Hành trình theo bóng mặt trời ở vùng đất Phật của chàng trai Việt
Trên chuyến xe 13 tiếng về Yangon (Myanmar), tôi tranh thủ ghi lại hành trình chuỗi ngày đuổi theo ánh mặt trời tuyệt đẹp trên thành cổ Bagan huyền bí.
Thành phố Bagan là khu vực khảo cổ thuộc vùng Mandalay, Myanmar, nổi tiếng với thung lũng hàng nghìn ngôi đền huyền bí. Đây được xem như nơi lưu giữ những chứng tích vàng son của Phật giáo với khoảng 10.000 đền chùa trong quá khứ. Sau hàng nghìn năm, con số này đã giảm xuống chỉ còn hơn 2.000.
Lần trở lại này, Bagan trở nên đông khách du lịch hơn so với chuyến đi trước của tôi nhưng không vì thế mà miền đất linh thiêng mất đi vẻ hoang sơ và chân thành vốn có. Những cảm xúc đẹp đẽ ở lần đầu gặp gỡ gần như còn vẹn nguyên trong tôi.
Trước đây du khách có thể len lỏi vào bất cứ đền, chùa cổ nào để ngắm Bagan từ trên cao. Tuy nhiên, giờ đây, bạn chỉ còn một vài điểm ngắm là những ngọn đồi, khu vực được chỉ định để chiêm ngưỡng bình minh và hoàng hôn, 2 khoảnh khắc vàng không nên bỏ lỡ tại đây. Do đó, bạn sẽ phải chen chúc giữa dòng người đông nghịt ở đó để tận hưởng thời điểm thành cổ đẹp nhất dưới ánh mặt trời.
Tôi tìm được 2 điểm ngắm bình minh tuyệt đẹp. Một là bạn nên thuê xe và nhờ tài xế chở đến Balloon Station ở Nyaung-U để trải nghiệm khoảnh khắc vào lúc bình minh, những quả khí cầu khổng lồ bơm căng phồng trong ánh lửa bay lên ngay trước mắt. Hai là trên đường từ trạm xe buýt ở Nyaung-U trở về New Bagan, bạn sẽ gặp một cánh đồng cỏ khô với những khoảng trống lớn, đủ để ngắm được những quả khí cầu vào khoảnh khắc chúng đồng loạt hạ xuống ở New Bagan.
Đối với hoàng hôn, nếu không thể leo lên những ngọn tháp cao, bạn nên len vào sâu những ngóc ngách phía sau các đền tháp nhỏ hoặc tán cây để ngắm ánh hoàng hôn đổ dài thành vệt. Đó một lựa chọn ấn tượng hơn việc đứng ngắm cảnh ở nơi đông người. Bạn sẽ được tận hưởng cảm giác yên bình đặc trưng của miền đất không có gì ngoài những khoảng không mênh mông và xa thẳm.
Video đang HOT
Với những người dân thân thiện, mến khách, khí hậu, địa hình Myanmar khá giống ở Việt Nam. Bạn sẽ không quá khó khăn trong hành trình trải nghiệm trên miền đất linh thiêng này.
Theo news.zing.vn
Truyền thuyết về ao Bà Om và ngôi cổ tự linh thiêng bậc nhất miền Tây
Nhắc tới đất lành Trà Vinh, người ta nghĩ đến miền đất của những ngôi chùa Khmer cổ kính cùng những di tích lịch sử mang nhiều huyền thoại, gắn liền với hành trình khai phá, gầy dựng phương Nam.
Di tích ao Bà Om ngàn năm soi bóng cổ tự là một trong những niềm tự hào vùng đất đan xen nhiều nền văn hoá này.
Chùa Âng linh thiêng là điểm đến nổi tiếng bậc nhất Trà Vinh
Ao lớn giữa rừng cổ thụ
Ao Bà Om nằm cạnh Quốc lộ 53, cách TP Trà Vinh khoảng 5km về phía Tây Nam, trên địa bàn khóm 4, phường 8. Khuôn viên ao rộng 100.000m2, được bao bọc bởi hàng trăm cây sao, dầu cổ thụ trăm tuổi với những bộ rễ trồi lên mặt đất, hình thù kỳ dị, thân cây cao vút, bốn mùa rợp bóng thâm u tạo không gian thanh bình, tĩnh tại.
Ao Bà Om trải rộng mấy chục ngàn mét vuông, nước trong xanh tĩnh lặng, mùa này đẹp hút hồn với những cụm bông súng bông sen lung linh, tím ngắt, phủ khắp mặt ao. Ngoài cảnh đẹp đến mê mẩn lòng người, ao nước rộng lớn này còn lung linh huyền ảo bởi những câu chuyện nửa hư nửa thực từ bao đời nay ăn sâu vào tiềm thức người dân địa phương.
Trong nhiều truyện dân gian về ao Bà Om có chuyện kể rằng, ngày trước, vùng đất Trà Vinh hằng năm cứ đến mùa hạn thì nước ngọt khan hiếm, ruộng rẫy khô cằn, cây cỏ chết héo, người dân trong vùng vì hạn hán rơi vào cảnh lầm than. Để cứu dân khỏi cảnh khốn cùng, một ông hoàng trấn nhậm trong vùng quy tụ bà con đào ao tìm nguồn nước.
