Hành trình tới Điện Elysees của tổng thống trẻ nhất lịch sử Pháp
Chưa từng ra tranh cử cho bất kỳ vị trí nào trong chính quyền và là gương mặt khá xa lạ đối với công chúng cách đây 3 năm, nhưng ông Emmanuel Macron, với chính sách trung dung cùng sự táo bạo và quyết tâm của tuổi trẻ, đã từng bước vượt qua các rào cản trên con đường tới Điện Elysees để trở thành tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Pháp.
Ông Emmanuel Macron tên đầy đủ là Emmanuel Jean-Michel Frédéric Macron, sinh ngày 21/12/1977 ở Amiens, một thành phố phía bắc nước Pháp. Ông là con trai cả trong một gia đình trí thức có bố là giáo sư thần kinh học và mẹ là một bác sĩ nhi. Ông cũng là thành viên duy nhất trong gia đình không theo đuổi ngành y. Em trai và em gái ông đều tiếp nối truyền thống gia đình, lần lượt trở thành bác sĩ chuyên khoa tim và bác sĩ chuyên khoa thận. (Ảnh: TV3)
Về con đường học vấn, sau khi hoàn thành chương trình học phổ thông, Macron (ngoài cùng bên phải) theo học ngành triết học tại Đại học Paris-Ouest Nanterre La Defense và nhận bằng cử nhân của trường. Ông tiếp tục lấy bằng thạc sĩ về quan hệ công chúng tại Viện Khoa học chính trị Paris. Ngoài ra, do đam mê lĩnh vực hành chính công nên ông Macron tiếp tục theo học tại Đại học Hành chính Quốc gia danh giá của Pháp và tốt nghiệp năm 2004. (Ảnh: Youtube)
Thời đi học, Macron được nhận xét là một học sinh thông minh, có kết quả học tập tốt và luôn quyết tâm đạt được điều mình muốn. Ngoài ra, ông cũng là một chàng trai có tâm hồn lãng mạn. Khi mới 15 tuổi, Macron đã có tình cảm với bà Brigitte Trogneux, giáo viên dạy văn học Pháp và kịch, lớn hơn ông 24 tuổi. Vào thời điểm đó, bà Brigitte đã kết hôn và là mẹ của 3 con trong khi Macron vẫn là một học sinh trung học. Trong ảnh: Cô giáo Brigitte Trogneux dành cử chỉ âu yếm cho học sinh Macron sau một tiết mục biểu diễn kịch tại trường vào năm 1993. (Ảnh: Dailymail)
Cha mẹ của ông Macron đã tìm mọi cách để tách mối quan hệ giữa ông và bà Brigitte. Họ đã gửi ông tới thủ đô Paris để hoàn tất năm cuối của bậc trung học với hy vọng khoảng cách sẽ làm phai nhạt tình cảm của ông với cô giáo. Tuy nhiên, hai người vẫn giữ liên lạc và ông Macron hứa sẽ quay trở lại để cưới bà Brigitte vào thời điểm thích hợp. Sau khi ông Macron hoàn tất việc học tập và bà Brigitte ly hôn với chồng cũ, cả hai đã làm đám cưới vào năm 2007. (Ảnh: Getty)
Emmanuel Macron bắt đầu sự nghiệp của mình từ công việc của một thanh tra tài chính tại Bộ Kinh tế Pháp sau khi tốt nghiệp năm 2004. 4 năm sau đó, ông nhận được đề nghị mời vào làm việc với vị trí là nhân viên ngân hàng đầu tư tại ngân hàng Rothschild & Cie Banque. (Ảnh: Reuters)
Trong khoảng thời gian này, ông Macron cũng bắt đầu dành sự quan tâm cho chính trị khi trở thành một thành viên của đảng Xã hội Pháp (PS) vào năm 2006. Năm 2009, ông rời khỏi đảng này và trở thành chính trị gia độc lập. Người được cho là đã đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành sự nghiệp chính trị của ông Macron là Tổng thống Francois Hollande, khi đó là chính trị gia cấp cao của đảng Xã hội. (Ảnh: AFP)
Video đang HOT
