Hành xác vào Nam
Nhiều hành khách đành phải chấp nhận cảnh ngồi chen lấn, nằm vạ vật giữa lối đi để kịp vào Nam. Trong khi nhiều hành khách vẫn không thể đón xe dọc đường để đi.
Ngày 9/2, tức mùng 10 tháng giêng âm lịch, đông đảo người dân tại các tỉnh miền Trung vẫn tiếp tục đón xe vào Nam để trở lại làm việc. Tại dọc tuyến đường Quốc lộ 1A đi qua tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế… có rất đông người dân đứng đón xe.
Nhiều nhà xe do quá đầy khách nên từ chối chở đã khiến không ít người dân tỏ ra mệt mỏi và ngán ngẫm. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động tại xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), từ sáng sớm đã có hơn 100 người dân, chủ yếu là công nhân làm việc tại TPHCM đứng đón xe. Tuy nhiên đến hơn 12 giờ cùng ngày vẫn còn rất nhiều người vẫn chưa thể đón được. Trời nắng gắt, nhiều người tỏ ra mệt mỏi nên đành quay trở về. “Nhiều nhà xe từ chối chở, một số đưa ra giá vé 1,5 triệu đồng và phải ngồi ghép ghế” – chị Nguyễn Thị Nga, trú xã Hải Chánh, cho biết.
Người dân mòn mỏi đón xe ở xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị).
Có mặt trên đường Quốc lộ 1A đoạn tránh TP Huế vào trưa ngày 9/2, chỉ trong một giờ đồng hồ, tổ tuần tra kiểm soát số 1, thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phát hiện và lập biên bản xử phạt nhiều xe khách vi phạm lỗi chở quá số người quy định.
Hành khách vật vã trên xe khách 43 S-2997
Trong đó, xe khách giường nằm 38B-006.81 do Đậu Đức Yến (29 tuổi, ngụ Quỳnh Lưu, Nghệ An) điều khiển chạy tuyến Hà Tĩnh – TPHCM chở đến 61 người, vượt 19 người so với quy định. Những hành khách dư thừa đành phải nằm ngồi la liệt giữa hành lang đi lại trên sàn xe với giá vé như những người khác. Những hành khách trên xe này tỏ ra mệt mỏi bởi cảnh không có giường nằm. Chị P.T.T.H. một hành khách đi trên xe này, cho biết chị đón xe này tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), do xe đã kín chỗ nên nhà xe phát cho chị một chiếc gối kèm theo chăn mền để nằm giữa lối đi. “Hôm nay nhiều người đón xe quá, trong khi tôi gấp việc ở TPHCM nên đành chấp nhận lên xe này” – chị H. cho biết.
Hành khách nằm chen chúc giữa lối đi trên xe khách 38B-006.81
Kiểm tra xe khách 16 chỗ 43S-2997 chạy tuyến Quảng Trị – Đà Nẵng do Phan Công Đạo (37 tuổi, trú tại quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) điều khiển, lực lượng CSGT tại đây cũng phát hiện và lập biên bản xử phạt vì chở vượt đến 8 người. Mặc dù tuyến chạy rất ngắn, chỉ gần 200 km, nhưng chiếc xe khách này vẫn trong cảnh nhồi nhét đến 24 người, vượt 8 người so với quy định.
Trên chiếc xe này hầu như không còn một chỗ trống cho người đi lại, những khoảng hở đã được nhà xe kê thêm ghế cho khách, một ghế phải ngồi 2-3 người. Một cảnh tượng hết sức nóng nực, bức bối nhưng các hành khách đành chấp nhận.
Video đang HOT
Một số xe khách mặc dù đã bị các chốt CSGT tại các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị ra quyết định xử phạt vi phạm chở quá số người, nhưng trên hành trình vào Nam vẫn đón thêm khách.
Điển hình là xe khách giường nằm 18B-00844 do Lại Hồng Khang (trú tại Nam Định) bị lực lượng CSGT tỉnh Nghệ An xử phạt vào sáng 9-2 vì chở quá 5 người, nhưng vẫn đón thêm khách sau khi rời trạm.
