Hành trình thoát “cửa tử” của binh sĩ Triều Tiên đào tẩu
Bị trúng hàng loạt phát đạn từ đồng đội trước khi được các binh sĩ Hàn Quốc và Mỹ cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, người lính 24 tuổi với khao khát đào tẩu của Triều Tiên đã thoát chết kỳ diệu nhờ sự can thiệp kịp thời của các bác sĩ đến từ quốc gia láng giềng.
Bộ Chỉ huy Liên Hợp Quốc (UNC) ngày 22/11 công bố các video quay lại toàn bộ diễn biến vụ đào tẩu của binh sĩ Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Vụ binh sĩ Triều Tiên bị chính các đồng đội nổ súng khi tìm cách đào tẩu khỏi khu vực biên giới với Hàn Quốc hôm 13/11 đã trở thành tâm điểm chú ý trên báo chí trong những ngày qua. Các hình ảnh do camera ghi lại và được công bố gần đây cho thấy binh sĩ Triều Tiên đã lái xe jeep chạy về phía nam trước khi chiếc xe này gặp trục trặc ở ngay Đường Ranh giới Quân sự (DML) ngăn cách biên giới liên Triều.
Sau khi nhảy ra khỏi xe và chạy về phía biên giới Hàn Quốc, binh sĩ Triều Tiên bị 4 đồng đội là lính gác biên phòng nã hơn 40 phát súng để khống chế. Đoạn video cũng chiếu cảnh binh sĩ đào tẩu nằm bất động giữa một đám lá bên cạnh bức tường bên phía Hàn Quốc. Sau đó, 3 người lính Hàn Quốc đã bò ra và kéo binh sĩ Triều Tiên về nơi an toàn. Binh sĩ này được đưa lên trực thăng Black Hawk của Lục quân Mỹ và cấp cứu tại bệnh viện Hàn Quốc.
Thoát chết trong gang tấc
Bác sĩ Lee Cook-jong – người trực tiếp điều trị cho binh sĩ Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Bị trúng nhiều phát đạn trước khi được các binh sĩ Hàn Quốc và Mỹ cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, người lính tên Oh 24 tuổi của Triều Tiên đã thoát chết kỳ diệu nhờ sự can thiệp kịp thời của bác sĩ phẫu thuật Lee Cook-jong.
“Nếu không nhờ các biện pháp cấp cứu kịp thời của họ (các binh sĩ Hàn Quốc), bệnh nhân này có thể đã chết trước khi tới bệnh viện”, Reuters dẫn lờ bác sĩ Lee cho biết.
Trước đó trên máy bay, các nhân viên y tế của quân đội Mỹ và Hàn Quốc đã cố gắng tìm mọi cách để giữ mạng sống cho binh sĩ Triều Tiên. Sau khi máy bay hạ cánh, Oh được đưa thẳng vào phỏng hội chẩn và các bác sĩ xác nhận rằng binh sĩ này bị chảy máu trong rất nặng.
Video đang HOT
“Chúng tôi hiểu rằng không còn thời gian để do dự”, bác sĩ Lee kể lại.
Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật để gắp toàn bộ số đạn và khâu các vết thương trên cơ thể Oh. Không có đủ thời gian để kiểm tra nhóm máu của Oh, các bác sĩ quyết định truyền khoảng 40 đơn vị máu nhóm O, gấp 3-4 lần lượng máu trong cơ thể một người bình thường. Tổng cộng Oh đã trải qua 3 cuộc phẫu thuật để điều trị những cơ quan nội tạng bị thương và ngăn không cho cơ thể bị nhiễm trùng do vết thương.
Bác sĩ Lee cho biết Oh mắc thêm cả bệnh lao và viêm gan B. Chiều cao và cân nặng của binh sĩ này thậm chí còn ít hơn một thanh niên 18 tuổi trung bình của Hàn Quốc.
