Hành trình “xé kén” hóa bươm bướm xinh đẹp của cô bé người mẫu 15 tuổi khuyết nửa cánh tay bẩm sinh
Nếu nhìn qua ai cũng tưởng ông trời ban cho Hà Phương quá nhiều: Chiều cao 1m75, khuôn mặt xinh như hoa hậu…
Nhưng để lạc quan và có thần thái như hôm nay, cô bé 15 tuổi đã phải nỗ lực rất nhiều để chiến thắng nỗi tự ti khi bị khuyết nửa cánh tay bẩm sinh.
Hà Phương mất cánh tay phải ngay từ lúc vừa lọt lòng. Khiếm khuyết tay bẩm sinh nhưng với tình yêu, sự bao bọc của gia đình, cô bé dần học cách thích nghi với khiếm khuyết cơ thể. Em có thể làm gần như mọi việc, chỉ có điều, có những việc rất đơn giản với mọi người như cắt dán thủ công, buộc tóc, em lại cần đến sự trợ giúp. Dù vậy trong suy nghĩ non nớt của một đứa trẻ, cô bé Hà Phương đã tin rằng “lớn lên tay mình sẽ dài ra”.
Người ta hay bảo, với lũ trẻ điều quan trọng nhất là “mỗi ngày đến lớp là một ngày vui”. Nhưng niềm vui đó có lẽ là với ai khác chứ chẳng phải Hà Phương. Hà Phương biết và các bạn cũng biết, em khác với tất cả các bạn. Lên lớp 2 mẹ cho Phương đi lắp tay giả. Nhưng niềm vui “giống như các bạn” chẳng được bao lâu thì cô bé phát hiện ra bàn tay ấy không cử động được, chẳng cầm nắm được, chẳng cảm nhận được. Vậy là Hà Phương không còn vui nữa!
“Eo ôi, cụt tay kìa, ghê quá” – đó từng là câu nói ám ảnh với Hà Phương suốt nhiều năm khi em đang ở độ tuổi lẽ ra chỉ nên có toàn niềm vui.
Những câu đùa cợt vô tư nhưng vô tâm của bạn bè khiến cô bé ngày càng mặc cảm về bản thân mình. Nhất là khi bắt đầu học lớp 2, đủ lớn hơn, biết hơn, cánh tay phải chỉ có một nửa và những lời xì xào càng khiến em xấu hổ, chán ghét bản thân. Không ít lần Hà Phương rơi nước mắt vì những câu đùa của bạn bè. Nhưng ngay cả vậy, tình hình đùa cợt chẳng chẳng khá hơn là mấy. Những đứa trẻ sàn sàn tuổi em, chúng chưa ý thức được những lời mình nói có thể giết người.
Để tạo cho mình lớp áo giáp, Phương chọn cách cô lập chính mình. Vào giờ ra chơi, khi các bạn ra sân vui đùa, em thường ngồi trong lớp vẽ và vẽ. Phương nói, khi vẽ em được sống trong một thế giới khác. Em hầu như chẳng chơi với ai, thậm chí chẳng nhìn ngó gì xung quanh, đến mức sau này em nhận ra mình chẳng thuộc tên, thậm chí cũng chẳng biết các bạn dù học chung lớp.
Nhưng lớp kén càng dày đồng nghĩa với nỗi mặc cảm, cô đơn càng lớn. Hà Phương thậm chí chấp nhận mọi thứ một mình, em không chia sẻ với người thân bởi sợ làm họ lo lắng. Thế giới của cô bé cấp 2 lẽ ra đầy những mảng màu sống động thì với Phương lại nhuốm sắc thâm u.
Bất chấp những nỗi buồn ấy, càng lớn, Hà Phương lại càng xinh, càng cao. Với các bạn đồng trang lứa đang bắt đầu bước vào tuổi thiếu nữ, đó hẳn là niềm vui, nhưng Hà Phương thì ngược lại. Em ghét cảm giác bị nổi bật, bởi như thế khiếm khuyết cơ thể càng dễ bị phát hiện ra, em càng nhận được nhiều lời bàn tán, nhiều lời chế giễu hay cả những cái chép miệng tiếc nuối của người lớn.
Tất cả chúng đều như những vết dao cắt vào lòng cô bé mới chỉ vừa bước qua tuổi lên 10. Hà Phương chỉ muốn trốn mình khỏi đám đông, muốn một mình và thậm chí muốn vô hình. Phương đã từng nói với mẹ không muốn đi học nữa vì sợ những tiếng cười cợt trêu chọc của bạn bè. Hơn ai hết, cô bé hiểu rất rõ câu nói “T ại các bạn không có được điều đặc biệt như con nên các bạn ấy ghen tị thôi” chỉ là lời mẹ an ủi mình.
