Hành trình sống sót kỳ diệu của phi công lao máy bay vận tải xuống biển
Mặc dù máy bay chở hàng Boeing 737-200 vỡ vụn, nhưng hai phi công đã sống sót thần kỳ sau khi hạ cánh khẩn cấp xuống vùng biển ngoài khơi Hawaii, Mỹ.
Hành trình sống sót kỳ diệu của phi công lao máy bay vận tải xuống biển
Một máy bay của hãng hàng không Transair (Ảnh: AFP).
Theo Dailymail, máy bay chở hàng Boeing 737-200 mang số hiệu 810 của hãng hàng không Transair cất cánh từ sân bay quốc tế Daniel K. Inouye ở Honolulu rạng sáng 2/7 theo giờ địa phương để lên đường đến Kahului trên đảo Maui, Hawaii.
Chưa đầy sau 30 phút sau khi cất cánh, hai phi công đã thông báo với cơ quan kiểm soát không lưu về sự cố một động cơ ngừng hoạt động. “Chúng tôi đã mất một động cơ và chúng tôi đang quay trở lại sân bay. Chúng tôi cần lực lượng cứu hỏa hỗ trợ. Chúng tôi có thể mất nốt động cơ còn lại, nó đang rất nóng. Tốc độ của máy bay đang rất chậm. Mọi chuyện không ổn lắm”, một phi công thông báo với đài kiểm soát không lưu ở sân bay quốc tế Daniel K. Inouye.
Phi công cho biết thêm, máy bay của họ không chở vật liệu nguy hiểm và vẫn còn nhiên liệu đủ hai giờ bay. Họ đề nghị cơ quan kiểm soát không lưu phối hợp với Lực lượng Tuần duyên hỗ trợ, và hỏi xem liệu họ có thể hạ cánh ở một sân bay nào gần hơn ở Honolulu hay không.
Sau cuộc trao đổi này, cơ quan không lưu không thể liên lạc thêm với các phi công. “Có thể máy bay đã rơi”, một nhân viên cơ quan không lưu nói.
Máy bay trục trặc động cơ chưa đầy 30 phút buộc phải quay lại đất liền (Ảnh: Bloomberg).
Ngay sau khi phi hành đoàn thông báo sự cố, máy bay bắt đầu mất độ cao. Sự việc diễn ra quá nhanh, các phi công buộc phải quyết định hạ cánh xuống biển.
Khoảng một giờ sau, lực lượng cứu hộ tìm thấy hai phi công đang bám vào các kiện hàng và mảnh vỡ máy bay, cách bờ biển Oahu vài km.
Karin Evelyn, một quan chức thuộc Lực lượng Tuần duyên của Mỹ, cho biết khi trực thăng cứu hộ đến nơi, máy bay chở hàng bắt đầu đắm, một phi công bám vào phần đuôi máy bay vẫn nổi trên mặt nước. “Một người bám vào phần đuôi của máy bay, người kia bám vào các kiện hàng”, quan chức này cho biết.
Ban đầu lực lượng cứu hộ định giải cứu phi công bám vào các kiện hàng, nhưng do phần đuôi chìm nhanh nên người nhái đã được đưa xuống nước để đưa các phi công khỏi vùng nguy hiểm trước khi được kéo lên trực thăng.
Hai phi công đã được đưa vào bờ an toàn, họ chỉ bị thương và được đưa vào bệnh viện gần đó. Hiện danh tính hai phi công chưa được tiết lộ, nhưng theo truyền thông địa phương, một phi công 58 tuổi đang trong tình trạng nguy kịch, phải điều trị tích cực. Phi công còn lại 50 tuổi, bị thương nặng ở đầu với nhiều vết rách.
Giới chức năng đã vào cuộc để điều tra nguyên nhân vụ tai nạn. Boeing cho biết họ cũng đang phối hợp với giới chức trách để làm sáng rõ vụ việc. Chiếc máy bay gặp nạn là một máy bay Boeing 737-200 được sản xuất vào năm 1975.
Tư lệnh Mỹ nói Việt Nam đặt mua máy bay huấn luyện T-6
Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương Kenneth Wilsbach cho hay thỏa thuận mua máy bay huấn luyện T-6 là điểm nổi bật trong hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ.
