Hành trình trekking Tà Năng – Phan Dũng thu hút dân phượt
Vừa thưởng ngoạn những khung cảnh cực đẹp, vừa nếm trải những gian nan vất vả, hành trình trekking Tà Năng – Phan Dũng chứa đựng rất nhiều trải nghiệm khó quên.
Cung đường Tà Năng – Phan Dũng từ huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) xuyên rừng Tà Năng qua xã Phan Dũng (Tuy Phong, Bình Thuận) sẽ cho bạn chiêm ngưỡng khung cảnh núi đồi hùng vĩ cùng những thảo nguyên bạt ngàn.
Tà Năng (Lâm Đồng) – Phan Dũng (Bình Thuận) là cung trekking cực đẹp, trải rộng trên ba tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận với tổng chiều dài 55km đường đồi, rừng núi. Bạn cũng có thể chọn cung ngắn và dễ đi hơn khoảng 30km, không đi qua thác Yaly.
Thế nhưng, dù chọn cung đường nào để đi, qua đêm trên ngọn đồi nào ở đây, bạn cũng đừng bỏ qua những khoảnh khắc đẹp, quyến rũ lúc bình minh thức giấc.
Ở đoạn qua Phan Dũng có nhiều đồi cao, trống trải để bạn hạ trại qua đêm, một trong số đó là dốc Dầu, nơi được các phượt thủ rỉ tai nhau là nơi ngắm bình minh đẹp nhất trong suốt cung đường. Vì là dốc cao nên cũng đón nhận những cơn gió mạnh, cần chọn vị trí hạ trại thích hợp để tránh gió lạnh về đêm.
5h sáng, bầu trời Tà Năng – Phan Dũng ửng sáng, mặt trời còn chưa đỏ rực, loáng thoáng chỉ thấy những ngọn núi, quả đồi nhấp nhô ở xa xa, sương dày đặc, còn đọng lại trên từng ngọn cỏ. Những đám mây trắng xóa như tuyết, cứ bồng bềnh trôi vờn lưng núi, khiến bức tranh cao nguyên vừa thơ mộng nhưng không kém phần ma mị, hùng vĩ. Bình minh nơi đây đẹp nhất tầm 5h45. Mặt trời lúc này đỏ rực từ phía sau lưng núi, phản chiếu xuống mặt đất một màu đỏ sẫm, những đám mây cũng khoác lên một màu mới trắng hồng rất đẹp. Đây cũng là lúc mà mọi người bung lều dậy ngắm bình minh nhiều nhất. Cái nắng ngày mới tinh khôi và nhẹ nhàng, mây cũng dần tan, những cánh chim rừng vỗ cánh tung bay kêu vang trên nền trời, báo hiệu một ngày mới tươi đẹp, tràn đầy sức sống. Đứng trên đồi cao, vươn mình đón những tia nắng ấm áp, hít hà không khí mát lành, trong trẻo… để cảm nhận một cuộc sống đầy thi vị.
Uống một ngụm cafe nóng hổi vừa mới pha và cùng thưởng thức cảnh sắc trong trẻo vùng cao cùng những người bạn đồng hành thích khám phá, bạn sẽ thấy hạnh phúc, vui vẻ và khó có cơ hội được trải nghiệm như thế nữa. Từ đó, bạn sẽ biết quý từng khoảnh khắc trong cuộc sống này.
Để bắt đầu chuyến đi, trước tiên bạn cần có thể lực thật tốt để đủ sức đi bộ, lội suối và leo dốc. Bạn có thể rèn luyện bằng cách mang balô 10kg mỗi ngày đi bộ khoảng 1 tiếng trong suốt 1 tuần trước khi lên đường.
Tiếp theo, các phượt thủ cần chuẩn bị đầy đủ hành lý, trong số các thứ cần mang theo không thể thiếu nước uống, đồ ăn khô như bánh và mì gói, túi y tế, đèn pin, lều, áo mưa, nón….
Khi mọi thứ đã xong xuôi, đã đến lúc xách balô lên và đi.
Video đang HOT
Khoảng 21h tối hôm trước, bạn có mặt ở bến xe để xuất phát đi đến ngã ba Tà Hine (Đức Trọng). Có nhiều hãng xe để bạn chọn lựa như Phương Trang, Thành Bưởi, giá vé trung bình khoảng 220.000 đồng/người.
Gần 5h sáng, bạn sẽ đến ngã ba Tà Hine, sau đó đi xe ôm hoặc taxi đến thôn Toa Cát, xã Đa Quyn. Bạn có thể liên hệ anh Sơn xe ôm ở Tà Hine (01634437939) giá 250.000 đồng/xe 2 người hoặc anh Cường xe 7 chỗ ở Tà Năng (01699118088) giá 400.000 đồng/chuyến chở vào đến địa điểm bắt đầu đi bộ.
