Hành trình truy nã góa phụ có hình xăm con bướm
Trốn sang Lào, phẫu thuật thẩm mỹ để thay hình đổi dạng, chuyển từ giọng Nghệ An sang giọng Huế, Nguyễn Thị Thảo với 4 tiền án về tội mua bán trái phép chất ma túy và mua bán phụ nữ, trẻ em cuối cùng đã phải tra tay vào còng trên đất Lào.
Sinh ra và lớn lên ở TP Vinh, Thảo gây ấn tượng với nhiều người bởi những đường nét thanh tú trên khuôn mặt, giọng nói nhẹ nhàng. Năm 2001, Thảo đã không tránh khỏi cám dỗ vật chất nên vướng vòng lao lý khi vừa tròn 27 tuổi. Bị Công an TP Vinh bắt khi đang bán ma túy cho con nghiện, Thảo bị tòa án TP Vinh xử phạt 2 năm 3 tháng tù giam.
Ra tù, đón nhận vòng tay dang rộng từ gia đình, đặc biệt là của người chồng và con gái nhỏ, Thảo quyết tâm làm lại từ đầu. Thế nhưng, chỉ làm ăn lương thiện được vài năm, Thảo tiếp tục dấn thân vào con đường phạm tội. Năm 2007, khi vừa sinh đứa con trai thứ hai, Thảo tiếp tục phạm hai tội mua bán trái phép chất ma túy và mua bán phụ nữ, trẻ em nên bị kết án 17 năm tù.
Do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên Thảo được tại ngoại nuôi con. Lợi dụng sự khoan hồng của pháp luật, Thảo tiếp tục có bầu và sinh con năm 2008 để hoãn thi hành án. Cứ như vậy, Thảo trượt dài trên con đường tội lỗi khi năm 2009, trong lúc đang bán heroin thì bị Công an phường Lê Lợi, TP Vinh bắt quả tang. Với số lượng heroin bị bắt quả tang hơn 36 g, Thảo bị kết án 16 năm tù.
Ngày ra tòa, Nguyễn Thị Thảo tỏ ra bình thản dù án phạt phải thi hành rất cao, bởi biết mình còn 2 đứa con nhỏ. Cộng cả hình phạt của 2 tội danh trước đó, tổng hình phạt mà Thảo phải thi hành là 32 năm và chị ta vẫn được hoãn thi hành án. Trong quá trình được tại ngoại để nuôi con, Thảo đã nung nấu ý định bỏ trốn.
Tháng 4/2014, khi chồng mất chưa được bao lâu, Thảo bỏ lại con nhỏ cho ông bà ngoại nuôi và bỏ trốn biệt tích. Sau nhiều nỗ lực vận động đầu thú song bất thành, Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định truy nã Thảo trên toàn quốc.
Chân dung Nguyễn Thị Thảo trước và sau khi phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: Công an nhân dân.
Video đang HOT
Công an tỉnh Nghệ An đã lập kế hoạch truy bắt Nguyễn Thị Thảo. Mũi công tác đi Lào sau nhiều tháng lần theo dấu vết đã có được thông tin xác thực về địa điểm, phương thức lẩn trốn của chị ta. Chuyên án mang bí số 1014M được xác lập để tập trung lực lượng, phương tiện đấu tranh.
Ngay từ khi bước chân lên xe với hành trình vượt gần 1.000 km, Ban chuyên án xác định, việc bắt giữ Thảo ở nước ngoài sẽ có những khó khăn nhất định, vì địa hình phức tạp, bất đồng về văn hóa, ngôn ngữ… Tổ công tác do đại tá Trần Văn Minh, Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Trưởng ban Chuyên án đã nghiên cứu rất kỹ hồ sơ, củng cố tài liệu chứng cứ để bắt giữ Thảo nhanh gọn.
