Hành vi của TQ trên biển Đông nhìn từ những quy định của Luật pháp quốc tế
Trung Quốc đã vi phạm cả tinh thần lẫn nội dung của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và DOC
Những ngày này việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 tại Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Dư luận trên thế giới đều cho rằng hành động của Trung Quốc không nằm ở phạm vi hẹp là những tranh chấp đơn thuần giữa các quốc gia mà hành vi này của Trung Quốc đã vi phạm Luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) mà Trung Quốc là quốc gia thành viên đã ký kết.
Vị trí đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép của Trung Quốc tại Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (Ảnh: Thư viện pháp luật)
Chiếu theo quy định của quốc tế, cụ thể là Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, có thể xem xét hành vi vi phạm chủ quyền của một quốc gia theo những khía cạnh sau:
Công ước Luật Biển năm 1982 và yêu sách Đường 9 đoạn phi lý tại Biển Đông
Năm 1982, Hội nghị Luật Biển lần thứ 3 của Liên Hợp Quốc đã thông qua Công ước Luật Biển với 320 điều và 9 phụ lục. Công ước Luật Biển năm 1982 được coi là hiến pháp của thế giới về các vấn đề biển và đại dương bởi vì đã xác định một cách toàn diện quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển cũng như quy chế pháp lý của vùng biển quốc tế và đáy biển quốc tế.
Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 mở ra cho các quốc gia ký vào ngày 10/12/1982. Cũng ngay trong ngày đó, Fiji trở thành thành viên đầu tiên của Công ước. Tính đến nay, Công ước đã được hơn 160 quốc gia trên thế giới ký và phê chuẩn. Trong số các nước ven Biển Đông đã có 8 nước tham gia ký Công ước là Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore, Brunei, Thái Lan và cả Trung Quốc.
Theo Công ước Luật Biển năm 1982, quốc gia ven biển có các vùng biển là nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trong đó thềm lục địa là đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển với chiều rộng vùng đặc quyền kinh tế là vùng nước rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở.
Theo pháp luật quốc tế, khi tham gia Công ước Luật Biển năm 1982, các quốc gia ven biển phải chấp nhận sự ràng buộc của Công ước một cách toàn diện. Các quốc gia thành viên được hưởng các quyền chủ quyền đối với thềm lục địa của mình. Đồng thời, họ có nghĩa vụ tôn trọng các quyền chủ quyền của các quốc gia thành viên khác đối với thềm lục địa của họ.
Tại Biển Đông, Trung Quốc đã đưa ra yêu sách về Đường 9 đoạn và đòi hỏi chủ quyền bao trùm khoảng 80% diện tích Biển Đông mà không có căn cứ pháp lý nào. Theo đó, Đường 9 đoạn này ăn sâu vào thềm lục địa 200 hải lý của các quốc gia ven Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei theo quy định của Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc năm 1982.
Năm 2012, bãi cạn Scarborough- một bãi đá nằm cách bờ biển Philippines tầm 124 hải lý và hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này-đã trở thành mục tiêu tranh chấp căng thẳng và kéo dài giữa Trung Quốc và Philippines. Bãi cạn Scarborough nằm trong vùng biển mà Đường 9 đoạn đã vẽ.
Cũng trong năm 2012, Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc công bố mời thầu quốc tế với 9 lô dầu khí chiếm diện tích tới 160.129 km2, thuộc vùng biển của Đường 9 đoạn vẽ ra nhưng nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam.
Đầu tháng 5 vừa qua, Trung Quốc mang giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam tại tọa độ 15 độ 29′58″ vĩ bắc, 111 độ 12′06″ kinh đông, cách bờ biển Việt Nam 119 hải lý, tức nằm sâu trong thềm lục địa Việt Nam 80 hải lý, nằm trong Đường 9 đoạn do Trung Quốc vẽ ra.
Hành động đòi chủ quyền của Trung Quốc hoàn toàn trái với Luật pháp quốc tế
Biển Đông là một trong những vùng biển có tính chất phức tạp bậc nhất thế giới bởi tại vùng biển này hiện đang tồn tại các tranh chấp chủ quyền. Trung Quốc là quốc gia đưa ra yêu sách phi lý với việc tuyên bố chủ quyền 80% diện tích của biển Đông bằng cái gọi là “Đường lưỡi bò” là trái với quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Sự việc này đã khiến Biển Đông không ít lần dậy sóng.
