Hành xử của TQ ở Biển Đông ‘đi ngược mọi lời hứa hòa bình, hợp tác’
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh nói các nước trong, ngoài khu vực đều có lợi từ một Biển Đông tôn trọng pháp luật, và cần lên tiếng phản đối vi phạm của Trung Quốc.
Mấy tuần nay, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông.
Hành động này của Trung Quốc trong những ngày qua đã bị Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ và giới chuyên gia lên án mạnh mẽ.
Việt Nam đã trao công hàm phản đối, yêu cầu Bắc Kinh rút các tàu vi phạm khỏi vùng biển Việt Nam, còn Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu Trung Quốc “dừng ngay các hoạt động bắt nạt… khiêu khích, gây bất ổn” trong thông cáo ngày 20/7.
Các chuyên gia trả lời Zing.vn trong loạt bài phân tích những ngày qua đã gọi đây là hành động “rõ ràng không thể chấp nhận”, là “mức độ gây hấn mới” của Bắc Kinh, và kêu gọi các cường quốc trên thế giới có trách nhiệm hơn với hòa bình, ổn định trên Biển Đông.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh. Ảnh: Việt Linh.
Đồng quan điểm, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh nói với Zing.vn rằng vụ việc “làm xói mòn lòng tin”, “đi ngược lại mọi lời hứa của Bắc Kinh về hòa bình, hợp tác”.
Cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ cũng nói các nước cả trong và ngoài khu vực đều có lợi ích từ một Biển Đông thượng tôn pháp luật và kêu gọi quốc tế bác bỏ “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc.
Không chấp nhận hành xử kiểu “sức mạnh là lẽ phải”
- Việc tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nên được nhìn nhận thế nào, thưa ông?
- Tuyên bố của Bộ Ngoại giao ngày 19/7 là rất xác đáng, nói lên tổng thể vấn đề, thể hiện sự chính nghĩa, chủ trương hoà bình, hoà hiếu, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Cần phải nhấn mạnh và nói rõ rằng: Tàu Hải Dương 8 và các tàu của Trung Quốc đã xâm phạm vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, ở đây là thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được quy định theo luật pháp quốc tế.
Đây là sự vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, làm xói mòn lòng tin và tạo ra nhiều hệ lụy đối với khu vực và quốc tế. Không thể chấp nhận hành xử theo kiểu “sức mạnh là lẽ phải”.
Do đó, phải nhấn mạnh luật pháp quốc tế và không thể chấp nhận việc Trung Quốc dùng “đường lưỡi bò” phi lý hay sức mạnh để mở rộng tranh chấp, xâm lấn vùng biển của nước khác, vi phạm luật pháp quốc tế.
- Hành động của Trung Quốc đang đi ngược lại các tuyên bố muốn vươn ra thế giới một cách hòa bình?
- Thượng tôn pháp luật, tuân thủ luật pháp quốc tế là điều quan trọng nhất trong thế giới ngày nay, đối với mọi nước lớn, nhỏ. Càng là nước lớn, càng có trách nhiệm đóng góp vào hòa bình, ổn định, an ninh khu vực, bao gồm việc tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS.
Video đang HOT
Việt Nam và ASEAN luôn coi trọng quan hệ với Trung Quốc, cùng nỗ lực phấn đấu cho hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực. Trung Quốc luôn nói vươn lên hòa bình, muốn hợp tác và làm đối tác với các nước. Đây là lúc Trung Quốc phải chứng tỏ điều đó.
Việc Trung Quốc đang làm hiện nay đã đi ngược lại những gì Trung Quốc đã nói và làm xói mòn lòng tin của các nước trong khu vực.
Tàu Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc. Ảnh: Cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc.
Các ngoại trưởng ASEAN cần có tiếng nói mạnh mẽ
- Việt Nam và các nước cần làm gì để đối phó với hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế này?
- Trước hết, đó là thượng tôn pháp luật. Phải nói và làm rõ cái đúng cái sai. Phải để công luận thấy rõ điều đó và yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế.
