Hành trình tái tạo khuôn mặt thiếu nữ
HÀ NỘI – Giang Ly tỉnh dậy sau 8 giờ phẫu thuật. Xương hàm rất đau, nhưng từ nay, em sẽ lần đầu tiên sau 9 năm có gương mặt bình thường không sưng.
Phòng hồi sức tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương yên tĩnh. Bố, mẹ, cô, bác đang ngồi cạnh bên giường của Giang Ly, bóp tay chân cho em, tất cả đều nở nụ cười rạng rỡ khi thấy em tỉnh lại. Ca phẫu thuật ghép xương hàm mặt kéo dài khiến thiếu nữ mệt mỏi.
Giang Ly không thể nói, cũng không thể cử động. Cả hai đôi bàn tay và bàn chân được buộc chặt vào giường bệnh. Một ống thông được cắm vào mũi em xuống dạ dày để truyền sữa và thức ăn, một ống thông khác cắm vào lỗ mũi bên kia truyền oxy để thở. Ở chân trái và tay phải cũng đều được truyền kháng sinh để giảm đau.
“Ba ngày đầu em uống sữa qua chiếc ống đó, toàn nôn ra, không thể uống được”, Giang Ly nói. “Em chẳng thấy đói, em chỉ thấy mệt thôi”.
Khuôn mặt Giang Ly (giữa) sưng đau khi chưa phẫu thuật. Ảnh: Nam Phương
Ca phẫu thuật giữa tháng 9 là lần làm xương hàm mặt thứ hai của Ly tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương. Lần này, các bác sĩ lấy xương ở chân trái, tạo thành xương hàm, ghép vào hàm trái. Em được vi phẫu lần đầu tiên là lấy xương chân phải ghép vào hàm phải hồi tháng 8/2018.
Nhìn con trên giường bệnh, chị Lưu Thị Châm, mẹ của em rưng rưng, song chị biết rằng những tháng ngày con chịu đựng đau đớn sắp qua. Chuỗi ngày tháng hai mẹ con ròng rã bắt xe khách từ Thái Nguyên đến viện để thăm khám, lấy thuốc, phẫu thuật… sắp kết thúc. Vậy là đã gần một thập kỷ con gái sống chung với cơn đau xương hàm mặt. Sau ca phẫu thuật lần này, khuôn mặt Giang Ly có thể hoàn chỉnh như bao bạn bè khác.
Giang Ly phát bệnh từ năm 8 tuổi, sưng, đau răng, được chẩn đoán bị u xơ men xương hàm. Bác sĩ chưa thể mổ ngay mà phải đợi đến khi Ly 18 tuổi. Lúc nào cô bé đau răng, không ăn uống được gì, chị Châm đều đưa con đến bệnh viện kiểm tra, lấy thuốc, điều trị duy trì. Cơn đau liên tục hoành hành, nhiều lúc Ly không ăn được cơm, chỉ ăn cháo.
“Cháu luôn mặc cảm về ngoại hình, mẹ xin chụp một bức ảnh cũng nhất quyết không cho chụp, kể cả lúc ngủ cháu phải nằm nghiêng vì sợ mẹ chụp trộm”, chị Châm cho biết. “Đến trường cũng vậy. Cháu rất ít khi giao tiếp với bạn bè, ít khi cười, đi ra ngoài đường cũng toàn đeo khẩu trang”.
Năm 2018 Ly 16 tuổi, mặt sưng to, xương hàm dưới phồng lên phá hủy hết gương mặt, không còn chỗ nào nguyên vẹn xương, đau đớn. Tình trạng bội nhiễm để lâu có thể lan sang khu vực khác. Các bác sĩ quyết định thực hiện vi phẫu tái tạo khuyết hàm mặt cho cô gái trẻ. Quá trình tái tạo gương mặt phải chia làm hai lần mổ vi phẫu.
Video đang HOT
Các chuyên gia đã lấy xương mác từ cẳng chân, cả phần mô mềm có cuống mạch nối vi phẫu mạch máu giúp nuôi xương. Xương mác ít có chức năng, tiết diện to, có thể cắt uốn thành xương hàm dưới. Giang Ly được cắt u, toàn bộ xương hàm dưới, sau đó tái tạo một nửa xương hàm dưới. Phần xương hàm mất dài nên phải cắt cả hai xương mác ở hai chân.