Mặc cảm với những lời trêu đùa, Phương từng nghĩ đến cái chết. Cô bé thậm chí đã có lúc tự làm cho cơ thể tổn thương. Thật may mọi chuyện không để lại hậu quả nghiêm trọng, cùng với tình yêu của gia đình, sự lạc quan của mẹ, sự chăm sóc của chị và thời gian, những tổn thương tự gây cho cơ thể cũng qua đi. Chỉ có điều những ngày tháng giấu mình đi giữa đám đông bằng cách cúi mình, che bớt đi phần bên tay bị mất, che luôn gương mặt xinh đẹp đã trả về cho cô bé tấm lưng bị gù và thân bị lệch.
Trẻ con, đứa nào mà chẳng có mơ ước. Hà Phương không ngoại lệ, trong những giấc mơ của em, có cả một góc bé xinh là trở thành người mẫu. Phần bởi em có một người chú theo nghề này, phần bởi, những cô người mẫu khoác lên mình những bộ đồ thời trang với những bước đi tự tin khiến em thích thú.
Video đang HOT
Ở nhà, thỉnh thoảng lúc không có ai, Phương cũng để quyển sách trên đầu, đi theo đường kẻ ô trên sàn nhà để tự tập làm người mẫu. Thế nhưng, thích là một chuyện, tập là một chuyện còn thực tế thế nào lại là chuyện khác. Phương kể khi nhìn thân thể không lành lặn của chính mình, em chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ thành người mẫu.
Nhưng giống một trích đoạn nổi tiếng của Nhà Giả Kim “Khi bạn thực sự mong muốn một điều gì, cả vũ trụ sẽ hợp lại giúp bạn đạt được nó”, bằng một cách tình cờ, Phương đã đến được với nghề.
Một ngày nọ, mẹ đưa cả 2 chị em Phương đến lớp đào tạo của siêu mẫu Hạ Vy. Lý do khi đó chủ yếu là để chị gái em tham gia tập tành nhằm giảm béo, còn Phương đi theo với mong muốn nếu được thì vì mẹ mà tập để sửa lưng bị gù và lệch vai.
Thật bất ngờ, ngay khi gặp và nói chuyện Phương, cô Hạ Vy đã nói với em rằng, nếu cố gắng, em vẫn có thể làm người mẫu bình thường, ngay cả khi khuyết 1 bên tay.
Sau buổi tập đầu tiên, chị gái Hà Phương đã từ bỏ ý định theo học lớp người mẫu, nhưng em lại say mê với nó. Phương bảo mong muốn thoát khỏi vỏ bọc xưa cũ để tự tin hơn và hòa nhập với thế giới này đã là động lực để em quyết tâm theo đuổi nghề người mẫu.
Buổi tập nào em cũng tốn công sức gấp đôi các bạn học cùng vì bước đi của em chưa chắc. Việc một tay không hoàn chỉnh cũng khiến khả năng giữ thăng bằng của em kém hơn và hay bị ngã.
Phương cười tươi khi kể rằng mình bị ngã rất nhiều, áo lúc nào cũng đẫm mồ hôi nhưng bù lại em tìm thấy sự say mê trong việc chinh phục ước mơ làm người mẫu. Cứ ngã lại đứng dậy, em tập luyện chăm chỉ đến quên cả thời gian, lúc nào không tập là thấy nhớ.
Thế rồi, nhờ sự trợ giúp của siêu mẫu Hạ Vy và nhiều người xung quanh cùng sự nỗ lực của bản thân, những bước đi của Phương đã vững vàng hơn. Trước đây em không bao giờ đi được giày cao gót nhưng bây giờ đó hoàn toàn không còn là vấn đề.
Những buổi tập mệt nhoài cần đến 150% sức lực đã giúp cô bé nhút nhát, mặc cảm, không muốn ai nhìn thấy mình lột xác ngoạn mục. Để rồi chính sức sống, nghị lực và sự quyết tâm của Hà Phương đã đưa em đến với BST mới của NTK Hà Duy.
Dù rất lo lắng vì là lần đầu chụp với trang phục có hở tay nhưng khi nhận ảnh, Hà Phương đã rất bất ngờ vì… những bức hình quá đẹp. Quan trọng là bộ hình như đã khiến em thoát khỏi nỗi ám ảnh lớn nhất luôn vướng mắc trong lòng đó là sợ bị mọi người nhìn thấy cánh tay bị khuyết.
Phương vẫn nhớ như in cái cảm giác hạnh phúc khi được thông báo mình sẽ chính thức được lên sàn runway, biểu diễn áo dài. Với cô bé 15 tuổi, đây quả là giấc mơ thành hiện thực. “Ngay từ lúc được thông báo, em đã dành nhiều thời gian để tập đi catwalk hơn. Cả hôm tổng duyệt và diễn chính thức, em đều tỉnh dậy mà chẳng cần báo thức để chuẩn bị thật kỹ lưỡng”.