Video đang HOT
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận quốc tế bởi đây không chỉ là vấn đề riêng của khu vực mà nó đã trở thành vấn đề toàn cầu vì hành động của Trung Quốc đã vi phạm những quy định của luật pháp quốc tế.
Sau cuộc họp báo quốc tế hôm 7/5 của Việt Nam, rất đông các phóng viên trong nước và quốc tế có mặt đã được chứng kiến sự thật những gì đang diễn ra tại vùng biển thềm lục địa Việt Nam với những thông tin xác thực bằng hình ảnh. Sau đó, thông tin về hành động trái phép của Trung Quốc đã đồng loạt được truyền thông thế giới đăng tải.
Báo chí Mỹ, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ… đã có nhiều bài viết về việc Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Về phần mình, Trung Quốc họp báo ngày 8/5, tiếp tục diễn giải sự việc và trình bày quan điểm với những yêu sách phi lý khiến các phóng viên của các hãng tin quốc tế, các phóng viên Nhật Bản… đều tỏ ra hoài nghi về những nội dung mà phía Trung Quốc công bố, bởi phía Trung Quốc đã không đưa ra được những bằng chứng thực tế hay luận chứng có tính thuyết phục.
Các chuyên gia và học giả quốc tế cũng cho rằng, không một quy định nào cho phép Trung Quốc xác định chủ quyền của họ như Đường 9 đoạn đó. Giáo sư Carl Thayer – một chuyên gia về an ninh trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc cho biết, hành động của Trung Quốc là bất hợp pháp: “Trung Quốc đưa giàn khoan đến Biển Đông là một sự vi phạm chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam có quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên trong khu vực đó và giàn khoan dầu của Trung Quốc không được phép đưa vào đây để khai thác mà không có sự cho phép của Việt Nam. Điều này vi phạm luật pháp quốc tế”.
Cùng chung quan điểm này, Tướng Daniel Schaeffer – nguyên Tùy viên quân sự Đại sứ quán Pháp tại Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan, nay là chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu châu Á 21 của Pháp, cho rằng: Ngược về quá khứ, “Đường lưỡi bò” được phía Trung Quốc đưa ra từ năm 1947, nhưng ở thời điểm đó, đây chỉ là một đường vẽ mà không đi kèm với bất kỳ yêu sách hay đòi hỏi chính thức nào từ phía Trung Quốc.
Phải đến tận ngày 9/5/2009, Trung Quốc mới đưa ra yêu sách chủ quyền đầu tiên với việc nước này đệ trình một biên bản lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc để phản đối việc Việt Nam và Malaysia phối hợp trình Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc về việc phân chia khu vực thềm lục địa kéo dài liên quan đến hai nước. Lúc đó, phía Trung Quốc cho rằng sự việc này là “đáng lo ngại” đối với quyền của họ.
Chỉ cho tới lúc đó, phía Trung Quốc mới chính thức đưa ra đòi hỏi chủ quyền và cho rằng khu vực Biển Đông nằm trong “Đường lưỡi bò” là thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Như vậy, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc có sau Công ước về Luật Biển 1982. Do đó, mọi hành động nhằm khẳng định chủ quyền về “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc đều là bất hợp pháp và phi lý.
Ông Grigory Polling, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ, tổ chức nghiên cứu số 1 thế giới về an ninh và các vấn đề quốc tế cho rằng: “Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 quy định rõ rằng trong trường hợp có tranh chấp thì các bên kiềm chế không tiến hành các hành động khiêu khích và đơn phương. Năm 2002, Trung Quốc cũng đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) với ASEAN, trong đó các bên cam kết không tiến hành các hành động khiêu khích và đơn phương. Do vậy, hành động của Trung Quốc đã vi phạm cả tinh thần lẫn nội dung của 2 thỏa thuận trên”.
Luật pháp quốc tế cần được tôn trọng một cách nghiêm chỉnh
Với việc tự ý vẽ ra Đường 9 đoạn phi lý, gần đây Trung Quốc đã tiến hành các hành động đơn phương để hiện thực hóa yêu sách này. Do đó, sự việc giàn khoan HD-981 của Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam một lần nữa cho thấy những quy định của Luật pháp quốc tế mà cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 đã không được Trung Quốc tôn trọng. Điều này có thể trở thành tiền lệ xấu ảnh hưởng đến Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.