Khu vực và quốc tế cũng phải lên tiếng và làm cho Trung Quốc thấy rõ, bằng thượng tôn pháp luật, Trung Quốc mới thực sự là đối tác trách nhiệm, đóng góp vào xây dựng lòng tin, vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực này.
Biển Đông là một phần rất quan trọng của khu vực và trên thế giới. Hoà bình, an ninh, tự do hàng hải và trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông là lợi ích chung, của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Vì vậy, các nước, cộng đồng và công luận quốc tế phải có tiếng nói phản bác, đẩy lùi sự vi phạm của Trung Quốc.
Biển Đông hòa bình, ổn định cũng sẽ là tiền đề giúp cho hợp tác, hội nhập, liên kết trong khu vực. Vì vậy, đó chính là trách nhiệm và lợi ích của các nước trong khu vực, trong đó có của Trung Quốc. ASEAN càng cần phải thúc giục Trung Quốc đóng góp vào chuyện đó và không làm phức tạp thêm tình hình.
- ASEAN có thể làm gì trước hành động của Trung Quốc?
- ASEAN luôn có vai trò quan trọng về hoà bình, an ninh và phát triển ở khu vực.
Do đó, ASEAN cần phải tiếp tục lên tiếng trước những hành vi vi phạm và yêu cầu tuân thủ luật pháp quốc tế, trong khuôn khổ ASEAN, cũng như trong các cơ chế của ASEAN và các đối tác.
Hội nghị ngoại trưởng ASEAN sắp tới ở Thái Lan cần phải có tiếng nói mạnh mẽ về việc này.
Thực tế, ASEAN cũng đã có những tuyên bố quan trọng về Biển Đông. Đặc biệt, đó là các nguyên tắc nhấn mạnh thượng tôn pháp luật, tuân thủ luật pháp quốc tế, công ước luật biển; về hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải; ủng hộ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết hòa bình các tranh chấp; hợp tác, xây dựng lòng tin ở khu vực.
Việt Nam luôn đề cao và ủng hộ các lập trường nguyên tắc của ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Khu vực này và cộng đồng quốc tế không chấp nhận việc dùng sức mạnh, vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm vùng biển hợp pháp của các nước khác.
Việt Nam rất coi trọng quan hệ với Trung Quốc, luôn mong muốn vun đắp quan hệ tốt đẹp hai nước, nhưng Việt Nam cần làm rõ với khu vực và quốc tế về các vi phạm nêu trên, nói rõ và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng các vùng biển hợp pháp của Việt Nam.
Tàu hải cảnh 3901 của Trung Quốc tham gia hộ tống tàu Hải dương Địa chất 8. Bắc Kinh thích áp dụng biện pháp hù dọa thông qua các tàu hải cảnh và tàu dân quân thay vì lực lượng quân sự chính thức. Ảnh: SCMP.
Các nước trong và ngoài khu vực có trách nhiệm lên tiếng
- Những diễn biến vừa qua liên quan đến tàu Hải Dương 8 liệu có ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC)?
- Biển Đông vừa qua vẫn chứng kiến những diễn biến phức tạp. Việc vi phạm luật pháp quốc tế, tôn tạo, quân sự hoá, trong đó có những hành vi xâm phạm các vùng biển hợp pháp của Việt Nam đang diễn ra.
Vì vậy, Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) sắp tới cần phải làm sao góp phần ngăn chặn, không để xảy ra các vi phạm này.
Do đó, COC cần nhấn mạnh hơn nữa việc thượng tôn pháp luật, nhất là các nguyên tắc luật pháp quốc tế, công ước luật biển và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời cũng cần phải cập nhật tình hình và bổ sung kinh nghiệm thực hiện DOC trong gần hai thập kỷ qua, trong đó có nguyên tắc về tôn trọng vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của các nước theo công ước luật biển.
- Ông có thể giải thích thêm việc các nước cần có tiếng nói phản đối Trung Quốc?
- Đúng vậy. Điều cần nhấn mạnh là thượng tôn pháp luật và bác bỏ các hành vi vi phạm.
