Hành trình trở về nhà sau 23 năm bị bắt cóc
Khi Luo Gang 5 tuổi, kẻ xấu bắt cóc cậu và bán cho một gia đình ở tỉnh khác tại Trung Quốc. Vì không nhớ tên gia đình và quê quán, Luo không hy vọng sẽ có cơ hội đoàn tụ với người thân. Tuy nhiên, 23 năm sau, điều kỳ diệu đã đến.
Sự việc xảy ra năm 1990. Khi đó, Luo mới 5 tuổi và có tên là Huang Jan. Cậu bé sống cùng cha mẹ và em trai tại làng Yaojia, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Cha cậu làm thợ nề, mẹ bán hàng. Cuộc sống gia đình không khá giả nhưng êm đềm, hạnh phúc. Một ngày kia, cuộc sống của cậu hoàn toàn thay đổi.
“Tôi đang đến trường mẫu giáo thì một người đàn ông và một phụ nữ xuất hiện. Tôi nghĩ rằng họ là bạn của cha tôi nên tôi đi theo. Sau đó, họ chuyển tôi từ ô tô này sang ô tô khác. Cuối cùng, họ bán tôi cho một gia đình ở vùng núi thuộc tỉnh Phúc Kiến”.
Luo qua thời gian. Bức ảnh bên trái do ba mẹ nuôi chụp khi họ mới mua Luo. Ảnh: BBC.
Bọn buôn người bán Luo cho một gia đình có một con gái ở Tam Minh, nơi cách quê cậu 1.500 km. Gia đình mới đặt tên mới cho cậu là Luo Gang.
Lục lại trí nhớ mỗi đêm
“Dù rất sợ nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác”, Luo tâm sự khi cậu về gia đình mới.
Ban đầu, cậu bé suy nghĩ rất ngây thơ rằng cậu chỉ tạm thời ở với gia đình mới. Sau này, cậu sẽ tìm về nhà bố mẹ đẻ. Tuy nhiên, thời gian sau, Luo nhận ra rằng có thể cậu sẽ không còn cơ hội đoàn tụ với cha mẹ ruột. Vậy nên hàng đêm, Luo bắt đầu cố nhớ lại những việc đã diễn ra và hy vọng một ngày nào đó cậu sẽ tìm được cha, mẹ ruột.
Luo nhớ rằng cậu và em trai từng chơi trên một chiếc cầu đá đối diện với căn nhà nhỏ lợp ngói của gia đình. Luo từng ngã trên cầu và đau ở lưng. Cậu nhớ, hai dòng sông nằm gần nhà và Luo thường phải đi bộ qua cánh đồng để tới trường.
“Những ngày ấy tôi giống như chiếc máy tính. Tôi cố gắng lưu giữ những ký ức về gia đình và khung cảnh xung quanh ngôi nhà tuổi thơ, nhưng không nhớ tên của bản thân”.
Cha mẹ nuôi của Luo đã qua đời cách đây 2 năm. Họ và ông bà nội nuôi đều chưa bao giờ đề cập đến nguyên nhân khiến họ mua cậu.
“Tôi rất giận gia đình mua tôi nhưng họ đối xử rất tốt với tôi”, Luo nói.
Video đang HOT
Theo lời Luo, gia đình mới trả tiền cho bọn bắt cóc giống như trả tiền đẻ thuê. Giờ đây, cậu không còn giận bố mẹ nuôi.
Bố mẹ đẻ Luo rất đau buồn khi mất con. Họ phát tờ rơi và đăng tin trên báo tìm cậu. Cảnh sát địa phương bất lực với trường hợp bắt cóc này và cậu bé Huang Jan vẫn biệt vô âm tín.
Năm tháng trôi qua, nguồn tài chính cạn kiệt nên cha mẹ Huang đành sống chung với nỗi đau mất con. Mấy năm sau, họ nhận nuôi một bé gái.
Nhà bố mẹ đẻ Luo theo trí nhớ của cậu (ảnh dưới). Ảnh: BBC.
Khao khát trở về nơi chôn rau cắt rốn
Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Luo trở thành lính cứu hỏa. Lúc này, khát vọng trở về nơi chôn rau cắt rốn càng mãnh liệt hơn nữa. Cậu đăng ký thành viên của một website do chính phủ lập nên để tạo điều kiện cho các trẻ em bị bắt cóc trở về gia đình.