Tình cờ, trong vùng lúc đó cũng xảy ra một vụ tranh cãi khó phân xử là đàn ông và đàn bà, ai phải đi cưới ai và ai phải chịu mọi phí tổn trong lễ cưới? Ông hoàng nhân dịp này chia ra hai bên nam nữ tổ chức một cuộc thi đào ao. Ao bên nào đào sâu hơn, lớn hơn và xong trước thì thắng, bên thua sẽ phải đi cưới.
Ao Bà Om với hàng cây cổ thụ bao bọc bốn mùa xanh mát
Cuộc thi diễn ra khi trời vừa tắt nắng, theo giao hẹn là khi sao Mai mọc là phải ngừng công việc. Bên nam đào ao tròn ở phía Tây, bên nữ đào ao vuông ở phía Đông. Bên nữ do bà Om chỉ huy, thấy không thể kình được sức đàn ông nên bên nữ dùng kế vừa đào vừa ca múa để dụ các chàng bỏ việc mà chạy sang rình xem.
Đến quá nửa đêm, bà Om cho chặt một cây tre thật dài, treo ngọn đèn lồng rồi đem cắm ở hướng Đông, bên nam thấy ngọn đèn tưởng là sao Mai nên họ rủ nhau về nghỉ, trong khi bên nữ đào đến sáng và xong việc. Lúc bên Nam biết mình bị lừa thì đã muộn, chấp nhận thua cuộc. Nhớ ơn người phụ nữ mưu trí, người ta lấy tên bà đặt tên ao, gọi là ao Bà Om.
Cũng có câu chuyện khác kể rằng, thời xa xưa đất này có vị hoàng tử tên là Pa-tu-ma-vông, tính cách độc đoán, thường bắt dân chúng phải dâng gái đẹp cho ông ta, ai bất tuân sẽ bị trừng trị nặng. Ông ta còn áp đặt luật lệ đàn bà phải đem lễ vật đi cưới đàn ông, dân chúng ai nấy tuân theo, duy có một cô gái xinh đẹp tỏ thái độ phản đối với vị hoàng tử.
Bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp của cô gái, vị hoàng tử để lấy lòng người đẹp đã mở một cuộc thi đào ao, bên đào xong trước sẽ thắng cuộc, bên thua cuộc phải mang lễ vật đi cưới bên kia. Cuộc thi này có diễn biến tương tự câu chuyện kể ở trên, bên nữ chân yếu tay mềm nhưng nhờ thông minh mưu trí đã giành phần thắng.
Lại có dị bản rằng, xưa kia ông Lũy và bà Om ở với nhau có một đứa con, tuy yêu thương nhau nhưng hai người ai cũng muốn giành phần đặt tên con theo họ mình. Để được quyền đặt tên con, hai người thi tài, ông đắp luỹ bà đào ao, và cuối cùng bà Om thắng, được đặt tên con gái theo họ mẹ.
Câu chuyện được nhiều người tin là có thật khi lý giải rằng, cách ao Bà Om ngày nay khoảng 5km về phía Tây có bờ luỹ mà bây giờ vốn là một con đường nông thôn. Câu chuyện cũng phù hợp với tục lệ đặt tên con của người Khmer xa xưa, mãi đến thời Pháp cai trị, người Khmer chuyển sang lấy họ cha.
Ngoài những câu chuyện kể trên, còn có nhiều dị bản dân gian khác để giải thích nguồn gốc và nguyên dp hình thành địa danh ao Bà Om. Tuy có nhiều tình tiết khác nhau nhưng hầu hết các truyện xoay quanh ba chủ đề chính: giải thích tên gọi ao Bà Om, lý giải việc người nam đi cưới người nữ và tại sao người Khmer có tục lệ theo họ mẹ.
Tuy chuyện kể có yếu tố siêu nhiên, huyền thoại nhưng in đậm dấu ấn văn hóa của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Một phần nội dung quan trọng có tính hiện thực lịch sử là những gian khổ mà cha ông ta phải đối mặt thuở ban đầu đi khai phá đất phương Nam đã được một số tác phẩm ghi nhận.
Đó là trước đây vùng đất Trà Vinh hằng năm vào mùa khô, nguồn nước ngọt khan hiếm, đời sống nhân dân cơ cực. Điều này chẳng những đúng với trước đây mà bây giờ cũng vậy, mỗi mùa nắng nóng, người dân nơi đây đối mặt hạn hán, lúc ấy những ao nước rộng lớn như ao Bà Om trở thành nguồn sống đối với dân quanh vùng.
Mang nhiều giá trị về cảnh quan lẫn văn hoá, năm 1994, ao Bà Om được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hằng năm, cứ đến lễ Chol-chnam-thmay, Dolta, đặc biệt là lễ hội Cúng Trăng - Ok-om-bok, đồng bào Khmer và cả Kinh, Hoa ở Trà Vinh và các tỉnh lân cận tụ hội về đây để tham gia các hoạt động vui chơi, nhảy múa và và các hoạt động văn hoá thể hiện sự đoàn kết của ba dân tộc anh em.