Biển Đông quan trọng với tất cả. Cộng đồng quốc tế, các nước trong và ngoài khu vực đều có lợi ích và trách nhiệm đóng góp vào hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở khu vực. Do đó cần phải có tiếng nói để nhấn mạnh phản bác các vi phạm nêu trên, kể cả trong khuôn khổ quốc tế, các cấu trúc, tiến trình của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.
Đã đến lúc các nước phải nói rõ lập trường của mình về thượng tôn pháp luật, về ủng hộ luật pháp quốc tế, trong đó có việc bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc. Điều cần phải nhấn mạnh là ủng hộ, đứng về luật pháp quốc tế trước các hành vi vi phạm. Cái đòi hỏi chủ quyền phi lý, trái với luật pháp quốc tế thì phải phản bác.
Cần lưu ý rằng, phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ngày 12/7/2016, phần liên quan đến việc áp dụng UNCLOS là một bộ phận của luật pháp quốc tế và sẽ luôn có giá trị pháp lý, trong đó bác bỏ “yêu sách lịch sử” và nhấn mạnh “đường lưỡi bò” là trái với công ước luật biển và không có giá trị.
- Xin chân thành cảm ơn ông.
Theo New zing.vn
Tính toán sai lầm của Trung Quốc ở biển Đông
Dù Trung Quốc có thể thu được một số lợi ích nhất thời nhờ hành vi gây hấn và dọa nạt nhưng nước này trong dài hạn sẽ phải đối mặt với sự phản ứng từ phần còn lại của thế giới.
Phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 hồi tháng 6-2019 tại Thái Lan, Thủ tướng Việt Nam (VN) Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ASEAN cần nhìn nhận thẳng thắn những tiến triển tích cực trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) với Trung Quốc (TQ), song không bỏ qua những diễn biến phức tạp trên thực địa (ở biển Đông).
Các chuyên gia đồng ý với nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi trước đó hồi đầu tháng, tàu TQ đâm chìm và bỏ mặc 22 ngư dân một tàu đánh cá Philippines gần bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của VN.
Theo nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Lục Anh Tuấn, ĐH New South Wales (Úc), viết trên trang Maritimeissues, dựa trên nội dung của Tuyên bố chung sau hội nghị, các tranh chấp ở biển Đông vẫn là mối quan tâm hàng đầu của khối này.
Tuyên bố, bên cạnh việc biểu dương những diễn biến tích cực trong tiến trình đàm phán COC, đã thông qua Tầm nhìn ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, một đoạn trong tuyên bố Tầm nhìn thừa nhận "các vấn đề hàng hải như những tranh chấp hàng hải chưa được giải quyết có khả năng mở ra những xung đột mở". Ngay sau khi hội nghị kết thúc, Bắc Kinh lại tiếp tục tiến hành thử tên lửa đạn đạo đối hạm trái phép trong cuộc tập trận năm ngày, từ ngày 29-6 đến 3-7, trên biển Đông.
VN quyết không nhượng bộ
Trong diễn biến gần đây nhất, nhóm tàu Địa Chất Hải Dương 8 của TQ đã tổ chức các hoạt động thăm dò địa chất trái phép gần khu vực bãi Tư Chính - Vũng Mây nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của VN.
Theo ông Tuấn, khi đối mặt với các hành động gây hấn vi phạm luật pháp quốc tế từ phía TQ, chính phủ VN đã có đường lối ngoại giao mở và quyết liệt.
Trong tuyên bố ngày 19-7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng công khai phản đối sự hiện diện của nhóm tàu Địa Chất Hải Dương 8 vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN. Bà Hằng cũng kêu gọi các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung trong khu vực.
Một ngày sau, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên tiếng khẳng định Washington rất lo ngại về các báo cáo TQ gây cản trở các hoạt động khai thác và thăm dò dầu khí ở khu vực biển Đông, đặc biệt là của VN.
