Hành trình về cánh đồng chết Choeung Ek
Nằm cách thủ đô Phnom Penh 15km về hướng Nam là cánh đồng chết Choeung Ek, nơi chế độ diệt chủng Khơ-me Đỏ của Pol Pot đã sát hại hàng chục ngàn đồng bào của chính mình, bằng những cách tàn ác và vô nhân tính nhất.
Tháp tưởng niệm nạn nhân diệt chủng – Ảnh: Huỳnh Mai
Cánh đồng chết Choeung Ek là một trong số 300 cánh đồng đã hứng chịu bao máu xương của những người Khơ-me vô tội bị giết hại. Điểm tham quan này thực chất cũng đã được thu nhỏ lại, dọn dẹp sạch sẽ và chỉ để lại vài chứng tích quan trọng.
Bước vào cổng Cánh đồng chết, tôi chợt nghĩ Campuchia sẽ làm du lịch như thế nào đối với một điểm tham quan “nhạy cảm” và đặc thù như thế này? Hẳn mọi người sẽ không muốn nhìn thấy những cảnh tượng ghê rợn, hẳn người Campuchia cũng không muốn khơi lại những ký ức đau buồn của thời kỳ bi thương nhất trong lịch sử.
Audio tour – trò chuyện cùng tiếng lòng du khách
Với giá vào cổng 6 USD, mỗi khách tham quan sẽ được phát cho một bản đồ tham quan cùng chiếc máy thuyết minh, kèm theo tai nghe. Có rất nhiều ngôn ngữ cho du khách từ các nước và đương nhiên không thiếu tiếng Việt.
Đeo tai nghe để bắt đầu hành trình, cất lên bên tai tôi là một giọng kể truyền cảm, tựa như có một người bạn bên cạnh để đồng hành cùng mình.
Men theo từng điểm trong bản đồ, mỗi địa điểm là một nhân chứng tội ác, như kho chứa thuốc độc để rải lên người nạn nhân, hố chôn 166 xác không đầu, hố chôn phụ nữ và trẻ em, cây giết người mà Khơ-me Đỏ đã đập đầu những sinh linh vô tội trước khi vứt xuống hố…
Xương của các nạn nhân được tìm thấy ở hố chôn tập thể – Ảnh: Huỳnh Mai
Cảnh vật chỉ là những tấm bảng, những cái hố, cái cây im ắng đến rợn người; trong khi giọng kể đang thổn thức lên từng hồi khiến cho du khách ai cũng suy tư, trầm lắng. Có những giọt nước mắt đã rơi, những du khách từ nơi xa xôi nghẹn ngào.
Chẳng những kể lại từng câu chuyện xưa, “người bạn đồng hành đặc biệt của mỗi du khách” còn mang đến những mẩu chuyện về người trong cuộc lẫn kẻ đã nhúng tay vào tội ác.
Video đang HOT
Tôi không thể nào quên được khoảnh khắc “người bạn” cất lên âm thanh bi ai khi tôi dừng chân ở địa điểm “cây ma thuật”. Thời đó, Khơ-me Đỏ thường treo loa phát nhạc cách mạng trên cây này cả ngày lẫn đêm. Ban đêm những lời hát chiếm lĩnh không gian để át đi tiếng gào khóc của các nạn nhân.
Đến đây, mỗi du khách đều được nghe một đoạn của bài hát cùng tiếng máy móc chạy rầm rập, đó cũng chính là âm thanh cuối cùng mà các tù nhân nghe thấy…
Cây ma thuật, nơi Khơ-me Đỏ thường treo loa phát nhạc – Ảnh: Huỳnh Mai
Đến vùng đau thương để biết yêu thương
Đến cuối hành trình tham quan, du khách sẽ được vào tháp tưởng niệm. Sững sờ trước chiếc tháp vừa đau lòng vừa ghê sợ này, tôi lặng lẽ bước theo đoàn du khách nối dài, không ai nói ai câu nào. Mọi người lần lượt cởi giày, bỏ nón, bước nhẹ nhàng vào trong.
Có người che miệng hoảng hốt, có người chắp tay vái lạy, rồi bất chợt nhìn nhau như tìm kiếm sự đồng cảm của tình người. Dòng khách đi vòng tròn quanh tháp vì cửa vào cũng là lối ra. Chúng tôi nối nhau và đan thành những vòng tròn không dứt, như muốn che chở và xoa dịu nỗi bi thương của đồng loại. Đây không còn là nỗi đau của riêng một dân tộc.
Kết thúc hành trình, tôi trả lại máy nghe cho nhân viên phòng vé, mỉm cười và nói “Ô kun” (nghĩa là Cảm ơn trong tiếng Campuchia). Người nhân viên cũng tươi tắn đáp lại: “Cảm ơn” kèm theo nụ cười rực sáng trong nỗi niềm cảm xúc đang ảm đạm của tôi. Đó chính là nụ cười của người muốn cất lại quá khứ, hướng về tương lai; là nụ cười của vùng đất Angkor hùng vỹ đang mạnh mẽ vươn lên.
Theo iHay
Làng Cựu hoài cổ từ quá khứ
Làng Cựu (xã Vân Từ, Phú Xuyên, Hà Nội) thấp thoáng sau rặng tre già, sau con đê hoa dại chạy dọc 2 bên đường. Buổi chiều dịu dàng đó, tôi đã lặng lại bên ngôi làng cổ kính, rêu phong mà trầm tịch, u hoài.
Sân nhà rợp đầy cây lá khô, cỏ dại mọc um tùm
Tôi thong dong bước đi vào làng. Qua con cổng nhỏ đã thấy nét thời gian hằn vết những lối đi ngõ nhỏ. Hun hút trong những lối sâu, tối, là một vài ngôi nhà cổ.
