Hành trình xúc động về người đàn ông cứu tinh tinh bị bỏ rơi
Mọi thứ tĩnh lặng khi chiếc xuồng máy chầm chậm dừng lại. Nước sông vỗ vào bờ cát hẹp. Những chiếc lá đước rung rinh trong gió.
Một người đàn ông mặc chiếc áo phao màu xanh khum khum bàn tay trước miệng và hú lên “Hoo Hoo”!
Như một mật mã bí mật, tiếng hú của người đàn ông mở ra một thế giới bí ẩn. Hàng chục con tinh tinh xuất hiện từ những lùm cây, hai tay giơ ra như để chào người đàn ông này.
Trong hơn 40 năm qua, Joseph Thomas đã chăm sóc cho những cá thể tinh tinh bị nhiễm viêm gan siêu vi B tại Đảo Khỉ, Liberia. (Nguồn: Washington Post)
“Tới giờ ăn rồi”, Joseph Thomas, người chăm sóc cho đàn tinh tinh, vừa nói vừa ném những trái chuối cho những con vật háu đói.
Thông thường, tinh tinh không sinh sống tại một nơi cố định – đặc biệt là tại một nơi mà chúng không thể tìm kiếm thức ăn và phải chung sống với loài người. Ấy vậy mà điều đó diễn ra ở Đảo Khỉ của Liberia. Đảo Khỉ có thể nói là di sản còn lại từ những nhà khoa học Mỹ đã tìm cách chữa trị viêm gan siêu vi B vào năm 1974.
Thí nghiệm trên động vật đã xuất hiện từ thời Hy Lạp cổ đại. Và mỗi năm, có khoảng 115 triệu sinh vật được sử dụng trong các công trình nghiên cứu trên khắp thế giới. 66 cá thể tinh tinh của Đảo Khỉ không được dạy cách sinh tồn trong thế giới tự nhiên. Chúng tiêu thụ hơn 200kg thực phẩm mỗi ngày, và mỗi tuần, chúng còn được cho ăn trứng luộc để bổ sung protein. Những con vật này phụ thuộc vào một quỹ từ thiện ở nước ngoài và sự tận tụy của những người đàn ông đã biết chúng từ khi chúng còn sống trong những chiếc lồng sắt.
“Đó là Mabel!”, Joseph Thomas, người đứng đầu của đội chăm sóc động vật, chỉ vào một con tinh tinh cái nặng hơn 45kg. “Hãy nhìn kìa! Nó thường hay rửa đồ ăn trong dòng nước”. Vừa dứt lời, Mabel liền nhúng những trái chuối xuống dòng sông để rửa chúng.
Thomas đã chăm sóc chú tinh tinh Mabel khi nó vừa mới sinh ra. Ông vẫn còn nhớ rõ Mabel đã đặt bàn tay nhỏ xíu lên tay của mình như thế nào. Giờ ông đã 60 tuổi và chú tinh tinh này đã ở bước sang tuổi 36.
Những nhà nghiên cứu đến từ thành phố New York đã tiêm virus viêm gan siêu vi B vào cơ thể Mabel và bỏ chạy khỏi đất nước Liberia sau đợt bùng phát dịch bệnh Ebola lớn nhất trong lịch sử. Vì lý do đó, Mabel và những động vật khác đã bị bỏ lại nơi này.
Thomas chưa bao giờ nghĩ rằng ông sẽ hiến dâng cuộc đời mình để bảo vệ những cá thể tinh tinh này vượt qua bệnh dịch và những cuộc xung đột trong nước. Ông và những nhân viên khác vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh do những cá thể tinh tinh này có thể vẫn đang mang mầm bệnh. Tuy vậy, ông luôn tin tưởng rằng những chú tinh tinh này sẽ không bao giờ tấn công ông.
Sứ mệnh kỳ lạ của ông bắt đầu trong một sân tennis. Khi còn trẻ, ông mong ước trở thành một vận động viên chuyên nghiệp. Tuy vậy, cuộc đời ông rẽ sang chương mới khi ông gặp một nhà nghiên cứu từ Trung tâm Huyết học New York. Ông kể rằng người phụ nữ ấy nói sẽ kiếm việc cho ông nếu ông dạy bà ấy chơi tennis.
Vào năm 20 tuổi, Thomas trở thành một nhân viên chăm sóc động vật tại phòng thí nghiệm nghiên cứu tinh tinh của Trung tâm Huyết học New York. Công việc của ông là cho những động vật ăn và vệ sinh cho chúng. Thông qua quá trình tiếp xúc, ông có thể hiểu rõ cả tâm tính của từng con vật nơi đây.