Trong khi đa số các quốc gia trên thế giới đều tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 thì Trung Quốc lại đi ngược lại. Ít có tranh chấp chủ quyền biển đảo nào trên thế giới có độ phức tạp như tại biển Đông cũng vì những yêu sách của Trung Quốc tạo ra. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục có “va chạm” với các nước ven biển Đông chính là vì những đòi hỏi phi lý này của Trung Quốc. Là một thành viên Liên Hợp Quốc, lại là quốc gia đã tham gia ký kết và phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Trung Quốc có nghĩa vụ phải tôn trọng Công ước đó.
Nếu áp dụng đúng các quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 thì tại Biển Đông, từ khu vực giữa và nam Biển Đông, vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia hầu như không bị chồng lấn lên nhau, thậm chí giữa vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam và vùng biển đặc quyền kinh tế của Philippines vẫn được ngăn cách bởi vùng biển Quốc tế hẹp nằm giữa biển Đông. Do đó việc tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc dựa trên Đường 9 đoạn bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông là vô cùng phi lý và không một quốc gia nào trong khu vực có thể chấp nhận yêu sách này. Thậm chí trên thế giới cũng chưa từng có tiền lệ đòi hỏi chủ quyền như vậy.
Với việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không những Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam đã được Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 thừa nhận, hành động hung hăng chủ động đâm vào tàu chấp pháp Việt Nam của tàu Trung Quốc cũng là hành vi vi phạm quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Bên cạnh đó, các quốc gia có nghĩa vụ đảm bảo an toàn hàng hải trên biển, tàu Trung Quốc chủ động đâm vào tàu nước khác khi những tàu này hoàn toàn không phải tàu chiến cho thấy Trung Quốc đã không tôn trọng nghĩa vụ của mình trong khuôn khổ của Tổ chức Hàng hải quốc tế mà nước này cũng là một thành viên. Hay nói một cách khác, Trung Quốc đã vi phạm quy định an toàn hàng hải về tránh va đập trên biển. Không những thế, hành động lần này của Trung Quốc còn đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký kết giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2002. Trong Tuyên bố đó, ASEAN và Trung Quốc đã cam kết không làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông và không sử dụng vũ lực.
Luật pháp quốc tế là cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Luật Biển cũng vậy. Những hành động đơn phương của bất cứ quốc gia nào vi phạm vào các quy định và thông lệ quốc tế sẽ ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và an toàn hàng hải tại các vùng biển. Nghiêm trọng hơn, đây còn là tiền lệ xấu đối với sự uy nghiêm cũng như tính ràng buộc của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà các quốc gia ký kết có nghĩa vụ phải tuân thủ.
Công ước được thông qua là một thành công lớn của thế giới, đồng thời đây cũng là chuẩn mực về Luật Biển áp dụng cho sân chơi chung toàn cầu. Do đó, tuân thủ Công ước Luật Biển năm 1982 là phải thực hiện đúng và đầy đủ quyền và nghĩa vụ được quy định trong Công ước này. Bất cứ hành động đơn phương nào vi phạm vào Công ước Luật Biển 1982 cũng khiến tình hình thêm phức tạp, đồng thời quốc gia nào không tôn trọng quy định về quyền và nghĩa vụ ghi trong Công ước cũng có nghĩa là tự tách mình ra khỏi sân chơi chung của cộng đồng quốc tế.
Vấn đề tại Biển Đông hiện nay không còn là vấn đề song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, mà nó đã trở thành vấn đề của cả khu vực, thậm chí có ảnh hưởng đến toàn thế giới bởi luật pháp quốc tế đang bị vi phạm. Các quốc gia, các tổ chức chính trị xã hội trên thế giới cần tỏ rõ lập trường phản đối trước hành động thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế của Trung Quốc, lên tiếng yêu cầu Trung Quốc tuân thủ nghiêm ngặt những quy định được nêu rõ trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Theo VOV
Công hàm 1958 và vấn đề chủ quyền ở Hoàng Sa-Trường Sa
TS Trần Công Trục: "Trung Quốc đã cố tình vận dụng sai Công ước luật biển 1982 để ngụy biện cho hành động sai trái của mình".
LTS: Biện minh cho hành động sai trái khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, phía Trung Quốc cho rằng đó là hoạt động bình thường trong vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng. Ngoài ra, phía Trung Quốc lập luận rằng, với tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa Phạm Văn Đồng năm 1958, Việt Nam đã từ bỏ quyền của mình đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Luật pháp quốc tế có thể rút ra từ đó kết luận gì về pháp lý? Sự thật về "cái gọi là chủ quyền "của Trung Quốc ở Hoàng Sa-Việt Nam là như thế nào?
Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân, một chuyên gia về lịch sử Trung Quốc cho biết, bắt đầu từ Nhà Hán (203TCN 220 ), Trung Quốc đã có những bộ chính sử do một cơ quan chuyên môn của triều đình biên soạn và công việc này được suy trì cho đến hết thời Nhà Thanh. Tức là mỗi triều đại Phong Kiến ở Trung Quốc đều có những bộ sử riêng như Hán sử, Đường sử, Tống sử, Minh sử.v.v... Một vùng đất thuộc lãnh thổ của Trung Quốc thì phải được biên chép trong "địa lý chí" thuộc các bộ chính sử. Đó là cơ sở để xác nhận sự thiết lập hành chính hoặc đã quản lý. Thế nhưng trong địa lý chí của các bộ chính sử của Trung Quốc đều không có ghi chép về Hoàng Sa và Trường Sa.
Ông Phạm Hoàng Quân
Trung Quốc là đất nước có truyền thống về sử hoá lâu đời nhất thế giới nên tư liệu lịch sử nói chung của Trung Quốc rất đồ sộ và tư liệu lịch sử liên quan đến Biển Đông cũng rất nhiều. Và, tất cả các ghi chép của "địa phương chí" trong các bộ chính sử của Trung Quốc về lãnh thổ đều thống nhất thừa nhận vùng đất xa nhất của họ ở cực nam là huyện Nhai, của phủ Huỳnh Châu, đảo Hải Nam.
"Từ đời Hán đến đời Thanh đều có những bộ chính sử của triều đại, các mục địa lý chí chưa từng biên chép gì về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đó là điểm để người ta nhận rằng Trung Quốc chưa từng xem nó thuộc về phần đất của họ. Các phần địa lý chí đều có mục xác nhận các đơn vị hành chính đến Huyện Nhai của phủ Huỳnh Châu, nằm trong phạm vi đảo Hải Nam, không vượt qua đảo Hải Nam. Những tài liệu chỉ rõ những lời tâu, lời chỉ dụ của Hoàng đế hoặc những tấu sớ của các quan cũng thừa nhận đất của Trung Quốc đến Huyện Nhai, những vùng biển phía ngoài là họ không quản lý được vì đó là của những nước khác, vùng biển chung quốc tế. Tức là lúc đó họ không nói hẳn là của ai nhưng họ không thừa nhận là của họ." - ông Quân khẳng định.
Chỉ đến năm 1951, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đề cập về chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. Ý định ấy kèm theo việc chiếm đóng thực tế một bộ phận vào năm 1956 và toàn bộ quần đảo này năm 1974. Tháng Giêng năm 1974, lực lượng vũ trang Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa. Ngay khi đó, Chính phủ Nam Việt Nam đã đưa ra lời phản đối lên Liên hợp quốc, công bố sách trắng về các quần đảo và lên án mạnh mẽ chống lại các hành động bất hợp pháp của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Chính quyền Sài Gòn đã sử dụng diễn đàn tại khóa hợp thứ hai của Hội nghị lần thứ ba của Liên hợp quốc về Luật biển tại Caracas năm 1974 để khẳng định lại các quyền của mình đối với hai quần đảo này. Trong năm 1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nhắc lại rằng, "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là những vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc".
Như vậy, hai chính phủ khẳng định mình là đại diện cho Nam Việt Nam (được trao quyền quản lý lãnh thổ hai quần đảo) đã có chung một thái độ về vấn đề này, không làm đứt mạch chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo. Tuy nhiên, Trung Quốc lập luận rằng đã có sự từ bỏ danh nghĩa chủ quyền từ phía Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đó là tuyên bố của Thủ tướng Việt Nam Dân chủ công hòa, ông Phạm Văn Đồng, ngày 14 tháng 9 năm 1958. Công hàm của ông Phạm Văn Đồng nói như sau: "Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng Lí rõ, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ghi nhận và tán thành lời tuyên bố ngày 4.9.1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tôn trọng quyết định đó và sẽ chỉ thị cho các cơ quan nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên mặt bể."
Ông Đinh Kim Phúc
Có thể thấy rằng, tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng chỉ có một nghĩa hẹp là công nhận bề rộng lãnh hải của Trung Quốc. Do vậy, thật không đúng khi lập luận rằng, Việt Nam đã "khẳng định lại sự công nhận của họ đối với yêu sách của Trung Quốc" đối với các quần đảo. Quan trọng hơn, ông Đinh Kim Phúc, giảng viên khoa Đông Nam Á học, Đại học Mở TP.HCM cho rằng: "Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cũng như Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay chưa bao giờ lên tiếng phủ nhận hoặc ra Nghị quyết từ bỏ chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa."