Quá trình hồi phục
Binh sĩ Triều Tiên bị trúng đạn nằm bất động trước khi được các binh sĩ Hàn Quốc cấp cứu (Ảnh: Reuters)
“Bệnh nhân này sẽ không chết”, đó là câu khẳng định của bác sĩ Lee với các phóng viên khi được hỏi về tình trạng sức khỏe của binh sĩ Triều Tiên.
“Cậu ấy là một người tốt”, bác sĩ Lee Cook-jong nói về Oh – một bệnh nhân đặc biệt do chính ông phẫu thuật và chăm sóc trong những ngày vừa qua.
Bác sĩ Lee gần như là người duy nhất nói chuyện với Oh kể từ khi anh này được chuyển tới Bệnh viện Đại học Ajou ở phía nam thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Trong khi đó, căn phòng nơi điều trị cho binh sĩ Triều Tiên đào tẩu được lực lượng đặc nhiệm Hàn Quốc và các sĩ quan tình báo canh gác cẩn mật. Oh hiện vẫn nằm trong phòng điều trị đặc biệt và có thể sẽ được chuyển sang phòng bình thường vào cuối tuần này.
Oh đã bắt đầu ăn được những đồ ăn loãng đầu tiên và có thể cười, nói cũng như cử động bàn tay. Trước đó, sau khi tỉnh dậy vào sáng ngày 19/11, tức một tuần sau ngày đào tẩu, binh sĩ Triều Tiên đã khóc nhiều vì đau đớn. Ngoài ra, Oh nói với bác sĩ Lee rằng anh vẫn lo lắng về những người lính gác Hàn Quốc ở bên ngoài.
“Anh ấy là một người mạnh mẽ”, bác sĩ Lee nhận xét về bệnh nhân Triều Tiên.
Tâm lý sợ hãi
Binh sĩ Triều Tiên được điều trị trong phòng đặc biệt tại bệnh viện ở Hàn Quốc dưới sự theo dõi cẩn mật (Ảnh: Dailystar)
Qua những cuộc trò chuyện, Oh đã kể với bác sĩ Lee rằng anh gia nhập quân đội Triều Tiên từ khi 17 tuổi, ngay sau khi tốt nghiệp cấp 2. Chính bác sĩ Lee là người đã treo cờ Hàn Quốc ở trước cửa phòng điều trị của Oh để trấn an rằng anh không còn ở Triều Tiên và hiện sống an toàn ở đất nước Hàn Quốc. Ông cũng tranh thủ tâm sự với Oh và cố gắng tránh nhắc tới những chủ đề khiến binh sĩ Triều Tiên lo lắng.
“Tóc của anh ấy được cắt giống như một người lính Thủy quân Lục chiến Mỹ, vì thế tôi đã nói đùa với anh ấy rằng: “ Sao anh không gia nhập Thủy quân Lục chiến Hàn Quốc”, bác sĩ Lee chia sẻ.
Theo Washington Post, ngoài việc điều trị, bác sĩ Lee cũng mở cho bệnh nhân Triều Tiên của ông nghe nhạc Hàn Quốc, xem các chương trình truyền hình và phim ảnh của Mỹ. Một điều đặc biệt là ông không cho Oh tiếp xúc với bất kỳ tin tức nào trên báo chí. Bản thân Oh cũng tỏ ra thích thú với các bộ phim của Mỹ và nghe các ban nhạc nữ Hàn Quốc.
Tuy nhiên, điều khiến bác sĩ Lee lo lắng nhất là giúp Oh hồi phục về tâm lý. Bác sĩ Lee cũng yêu cầu các quan chức quân sự Hàn Quốc hoãn quá trình thẩm vấn đề chờ binh sĩ Triều Tiên hồi phục hoàn toàn dù họ đang rất nôn nóng.
“Binh sĩ Triều Tiên sẽ không chạy đi đâu cả. Anh ấy sẽ vẫn ở lại Hàn Quốc. Vì vậy chúng ta không cần phải vội”, bác sĩ Lee nói.