Tháng 10/2012, khi Luo 27 tuổi, chàng thanh niên cập nhật tin tức trên trang Baby Come Home – môt diễn đàn dành cho những người từng bị bắt cóc và người thân của họ. Cậu đăng mọi thông tin chi tiết mà cậu có thể nhớ được về tuổi thơ. Luo viết: “Khi đó tôi có chiều cao 110 cm với đôi mắt to tròn. Tôi có sẹo trên bàn tay trái do va phải đá dưới sông. Nhà tôi lợp ngói. Một đường nhựa ở phía trước nhà. Hàng ngày rất nhiều xe tải chạy qua. Có vẻ nó là đường lớn. Nhiều đồi nhỏ xung quanh nhà. Con sông gần đó chảy về phía thị trấn”.
Luo không nhớ chính xác tên làng nhưng nhớ mang máng rằng làng nằm trong tỉnh Tứ Xuyên vì một lần một người hàng xóm nói Luo nói giọng địa phương ở Tứ Xuyên.
Tiếp đó, Luo đăng sơ đồ ngôi làng theo trí nhớ của anh.
Rất nhiều người đã bình luận về trường hợp của Luo và đưa ra nhiều gợi ý để anh cân nhắc. Tháng 3, tình nguyện viên của trang web đưa ra sơ đồ về đường cao tốc năm 1990. Nếu đúng theo trí nhớ của Luo, năm 1990, tỉnh Tứ Xuyên chỉ có 2 khu vực sở hữu đường cao tốc. Luo dùng hình ảnh vệ tinh và bắt đầu mường tượng ra ngôi làng của anh.
Mẹ của Luo Gang khóc khi đứa con lưu lạc 23 năm trở về nhà. Ảnh: BBC.
Dân làng đón Luo trở về
Với sự giúp đỡ nhiệt tình của các tình nguyện viên của website, Luo đã tìm được về làng. Nơi ấy một gia đình cũng mất con vào năm 1990. Qua nhiều thông tin, Luo biết đó là gia đình thật của anh. Bố, mẹ, em trai Luo vui mừng vì gặp lại người thân. Mẹ cậu đã khóc nức nở. Cả làng đón cậu bé mất tích năm nào trở về.
Em trai Huang Chao hỏi Luo còn nhớ phi nước nơi hai anh em chơi đùa ngày bé nữa không. Luo trả lời ngay: “Ngày ấy, anh thường leo lên phi nước và để đồ chơi trên đó”. Người mẹ xúc động, vừa ôm con vừa nói: “Đây là nhà của con”.
Luo hiện sống với bố mẹ đẻ nhưng cậu không quên gia đình cha mẹ nuôi. Anh nghĩ dù sao bố mẹ nuôi đã chăm sóc anh suốt hơn 20 năm. Bố mẹ đẻ là những người đã sinh ra anh và là máu mủ của anh. Vậy nên, Luo có 2 gia đình. Sang năm, Luo sẽ cưới vợ và anh sẽ mời cả gia đình nuôi tham dự.
Luo đoàn tụ với gia đình cha mẹ đẻ. Ảnh: BBC.
Luo là một trong số hàng nghìn trường hợp trẻ em Trung Quốc bị bắt cóc hàng năm. Rất ít em trong số đó trở về nhà. Chính sách một con và luật nhận con nuôi lỏng lẻo ở Trung Quốc đã thúc đẩy thị trường buôn bán trẻ em ngầm ở đất nước đông dân nhất thế giới này. Đầu năm nay, một cảnh sát trưởng ở Phúc Kiến tiết lộ rằng hơn 10.000 trẻ em tại tỉnh bị buôn bán trong năm 2012.
Theo Tri thức
"Tôi sẽ đổi tên thành Nguyễn Chiến Chấn"
Ông Nguyễn Thanh Chấn bảo sẽ đổi tên như thế vì vợ ông - bà Nguyễn Thị Chiến - chính là người đã cho ông cuộc sống trên đời này lần thứ hai.
Ông Nguyễn Thanh Chấn thẫn thờ trước cuộc sống hiện tại
Bật khóc khi có ai đó lỡ nhắc đến từ "oan"
Từ trại giam trở về, ông Nguyễn Thanh Chấn phải bắt đầu với một cuộc sống tự do với đầy lóng ngóng, bỡ ngỡ. Cuộc sống, xóm làng giờ đây đã khác quá xa với 10 năm trước khi ông bị dính vào cái án "trên trời rơi xuống". Khác xa cái ngày chị Nguyễn Thị Hoan bị sát hại, ông Chấn đã đích thân đi chở quan tài cho nạn nhân, đồng thời bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) còn nấu cháo đêm cho các cán bộ điều tra ăn để làm việc, mong sớm tìm ra thủ phạm để người xấu số được siêu thoát.