"Cách xử lý cuộc khủng hoảng của VN đã cho thấy giới hạn chịu đựng của nước này. (...) TQ đã đánh giá thấp phản ứng của VN và hơi quá tự tin về ảnh hưởng của họ ở biển Đông" - chuyên gia Lục Anh Tuấn nhận định.
Bình luận về vụ việc, có thông tin cho rằng TQ muốn thông qua việc triển khai nhóm tàu Địa Chất Hải Dương 8 để gửi thông điệp "cảnh báo" đến VN khi lãnh đạo VN sắp có chuyến thăm Mỹ thời gian tới. Tuy nhiên, ông Tuấn đánh giá giả thiết này không hợp lý.
"Câu hỏi cần đặt ra là TQ sẽ đạt gì khi xâm phạm vùng biển của VN. Còn nhớ sự kiện đưa giàn khoan HD-981 vào EEZ của VN đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trên khắp VN. Sự hiện diện của Địa Chất Hải Dương 8 đang làm tổn hại thành quả đàm phán COC của ASEAN và TQ trong hai năm qua" - ông Tuấn nhận xét.
Sai lầm của Bắc Kinh
Mặt khác, chuyên gia Lục Anh Tuấn cho rằng hành vi của TQ cũng đi ngược lại với hình ảnh một biển Đông hòa bình và ổn định mà TQ đã cố gắng duy trì trong nhiều năm qua nhằm tránh các cường quốc khác can thiệp vào khu vực này. Theo GS Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc, bất kỳ động thái gây hấn nào của Bắc Kinh cũng tạo điều kiện cho các nước như Mỹ, Anh tiến hành can thiệp quân sự trực tiếp.
Ông Tuấn cũng lưu ý: VN sẽ chính thức đảm nhiệm vị trí chủ tịch ASEAN và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào năm 2020. Nếu TQ còn tiếp tục duy trì sự hung hăng trên biển, VN sẽ buộc phải kêu gọi sự ủng hộ từ khối ASEAN và mang vấn đề này ra các diễn đàn quốc tế.
"Mặc dù TQ có thể sẽ thu được một số lợi ích trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về dài hạn, cách hành xử của nước này ở biển Đông sẽ phải đối mặt với sự chống đối từ các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế. TQ không nên cho rằng sự kiên nhẫn và kiềm chế của các nước xung quanh là yếu đuối và cam chịu, mà phải sớm nhận ra đây là thiện chí muốn đóng góp xây dựng của những nước này. Tất cả hành vi phạm pháp của TQ rồi sẽ bị những nước có tranh chấp trực tiếp chống lại" - ông Lục Anh Tuấn viết.
Hôm 25-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng khẳng định VN hoan nghênh và sẵn sàng cùng các nước và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
"Như đã nhiều lần khẳng định, VN kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán, như đã khẳng định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Với mục tiêu trên, VN đã có nhiều hình thức giao tiếp, ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía TQ, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của VN. Các lực lượng chức năng của VN triển khai những biện pháp phù hợp, đúng pháp luật" - bà Lê Thị Thu Hằng nói.
Năm 2019, ít nhất bốn lần các tàu chiến TQ đi qua vùng biển giữa vịnh Bongao và eo biển Sibutu ở tỉnh Tawi-Tawi. Khu vực này có lưu lượng thông thương lớn với khoảng 150 tàu, chủ yếu là tàu thương mại, đi qua mỗi ngày. Tuy nhiên, chính phủ Philippines cần phải được thông báo nếu tàu của hải quân TQ đi qua vùng nội thủy của Philippines. Nếu họ không làm gì sai, họ có quyền đi qua khu vực này.
Theo Vĩ Cường (Pháp luật TPHCM)
Hành động phi pháp trên Biển Đông, Trung Quốc đang tự hủy hoại uy tín của mình Giới chuyên gia quốc tế thực sự quan ngại trước những hành động phi pháp gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời cho rằng đó là sự tự hủy hoại uy tín của Bắc Kinh. Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa của VN bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng thành đảo nhân tạo phi pháp, biến...