận tải hơn 100 triệu tấn hàng hóa.
Vụ phá sản của Hanjin là vụ phá sản lớn nhất từ trước đến nay trong ngành vận tải biển thế giới. Kể từ khi hãng này liên lạc với luật sư phá sản, đã có 45 tàu của hãng bị các cảng từ chối tiếp nhận, cùng với đó là hơn nửa triệu container hàng.
Hiện tại, Chính phủ Hàn Quốc đã sắp xếp để đối thủ đồng hương của Hanjin là Hyundai Merchant Marine mua lại các tàu của tập đoàn này và mở thêm ít nhất 13 tuyến vận tải mới tới Mỹ và châu Âu để khẩn trương giải quyết các vấn đề mắc kẹt vận tải biển. Ngoài ra, phía Seoul cũng sẽ thiết lập dịch vụ tư vấn hỗ trợ một đối một dành riêng cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Hanjin.
Theo NTD
Tàu ngầm hạt nhân Anh va phải tàu chở hàng khi tập luyện Một tàu ngầm hạt nhân lớp Astute của Anh phải neo đậu tại Gibraltar sau khi có cú "va chạm nhẹ" với một tàu chở hàng khi đang tập luyện. RT dẫn thông báo của Hải quân Hoàng gia Anh cho hay vụ tai nạn xảy ra khoảng 1 giờ 30 chiều (giờ địa phương) 20-7 khi chiếc tàu ngầm hạt nhân HMS...