Sau lần phẫu thuật đầu tiên, khuôn mặt em dần trở lại bình thường, không còn sưng đau. Giang Ly cũng chụp ảnh nhiều hơn, không còn tự ti về ngoại hình như trước. Người mẹ chia sẻ: “Nhìn con gái vui vẻ mà bản thân mình cũng thấy nhẹ lòng phần nào”. Em hòa nhập nhanh với các bạn trong lớp và hay cười nói, chuyện trò. Cứ 6 tháng, em trở lại viện tái khám một lần.
Ngày 16/9, sau hơn một năm, Giang Ly làm các thủ tục nhập viện Răng Hàm Mặt lần hai để hoàn thành nốt phần ghép xương hàm trái. Cô thiếu nữ dường như không cảm thấy sợ hãi như lần đầu. “Em biết rằng sau lần ghép xương hàm mặt lần này, khuôn mặt sẽ trở nên hoàn thiện và xinh đẹp hơn”, em nói.
Lần này các bác sĩ lấy xương chân trái tái tạo hàm, ghép hàm trái, để hoàn chỉnh khuôn mặt cho em. Quá trình lấy xương chân khiến Giang Ly đau đớn, phải nằm một chỗ, dự kiến vài tháng tới mới hồi phục. Ca phẫu thuật kéo dài 8 tiếng, cô bé nửa tỉnh nửa mê đến 3 ngày sau. Khi tỉnh dậy, hàm bị sưng, đau trở lại, song Ly không cảm thấy lo lắng hay tự ti về ngoại hình của mình. “Lần trước phẫu thuật cũng vậy, mấy tuần sau là mặt hết sưng. Chân chỉ đi tập tễnh một vài tháng là trở lại bình thường”, em chia sẻ.
Khuôn mặt hiện tại của Giang Ly hoàn thiện. Ảnh: Lưu Châm.
Ngày 27/9, Giang Ly xuất viện. Ngày nào cô bé cũng ngắm mình trong gương, mong khuôn mặt mau lành trở lại. Chân đau không thể đến trường song Giang Ly không quên tự học bài tại nhà. Các bạn cùng lớp đều ghi chép bài cho Ly, đến nhà giảng bài cho em.
Để phẫu thuật, Giang Ly phải nhổ hết răng hàm dưới, từ đó đến nay chỉ có thể ăn cháo. “Khi nào ngán cháo quá thì em có thể chuyển sang ăn bánh cuốn, bún phở, còn hoa quả phải xay ra mới ăn được. Cơm muốn ăn thì phải nuốt thôi”, em nói.
Giang Ly đang đợi xương hàm phát triển ổn định sau đó trồng răng hàm dưới. Em mong muốn khuôn mặt mình sớm hoàn thiện, để có thể chụp nhiều ảnh và ăn nhiều món mình thích.
Thúy Quỳnh
Theo VNE
Mắc ung thư vì thứ triệu người mê
Mới đây, ông H.V.L. (Hà Nội) phải cắt đi nửa xương hàm mặt vì ung thư vùng khoang miệng và hàm mặt. Thủ phạm chính là bao thuốc lá hàng ngày ông vẫn hút.
Ông H. V. L. vào Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba, Hà Nội, khám trong tình trạng đau răng, ra máu, có vết loét ở răng hàm mãi không khỏi.
Trước đó, ông L. đã bị đau răng, mỗi khi đánh răng ra máu nhưng gia đình nghĩ ông bị sâu răng, nhiệt miệng nên chỉ mua thuốc về uống, súc miệng. Tình trạng trên không đỡ dù ông đã uống thuốc cả tháng ròng rã.
Ông L. vào bệnh viện khám, sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư khoang miệng giai đoạn 2 khiến bản thân ông và gia đình rất bất ngờ.
Tìm kiếm các nguyên nhân, ông L. thừa nhận đã hút thuốc lá hơn 30 năm nay và mỗi ngày hút nửa bao thuốc. Ông biết thói quen này không tốt cho sức khỏe nhưng khi chưa thấy bệnh thì ông chưa sợ. Chỉ đến khi nghe bác sĩ tư vấn bệnh ung thư ông mới ân hận vì trót nghiện thuốc lá khiến vợ con lo lắng, thân mang bệnh nặng.
Ông L. ung thư miệng vì hút thuốc lá nhiều năm.