Lúc 15 giờ cùng ngày, tổ tuần tra này cũng phát hiện xe khách 47v2-2441, do Phạm Ngọc Thái (44 tuổi, trú tại Đăk Lăk) điều khiển tuyến Quảng Trị đi Đăk Lăk đã chở vượt 8 người so với quy định.
Vào sáng cũng ngày, tại chốt tuần tra kiểm soát này cũng đã phát hiện 7 trường hợp xe khách chở quá số người quy định. Trước đó, vào tối 8-2, tại KM 10 Quốc lộ 1A đoạn tránh TP Huế, lực lượng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã xử phạt 13,5 triệu đồng đối với xe khách giường nằm 37B-00356 do Hoàng Văn Lương (29 tuổi, ngụ Đô Lương, Nghệ An) chạy tuyến Nghệ An – TPHCM vì chở vượt 16 người so với quy định. Thượng tá Nguyễn Hoàng Vũ, Đội phó Đội Tuần tra số 1 Phòng CSGT Thừa Thiên – Huế, cho biết đã tiến hành sang xe đối với 16 người này để họ tiếp tục hành trình vào TPHCM.
Còn tại Quảng Bình, từ 6 giờ đến 17 giờ ngày 9/2, lực lượng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình đã lập biên bản 178 trường hợp vi phạm hành chính về TTATGT, dự kiến phạt tiền 274 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 31 trường hợp, tạm giữ 5 phương tiện. Trong đó có 84 trường hợp xử phạt tại chỗ, thu vào kho bạc nhà nước khoảng 100 triệu đồng. Với các lỗi xe ô tô khách chở quá số người quy định 57 trường hợp, bắt buộc chuyển tải 146 hành khách; chạy quá tốc độ quy định 48 trường hợp; đi không đúng phần đường quy định 21 trường hợp; không có hợp đồng vận chuyển, không có xác nhận 2 đầu bến 16 trường hợp; các lỗi khác 36 trường hợp.
Trung tá Bùi Quang Thanh, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình, cho biết từ ngày 7-2, đơn vị này đã chủ động phối hợp với Cục CSGT đường bộ – đường sắt, Công an huyện Lệ Thủy, Công an xã Hưng Thủy, Sở GTVT, Kho bạc nhà nước tỉnh huy động lực lượng, trang thiết bị khoa học kỹ thuật tăng cường công tác tuần tra kiểm soát các trường hợp xe khách đi qua địa bàn tỉnh.
“Chúng tôi chú ý phát hiện thủ đoạn tinh vi của các lái xe xuống khách và tăng bo khách, trốn tránh sự kiểm tra khi đi qua trạm kiểm soát. Lực lượng chức năng đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, tuần tra lưu động, hóa trang mật phục kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp xuống khách” – trung tá Bùi Quang Thanh cho biết.
Ngày đầu xử phạt gần 50 trường hợp Vào ngày 7/2, lực lượng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình đã lập biên bản 182 trường hợp vi phạm, dự kiến phạt tiền khoảng 300 triệu đồng, trong đó nộp tiền phạt vào kho bạc tại chỗ 90 trường hợp thu 120 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 29 trường hợp, tạm giữ 9 phương tiện. Với các lỗi chủ yếu là chạy quá tốc độ quy định 55 trường hợp, đi không đúng phần đường 31 trường hợp, chở quá số người quy định 49 trường hợp, xe ô tô khách du lịch bán vé hành khách 14 trường hợp và các lỗi khác 38 trường hợp. Ngoài ra lực lượng chức năng đã buộc chuyển tải 158 khách.
Theo Quang Nhật (Người Lao Động)
Có nên tiếp tục giảm số ngày nghỉ sau Tết?
Trong dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua, hình ảnh người say rượu bia lái xe máy đi chúc Tết vẫn phổ biến. Mùng 4 - 5 Tết, số người chết do TNGT tăng vọt.