Dù kể rằng đã lo lắng hồi hộp đến toát mồ hôi, nhưng trong quá trình diễn, nàng người mẫu tuổi teen lại bình tĩnh đến bất ngờ để hoàn thành phần diễn không có sai sót. Với Hà Phương, đây chính là một thành quả lớn, là trái ngọt cho những vất vả và nỗ lực của mình.
Hiện tại, cái tên Hà Phương đã xuất hiện trên khắp mặt báo, trên tivi… với hình ảnh một cô người mẫu trẻ nỗ lực không ngừng nghỉ, xinh đẹp như hoa hậu, thần thái ngút ngàn, vóc dáng, chiều cao lý tưởng, bất chấp khiếm khuyết trên cơ thể em.
Tuy nhiên, Phương cho rằng thành công lớn nhất của em hiện tại là đã không còn ngại ngùng bước đi trên đường phố hay lúc tới trường nữa. Giờ em chẳng cần gù lưng xuống hay mặc áo dài tay giấu thật kĩ bên tay bị cụt nữa.
Vui hơn nữa là ở những năm cuối cấp 2, Hà Phương không còn phải buồn vì bị bạn bè trêu đùa ác ý. Em hồn nhiên kể, các bạn ở lớp vẫn gọi đùa mình là con vịt, nhưng hiện tại, Phương đã đủ tự tin, vui vẻ để thấy rằng “con vịt đáng yêu” và biết rằng các bạn chỉ đùa thế thôi chứ luôn bảo vệ mình khi bị các em khối nhỏ hơn trêu chọc.
Hà Phương của hôm nay vẫn chỉ là cô bé 15 tuổi, nhưng sự trưởng thành của em khi bén duyên với nghề người mẫu thì là sự vượt bậc của chính bản thân mình. Từ chuyện làm người mẫu, cô bé 15 tuổi vốn mỏng manh, nội tâm ấy giờ đã mạnh dạn ước mơ mình sẽ là nhà thiết kế thời trang, sẽ tạo ra những mẫu thiết kế thật ấn tượng để tự mình có thể mặc chính những món đồ ấy. Đó không chỉ là một suy nghĩ về nghề nghiệp mà còn là đam mê, là khát vọng tự chui khỏi vỏ kén để hóa thành một nàng bươm bướm xinh đẹp của Hà Phương.
Ảnh: Dạ Miêu
Creative & Stylist: Ngân Hạnh; Jin Juin
Thiết kế: Hà Mĩ
Clothing & Florist: Subtle Studios; Oh, Fleur
MUA: Minh Ánh
Bố mẹ đừng tưởng chỉ đánh đập mới là bạo hành con, nhà văn Hoàng Anh Tú chỉ ra một hành vi đáng sợ chẳng kém
"Chúng ta nào phải làm cha mẹ trong phút chốc mà cần phải nhanh? Chúng ta làm cha mẹ cả một đời kia mà", nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ.
Làm cha mẹ chưa bao giờ là công việc dễ dàng. Không ít người vì quá nóng nảy mà có những cách giáo dục sai lầm, chẳng hạn như đánh đòn để khiến con nghe lời. Thực tế đòn roi chưa bao giờ là biện pháp đúng đắn để nuôi dạy một đứa trẻ. Bởi nó không chỉ gây ra những vết thương về thể xác mà còn cả tinh thần. Những vết thương đó có thể kéo dài suốt cuộc đời con trẻ.
Tuy nhiên không chỉ đòn roi mới gây ra những tổn thương. Có một loại bạo hành khác mà bố mẹ thường hay áp dụng với con trẻ mà không hề hay biết, đó chính là "bạo hành lạnh". Hiểu một cách đơn giản thì nó là việc bố mẹ "cô lập", không nói chuyện với con. Nói về điều này, nhà văn Hoàng Anh Tú mới đây đã chia sẻ những quan điểm, cảm nghĩ của mình:
"Hôm qua, lúc xuống thang máy, gặp hai mẹ con nhà nọ. Người mẹ chắc cũng chỉ 30-33 tuổi, cô con gái chắc 3,4 tuổi. Người mẹ đang giận, mặt lạnh te. Cô con gái cố gắng tìm cách làm mẹ hết giận nên lăng xăng. Nhưng không ngờ mẹ lại nói:
- Con thôi đi, con có biết trông con rất "giống con dở hơi" không?