Hơn nữa, trong chiến tranh, vì lợi ích quân sự chung, bên này hay bên kia có thể sử dụng lãnh thổ láng giềng hay dàn xếp lãnh thổ tạm thời. Và luật pháp quốc tế không thể rút ra từ những việc như vậy các kết luận về tính liên tục của danh nghĩa pháp lý.
Những năm sau 1975, Trung Quốc tiếp tục duy trì việc chiếm đóng bằng quân sự trên toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Đó là những khẳng định liên tục các quyền của Nhà nước phong kiến Việt Nam từ xa xưa, sau đó là của Pháp thay mặt cho nước Việt Nam thuộc địa và đã có sự chiếm đóng thật sự hai quần đảo.
Và liên tục từ đó đến nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng, khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Theo công pháp quốc tế, việc sở hữu một lãnh thổ không chấm dứt chỉ vì mất đi sự chiếm giữ vật chất. Nói cách khác, sự gián đoạn các biểu hiện vật chất tự nó không làm gián đoạn chủ quyền nếu như không có ý định từ bỏ lãnh thổ đó một cách rõ ràng.
Bức Công hàm ngày 14-9-1958 của Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký
Như vậy, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử - pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam là quốc gia duy nhất đã chiếm hữu, quản lý hai quần đảo một cách liên tục, hòa bình và phù hợp với các quy định luật pháp quốc tế. Tuy vậy, trong những năm gần đây, để hỗ trợ yêu sách chủ quyền phi lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của mình, Trung Quốc đã và đang tiến hành các hoạt động củng cố yêu sách chủ quyền cả bằng hoạt động lập pháp và trên thực tế như nâng cấp Hải Nam thành tỉnh thứ 30 của nước này, trong đó bao gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa. Đặc biệt, năm 2007, Quốc vụ viện Trung Quốc đã phê chuẩn việc thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa, thuộc tỉnh Hải Nam, trực tiếp quản lý cả quần đảo Hoàng Sa và Trường của Việt Nam.
Rõ ràng, Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bằng những cuộc tấn công quân sự vào năm 1956 và 1974. Nhưng sự chiếm đóng này không thể chuyển hóa thành một danh nghĩa pháp lý. Pháp luật quốc tế hiện đại nghiêm cấm sử dụng vũ lực chống lại toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia. Cụ thể, Điều 2, khoản 4 của Hiến chương Liên hợp quốc nêu rõ: "lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng đe dọa hay sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe dọa hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp".
Bà Monique Chemillier Gendreau: "Trung Quốc không hề có giấy tờ chứng thực lịch sử, đã dùng vũ lực để chiếm đóng Hoàng Sa. Với quần đảo Trường Sa, chính quyền nước này cũng không có quyền gì mà chỉ chiếm bằng vũ lực."
Bà Monique Chemillier Gendreau, giáo sư công pháp và khoa học chính trị ở Trường Đại học Paris VII Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội luật gia châu nhấn mạnh, việc chiếm đóng bằng vũ lực không thể là cơ sở của một quyền. "Trung Quốc không hề có giấy tờ chứng thực lịch sử, đã dùng vũ lực để chiếm đóng Hoàng Sa. Với quần đảo Trường Sa, chính quyền nước này cũng không có quyền gì mà chỉ chiếm bằng vũ lực. Điều này không thể được xem là một quyền theo luật pháp quốc tế. Tôi đã nghiên cứu nhưng chưa tìm được những giấy tờ nào về sự có mặt hoặc quản lý thực sự của Trung Quốc. Thậm chí trong những cuộc thương lượng, họ vẫn không nắm rõ vấn đề, nhầm lẫn. Họ chủ yếu dựa vào vũ lực."