Binh sĩ Hàn Quốc cứu lính Triều Tiên đào tẩu bị trúng đạn
Thành Đạt
Theo Dantri
Triều Tiên thay toàn bộ lính gác biên phòng sau vụ binh sĩ đào tẩu?
Triều Tiên được cho là đã thay toàn bộ lính gác an ninh biên phòng sau vụ đào tẩu gần đây của một binh sĩ ở khu vực biên giới chung với Hàn Quốc.
Binh sĩ Triều Tiên đứng gác cùng binh sĩ Hàn Quốc tại làng đình chiến Panmunjom ở Khu phi quân sự liên Triều (Ảnh: Reuters)
Yonhap dẫn nguồn tin tình báo hôm nay 23/11 cho biết Triều Tiên được cho là đã thay thế tất cả các lính gác an ninh biên phòng sau vụ đào tẩu của binh sĩ nước này ở khu vực kiểm soát an ninh chung tại khu vực biên giới căng thẳng với Hàn Quốc.
"Phát hiện nhiều dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đã thay thế toàn bộ lính gác an ninh biên giới sau vụ đào tẩu. Xét đến tình hình hiện tại, các chỉ huy phụ trách đơn vị quân đội (ở biên giới) và nhiều sĩ quan cấp cao có thể đã bị kỷ luật", nguồn tin tình báo cho biết.
Cũng theo nguồn tin, Triều Tiên dường như đã tạm thời đóng cửa cây cầu có tên "72 giờ" ở khu vực biên giới chung với Hàn Quốc. Đây chính là cây cầu nơi binh sĩ đào tẩu lái xe với tốc độ cao để tiến vào vùng phía bắc của Khu vực An ninh chung (JSA). Nguồn tin tiết lộ thêm rằng Triều Tiên rõ ràng đã thắt chặt việc kiểm soát các lực lượng ra vào Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) sau vụ đào tẩu gần đây.
Trước đó, Bộ Chỉ huy Liên Hợp Quốc (UNC) đã công bố các video cho thấy toàn bộ diễn biến vụ đào tẩu của binh sĩ Triều Tiên tại Khu vực An ninh chung (JSA) ở làng đình chiến Panmunjom, nơi ngăn cách biên giới liên Triều, hôm 13/11.
Đoạn video cho thấy binh sĩ Triều Tiên lái xe jeep chạy qua trạm kiểm soát an ninh để đi về phía Đường Ranh giới Quân sự (MDL). Sau khi bánh xe có dấu hiệu trục trặc, binh sĩ Triều Tiên đã bước ra khỏi xe và lao về phía biên giới Hàn Quốc. Ngay lập tức, 4 binh sĩ Triều Tiên khác rượt đuổi và nã đạn vào người binh sĩ này.
Sau đó, binh sĩ Triều Tiên đào tẩu được các binh sĩ Hàn Quốc và Mỹ cấp cứu và đưa vào bệnh viện đại học Ajou, Suwon, phía nam thủ đô Seoul. Thông tin mới nhất từ các bác sĩ cho biết binh sĩ này đã tỉnh trở lại sau khi trải qua các cuộc phẫu thuật để gắp đạn ra khỏi người.
Sau khi công bố video trước báo giới, UNC cho biết trong vụ việc này phía Triều Tiên đã vi phạm Hiệp ước đình chiến 1953, văn kiện được thiết lập từ sau cuộc chiến tranh liên Triều 1950-1953, và UNC đã thông báo cho Bình Nhưỡng thông tin này.
Thành Đạt
Theo Yonhap
Thêm một lính Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc Một binh sĩ Triều Tiên ngày 23/6 đã vượt qua khu vực biên giới để đào tẩu sang Hàn Quốc. Đây là vụ bỏ trốn thứ 3 của công dân Triều Tiên sang quốc gia láng giềng trong tháng này. Các binh sĩ Triều Tiên tuần tra dọc biên giới (Ảnh: Yonhap) "Một binh sĩ Triều Tiên đã đào tẩu sang khu vực...