Khi ngôi nhà hoa giấy xuất hiện trong tầm mắt, đó là lúc cung đường Tà Năng – Phan Dũng mở ra. Bạn đi theo người dẫn đường hoặc bám sát tracklog. Theo lối đường mòn, đôi lúc bạn phải vượt qua một số cây cầu tạm làm bằng thân cây gỗ lớn. Những đoạn đường bằng phẳng mau chóng biến mất, nhường chỗ cho những con dốc vừa cao vừa trơn nằm giữa các rừng thông nối tiếp nhau. Sau đó, những quả đồi hiện ra trước mắt. Sắc xanh núi rừng hòa quyện với sắc xanh bầu trời thành một bức tranh vừa thơ mộng vừa kì vĩ.
Liên tục vượt đồi đến trưa, bạn dừng chân nghỉ ngơi ăn uống rồi lại lên đường. Con đường chông gai còn thăm thẳm trước mắt nhưng bù lại, bạn được thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời. Trong không gian tĩnh lặng, dường như thời gian ngừng trôi để bạn hòa mình vào với đất trời bao la, quên hết mọi bộn bề của cuộc sống.
Đến ngã 3 núi Lỡ, rẽ phải đi Phan Dũng còn rẽ trái đi khoảng 8-9km thì đến thác Yaly hay còn gọi là “thác bay”. Hành trình gói gọn trong 2 ngày 2 đêm nên bạn sẽ rẽ phải để đi thẳng tới Phan Dũng.
Những đôi chân đam mê xê dịch tiếp tục cất bước trên con đường đất đỏ hằn vết xe của thợ rừng. Đi đến khoảng 16-17h chiều, bạn hạ trại ở đồi trọc nấu nướng, ăn uống rồi nghỉ ngơi. Đêm xuống, không khí se lạnh, ở giữa mênh mang non cao ngắm sao trời lấp lánh, đó chắc chắn là một kỉ niệm in đậm trong kí ức của một thời tuổi trẻ.
Bình minh ló rạng, bạn sẽ được đánh thức bởi tiếng chim hót vang vọng giữa đại ngàn. Sương mù giăng phủ khiến cảnh vật ảo diệu như chốn thần tiên. Niềm hứng khởi của một ngày mới sẽ thúc giục bạn hào hứng lên đường tiếp. Trên đường đi bạn sẽ gặp nhiều con suối để lấy nước hoặc dừng nghỉ chân, tắm mát. Vượt qua con suối thì tới rừng thưa Phan Dũng, khô và nóng hơn rừng Tà Năng.
Và rồi cũng đến những đoạn đường cuối cùng của Phan Dũng, chuyến hành trình kết thúc tại Ủy ban xã Phan Dũng. Từ đây bạn có thể gọi taxi ở thị trấn Liên Hương và vào quán nước ngồi nghỉ, chờ khoảng 40 phút để taxi tới đón. Giá khoảng 380.000 đồng chiếc 4 chỗ. Bạn hãy nói bác tài đưa tới bãi biển Cổ Thạch cách thị xã Liên Hương khoảng 5km để tắm mát và ăn hải sản thỏa thích, bù lại cho chặng đường gian nan vừa rồi, đồng thời tận hưởng trọn vẹn cái thú “lên rừng, xuống biển”.
Sau đó bạn đặt xe giường nằm của hãng xe Đông Hưng (Bình Thuận – Sài Gòn), giá khoảng 130.000 đồng, khởi hành lúc 21-22h tối để về lại Sài Gòn.
Hành trình trekking Tà Năng – Phan Dũng giống như một cuộc thử thách bản thân. Khi đã hoàn thành chuyến đi, chắc chắn những trải nghiệm có được khiến các phượt thủ không dễ gì quên được những ngày rong ruổi trên cung đường tuyệt đẹp đó.
|
Trải nghiệm sông nước Sê San
Đến với thiên nhiên tươi đẹp luôn là một trải nghiệm tuyệt vời. Tôi đã có 1 ngày thật thú vị khi ngược dòng Sê San thưởng ngoạn mây trời, sông nước quyện hòa cùng cảnh vật nơi đây.
Xuất phát từ TP. Pleiku theo tỉnh lộ 664 khoảng 70 km, chúng tôi đến địa phận làng Dăng, xã Ia O, huyện Ia Grai. Điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình là khu du lịch Sê San Island của Hợp tác xã Du lịch Nhân Phú. Khu du lịch tọa lạc giữa một khoảng không gian xanh mát, hữu tình. Sê San Island có diện tích hơn 1 ha với đa dạng hạng mục: nhà hàng nổi phục vụ ăn uống, vui chơi giải trí, đốt lửa trại, nghỉ dưỡng, chèo thuyền SUP. Hiện tại, chủ nhân khu du lịch đang đề nghị được khai thác dịch vụ du thuyền trên sông.
Với không gian thoáng đãng, xanh mát, khu du lịch Sê San Island là điểm đến hấp dẫn trong hành trình thưởng ngoạn dòng Sê San. Ảnh: V.T.T |
Khu du lịch này cách nơi tổ chức Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2023 khoảng 50 m. Như vậy, du khách có thêm sự lựa chọn thú vị trong hành trình về miền biên giới. Sau khi trải nghiệm một vài dịch vụ, chúng tôi bắt đầu ngược dòng Sê San trong tâm thế háo hức.