Năm 2012, ông Hollande đắc cử tổng thống Pháp và ông Macron được chọn làm cố vấn cấp cao cho tổng thống với chức vụ Phó Tổng thư ký Văn phòng Tổng thống Pháp. Sự nghiệp chính trị của ông Macron bắt đầu thăng hoa khi ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế Pháp vào ngày 26/8/2014 trong chính phủ của Thủ tướng Manuel Valls. Trên cương vị mới, ông Macron đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cải cách kinh tế, ủng hộ thị trường tự do và giảm thâm hụt tài chính công. Trong ảnh: Từ trái qua phải: Thủ tướng Manuel Valls, Tổng thống Francois Hollande và Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron (Ảnh: AFP)
Ngày 6/4/2016, ông Macron thành lập một phong trào chính trị độc lập, lấy tên là En Marche! (tạm dịch: Tiến bước). Ông sau đó đã từ chức bộ trưởng và chính thức tuyên bố tranh cử tổng thống Pháp 2017 vào tháng 11/2016. Phong trào Tiến bước tuy mới ra đời nhưng đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều người dân và được khoảng 250.000 người gia nhập, trong đó quy tụ nhiều tổ chức xã hội dân sự và những thành viên theo các xu hướng chính trị khác nhau. (Ảnh: AFP)
Trước khi bước vào chính trường Pháp, ông Macron là một nhà kinh tế được biết đến với vai trò thương thuyết trong các thương vụ sáp nhập lớn liên quan tới tờ Le Monde, tập đoàn Nestle hay tập đoàn Plitfer. Trong đó đáng chú ý nhất là khi ông tham gia thương thuyết trong vụ Nestle mua lại một phần của tập đoàn Pfizer vào năm 2010. Đây là thương vụ có trị giá tới 9 tỷ euro và số hoa hồng hưởng được từ thương vụ này đã giúp ông Macron trở thành triệu phú khi chưa đầy 40 tuổi. (Ảnh: Reuters)
Khởi đầu phong trào Tiến bước từ hai bàn tay trắng và chưa hề có kinh nghiệm vận động tranh cử cho một cuộc bầu cử cấp địa phương, chứ chưa nói đến bầu cử tổng thống, việc ông Macron ra tranh cử được xem làm một động thái liều lĩnh của mới ứng viên còn quá trẻ. Tên tuổi của ông cũng mới chỉ được công chúng Pháp biết đến cách đây 3 năm khi ông đảm nhận chức vụ bộ trưởng. Tuy nhiên, bằng việc xây dựng hình ảnh là một lãnh đạo trẻ trung, nhiệt huyết và táo bạo, cùng với tài ăn nói và diễn thuyết trước đám đông, ông Macron tuyên bố sẽ vượt qua mọi rào cản để đi đến cùng trong cuộc đua tới Điện Elysess và được kỳ vọng sẽ thổi một luồng gió mới vào nền chính trị Pháp. (Ảnh: Reuters)
Cuộc bỏ phiếu vòng 1 của cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào ngày 23/4 là cuộc đua gay cấn giữa 11 ứng cử viên. Các đối thủ chính của ông Macron trong cuộc đua vòng 1 này đều là những người dày dạn kinh nghiệm chính trường, gồm Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN) Marine Le Pen, cựu Thủ tướng Pháp Francois Fillon và ứng viên của phong trào Nước Pháp Bất khuất (FI) Jean-Luc Melenchon. Với 23,7% tỷ lệ ủng hộ trong tổng số gần 47 triệu phiếu bầu, ông Macron đã trở thành một trong hai ứng cử viên bước tiếp vào cuộc bỏ phiếu vòng 2, cùng với bà Le Pen. Trong ảnh: Hai ứng cử viên Macron và Le Pen tham gia tranh luận trực tiếp trên truyền hình Pháp ngày 3/5 (Ảnh: Reuters)
Ông Macron và bà Le Pen là hai ứng viên có quan điểm và cương lĩnh tranh cử gần như đối lập nhau. Là ứng cử viên theo trường phái trung dung và ôn hòa, ông Macron chủ trương đi theo đường lối thân Liên minh châu Âu (EU). Ông mong muốn Pháp tiếp tục giữ vai trò trung tâm trong EU, kêu gọi tăng cường hợp tác với các nước láng giềng, ủng hộ hội nhập kinh tế, thương mại tự do và toàn cầu hóa. Ông cũng mong muốn xây dựng một EU đoàn kết và thịnh vượng. (Ảnh: Reuters)
