Hành trình vạn lý đến thượng nguồn Mekong Lan Thương (Phần 7)
Nếu như ở Việt Nam những ruộng muối chủ yếu được hình thành dọc các bờ biển, thì tại xã Nạp Tây, huyện Mang Khang, Khu tự trị Tây Tạng những cánh đồng muối hơn 1000 năm tuổi lại nằm ngay sát bờ sông Lan Thương.
Các ruộng muối này đã đem lại cùng lúc hai nguồn thu nhập cho người dân tộc Tạng địa phương, đó là bán muối và làm du lịch.
Ruộng muối cổ của người Tạng bên dòng Lan Thương
Từ thành phố Xương Đô, dòng Lan Thương tiếp tục chảy về hướng Đông Nam vào địa phận huyện Mang Khang thuộc Tây Tạng, nơi tiếp giáp của khu tự trị này với 2 tỉnh khác là Tứ Xuyên và Vân Nam.
Cách huyện lỵ Mang Khang hơn 100km, trên độ cao khoảng 2300m so với mặt nước biển, dọc hai bờ Lan Thương là các ruộng muối đã có lịch sử khoảng 1300 năm. Khu vực này thuộc địa phận thôn Gia Đạt, xã Nạp Tây. Đây cũng là nơi duy nhất ở Trung Quốc hiện vẫn lưu giữ cách làm muối thủ công hoàn chỉnh và nguyên thủy nhất.
Chị Trát Tây Lạp Mẫu
Chị Trát Tây Lạp Mẫu (Zhaxi Lamu), người dân tộc Tạng, năm nay 28 tuổi, sinh ra trong một gia đình Tạng có truyền thống làm muối tại thôn Gia Đạt. Gia đình chị có 25 mảnh ruộng muối. Làm muối thu nhập không cao, nhưng vẫn là 1 nguồn sống quan trọng của gia đình chị.
Vào mùa mưa khoảng các tháng 7, 8 hầu như không có muối, bởi chỉ cần có chút mưa hay nước sông lẫn vào, muối sẽ bị cuốn đi hoặc không thể kết tủa. Còn đất bùn đỏ dùng để đắp ruộng làm muối thì phải gùi từ trên núi cao xuống.
Ruộng muối nghìn năm giờ đã thành một điểm du lịch giúp tăng thu nhập cho người dân địa phương
Nếu giờ đây có sự khác biệt với cách làm muối truyền thống nghìn đời nay thì đó là việc dùng điện để hút nước từ các giếng lên từng mảnh ruộng thay vì gánh. Dọc bờ sông là khoảng 60 giếng chứa nước chảy từ trên núi xuống dùng để làm muối.
Giới thiệu về các loại muối, chị chia sẻ: “Về cơ bản, chúng tôi ở đây có 3 loại muối: muối hoa đào màu trắng, muối màu đỏ và đỏ sẫm. Muối đỏ sẫm chúng tôi không dùng. Muối đỏ dùng để ngâm chân hoặc ướp thịt muối. Muối trắng dùng để ăn, không có i-ốt, là muối hoàn toàn tự nhiên.”
Muối đỏ và muối trắng
Sở dĩ gọi là muối hoa đào, vì loại muối này thu hoạch vào khoảng tháng 3, 4 hàng năm. Đây cũng là thời điểm thu hoạch muốn nhiều nhất và chất lượng cao nhất trong năm. Cứ 1 tuần có thể thu hoạch 1 lần. Còn thời điểm hiện nay, phải khoảng 25 ngày mới có thể thu hoạch và đa phần là muối đỏ.
Theo chị Trát Tây Lạp Mẫu, hiện vẫn còn nhiều người thích sử dụng loại muối thủ công này, bởi họ cho rằng nó tốt hơn muối biển. Còn những người dân làm muối như chị sẽ bán mặt hàng này sang các địa phương lân cận ở Tây Tạng hay Vân Nam, Tứ Xuyên để đổi lấy lương thực, như ngô, lúa mỳ… Phương tiện để chị đưa hàng những nơi gần là xe máy.
Muối kết tinh thành cục lớn cũng dùng được bán cho khách du lịch, dùng để xoa lên những chỗ da bị ngứa hoặc mọc mụn
Đến nay, ruộng muối cổ tại Nạp Tây đã trở thành 1 điểm du lịch quan trọng tại địa phương. Khách tham quan sẽ phải mua vé với giá lên đến 90 nhân dân tệ (hơn 300.000 đồng Việt Nam). Chị Trát Tây Lạp Mẫu giờ cũng kiêm cả vai trò hướng dẫn viên nếu khách có nhu cầu và thù lao cho mỗi lần như vậy là 100 nhân dân tệ (khoảng 340.000 đồng Việt Nam).