Năm nay, Chính phủ cho phép nghỉ Tết sớm và rút ngắn ngày nghỉ sau Tết. Số vụ và người chết do TNGT trong dịp Tết đã giảm. Tuy vậy, người chết do TNGT lại tăng vọt trong những ngày 4 - 5 Tết. Số người uống rượu bia đi xe máy chúc Tết, không đội mũ bảo hiểm vẫn phổ biến. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp (Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia) đã có cuộc trao đổi vớiKhampha.vn nhằm lý giải về những điều này.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp (Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia)
Tết vừa qua, số vụ tai nạn giao thông và số người chết do tai nạn giao thông đã giảm. Theo ông vì sao đạt được điều này?
Trước hết phải khẳng định, vừa qua, công tác quản lý nhà nước về đảm bảo ATGT đã có hiệu quả. Cụ thể hơn, tai nạn xe khách, xe tải nghiêm trọng không xảy ra như những dịp Tết trước. Việc nhồi nhét khách vẫn diễn ra nhưng đỡ hơn trước khá nhiều.
Các lực lượng có trách nhiệm đã thể hiện thái độ làm việc rất tốt. Trong đó, đặc biệt là hình ảnh CSGT ứng trực thường xuyên trên nhiều tuyến đường, điểm nóng giao thông. Năm nay, những phản ánh của người dân đến đường dây nóng đều được Ủy ban ATGT chỉ đạo xử lý ngay lập tức.
Một nguyên nhân quan trong là Chính phủ đồng ý cho nghỉ Tết sớm 3 ngày. Áp lực tàu xe giảm rõ rệt.
Hơn nữa, khắp cả nước, thời tiết trong dịp Tết năm nay đều khá đẹp. Điều này cũng khiến tinh thần, tâm lý của người tham gia giao thông tốt hơn.
Tuy không có tai nạn xe khách, xe tải thảm khốc, nhưng xe máy lại rất nhiều. Điều này cho thấy gì, thưa ông?
Tai nạn xe máy xảy ra nhiều và chủ yếu ở nông thôn. Phải thừa nhận nạn uống rượu bia điều khiển xe máy và không đội mũ bảo hiểm đi chúc Tết vẫn diễn ra phổ biến. Ý thức người đi xe máy ở nông thôn vẫn kém hơn thành thị rất nhiều.
Đây là câu chuyện mà các cơ quan quản lý đã tiên liệu từ trước, và có nhiều chỉ đạo giải quyết. Tuy nhiên, lực lượng tuần tra kiểm soát ở các địa bàn nông thôn vẫn còn rất mỏng, có nơi hầu như không có. CSGT chỉ có thể tập trung trên các tuyến huyết mạch để phân luồng, đảm bảo nhu cầu đi lại, chống ùn tắc.
Ở nông thôn, lực lượng quản lý chủ yếu là ủy ban xã và công an xã. Nhưng các lực lượng này vào cuộc chưa thực sự quyết liệt. Đây là điều đặc biệt đáng lưu ý. Sẽ phải có những chỉ đạo cụ thể hơn đối với lực lượng tại địa phương trong Tết năm sau, thậm chí cả ngày thường.
Lực lượng CSGT Đà Nẵng tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm luật giao thông trong dịp Tết Giáp Ngọ (Ảnh: Infonet.vn)
Trong những ngày Tết vừa qua, từ mùng 1 đến mùng 3, tai nạn giao thông và số người chết không nhiều. Nhưng mùng 4 - 5, con số này lại tăng vọt. Theo ông là vì sao?
Đây vẫn là câu chuyện bia rượu ngày Tết. Từ mùng 1 đến mùng 3 Tết, người ta thường ở nhà chúc Tết ông bà, bố mẹ, người thân trong gia đình. Mùng 4 - 5, thanh niên bắt đầu tụ tập bạn bè, họp lớp, gặp mặt đầu xuân. Lúc này họ mới chè chén, say sưa nhưng vẫn cứ lái xe máy.