Về phần mình, mang án nặng nên dù ra nước ngoài, Nguyễn Thị Thảo vẫn luôn đề cao cảnh giác, đặc biệt là những người nói giọng Nghệ An, Hà Tĩnh. Để che đậy bản thân, Thảo tìm cách phẫu thuật thẩm mỹ, thay hình đổi dạng, học tiếng Lào, nói giọng Huế…
Địa điểm đặt chân đầu tiên trong hành trình trốn nã của Thảo là tỉnh A Tô pơ (Lào). Tại đây, Thảo xin vào nấu ăn cho một công ty khai thác gỗ. Làm được một thời gian, sợ bị lộ thân phận, Thảo thay đổi chỗ ở và chuyển đến tỉnh Xà Coòng, cách chỗ cũ 300 km. Ở Xà Coòng được một thời gian ngắn, Thảo tiếp tục chuyển về TP Pắc Xế, tỉnh Chăm Pa Xắc mở cửa hàng bún Huế. Đây là địa điểm Nam Lào, nằm sát sông Me Kong, tiếp giáp với Campuchia và Thái Lan.
Để thuận lợi cho việc kinh doanh và cũng nhằm ẩn thân an toàn, Thảo đưa người thân cận sang giúp việc cho mình. Dù quán ăn tương đối đông khách nhưng Thảo giao nhiệm vụ cho 2 người giúp việc có trách nhiệm giao dịch bán hàng và thu tiền, ít khi thị xuất hiện trước đám đông. Chính sự ma mãnh, luôn đề cao cảnh giác của đối tượng khiến công tác điều tra, xác minh gặp không ít khó khăn. Hơn nữa, do Thảo đã thẩm mỹ, thay hình đổi dạng nên các trinh sát phải nhận dạng dựa trên một đặc điểm trên vai trái, đó là hình xăm con bướm.
Sau một thời gian ngắn sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát khẳng định, người đàn bà đẹp với chất giọng Huế đặc trưng, chủ quán ăn Lào – Việt chính là đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Nguyễn Thị Thảo. Khoảng 19h30 ngày 15/11, khi quán Lào – Việt đang tấp nập khách ra vào, các trinh sát bất ngờ ập tới.
Nhìn thấy 6 vị khách người Việt đang yên vị ở bàn ăn bỗng đứng dậy bước về phía mình, Thảo biết ngày trở về quy án đã đến. Lấy lại tinh thần, Thảo nói: “Em sẽ theo các anh về chịu án, nợ pháp luật thì phải trả, không thể trốn mãi được. Xin các anh đừng còng tay em ở đây, ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của quán!”.
Theo Công an nhân dân
Nghi vấn quanh cái chết của "Góa phụ trắng"
Ngày 14/11, một nguồn tin từ Kenya cho biết Samantha Lewthwaite hay còn gọi là "Góa phụ trắng", nữ khủng bố bị truy nã gắt gao nhất hiện nay, chưa hề bị tiêu diệt như truyền thông đã đưa tin và đang sống cùng chồng tại Somalia.
Marco Costa, người chồng hiện nay của "Góa phụ trắng" được xác định là Fahmi Jamal Salim, một chiến binh thánh chiến có liên quan tới Al Qaeda. Salim cũng đã chạy trốn khỏi sự truy nã của cảnh sát sau khi giết chết 2 sĩ quan cảnh sát ở Nairobi vào năm 2011.
"Góa phụ trắng" và người chồng hiện tại Fahmi Jamal Salim trong bức ảnh "tự sướng" chụp tại nhà
Mới đây Lewthwaite và Salim cũng đã xuất hiện trong một bức ảnh "tự sướng" chụp tại nhà của họ. Thông tin trên được nguồn tin chống khủng bố của Kenya đưa ra sau khi vào đầu tuần qua Nga khẳng định "góa phụ trắng" đã bị bắn chết tại Ukraine. Cơ quan tình báo Kenya cũng yêu cầu được nhìn thấy thi thể của Lewthwaite nếu như Moscow xác nhận nữ khủng bố này đã chết.