Bốn năm sau đó, Thomas được thăng chức lên kỹ thuật viên y tế. Cùng thời gian đó, những cá thể tinh tinh bắt đầu bị nhiễm viêm gan siêu vi B và bệnh giun chỉ Onchocerca (bệnh mù lòa đường sông), một căn bệnh về mắt do một loại ký sinh trùng gây ra.
Thomas nói: “Hiện tại, những thí nghiệm trên tinh tinh không còn diễn ra nữa. Chúng ghét bị nhốt trong những chiếc lồng chật hẹp và chúng cũng cười đùa, khóc, ghen tị và giận dữ giống như chúng ta vậy”.
Đầu những năm 1990, quân đội của Charles Taylor, Tổng thống thứ 22 của Liberia, đã sát hại hàng nghìn người và khiến nhiều người phải rời bỏ nhà cửa.
Trong khi những nhà nghiên cứu Mỹ trở về quê hương, Thomas ở lại cùng với đàn tinh tinh.
Xung đột tiếp diễn đến đầu những năm 2000 khi lực lượng quân sự giành quyền kiểm soát Liberia. Trong khoảng thời gian đó, công chúng bắt đầu tạo sức ép và kêu gọi dừng thí nghiệm với những cá thể tinh tinh. Trung tâm Huyết học New York bắt đầu dừng thí nghiệm từ năm 2004 và một câu hỏi được đặt ra: Họ sẽ làm gì với những con vật này?
Đưa những cá thể tinh tinh này lại môi trường tự nhiên không phải là một lựa chọn hợp lý bởi chúng có thể truyền bệnh cho động vật khác và bởi chúng không biết cách tự mình kiếm ăn.
Ngoài ra, do những cá thể tinh tinh này từ nhỏ đã sống trong môi trường nhân tạo, chúng có thể sẽ không nhận biết và đề phòng những tay săn bắt trái phép. Do đó, “cách duy nhất chính là đưa chúng đến một hòn đảo”, Thomas nói.
Vào năm 2009, Trung tâm Huyết học New York tuyên bố họ khó có thể nào tiếp tục hỗ trợ cho Đảo Khỉ. Vì thế, họ đã liên lạc với Tổng thống của Liberia khi ấy là Ellen Johnson Sirleaf để đề nghị giúp đỡ. Tuy vậy, họ không nhận được hồi âm.
Đến năm 2015, khi dịch Ebola đang tàn phá Liberia, Trung tâm Huyết học New York thông báo với chính phủ Liberia rằng họ “không còn có thể trợ cấp cho Đảo Khỉ do phải tập trung các nguồn lực vào những chiến dịch cứu trợ quan trọng tại Mỹ”.
Thomas tiếp tục duy trì lịch trình ăn uống cho những cá thể tinh tinh cho đến khi không còn đồng xu nào. Trong tình thế đó, ông cùng những nhân viên chăm sóc động vật khác đã đến từng cửa hàng trái cây để xin quyên góp, và đó là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn.
Trong khoảng thời gian đó, Thomas đã chứng kiến cảnh những con tinh tinh điên cuồng và tuyệt vọng, tranh giành nhau những mẩu thức ăn còn sót lại. Ông biết rất rõ rằng chừng đó thức ăn là không đủ cho đàn tinh tinh.
Thomas kể câu chuyện này với bất cứ ai muốn nghe và cuối cùng ông đã tìm thấy một người có liên hệ với Tổ chức Nhân đạo Quốc tế tại Thủ đô Washington, Mỹ. Kể từ đó, tổ chức bắt đầu viện trợ 500.000 USD mỗi năm cho Đảo Khỉ. Và giờ đây, những con tinh tinh có thể được cho ăn hai lần mỗi ngày.
Theo baoquocte.vn
Tinh tinh dành nửa giờ giặt áo cho người chăm sóc mình
Yuhui, con tinh tinh giống đực 18 tuổi sống trong Công viên Lehe Ledu ở thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc đã dành nửa giờ để giặt áo của nhân viên chăm sóc nó.
Mời bạn xem clip:
Blue
Khi động vật yêu đương khiến con người phải "đỏ mặt" Khi động vật trao nhau những tình cảm ngọt ngào nhất thông qua nụ hôn khiến trái tim người xem cũng phải tan chảy theo. Sự thực thì tình yêu vẫn luôn đẹp, kể cả ở thế giới động vật. Hà mã trao nhau tình cảm qua những nụ hôn trong mùa giao phối. Khi động vật thể hiện tình cảm trông vô...