Anh Trương Quốc Khánh sống tại làng chài, nghề chính là lái thuyền đưa du khách tham quan khu vực lòng hồ Sê San 4 và tìm hiểu đời sống của người dân trên đảo. Đồng hành cùng chúng tôi trong suốt chặng đường, anh như một hướng dẫn viên thực thụ khi chia sẻ khá nhiều thông tin hữu ích về nơi này, đồng thời giới thiệu về nét đẹp và sự diệu kỳ của thiên nhiên ban tặng người dân nơi đây. Anh Khánh cho biết giá cho dịch vụ tham quan lòng hồ, làng chài, ghé thăm các hòn đảo là 1 triệu đồng cho đoàn từ 10 đến 15 khách.
Sau 5 phút rời bến, chúng tôi dừng chân tại đảo Lá. Sở dĩ có tên như vậy là bởi trên đảo được dựng khá nhiều chòi dừng chân nghỉ dưỡng được lợp bằng lá dừa nước có xuất xứ từ miền Tây lên. Công trình này do Hợp tác xã Du lịch Nhân Phú đầu tư và quản lý. Nếu có nhu cầu, du khách được phục vụ ăn uống, thưởng ngoạn cảnh quan xung quanh đảo.
Theo yêu cầu của đoàn, anh Khánh đưa chúng tôi đến tham quan làng chài. Thuyền ngược dòng, mặt nước yên ả, xanh trong. Từ xa, những nhà bè đặc trưng của vùng sông nước quần tụ lại thành một làng chài nhỏ lênh đênh trên mặt sông, bình dị và mộc mạc tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp và lột tả phần nào cuộc sống của cư dân miền sông nước. Trước kia, nơi đây chỉ là một ngôi làng nhỏ. Hiện nay, làng chài Sê San đang dần trở thành điểm tham quan hấp dẫn du khách, mở hướng phát triển cho loại hình du lịch sông nước.
Chúng tôi dừng chân tại nhà bè của chị Hà Thị Diễm Nhung (quê An Giang). Gia đình chị Nhung đã có 12 năm sinh sống tại làng chài. Chị Nhung cho hay: Có khoảng 30 hộ sinh sống (chủ yếu là người An Giang) trong những ngôi nhà nổi san sát trên mặt sông, nằm lọt thỏm trong khu vực lòng hồ và được bao bọc bởi các hòn đảo xung quanh. Chồng chị là anh Nguyễn Thành Nhân trước đây mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá trên sông. Sau này, công việc kinh doanh du lịch ngày càng phát triển, lượng khách đến khá đông nên anh nghỉ nghề đánh cá, cùng vợ phục vụ khách du lịch.
Chị Hà Thị Diễm Nhung đang phơi cá cơm khô, một đặc sản du khách nên mua về làm quà khi đến thăm làng chài Sê San. Ảnh: Võ Thanh Thảo |
Theo chị Nhung, hầu như ngày nào cũng có khách đến tham quan và sử dụng dịch vụ tại đây, cuối tuần thì đông hơn. Chỉ với những món cá đặc trưng như cá lăng nha đuôi đỏ, cá rô cờ, cá chạch, cá chình... mang đi hấp, nướng, nấu lẩu là đủ khiến thực khách xuýt xoa. Nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách, gia đình anh chị còn thu mua cá cơm tươi về phơi khô, làm bánh tráng cá cơm rất được ưa chuộng.
"Khách du lịch biết đến khu vực này ngày càng nhiều hơn. Thời gian gần đây, khá đông người dân trong tỉnh và du khách đến tham quan, trải nghiệm. Được sự vận động của chính quyền cũng như ý thức được tầm quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách, chúng tôi đều bảo nhau chỉnh trang, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ cũng như đảm bảo thức ăn tươi ngon, hợp vệ sinh và giá cả phải chăng"-chị Nhung hồ hởi chia sẻ.
Sau hành trình tham quan lòng hồ, thưởng ngoạn sông nước Sê San giữa mây trời, tìm hiểu về cuộc sống thanh bình của cư dân làng chài, du khách có thể nối tuyến trải nghiệm thác Mơ (làng Ếch, xã Ia Khai), di tích Bến đò A Sanh (xã Ia Khai)... Và, chắc chắn mỗi người sẽ có những kỷ niệm tuyệt vời mà khi xa rồi vẫn còn luyến lưu và nhớ mãi.
Du lịch Phan Dũng, cung đường xanh Trong những ngày tháng tư lịch sử, chúng tôi tiếp tục hành trình về với chiến khu xưa nơi núi rừng Phan Dũng. Qua các địa danh, cảnh sắc núi rừng đã cho chúng tôi một cảm giác thật hoang dã, tự nhiên. Những cánh rừng 1 thời che bộ đội, ngăn quân thù nay đã có diện mạo mới và có thể...