Ông Macron cũng là người có xu hướng mở cửa với người nhập cư. Ông từng hứa sẽ giải quyết các yêu cầu xin tị nạn trong vòng 6 tháng, thậm chí còn mời gọi các doanh nhân và nhà khoa học Mỹ tới Pháp định cư nếu họ cảm thấy khó khăn trước các quy định nhập cư khắt khe của chính quyền Mỹ. Ông Macron lên án nạn phân biệt chủng tộc và ủng hộ cách giải quyết của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc khủng hoảng di cư hiện nay. (Ảnh: Reuters)
Về phương hướng xây dựng nước Pháp, ông Macron tập trung vào các biện pháp xây dựng nền kinh tế Pháp vì ông từng có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Ông cũng đề xuất giảm thuế doanh nghiệp từ 33% xuống còn 25%, xây dựng các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào Pháp. Ông chủ trương thúc đẩy quyền cũng như phúc lợi dành cho người lao động, dỡ bỏ các loại thuế phí đối với những người hưởng lương tối thiểu và dự kiến giảm hàng nghìn việc làm trong khối công chức nhà nước. (Ảnh: Reuters)
Ông Macron từng tuyên bố nếu đắc cử tổng thống, ông sẽ lập kế hoạch đầu tư 50 tỷ euro trong 5 năm, đồng thời đầu tư trực tiếp 5 tỷ euro vào lĩnh vực nông nghiệp và cắt giảm 60 tỷ euro thâm hụt ngân sách. Ngoài ra, ông cũng dành sự quan tâm cho vấn đề giáo dục, đặc biệt là giáo dục tiểu học, trong đó chủ trương tuyển thêm 4.000-5.000 giáo viên mới và tăng trợ cấp cho các giáo viên giảng dạy ở các khu vực ưu tiên. (Ảnh: Reuters)
Liên quan tới cuộc chiến chống khủng bố, một trong những vấn đề nan giải nhất đối với nước Pháp sau một loạt các cuộc tấn công đẫm máu trong những năm gần đây, ông Macron đề xuất tăng cường thêm 10.000 nhân viên cảnh sát và hiến binh, bổ sung 15.000 chỗ giam giữ tội phạm trong các nhà tù. Ứng viên tổng thống Pháp cũng cam kết tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP, lập một quỹ tài trợ nghiên cứu trang bị quốc phòng chung cho cả châu Âu nhằm tăng cường liên kết trong EU. (Ảnh: Reuters)
Ông Macron bước vào vòng 2 của cuộc bầu cử tổng thống Pháp với sự ủng hộ của nhiều chính trị gia tên tuổi của cả phe cánh hữu và cánh tả. Thậm chí các ứng cử viên thua cuộc trong vòng bỏ phiếu đầu tiên như cựu Thủ tướng Francois Fillon hay ông Benoit Hamon cũng đã lên tiếng kêu gọi người ủng hộ bỏ phiếu cho ông Macron trong cuộc chạy đua nước rút. Ngay cả cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đăng video bày tỏ sự ủng hộ dành cho ông Macron. Trong ảnh: Ứng cử viên Macron và vợ đi bỏ phiếu vòng 2 tại điểm bỏ phiếu ở Le Touquet, Pháp hôm 7/5. (Ảnh: Reuters)
Mặc dù vậy, chỉ vài giờ trước khi có lệnh chính thức yêu cầu các ứng viên tổng thống ngừng tất cả các hoạt động vận động tranh cử để cuộc bỏ phiếu vòng 2 bắt đầu diễn ra hôm 7/5, đội ngũ tranh cử của ông Macron thông báo khoảng 9GB dữ liệu thư điện tử của họ đã bị một tài khoản có tên EMLEAKS đăng tải lên trang mạng chuyên về chia sẻ dữ liệu. Vụ tấn công mạng này đã gây ra không ít khó khăn cho ông Macron ngay trước thời khắc quan trọng nhất. (Ảnh: Reuters)
Sau tất cả, vượt qua mọi rào cản và với quyết tâm cao nhất, ông Emmanuel Macron đã giành chiến thắng chung cuộc trước đối thủ Marine Le Pen trong cuộc bỏ phiếu cuối cùng hôm 7/5. Với kết quả này, ông Macron đã chính thức trở thành tổng thống tân cử của nước Pháp và cũng giữ kỷ lục là tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Pháp. (Ảnh: Reuters)
(Theo Vnexpress)
Những vị lãnh đạo trẻ trên thế giới
Ông Emmanuel Macron, 39 tuổi, vừa trở thành ứng cử viên trẻ nhất được bầu làm tổng thống Pháp. Nhân sự kiện này, hãng AFP điểm lại danh sách những nhà lãnh đạo trẻ trên thế giới.