Cổng sắt lạnh lùng khóa. Sân nhà rợp đầy cây lá khô, cỏ dại mọc um tùm. Có những mảng tường vôi đã hoang hóa, cũ kĩ, loang lổ trắng đen. Mạng nhện giăng đầy góc tường bạc thếch màu tháng năm. Ở đâu đó, giữa cái u tịch, vắng lặng, bỏ hoang; sự sống cũng đang lặng lẽ, cựa mình.
Mạng nhện giăng đầy góc tường bạc thếch màu tháng năm
Bước vào không gian của một ngõ nhỏ im lìm, vắng lặng, dường như thời gian trôi cũng chậm hơn. Cái nắng trời trưa không còn khiến tôi mỏi mệt. Cái cảm giác man mát, lành lạnh của bóng cây đổ lá, của hơi nhà từ những ngôi nhà bỏ không lâu năm dường như cũng khiến cho không khí ở đây khác hẳn với cái nắng tươi ngoài trời.
Đường vào ngõ lát những viên gạch nhỏ hình chữ nhật đã ngả màu
Đường vào ngõ lát những viên gạch nhỏ hình chữ nhật đã ngả màu cam. Bước chân trên con đường nhỏ, thấy không một bóng người mà ngỡ như đang lạc trong thành phố nhỏ buổi ban trưa.
Tôi chợt nhớ đến câu ca của Trịnh:
"Một hôm bước qua thành phố nhỏ
Thành phố đã đi ngủ trưa"
(Đêm mơ thấy ta là thác đổ)
Tôi đứng đó thật lâu, nhìn thật kĩ những mái nhà đã phủ màu rêu phong. Ngắm khu vườn đầy lá khô và chằng chịt cây cỏ. Một con búp bê bằng bông đã đổi màu, nằm một góc giữa bãi cỏ dại trong sân vườn. Qua bờ tường đã rào thép, tôi có cảm giác mình đang nhìn thấy quá khứ của một ngôi nhà cổ. Nơi có những đứa trẻ ngày ngày ngồi bên nhau cùng chơi búp bê. Nơi có bà cụ già cầm chổi quét tước khu vườn. Có người mẹ trẻ đang cặm cụi, thoăn thoắt những mũi kim tay.
Ngước tìm một điều gì đó thoảng sâu trong những lối đi nhỏ. Tôi bắt gặp những ô cửa nhỏ xíu, gió còn xao xác thổi qua.
Những khung cửa sổ với song sắt cây đũa, cửa gỗ im lìm khép chặt, khiến tôi nhớ về ngôi nhà cũ của bà
Những ô cửa nhỏ xíu, gió còn xao xác thổi qua
Cả những khung cửa sổ với song sắt cây đũa, cửa gỗ im lìm khép chặt, khiến tôi nhớ về ngôi nhà cũ của bà. Ngày đó tôi vẫn thường trèo lên cửa sổ, tay nắm lấy song sắt to như chiếc đũa cả. Chân huơ huơ ra ngoài, chờ bố đi làm về đón.
Tôi cứ ngỡ, tuổi thơ trôi đi chẳng có cơ hội nào khiến tôi nhớ lại những kí ức nhỏ bé như vậy nữa. Nhưng may thay giữa buổi chiều tháng 4 này, tôi lại một lần được trở về những ngày ấu thơ của mình khi là một người khách lạ, đi ngang qua ngõ vắng.
Chiếc cổng cũ kĩ với lối kiến trúc ấn tượng
Làng Cựu thật khiến người ta có nhiều cảm giác hoài niệm. Giống như lạc bước đến thế giới của ngày tháng đã cách xa hàng mấy chục năm trước, lại gặp phải cái tĩnh tại, vắng bóng của trưa chiều lặng gió. Tôi thực sự rất ấn tượng và cảm xúc với từng mái nhà, từng mái cổng, dòng chữ, họa tiết được khắc trên tường của những ngôi nhà nơi đây.
Những mái vòm được khắc họa tiết đã ngả màu theo thời gian
Tôi có được nghe kể rằng, những ngôi nhà này không hẳn làm theo lối kiến trúc của Pháp. Đó là sự kết hợp giữa kiến trúc Gô-tích Pháp và Việt cổ. Điều đó khiến người ta có cảm giác vừa lạ lẫm mà cũng rất thân quen khi bước tới nơi đây.
Thực sự, sau cổng làng nhỏ bé, như bỏ quên cả tiếng xe máy, tiếng nói cười, những âm thanh xô bồ ngoài phố xá. Bước đến đây để chìm trong cái không khí yên bình, u tịch và trầm lắng. Nỗi buồn lạ lùng ấy sẽ thật khó lí giải. Tôi vẫn mong làng Cựu bây giờ và sau này vẫn thế. Vẫn giữ được những nét sâu đọng, lặng trầm khó hiểu này, để mãi mãi chẳng bị nhuốm màu du lịch, màu thương mại như những ngôi làng đã từ "làng cổ" mà hóa "phố thị"
Liệu tôi có quá ích kỉ chăng?
Theo iHay
Lạc vào tiên cảnh trên hành trình tìm chùa Địa Ngục Nhắc đến Tam Đảo, người ta nghĩ ngay đến một 'Sa Pa' thứ 2 chỉ cách Hà Nội chừng 60km, nơi có những giàn su su trĩu quả, xanh mát. Nơi sương lạnh bảng lảng bay ngang đầu. Nhưng trong lòng Tam Đảo vẫn còn một nơi tựa tiên cảnh mà chưa chắc tất cả du khách đến thăm Tam Đảo đã có...