Hành trình về Tết: Sợ nhồi nhét, đấm, tát
Chưa vào cao điểm Tết, nhưng vận tải bằng xe khách nóng lên từng ngày. Hành trình về quê sum họp tiềm ẩn đầy bất trắc. Trong khi đó, một “cò” xe vỗ mông, tát nữ hành khách dọc đường gây phẫn nộ chưa thể xử lý. Có số đường dây nóng nhưng không dễ tiếp cận…
Tìm đâu ra đường dây nóng phản ánh?
Trước vấn nạn “cò mồi”, nhồi nhét khách và tăng giá tùy tiện, hành khách cần một nơi để bấu víu trên chặng đường về quê dịp Tết. Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục Đường bộ cho biết, theo quy định hiện hành, xe khách phải ghi số điện thoại của chính doanh nghiệp trên thành và trong xe. Tổng cục Đường bộ, các sở GTVT, CSGT các tỉnh đều có đường dây nóng.
Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cũng cho biết vài ngày tới, Ủy ban sẽ cung cấp các số đường dây nóng hoạt động 24/24 giờ trong dịp Tết. Ngoài tiếp nhận và xử lý khiếu nại về hoạt động của doanh nghiệp vận tải, ủy ban cũng tiếp nhận phản ánh về tiêu cực của các lực lượng chức năng (như mãi lộ, thiếu trách nhiệm trong xử lý vi phạm…) để phối hợp với lãnh đạo công an, ban ATGT các tỉnh xử lý.
Tuy nhiên, thực tiễn những năm trước cho thấy, khi bị nhồi nhét, ép giá trên xe, hành khách không thể tin vào số đường dây nóng của doanh nghiệp. Muốn tìm các số đường dây nóng của lực lượng chức năng như đã công bố ở trên rất khó khăn. Các số này thường chỉ công bố một lần trên báo chí.
Ngay cả số nóng của Tổng cục Đường bộ cũng không có trên trang chủ điện tử của đơn vị này. Tìm số đường dây nóng của CSGT các tỉnh cũng không dễ với hành khách trong trường hợp bị nhồi nhét trong xe…
Nói về điều này, Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ cho biết, sau khi “vi hành” kiểm tra vận tải Tết tại miền Trung những ngày qua, thấy cần thiết phải tăng cường các biện pháp bảo vệ hành khách đi xe. Trước mắt, Bộ GTVT sẽ ban hành ngay công điện khẩn về giao thông dịp Tết.
Tết này, hành khách sẽ vẫn phải chịu cảnh nhồi nhét? (Ảnh: Sỹ Lực)
Ông Khuất Việt Hùng (Vụ trưởng Vận tải Bộ GTVT), người đang soạn thảo công điện này cho biết, một trong những nội dung sẽ là yêu cầu các chủ xe ghi số điện thoại của công an, thanh tra giao thông trên thành và trong xe; đề nghị các địa phương cắt cử lực lượng ứng trực 24/24 giờ để xử lý. “Từ nay đến Tết không còn nhiều thời gian, nhưng nếu ban hành công điện khẩn, việc này vẫn có thể thực hiện được” – ông Hùng nói.
Video đang HOT
Dịp cao điểm Tết năm ngoái, Ủy ban ATGT quốc gia là đơn vị đề xuất đưa các số điện thoại của quan chức các ngành liên quan để làm đường dây nóng. Trong thực tế, có nhiều vụ xe khách nhồi nhét, sang khách, ép khách… đã bị xử lý nhờ có sự can thiệp kịp thời của cơ quan chức năng.
“Cò” vỗ mông, tát khách bỏ trốn
Trong hội nghị triển khai kế hoạch đảm bảo trật tự vận tải Tết của liên ngành quận Hoàng Mai (Hà Nội) sáng 14/1, câu chuyện xe “dù” lộng hành, “cò mồi” tát hành khách được nhiều cơ quan liên quan đề cập.
Trung tá Nguyễn Hồng Thái, Đội trưởng CSGT 14 (Phòng CSGT, CA Hà Nội) khẳng định, hiện tượng “cò mồi” gây mất trật tự, xe “dù” lòng vòng đón khách tại một số bến xe khách ở Hà Nội là có thật. Tuy nhiên, trung tá Thái cho rằng, một mình lực lượng CSGT không thể giải quyết hết các vấn nạn này, đặc biệt là nạn “cò mồi” tại cửa bến xe. Ông Thái đề nghị sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát trật tự, cảnh sát hình sự và thanh tra giao thông…
Hành vi của “cò mồi” vỗ mông, hành hung khách không chỉ diễn ra gần Bến xe Nước Ngầm, mà còn có thể xảy ra bất cứ nơi đâu trên chặng đường về quê ăn Tết.