Nguồn tin này cho biết: "Chúng tôi tin rằng chúng tôi có thông tin chính xác về cuộc sống cũng như chỗ ở hiện nay của Lewthwaite. Cô ta đã kết hôn với Salim, người từng là chiến binh thánh chiến và có 2 đứa con với anh ta. Họ là mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia, làm việc cho nhóm khủng bố al-Shabaab, lên kế hoạch các vụ ném bom ở Somalia va Kenya để trả đũa cho việc Kenya đã gửi binh lính tới Somalia nhằm đánh bại al-Shabaab."
Samatha Lewthwaite đã có 2 đứa con với Salim
Lewthwaite, 30 tuổi, được cho là đã kết hôn với Salim tại Johannesburg, Nam Phi vào năm 2008. Người chồng trước đó của Lewthwaite đã tham gia vào vụ đánh bom tự sát tại ga tàu điện ngầm London vào năm 2005 khiến 52 người thiệt mạng.
Bằng việc kết hôn với Fahmi Jamal Salim, Samantha Lewthwaite đã gia nhập vào gia đình có truyền thống là chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Trước đó người anh rể của Salim là Musa Dheere, thủ lĩnh khét tiếng của Al Qeada, đã bị bắn chết tại thủ đô Mogadishu của Somalia vào năm 2011. Dheere từng bị truy nã gắt gao khi thực hiện các vụ đánh bom nhằm vào đại sứ quán Mỹ ở Nairobi và Dar-es-Salaam vào năm 1998 khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Sau khi kết hôn, vào năm 2008 cặp vợ chồng này đã tới thành phố Johannesbur, Nam Phi để sinh sống bằng hộ chiếu giả. Cả hai vừa làm việc và vừa lên kế hoạch cho các vụ khủng bố. Tại đây Salim điều hành công ty chuyên cung cấp vật tư y tế còn Lewthwaite làm kế toán cho một công ty sản xuất bánh kẹo. Lewthawaite đã sinh thêm 2 đứa con và chung sống cùng với 2 đứa con của người chồng trước.
Hộ chiếu giả của "Góa phụ trắng" Samatha Lewthwaite tại Nam Phi
Samatha Lewthwaite đã biến mất khỏi sự theo dõi của cảnh sát cho tới tháng 12/2011, trong một vụ truy kích những kẻ khủng bố ở thị trấn Bakarani của Kenya. Tại đây cảnh sát đã tìm thấy dấu vân tay của Lewthwaite nhưng góa phụ này đã kịp thời chạy trốn.
Hiện, gia đình của cặp vợ chồng khủng bố này được cho là đang sống ở Lower Shebelle, miền nam Somalia, một thành trì của tổ chức khủng bố al-Shabaab. Lewthwaite tự dạy 4 đứa con mình học tại nhà với mong muốn chúng trở thành những chiến binh thánh chiến. Lewthwaite và chồng của mình được coi là những nhân vật quan trọng của tổ chức khủng bố al-Shabaab có liên quan tới Al-Qeada. Tờ MailOnline dẫn một nguồn tin cho biết: "Chúng tôi đã theo dõi Lewthwaite và Salim trong vòng 4 năm nay và chúng tôi biết rất nhiều về chúng. Những hiện họ đang sống trong sự bảo vệ của phiến quân al-Shabaab cực kỳ nguy hiểm và tất cả những gì chúng ta có thể làm là chờ đợt một sai lầm chết người từ phía chúng."
Theo Vietbao
Nga trả đũa Mỹ vụ Tổng thống Obama ôm góa phụ Myanmar Vụ Tổng thống Nga Vladimir Putin choàng khăn cho bà Bành Lệ Viên (phu nhân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình) tại hội nghị APEC bị báo chí phương Tây giễu cợt. Báo chí phương Tây cho rằng hành động của ông Putin không đứng đắn. Ngay sau đó, báo Nga đã trả đũa vụ Tổng thống Obama hôn góa phụ Myanmar....