Vừa rồi, Chính phủ có chủ trương cho nghỉ Tết sớm, rút ngắn thời gian sau Tết để hạn chế TNGT. Thực tế, TNGT dịp Tết năm nay đã giảm. Nhưng với việc người chết TNGT tăng cao mùng 4 - 5, liệu có nên tiếp tục rút ngắn thêm thời gian nghỉ sau Tết?
Chủ trương của Chính phủ rõ ràng đã phát huy hiệu quả và giảm thiểu TNGT như đã phân tích. Còn việc có nên rút ngắn thời gian nghỉ sau Tết nữa hay không vẫn cần tiếp tục nghiên cứu đánh giá.
Tuy nhiên, theo tâm lý truyền thống của người Việt, Tết là dịp hội ngộ, đoàn viên. Nếu rút ngắn thời gian nghỉ sau Tết nữa, những người đi làm ăn xa có quá ít thời gian thăm hỏi người thân, bạn bè. Đến ngày đi, họ lại vội vàng, cập rập.
Vậy Ủy ban ATGT có giải pháp gì khác để giảm số vụ TNGT và số người chết TNGT từ mùng 4 đến 6 Tết?
Giải pháp quan trọng hơn là trong những Tết sau, các cơ quan quản lý phải chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hơn đối với lực lượng làm nhiệm vụ ở các địa phương, vùng nông thôn. Chính quyền địa phương có thể phải lập những tổ công tác cơ động ứng trực tuần tra trên các địa bàn liên xã, liên huyện,...
Ủy ban có kỳ vọng gì về tình hình ATGT năm nay? Tết vừa qua ít TNGT xe khách nghiêm trọng, nhưng tính cả năm ngoái, điều này vẫn đáng báo động. Ủy ban có kế hoạch cụ thể nào để giải quyết mối lo ngại này?
Dựa trên kết quả đạt được trong dịp Tết vừa qua, Ủy ban ATGT quốc gia kỳ vọng tiếp tục giảm TNGT cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, bị thương).
Năm 2014, các cơ quan chức năng vẫn tập trung chủ yếu siết chặt quản lý kinh doanh vận tải. Trong đó, lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt xử lý xe khách, xe tải chở quá tải trọng. Đây là một trong những vi phạm cơ bản gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng.
Ngoài việc lắp đặt gần 70 trạm cân di động tại tất cả địa phương trên cả nước, sẽ có những chế tài cụ thể hơn để xử lý các xe cố tình vi phạm.
Theo báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia, trong 9 ngày Tết Giáp Ngọ (28/1 - 5/2/2014), toan quôc xay ra 598 vu TNGT, lam chêt 286 ngươi, bi thương 626 ngươi. Trong đó, riêng TNGT đường bộ làm chết 275 người. So vơi 9 ngay Têt Quý Tỵ 2013, Tết năm nay giảm 50 ngươi chêt, số vụ tai nạn và số người bị thương cũng giảm.
Ủy ban ATGT quốc gia đánh giá, những ngày trong Tết, người thương vong vì TNGT không nhiều nhưng 2 ngày sắp hết kỳ nghỉ Tết (tức mùng 4 và 5 Tết), con số này tăng vọt. Mùng 4 Tết có 49 người chết còn mùng 5 là có 41 người.
TNGT trong dịp Tết năm nay chủ yếu là do xe máy, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Nguyên nhân là người điều khiển xe máy vi phạm luật giao thông như: không đội mũ bảo hiểm, chở 3 chở 4 người, chạy quá tốc độ, vi phạm quy định về nồng độ cồn, nhất là trên đường tỉnh, đường huyện, đường liên xã.
Theo Cảnh Kiên (Khampha.vn)
Lấy chồng ngoại quốc: Tết xa xứ đầy nước mắt "Ăn Tết bên xứ sở kim chi buồn lắm! Thời tiết lạnh, tuyết rơi phủ kín lên tận nóc nhà, không có lấy một bông hoa, đèn đường, mạnh nhà nào nhà nấy đóng cửa. Trong suốt 3 ngày, gia đình chỉ có ngồi trong nhà và ăn uống. Ngày thường còn có công có việc nên nỗi nhớ quê chỉ là một...