Theo điều tra của PV Tiền Phong, riêng đám “cò mồi” từng lộng hành một góc ngã ba Giải Phóng – Pháp Vân- Ngọc Hồi. Chúng manh động và sẵn sàng sàm sỡ với cả những vị khách đi cùng chồng, con. Thậm chí, bọn chúng áp giải bằng được hành khách lên chiếc xe “dù” đang ngang nhiên đỗ dưới lòng đường cạnh đó.
Trung tá Hà Quang Thái, Trưởng công an phường Hoàng Liệt (nơi xảy ra sự việc) cho biết: Đối tượng trực tiếp vỗ mông, tát nữ hành khách khi bị phản ứng có tên là Bùi Mạnh Tú (sinh năm 1979, quê Quảng Xương – Thanh Hoá, biệt danh Tú “ẩm”). Tên này vốn là “cò” xe tại Bến xe Mỹ Đình mới “dạt” về. Sau khi báo đăng, Tú đã trốn về quê. “Hiện, lực lượng công an đang truy tìm, xử lý”, ông Thái nói.
Tuy nhiên, theo Trung tá Thái, nếu phát hiện cũng chỉ xử lý vi phạm hành chính đối tượng này, vì không xác định được thương tật người bị hại. Đại tá Trần Văn Tỉnh, Trưởng công an quận Hoàng Mai cũng cho rằng, nếu bắt được Tú chỉ xử lý hành vi “cò mồi”, gây rối trật tự công cộng. Theo đó, muốn xử lý Tú “ẩm” tội hành hung người khác phải qua nhiều công đoạn giám định khác.
Trả lời câu hỏi làm sao để dẹp được nạn “cò mồi” chăn khách, đại diện lực lượng công an sở tại cho là khó xử lý triệt để vì không đủ lực lượng túc trực xử lý thường xuyên.
Tuy nhiên, một số nguồn tin của Tiền Phong cho rằng, các xe “dù”, “cò mồi” hoạt động có tổ chức (với quy mô 5-7 xe) và công khai. Và, càng gần tới cao điểm đi lại, xe “dù”, “cò mồi” càng công khai hoạt động.
Theo Nhóm PV Kinh tế
Mất vé tàu phải mua lại: Quy định lạc hậu
Mấy ngày qua, mẹ con chị Vũ Thị Thúy Hà (công nhân một công ty may ở Q.Tân Phú, TP.HCM) phải chạy đôn chạy đáo đến ga Sài Gòn nhờ giải quyết vì vé tàu chị đã mua bị mất trong vụ giật đồ. Theo quy định, trường hợp này phải mua lại vé tàu.
Vé tàu TP.HCM - Nam Định chị Hà mua đi vào ngày 4/2, tàu SE2 có giá gần 2 triệu đồng, bằng nửa tháng lương đối với công nhân như chị.
Quá cứng nhắc
Theo lời chị Hà, sau khi chị trình báo mất vé, nhân viên ga Sài Gòn kiểm tra lại hệ thống lưu trữ điện tử trùng khớp với những thông tin chị Hà cung cấp về vé tàu bị mất. "Tuy nhiên họ nói sẽ không cho tôi lên tàu nếu không mua vé mới. Khổ nỗi các tàu đều hết vé nên tôi chấp nhận bỏ thêm 930.000 đồng mua ghế ngồi phụ về tới Hà Nội rồi bắt ôtô ngược về Nam Định" - chị Hà dự tính. May sao có người gọi báo nhặt được giỏ đồ của chị Hà, trong đó có cả vé tàu. Chị tất tả chạy vào ga Sài Gòn trả lại vé ghế phụ nhưng chỉ nhận lại được 70% số tiền đã bỏ ra mua vé.
Mặc dù tấm vé (bị rách) của anh Trương Ngọc Khoa đã được lưu trữ thông tin trên hệ thống điện tử của ga nhưng theo ga Sài Gòn, đây là vé không hợp lệ - Ảnh: Q.KHẢI
Anh Trương Ngọc Khoa (sinh viên) lỡ bỏ vé tàu (từ Sài Gòn - Huế) vào máy giặt bị rách, mất hết thông tin trên vé cũng bị ga Sài Gòn cho biết sẽ từ chối cho lên tàu nếu không mua lại vé mới, dù nhân viên ga kiểm tra thông tin anh Khoa báo trùng khớp với tên, số CMND của anh được lưu trên hệ thống thông tin điện tử. Nhiều trường hợp gặp tình trạng tương tự như anh Khoa phải chấp nhận bỏ thêm tiền đi các phương tiện vận tải khác vì thời điểm hiện nay vé tàu gần như đã hết.