Với bản án tù chung thân mà ông Nguyễn Thanh Chấn phải gánh, bà Chiến đã chịu mọi cay đắng tủi nhục đội hàng xấp đơn đi khắp nơi kêu oan cho chồng. Từ Công an huyện Việt Yên, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đến Tòa án Nhân dân Tối cao... Có những nơi không trả lời hoặc có những cơ quan chỉ trả lời sơ sài như: "Đã nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Chiến ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang, chúng tôi sẽ xem xét và giải quyết"...
Bà Thân Thị Hải (hàng xóm cạnh nhà ông Chấn) cho biết: "Có lúc chúng tôi ngồi ở cửa các cơ quan công quyền nhưng không ai thèm tiếp". Trầm ngâm một lúc, bà kể tiếp, có lần còn có cô cán bộ chửi thẳng vào mặt chúng tôi mà nói: "Nhà chị còn oan gì nữa, các chị mang đơn đến đây người ta không thèm đọc còn vứt vào sọt rác ấy".
Giờ đây, nỗi đau thể xác và tột cùng là nỗi đau tinh thần nếm trải 10 năm oan nghiệt khiến ông lơ ngơ như người rừng. Một câu hỏi dài, nhiều nội dung là ông bị bối rối, bóp trán. Chỉ cần ai đó nhắc đến từ "oan" cũng có thể khiến ông bật khóc.
Xa lạ với thay đổi cuộc sống xung quanh, ông còn ngơ ngác ngay cả trước những đồ vật cũ kỹ trong nhà đã có trước khi ông đi tù. Con gái ông kể: "Có hôm cô bạn tôi đi chiếc xe đạp điện đến nhà chơi, thăm hỏi. Thấy chiếc xe dựng trước cửa nhà, bố tôi bảo: "Chiếc xe Babetta của cháu đẹp quá nhỉ, chắc là đắt tiền lắm nhỉ". Vừa buồn cười nhưng tôi lại thương bố nghẹn lòng".
Đổi tên thành Nguyễn Chiến Chấn để bắt đầu cuộc sống mới
Tình cảm của ông Chấn đến giờ dành cho vợ vẫn rất lóng ngóng, đôi lúc thấy lạ lẫm. Ông bảo, nhiều khi ông không dám chạm vào bà, bởi chỉ sợ đó giấc mơ và sợ sẽ vụt tan biến mất.
Bà Chiến tâm sự với giọng đầy hạnh phúc: "10 năm xa cách lúc nào tôi cũng nhớ đến ông ấy, kể cả trong mơ. Vì thế, bây giờ được ở bên ông ấy tôi cảm nhận được tình yêu, hơi ấm mà ông ấy truyền qua. Giờ đây cũng không mong muốn gì hơn, chỉ mong sự việc sớm kết thúc để ông Chấn được thực sự trở về đúng nghĩa là một người dân bình thường. Ông ấy còn phải đi làm giấy chứng minh thư nhân dân nữa, có vậy ông ấy mới có thể đi làm, hoặc tìm cho mình một công việc để trang trải cho cuộc sống gia đình".
Ông Chấn bên người vợ Nguyễn Thị Chiến suốt thời gian dài kêu oan cho chồng.
Ông Chấn trải lòng: "Khi nào đi làm lại giấy chứng minh nhân dân, tôi sẽ xin thay đổi tên họ của mình từNguyễn Thanh Chấn thành Nguyễn Chiến Chấn, vì bà Chiến đã khai sinh ra tôi lần nữa".
Cơn ác mộng rồi cũng kết thúc với ông Chấn và người thân. Người đàn ông cùng tổ ấm nhỏ bé giờ đây đã được đoàn tụ. Con lại có vòng tay cha mẹ che chở, vợ có lại chồng, mẹ có lại con. Hơi ấm lại trở về trong ngôi nhà nhỏ, tuy ọp ẹp, cũ kỹ, song đầy ắp tình yêu thương. Hy vọng rằng, từ đây, với sự quan tâm và giúp đỡ của tất cả mọi người, ông Chấn sẽ sớm vượt qua được khó khăn hiện tại, tiếp tục chèo lái con thuyền gia đình xuôi theo dòng chảy êm ả và nhiều thuận lợi, hòa nhập với xã hội.
Theo Xahoi
Toàn cảnh hành trình kêu oan và truy tìm thủ phạm vụ "án oan 10 năm" Sự kiện ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961, ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) được trở về nhà sau hơn 10 năm chịu án oan vì tội giết người khiến một vùng quê vốn bình yên như vỡ òa. Cách đây hơn 10 năm khi vụ án mạng xảy ra, rồi ông Nguyễn Thanh Chấn bị bắt...