Bà mẹ sau đó vẫn giữ thái độ lạnh băng suốt quãng thời gian thang máy đi xuống. Hai vợ chồng tôi nhìn nhau đầy ngán ngẩm. Vợ tôi thì thầm: "Trẻ con nó biết gì đâu". Tôi thì không nghĩ vậy. Trẻ con chúng biết hết đấy. Trong tình huống này, tôi gọi đó là "bạo hành lạnh". Nhìn đứa trẻ líu ríu đầu cúi gằm đi theo mẹ mà tôi thấy tội. Hôm nay, nó đã là một "con dở hơi" trong mắt mẹ...
Rất nhiều cha mẹ, trong đó có cả tôi đã không đánh đòn con vì văn minh rồi nhưng vẫn hay "bạo hành lạnh" với con kiểu đó. Chẳng hạn như làm mặt lạnh hoặc xua đuổi con, dùng giọng phán quyết với con mình hoặc nói những câu như:
- Con không yêu mẹ nữa phải không? Con làm thế là con không yêu mẹ. Con không yêu mẹ nên mẹ cũng chẳng yêu con nữa.
- Con không phải là con của mẹ. Mẹ chẳng có đứa con nào như thế này cả
- Mẹ quá thất vọng về con
- Mẹ không muốn nói chuyện với con nữa
- Mẹ không quan tâm đến con nữa
- Con đi ra chỗ khác đi. Mẹ không muốn nhìn thấy mặt con lúc này
- ...
Bạo hành lạnh là việc cha mẹ xua đuổi con. Cha mẹ cô lập con. Cha mẹ thể hiện việc chán nản về con. Thậm chí lôi kéo bố hoặc mẹ hoặc ông bà, anh chị em của con về phe mình để cô lập "đứa trẻ hư"...
Nhưng vợ tôi hỏi, nếu một đứa trẻ hư và nghịch như quỷ thì chúng ta phải làm sao để nó trật tự lại? Thú thật, cách nhanh nhất vẫn là trừng phạt chúng để chúng nhận ra nguyên tắc không được xâm phạm. Nhưng tôi bảo này, chúng ta nào phải làm cha mẹ trong phút chốc mà cần phải nhanh? Chúng ta làm cha mẹ cả một đời kia mà. Sao cần phải ngay lập tức đưa con vào nề nếp bằng kỷ luật thép? Là ta lười biếng và lúc nào cũng muốn nhanh chóng thôi. Dạy con đâu phải ngày một ngày hai, đúng không? Tôi vẫn nói với vợ mình rằng nếu có thứ gì chúng ta được học từ khi sinh con có lẽ chính là lòng kiên nhẫn, sự kiên trì.
Nhìn theo bóng hai mẹ con nhà kia đi về, tôi chỉ biết thở dài. Tôi không trách người mẹ kia. Tôi không bao giờ trách những người mẹ mắng con hay kể cả đánh con. Mà tôi trách những người cha. Bởi tôi thấy phần đa những người mẹ như vậy đều là bởi họ đang có một người chồng chẳng bao giờ chịu chia sẻ với vợ mình.
Hạnh phúc của hôn nhân mới là cách giúp giáo dục con cái tốt nhất chứ không phải dạy con kiểu Do Thái, dạy con kiểu Nhật hay dạy con kiểu Mỹ. Nên tôi mới hay nói đùa trong nhiều talkshow tôi tham gia rằng: Hãy cho tôi một người chồng biết nghĩ. Tôi sẽ trở thành người vợ hạnh phúc và một người mẹ tuyệt vời.
Nhưng, có lẽ có người chồng biết nghĩ mới là thứ khó nhất của chị em vậy...".
Vài nét về tác giả:
Hoàng Anh Tú sinh ngày 3/10/1978, là một cái tên rất quen thuộc với các độc giả Việt Nam, đặc biệt là độc giả trẻ. Anh từng là bút trưởng (thế hệ thứ ba) của hội bút Hương đầu mùa, và giữ mục Công ty Divu với tên gọi Chánh Văn trên tuần báo Hoa học trò từ năm 2000-2012.
Hiện tại, nhà văn Hoàng Anh Tú sống hạnh phúc với vợ Nguyễn Lê Trang và có 3 con là con trai Gia Bách, con gái Trà My, con gái út Phương Nguyên. Anh thường xuyên chia sẻ quan điểm về tình yêu, cuộc sống gia đình và cách nuôi dạy con cái.
Nàng công sở bị cô lập vì chống đối bộ phận thu mua bòn rút tiền công ty, dân mạng khuyên làm ngay điều này Việc cần làm khi phát hiện tiêu cực đó chính là chuẩn bị tất cả bằng chứng rồi ngay lập tức trình báo với sếp để có giải pháp tiến hành thanh lọc phù hợp. Thị phi là đặc sản của môi trường công sở và thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể kể đến như sự giao tiếp...