Video đang HOT
Không chỉ vậy, muối cũng được dùng để bán cho khách du lịch với nhiều loại sản phẩm, như muối trắng, muối đỏ, các loại kết tinh muối nhỏ và lớn.
Bí thư chi bộ thôn Gia Đạt
Ông Cách Tùng Đốn Đăng (Gesong Dundeng), Bí thư chi bộ thôn Gia Đạt cho biết: “Hiện thôn Gia Đạt chúng tôi có 2775 mảnh ruộng muối. Mỗi mảnh thu hoạch 500kg/năm. Mỗi nửa cân chúng tôi bán được khoảng 1 tệ (PV: hơn 3400 đồng Việt Nam), như vậy được khoảng 1000 tệ. Cả thôn thu nhập bình quân đầu người từ muối khoảng 8000 nhân dân tệ/năm (PV: hơn 27 triệu đồng Việt Nam).”
Ông còn cho biết, khoảng 220 hộ trong thôn hiện đang duy trì việc làm muối truyền thống và đây vẫn là một nguồn thu nhập chính của họ. Mỗi năm toàn thôn có thể sản xuất khoảng 1.850.000kg muối, thu nhập từ 1,5 triệu đến 2 triệu nhân dân tệ (khoảng 220.000 đến gần 300.000 USD).
Một người dân bán muối cho khách du lịch
Bên cạnh đó, mỗi năm thôn này còn đón khoảng 50.000 lượt khách du lịch. Nhờ đó, cũng giúp tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương.
Tuy vậy, cũng có những năm nước sông Lan Thương dâng cao, khiến một phần ruộng muối bị ngập và người dân mất trắng, lần gần nhất là vào tháng 7/2007.
Những khoảnh ruộng muối và 1 bồn chứa nước dùng để làm muối
Nếu như bên dòng Cửu Long nơi hạ nguồn ở Việt Nam là những ruộng lúa vườn cây, thì ở cách đó hàng nghìn km bên bờ sông Lan Thương ở Tây Tạng, Trung Quốc đó là cánh đồng muối nghìn năm. Dù có lúc hiền hòa, khi cuồng nộ, nhưng dòng Mekong – Lan Thương vẫn là con sông đang đem lại nguồn sống cho hàng trăm triệu người dân sinh sống dọc 2 bên bờ./.
Người dân làm muối
Ruộng muối sắp thu hoạch
Người dân vác muối đã thu hoạch
Sạp hàng sản vật địa phương của người dân Gia Đạt./.
Hành trình vạn lý đến thượng nguồn Mekong Lan Thương (phần 6)
Thành phố Xương Đô là cửa ngõ phía Đông của Khu tự trị Tây Tạng, còn được mệnh danh là 'Hòn ngọc ở phía Đông Tây Tạng'.
Sau khi đi qua 2 huyện thuộc Châu tự trị dân tộc Tạng Ngọc Thụ ở tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc là Tạp Đa và Nang Khiêm, cùng thành phố Ngọc Thụ, dòng Trát Khúc chảy sang địa phận Tây Tạng và tại thành phố Xương Đô thuộc khu tự trị này con sông đã chính thức mang tên Lan Thương.
Nơi hai dòng sông hợp lại thành Lan Thương (trái).
Thành phố Xương Đô là cửa ngõ phía Đông của Khu tự trị Tây Tạng, còn được mệnh danh là "Hòn ngọc ở phía Đông Tây Tạng". Với diện tích 110.000 km2, Xương Đô chiếm 8,9% lãnh thổ Tây Tạng. Toàn thành phố có khoảng 780.000 dân.
Trong tiếng Tạng, Xương Đô có nghĩa là "nơi hợp nhất của hai dòng sông". Tại đây, dòng đầu nguồn Trát Khúc và dòng nhánh Ngang Khúc đã gặp nhau và hợp thành sông Lan Thương.
Xương Đô nằm giữa hai dòng sông Ngang Khúc (trái) và Trát Khúc (phải).
Trát Khúc và Ngang Khúc đều được coi là đầu nguồn của Mekong-Lan Thương, trong đó Trát Khúc ở phía Đông được xác định là dòng chính dùng để tính độ dài của dòng sông chảy qua 6 nước này. Trát Khúc bắt nguồn từ huyện Tạp Đô, tỉnh Thanh Hải, trong khi Ngang Khúc ở phía Tây bắt nguồn từ huyện Ba Thanh của Tây Tạng.