"Việt Nam đã đặt mua máy bay huấn luyện T-6 nhằm cải thiện chương trình huấn luyện phi công. Đây là một trong những điểm quan trọng và dễ thấy nhất trong hợp tác song phương", tướng Kenneth Wilsbach, tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương (PACAF) thuộc không quân Mỹ, nói trong cuộc họp báo trực tuyến hôm nay.
Thông tin được tướng Wilsbach đưa ra khi được hỏi về triển vọng thúc đẩy hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ. "Chúng tôi cam kết hỗ trợ bàn giao và đưa các máy bay T-6 này vào hoạt động, giúp Không quân Việt Nam nâng cao năng lực đào tạo phi công", ông nói thêm, nhưng không tiết lộ về số lượng, thời gian chuyển giao máy bay cũng như giá trị hợp đồng.
Thượng úy Đặng Đức Toại (ngồi trước), phi công Không quân Nhân dân Việt Nam, điều khiển máy bay T-6 ra đường băng ngày 29/5/2019 trong chương trình huấn luyện tại Mỹ. Ảnh: USAF.
Việt Nam hồi năm 2018 cử hai phi công tham gia khóa đào tạo dài 52 tuần với máy bay T-6 Texan II trong Chương trình Lãnh đạo Hàng không (ALP) của không quân Mỹ. Thượng uý Đặng Đức Toại trở thành phi công quân sự Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp khóa đào tạo trong ALP vào ngày 31/5/2019, đồng đội của anh là trung uý Doãn Văn Cảnh cũng hoàn tất chương trình huấn luyện không lâu sau đó.
Theo thông cáo của không quân Mỹ, các phi công như Đặng Đức Toại được huấn luyện hơn 167 giờ bay trên máy bay T-6A Texan II và được đào tạo chuyên sâu về loại phi cơ này trước khi được cấp chứng nhận tốt nghiệp chương trình.
T-6 Texan II là dòng máy bay hạng nhẹ hai chỗ ngồi do tập đoàn Raytheon của Mỹ chế tạo dựa trên mẫu Pilatus PC-9 của Thụy Sĩ. Nó được phát triển trong thập niên 1990 và đưa vào biên chế quân đội Mỹ từ năm 2001, thay thế mẫu Cessna T-37B của không quân và T-34C Turbo Mentor hải quân.
Thượng úy Toại chuẩn bị cho chuyến bay tốt nghiệp trên dòng T-6 ngày 29/5/2019. Ảnh: USAF.
Có nhiều phiên bản T-6 được xuất xưởng, trong đó chủ lực là dòng T-6A để huấn luyện phi công và sĩ quan điều khiển vũ khí cho không quân, hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ cùng các đồng minh, đối tác. Các máy bay T-6A giúp học viên phi công làm quen với cảm giác bay, phát triển kỹ năng cơ bản để theo học các khóa đào tạo nâng cao trong tương lai.
Dòng T-6A có tính năng điều khiển đơn giản để bảo đảm an toàn, hạn chế tai nạn do lỗi phi công. Học viên phi công ngồi buồng trước, sĩ quan huấn luyện ngồi phía sau giám sát. Vị trí này có thể thay đổi tùy nhiệm vụ, máy bay có thể hoạt động chỉ với một người điều khiển.
Máy bay được trang bị một động cơ turbine phản lực cánh quạt PT6A-68 với công suất 1.100 mã lực. Mỗi chiếc T-6A có thể đạt tốc độ tối đa 500 km/h, tầm bay 1.670 km và trần bay 9,4 km.
Ghế thoát hiểm tự kích hoạt, hai phi công thiệt mạng Tiêm kích F-5 gặp sự cố với ghế thoát hiểm tại sân bay Dezful, khiến hai phi công trên máy bay thiệt mạng. Sự cố xảy ra tại căn cứ không quân Dezful ở tỉnh Khuzestan, tây nam Iran, sáng 1/6 khi hệ thống ghế phóng thoát hiểm đột ngột kích hoạt trên một tiêm kích F-5 trên mặt đất. Hai phi công...