Chuyện ghi nơi cổ tự
" Chuông chiều văng vẳng gần xa, chùa đâu đâu cũng có trên đất lành Trà Vinh", đúng như câu ca của nhạc sỹ Ngô Kỳ Vỹ trong bài hát "Thương lắm miền Tây". Bởi không đâu xa, cạnh ao Bà Om, nằm ẩn mình giữa rừng cây sao, dầu trăm ngàn năm tuổi là chùa Âng - ngôi chùa Khmer cổ kính vào loại bậc nhất Tây Nam Bộ.
Chùa Âng tiếng Khmer có tên là Angkorajaborey, nổi tiếng nhất trong hệ thống 141 ngôi chùa Khmer trên đất Trà Vinh bởi sự cổ kính, độc đáo và kiến trúc đẹp nhất. Nơi đây lưu giữ nhiều giá trị về nghệ thuật kiến trúc lẫn nét đẹp tôn giáo, đến ngày nay là một trung tâm văn hóa, giáo dục quan trọng đối với đồng bào Khmer và nhân dân trong vùng.
Theo truyền thuyết, chùa Âng được xây dựng vào cuối thế kỷ 10. Tuy nhiên, nếu tính từ đời vị trụ trì đầu tiên, cũng như theo nhiều sách sử còn lưu lại, chùa Âng có khả năng được xây dựng bằng tre lá từ năm 1695, đến năm 1842 thì được dựng lại bằng gỗ quý. Sau đó còn được xây dựng, sửa chữa, trùng tu vài lần cho đến ngày nay.
Chùa được xây dựng hoàn toàn theo phong cách chùa Khmer Nam bộ, xung quanh có hào nước sâu bao bọc. Cổng chùa là ba ngọn tháp cao có đắp biểu tượng con chằn. Phía trước chính điện là 6 cây cột cao, chạm khắc nhiều hình tiên nữ, chim thần vô cùng sống động. Mái chùa khá đặc biệt, lợp ngói, chia thành 3 tầng, được chống đỡ bằng 12 cột gỗ quý.
Cửa chính của chùa mở về hướng Đông, cửa hậu mở về hướng Tây, dẫn vào chính điện nơi đặt bệ thờ theo phái Phật giáo Nam Tông, thờ Phật Thích Ca với tượng Phật chính và khoảng 50 tượng Phật lớn nhỏ ở xung quanh. Các bức tường xung quanh và trần chính điện là những bức tranh vẽ, kể về bốn giai đoạn trong cuộc đời Đức Phật: Đản sanh, xuất gia, đắc đạo và nhập niết bàn.
Chúng tôi đến chùa vào một ngày thường trong năm, tuy nhiên không khí đông đúc bởi có nhiều người dân, Phật tử và khách du lịch đến thăm. Dưới bóng cây cổ thụ sân chùa, nhiều Phật tử cho biết họ đến đây trước là để cầu bình an, sau để nhờ các nhà sư trong chùa hoá giải, giúp đỡ thoát khỏi khó khăn, vận hạn mà họ hoặc người thân trong nhà gặp phải.
Một nữ Phật tử có mặt tại sân chùa kể rằng, theo như cách làm của nhiều người bấy lâu nay, bà đến đây mang theo chai dầu gió, nhờ nhà sư tụng kinh niệm phật, trì chú vào đó để khi mang về nhà dùng thì ước nguyện sẽ thành. Chẳng những bà mà nhiều người khác cũng đang đợi nhà sư tại chùa trí chú vào chai dầu gió, mục đích cầu sức khoẻ, bình an hay mua may bán đắt, ăn nên làm ra.
Hầu hết những người đến chùa hôm ấy tin rằng, nếu ai đó đang bị vong theo, tức người khuất theo quấy phá, làm phiền dẫn đến tai hoạ, xui xẻo hay bị trúng bùa ngải thì có thể nhờ các nhà sư tại chùa hoá giải bằng cách lăn hột gà từ đầu đến chân, sau đó được nhà sư vừa xối nước gội đầu và tụng kinh để gột rửa điều xúi quẩy, bệnh tật.
Chẳng biết những cách làm trên hiệu quả đến thế nào, nhưng nhiều người tin rằng sau khi đến chùa thành tâm nhờ cậy, họ đã được như ý nguyện. Còn những người lần đầu tìm đến thì lại thấy lòng nhẹ nhàng, an yên trong bầu không khí linh thiêng, có lẽ điều đó góp phần tạo nên sự đặc biệt của ngôi chùa cổ này.
Gia Nguyễn
Theo baophapluat.vn
Một lần thăm quê chị Sáu Mỗi lần nghe bài hát "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, lòng tôi luôn bồi hồi. Hình ảnh một cô gái dáng người mảnh mai, nhẹ nhàng như hơi thở bước đi giữa hai hàng lưỡi lê sáng loáng. Trước mặt cô, biển quê hương một màu xanh ngát với từng đàn hải âu cánh trắng chao...