Như vậy, sau khi hai con sông đầu nguồn gặp nhau ở Xương Đô, dòng Lan Thương đã chính thức được hình thành. Độ dài của đoạn sông Lan Thương tại Xương Đô là 509 km.
Nước cung cấp cho dòng Lan Thương chủ yếu là từ nguồn nước mưa tự nhiên và băng tuyết tan chảy của các rặng núi tuyết vĩnh cửu trên cao nguyên Thanh Tạng. Sông Lan Thương được Trung Quốc đánh giá là có tài nguyên năng lượng nước phong phú và rất có giá trị khai thác, chỉ riêng tại Xương Đô trữ lượng năng lượng nước trên lý thuyết đã lên tới 9.040.000 kw.
Xương Đô vừa kỷ niệm 70 năm giải phóng hôm 19/10.
Nằm ở khu vực yết hầu tiếp giáp giữa Tây Tạng với Tứ Xuyên, Thanh Hải và Vân Nam, Xương Đô đóng vai trò quyết định trong quá trình giải phóng Tây Tạng của chính quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1950.
Trên thực tế, trước khi "giải phóng hòa bình" Tây Tạng, Quân giải phóng Trung Quốc đã phải tiến hành các cuộc tấn công ác liệt tại Xương Đô, nhằm tiêu diệt quân chủ lực của chính quyền Tây Tạng tại đây sau khi các cuộc đàm phán giữa hai bên đổ vỡ.
Chỉ sau chiến thắng của Chiến dịch Xương Đô, chính quyền Tây Tạng mới chính thức công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng lãnh thổ đặc biệt này. Ngày 19/10 vừa qua, Xương Đô vừa kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng.
Khu trung tâm thành phố trên núi Xương Đô.
Ngày nay, với sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, khu vực trung tâm Xương Đô đã được thiết kế, xây dựng lại và được đánh giá là một trong những thành phố có phong cách kiến trúc khác biệt so với nhiều địa phương ở Tây Tạng.
Cùng với tốc độ nhanh chóng của tiến trình đô thị hóa, trong số khoảng 120.000 người sinh sống ở khu vực trung tâm Xương Đô có tới là người Hán, trong đó đa phần là người Tứ Xuyên.
Đường phố Xương Đô rực rỡ sắc màu.
Số liệu do chính quyền Xương Đô cung cấp cho thấy, GDP của thành phố đạt hơn 22 tỷ nhân dân tệ (tức khoảng 3,2 tỷ USD) vào cuối năm 2019, tăng trung bình 14,4% kể từ năm 2012. Trong đó, giá trị tổng sản lượng ngành dịch vụ chiếm gần , đạt hơn 10 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,45 tỷ USD).
Khu trung tâm thành phố cũng được xây dựng từ năm 2012 và hoàn thành vào năm 2015. Thành phố này mới thoát nghèo cuối năm 2019.
Một số hình ảnh về thành phố Xương Đô:
Để vào được Tây Tạng người nước ngoài cần làm thủ tục trước khoảng 1 tháng và trong tình hình dịch bệnh phải có kết quả xét nghiệm axit nucleic. Trong ảnh là một trạm kiểm tra để vào địa phận thành phố Xương Đô, Tây Tạng.
Bia đánh dấu nơi khởi nguồn của dòng Lan Thương tại thành phố Xương Đô.
Dòng Ngang Khúc chảy qua Xương Đô.
Khu thương mại nổi tiếng trên Quảng trường Trà Mã ở trung tâm thành phố Xương Đô.
Cầu đi bộ đặc trưng văn hóa Tạng.
Các cụ bà người Tạng ở Xương Đô.
Đường phố Xương Đô.
Quảng trường Trà Mã ở trung tâm Xương Đô.
Dòng Ngang Khúc về đêm.
Trung tâm Xương Đô về đêm./.
Hành trình vạn lý đến thượng nguồn Mekong: Dừng chân ở Tạp Đa Chặng thứ ba của hành trình là điểm đến đầy mong đợi - huyện Tạp Đa, nơi phát nguyên của Mekong-Lan Thương. Tuy nhiên, đoàn chỉ có thể dừng chân ở huyện lỵ, nơi cách km0 của dòng sông về mặt địa lý khoảng 170km do đoạn đường cuối cùng để lên nơi này hiện vẫn là đầm lầy, cỏ hoang, cây dại...