BSCKI Nguyễn Thanh Thái, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình hàm mặt, BV Việt Nam - Cu Ba cho biết khi ông L. vào khám, bác sĩ kiểm tra cho bệnh nhân thì toàn bộ vùng niêm mạc sau răng số 8 hàm trên đỏ rực do khối u bị loét và xâm lấn ra xung quanh. Bệnh nhân lúc nào cũng cảm giác bỏng rát ở vùng tổn thương.
Bác sĩ Thái cho biết đã tiến hành phẫu thuật cắt vùng tổn thương để tránh ung thư xâm lấn rộng. Tuy nhiên, khi bác sĩ mở cắt u, bên trong xoang chứa rất nhiều mủ. Bệnh nhân bị cắt bán phần xương hàm trên, bao gồm 6 răng hàm. Đồng thời, bác sĩ nạo vét hết u xung quanh vùng hàm ếch.
Bác sĩ Thái cho rằng đến khi bệnh nhân phải hồi phục bác sĩ mới có thể tiến hành tạo hình và trồng răng giả cho người bệnh.
Nguyên nhân của ung thư khoang miệng
Ung thư khoang miệng là bệnh ung thư vùng hàm mặt phổ biến ở nước ta. Trong điều kiện nước ta có tỷ lệ hút thuốc lá cao có tới hơn 16 triệu người trưởng thành hút thuốc lá nguy cơ gia tăng bệnh ung thư vùng khoang miệng càng lớn.
Bác sĩ Thái chỉ ra các nguyên nhân gây ung thư khoang miệng được chỉ ra đó là hút thuốc lá và uống rượu mạnh.
Hút thuốc lá chiếm tới 75% các ca bệnh bị ung thư vùng khoang miệng như lưỡi, sàn miệng, khoang miệng,...
Không chỉ hút thuốc lá chủ động mà hút thuốc lá bị động cũng làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư khoang miệng hơn. Ngoài thuốc lá, uống rượu những người ăn trầu và lười vệ sinh vùng khoang miệng thì cũng tăng nguy cơ mắc ung thư vùng khoang miệng hơn.
Bác sĩ Thái nhấn mạnh nếu ung thư vùng khoang miệng biết sớm thì cơ hội điều trị cho bệnh nhân tốt hơn. Bệnh nhân có thể khỏi hoàn toàn bằng phẫu thuật. Tuy nhiên, tại nước ta bệnh ung thư khoang miệng vẫn ít người phát hiện ở giai đoạn sớm. Đa số người bệnh đều đi khám khi bệnh đã xâm lấn rộng. Nhiều người nhầm ung thư khoang miệng với nhiệt miệng, mụn cóc trong miệng.Các dấu hiệu cảnh báo ung thư vùng khoang miệng:
Đau lưỡi, khó nhai: Ngoài ra, hiện tượng đau lưỡi, hàm răng yếu và khó nhai thức ăn cũng có thể là dấu hiệu của căn bệnh ung thư này, các nha sĩ cảnh báo.
Ra máu bất thường trong khoang miệng: Việc ra máu có thể diễn ra tự nhiên, sau va chạm nhẹ, sau ăn uống hoặc vệ sinh răng miệng.
Vết loét hoặc vết chồi lâu lành: Những vết loét trên khoang miệng lâu lành trên một tháng, xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trong khoang miệng. Những vết loét này thường không đau, đụng nhẹ vào thấy hơi sượng cứng hoặc mất đi độ mềm mại. Đau thường xảy ra ở giai đoạn trễ hơn.
Nổi cục hạch vùng cổ không đau: Bệnh nhân phát hiện nổi u hạch ở vị trí thường gặp nhất như vùng dưới xương hàm và vùng dưới cằm. Đây chính là một dấu hiệu sờ thấy của căn bệnh ung thư khoang miệng.
Theo infonet
Răng miệng "dở chứng" thế này, đến nha sĩ ngay! Bỗng dưng thấy răng đau nhức khi nhai, phát hiện răng bị ố vàng hay có răng bị lung lay...là những dấu hiệu cho thấy vấn đề sức khỏe răng miệng đang gặp vấn đề và bạn nên khám nha sĩ ngay, theo Prevention. Răng đau nhức Đau một hoặc nhiều chiếc răng khi nhai có thể là dấu hiệu bạn đang bị...