Từ trái sang: Thủ tướng Ukraine Volodymyr Groysman, Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras và cựu thủ tướng Ý Minister Matteo Renzi - Ảnh: REUTERS, EPA
Có người 38 tuổi, có người 43, 44... tất cả đều có điểm chung là lãnh đạo trẻ nhất ở quốc gia họ.
Hungary: Ông Viktor Orban trở thành thủ tướng năm 1998 ở tuổi 35. Ông rời nhiệm sở năm 2002 và tiếp tục nắm quyền vào năm 2010.
Bỉ: Ông Charles Michel trở thành thủ tướng Bỉ vào năm 2014 ở tuổi 38, là nhà lãnh đạo trẻ nhất nước này kể từ năm 1840.
Estonia: Ông Juri Ratas trở thành thủ tướng Estonia năm 2016 khi 38 tuổi.
Ukraine: Ông Volodymyr Groysman được bổ nhiệm làm thủ tướng năm 2016 khi 38 tuổi.
Hi Lạp: Ông Alexis Tsipras được bổ nhiệm làm thủ tướng vào năm 2015 ở tuổi 40, là lãnh đạo trẻ nhất của Hi Lạp trong 150 năm.
Tunisia: Thủ tướng Youssef Chahed 40 tuổi khi ông nhậm chức vào năm 2016, là vị thủ tướng trẻ nhất kể từ khi Tunisia độc lập năm 1956.
Canada: Thủ tướng Justin Trudeau nhậm chức vào năm 2015 khi 43 tuổi.
Ba Lan: Tổng thống Andrzej Duda thắng cử vào năm 2015 ở tuổi 43.
Georgia: Tổng thống Giorgi Margvelashvili tuyên thệ nhậm chức vào năm 2013 khi 44 tuổi.
Ngoài các lãnh đạo trên, còn có một số lãnh đạo trẻ khác hiện không còn đương nhiệm, như ông Taavi Roivas trở thành thủ tướng Estonia năm 34 tuổi (ông rời nhiệm sở năm 2016); ông Matteo Renzi làm thủ tướng Ý năm 2014 khi 39 tuổi (ông rời nhiệm sở năm 2016); ông David Cameron làm thủ tướng Anh năm 2010 khi 43 tuổi (ông rời nhiệm sở năm 2016)...
(Theo Tuổi Trẻ)
5 lý do giúp ông Macron đắc cử tổng thống Pháp Ông Emmanuel Macron, ứng cử viên theo đường lối ôn hòa, đã đắc cử tổng thống Pháp và tạo nên "cơn địa chấn" trên chính trường nước này. BBC đã phân tích 5 lý do giúp ứng cử viên độc lập này giành chiến thắng. Tổng thống đắc cử Pháp Emmanuel Macron (Ảnh: transafricaradio) Cách đây 3 năm, ông Emmanuel Macron vẫn còn...