Như vậy, tất cả các hành động nhằm củng cố quyền của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa đề được xem là vô giá trị. Không có chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa, không có chủ quyền ở đảo Tri Tôn, Trung Quốc không thể vận dụng Công ước của Liên Hợp quốc năm 1982 để xác định vùng biển thuộc quyền đảo Hoàng Sa để xác lập chủ quyền và quyền chủ quyền của Trung Quốc đối với những vùng biển đó. Chính vì vậy ngụy biện khi cho rằng: "vị trí đặt giàn khoan Hải dương 981" cách đảo Tri Tôn 17 hải lý là trong vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa mà họ đang chiếm đóng là không có cơ sở pháp lý. Nếu áp dụng Công ước của Liên Hợp quốc về luật Biển năm 1982 để tính cách vùng biển xung quan quần đảo Hoàng Sa chỉ có Việt Nam - quốc gia có chủ quyền hợp pháp quốc với quần đảo Hoàng Sa mới có chủ quyền và quyền chủ quyền đối với các vùng biển đó.
Hơn nữa, vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải dương 981 lại nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia Việt Nam, cách đường cơ sở được vạch ra theo Công ước luật biển 119 hải lý, tức là vào sâu trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam 81 hải lí. TS luật học Trần công Trục, Nguyên Trưởng ban Ban Biên giới Chính Phủ nhấn mạnh: "Căn cứ vào Công ước của Liên Hợp quốc về luật Biển năm 1982 để tính toán vị trí Trung đặt giàn khoan 981 thì thấy rằng vị trí này nằm rất sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Bởi vì vị trí này nằm cách đảo Lý Sơn, một điểm nằm trên đường cơ sở của VN 119 hải lý, cách ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế là 80 hải lí và cách đảo Tri Tôn mà Trung Quốc gọi là Chúng Kiến là 18 hải lý nghĩa là nó nằm ngoài 12 hải lý. Căn cứ vào công ước luật biển thì quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam họ chiếm đóng trái phép là vô lý rồi nhưng ngay chuyện Trung Quốc tính đường cơ sở để tính các vùng biển là hoàn toàn áp dụng sai về luật biển để tạo ra vùng chồng lấn, tạo ra vùng tranh chấp thì đó là hoàn toàn vô lý. Chúng ta không thể nào chấp nhận cái quan điểm đó!"
TS Trần Công Trục: "Trung Quốc đã cố tình vận dụng sai Công ước luật biển 1982 để ngụy biện cho hành động sai trái của mình".
Như vậy, hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải dương 981 vừa qua của Trung Quốc không có bất cứ cơ sở pháp lý nào. Nó chỉ là những bước đi tiếp theo những hoạt động sai trái của Trung Quốc như chiếm đóng nhóm đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa vào năm 1956 và toàn bộ quần đảo này vào năm 1974, các hoạt động quân sự để chiếm đóng một số đảo ở quần đảo của Việt Nam vào năm tháng 3 năm 1988 cũng như yêu sách đường lưỡi bò phi lý và các hành động nhằm kiểm soát thực tế yêu sách này.
Hạ đặt giàn khoan hải dương 981 là một việc làm trái phép nối tiếp các việc làm sai trái của Trung Quốc ở Biển đông với một mưu đồ thống nhất nhằm biến Biển Đông thành ao nhà Trung Quốc. Với việc hạ đặt giàn khoan Hải dương 981 Trung Quốc đã xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Công ước luật Biển 1982, vi phạm tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) và các thỏa thuận liên quan giữa lãnh đạo cấp cao 2 nước cũng như thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển VN - TQ.
Trải qua lịch sử hàng ngàn năm chống ngoại xâm, trải qua các cuộc chiến tranh vệ quốc suốt chiều dài lịch sử, người Việt Nam hiểu hơn ai hết những đau thương, mất mát của chiến tranh cũng như những giá trị của hòa bình. Những ngày qua, mọi biện pháp hòa bình trong khuôn khổ Hiến chương Liên Hợp quốc đã được phía Việt Nam tận dụng để đấu tranh bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phái của quốc gia trước hành động hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc. Nhưng lịch sử dân tộc Việt Nam cũng chỉ ra rằng, chủ quyền lãnh thổ quốc gia là vấn đề thiêng liêng nhất đối với mỗi người dân Việt Nam và Việt Nam sẵn sằng sử dụng mọi biện pháp để bảo vệ lợi ích, chủ quyền của quốc gia./.
Lê Bình (theo VOV)
Theo_VietNamNet
Việt Nam có thể kiện Trung Quốc theo hướng nào? Luật sư Lê Thanh Sơn, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng Việt Nam có thể kiện Trung Quốc đã cố tình đánh tráo khái niệm, cố tình hiểu, giải thích và áp dụng các quy định của Công ước Luật biển năm 1982 sai để chiếm thềm lục địa của VN. Ngay sau cuộc họp chia sẻ thông tin với...