Mất vé máy bay vẫn đi được
Tất cả các hãng hàng không nội địa VN hiện nay đều sử dụng vé máy bay điện tử trên đó ghi số vé, mã xác nhận, thông tin chuyến bay, tên hành khách...
Trường hợp hành khách mất hoặc quên vé máy bay chỉ cần thông báo lại tên hành khách, thông tin chuyến bay (số hiệu chuyến bay, giờ xuất phát, nơi đi nơi đến, số điện thoại khi đặt chỗ, email...), mã xác nhận và đưa giấy tờ tùy thân cho nhân viên làm thủ tục tại sân bay để kiểm tra lại cơ sở dữ liệu trên hệ thống là có thể lên máy bay.
Lê Nam
Trả lời về trường hợp của anh Trương Ngọc Khoa, ông Đinh Văn Sang - phó tổng giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn - cho rằng hành khách lên tàu phải có vé tàu hợp lệ như ghi tên tuổi, số chứng minh nhân dân và phải còn nguyên vẹn. Nếu vé không hợp lệ, khách phải mua lại vé mới. Đối với những trường hợp trễ tàu, đại diện ga Sài Gòn cho biết theo quy định của ngành đường sắt, hành khách phải có mặt trước giờ tàu chạy. Vì vậy, những trường hợp hành khách đến trễ sẽ không giải quyết cho lên tàu và cũng không được thu xếp cho đi những chuyến sau. Lý do: khả năng đáp ứng ngành đường sắt trong thời gian có hạn, hầu như các chỗ đã được đặt mua.
Ông Sang khẳng định đó là quy định của Bộ Giao thông vận tải (tại quyết định về ban hành quy định việc vận tải hành khách, hành lý, bao gửi trên đường sắt quốc gia năm 2006). Ông Sang thừa nhận "quy định trên hơi cứng" nhưng ông cho rằng Bộ Giao thông vận tải đã quy định vậy nên phải làm theo.
Thực tế ngoài ngành đường sắt, nhiều hãng xe đò đã làm thủ tục mua vé, giao dịch bằng hình thức điện tử. Tuy nhiên đối với hành khách mua vé xe đò thì cách xử lý khác với ngành đường sắt. Ông Trương Công Đỉnh, tổng giám đốc Công ty cổ phần du lịch và vận tải Phương Trang, cho biết do tên hành khách đã được lưu trữ trên hệ thống quản lý vé của công ty nên công ty sẵn sàng giải quyết cho những trường hợp bị mất vé.
Không còn phù hợp
Luật sư Ngô Quý Linh, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng quy định của Bộ Giao thông vận tải được hiểu là việc phát hành vé tàu trong các trường hợp không in tên, số chứng minh nhân dân của người đi tàu trên vé cũng như lưu trữ trên hệ thống thông tin điện tử. Do đó khi mất vé, bất kỳ ai nhặt được vé cũng có thể đi chuyến tàu đó và gây thiệt hại cho doanh nghiệp vận tải.
Trong khi đó, vé tàu tết hiện nay theo quy định được kê khai đầy đủ họ tên, số chứng minh nhân dân nên quy định hành khách lỡ mất vé, vé bị rách buộc mua lại vé mới không còn phù hợp và cần được khẩn trương thay đổi cho sát với thực tế. Đặc biệt, hiện Luật giao dịch điện tử đã có hiệu lực, các giao dịch, chứng từ điện tử đã được nhiều đơn vị áp dụng và được thừa nhận. Rõ ràng khi doanh nghiệp vận tải có thể xác định rõ những người đi tàu có phải là người chủ thật sự của chiếc vé hay không thì trường hợp mất vé, hư vé hoàn toàn có thể linh động giải quyết cho hành khách được đi tàu chứ không phải bắt họ mua vé hai lần.
Theo 24h
Sốt vé xe dịp tết Dù giá vé cao ngất ngưởng so với ngày thường song nhiều người vẫn cho rằng mình may mắn khi kịp mua được một tấm vé xe tết. Trong ảnh: nhân viên bán vé Hãng xe Chín Nghĩa thông báo hết vé với khách hàng Sáng 18-12, nhiều quầy vé tại bến xe miền Đông (TP.HCM) đã treo bảng thông báo hết vé...