Hành trình phưu du ở vùng đất của chúa trời
Du khách có thể đến đảo quốc kiwi suốt bốn mùa trong năm. Mỗi thời điểm, New Zealand lại mang một vẻ đẹp khác nhau.
Mùa xuân (tháng 9 đến tháng 11) hoa trái thi nhau đua nở, thời tiết mát mẻ. Mùa hè (tháng 12 đến tháng 2) nhiệt độ ấm áp, thích hợp cho các hoạt động ngoài trời. Mùa thu (tháng 3 đến tháng 5) lý tưởng để ngắm những cánh rừng thay lá. Mùa đông (tháng 6 đến tháng 8) được khách châu Âu lựa chọn để trượt tuyết.
Theo anh Tạ Bảo Hoàng, hướng dẫn viên lâu năm của Vietravel, một trong những điểm hấp dẫn ở New Zealand với du khách Việt Nam là cảnh quan thiên nhiên đẹp, không khí trong lành, cư dân hiếu khách cùng nền văn hóa giàu bản sắc.
Thời gian để tham quan hầu hết điểm nổi tiếng ở đảo quốc kiwi là từ 7 đến 10 ngày. Khách du lịch tự túc đến New Zealand cũng có thể thuê xe máy hoặc ôtô để đi phượt. Hệ thống tàu lửa ở đây hiện đại, giá thành phải chăng. Nếu di chuyển trong vùng nội ô, du khách có thể đi taxi hoặc xe buýt.
Dưới đây là những gợi ý cơ bản cho hành trình khám phá “vùng đất của Chúa trời” từ đảo Bắc xuống đảo Nam.
Điểm dừng chân đầu tiên trên hành trình khám phá New Zealand là Auckland – thành phố của những cánh buồm được xây dựng trên những ngọn núi lửa vẫn đang hoạt động. Đây là thành phố lớn nhất ở đảo quốc kiwi. Nơi này từng được Economist bình chọn vào top 10 thành phố đáng sống nhất thế giới năm 2017. Auckland được bao quanh bởi các hòn đảo cận nhiệt đới, những ngọn khói từ hơn 50 miệng núi lửa đang sục sôi và hệ thống bãi biển trải dài từ đông sang tây.
Tháp Sky Tower là một trong những điểm dừng chân đầu tiên bạn nên ghé qua khi đến Auckland. Ở độ cao 328 mét, đây không chỉ là tháp viễn thông cao nhất New Zealand mà còn là khu phức hợp gồm sòng bài, khách sạn, nhà hàng, đài quan sát.
Du khách có thể mua vé lên đỉnh tháp bằng thang máy trong suốt, đi bộ trên độ cao 192 mét hoặc dùng bữa tại Orbit – nhà hàng xoay duy nhất trong thành phố.
Cách tháp Sky khoảng 10 phút đi bộ là công viên Albert, một trong những điểm dã ngoại yêu thích của cả người dân địa phương và du khách. Nơi đây vẫn còn lưu lại nhiều dấu tích lịch sử với những bức tượng, đài phun nước và cổ thụ.
Ngoài ra thành phố Auckland còn nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác như: Viện hải dương học Kelly Tarlton, bảo tàng Auckland, đồi Maungakiekie, làng lịch sử Howick, khu bảo tồn chim Mirana hoặc núi Eden.
Điểm dừng chân tiếp theo du khách không thể bỏ qua khi đến New Zealand là làng Hobbit, cách trung tâm thành phố Auckland khoảng 179 km. Nơi đây nổi tiếng khắp thế giới sau thành công của bộ phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn”.
Cả làng có 44 ngôi nhà hình tròn như những chiếc hang trong lòng đất. Toàn bộ được giữ nguyên hiện trạng sau khi đoàn làm phim rời đi. Hầu hết nhà ở đây đều khóa cửa, nhưng vẫn có một số ngôi nhà mở khóa cho du khách vào ngắm nội thất độc đáo bên trong.
Cách làng Hobbit hơn 70 km là Rotorua, một trong những thành phố có đông người Maori sinh sống nhất New Zealand. Những thổ dân này được xem là chủ nhân đầu tiên của đảo quốc kiwi. Mặc dù chỉ chiếm một phần nhỏ dân số, người Maori với văn hóa độc đáo là một phần không thể thiếu của New Zealand hiện đại. Du khách đến thăm làng Maori ở Rotorua sẽ được chào đón bằng điệu nhảy Haka nổi tiếng.
Nếu muốn tìm hiểu ẩm thực truyền thống của vùng đất này, bạn có thể thử những món nướng được nấu bằng bếp hangi. Thịt cừu, thịt bò hoặc thịt gà sẽ được nướng chín bằng đá núi lửa và ủ trong lòng đất khoảng 3 tiếng cùng các loại rau củ. Phần ngoài của món ăn sẽ có màu vàng và thơm như món nướng nhưng bên trong vẫn giữ độ ẩm, mềm như món hấp.
Ngoài tham quan làng người Maori, bạn cũng nên đến công viên Waiotapu với hàng loạt mỏ địa chất lộ thiên và những miệng núi lửa vẫn đang hoạt động. Nơi đây cũng có nhiều hồ tắm nước nóng miễn phí cho du khách và dân bản địa.
Video đang HOT
Phần lớn điểm du lịch nổi tiếng của New Zealand tập trung ở đảo Bắc. Hồ Taupo, hồ nước lớn nhất ở đây là điểm dừng chân tiếp theo trong hành trình khám phá “vùng đất của Chúa trời”. Nằm trên miệng núi lửa đã phun trào cách đây hơn 20.000 năm, hồ Taupo rộng hơn 600 km2 với làn nước trong xanh quanh năm được bao quanh bởi những rừng sồi, tre, thông.
Ở giữa hồ là vịnh Mine có tảng đá được chạm khắc hoa văn mô tả khuôn mặt của thổ dân Maori cao khoảng 10 mét. Người dân bản xứ tin rằng đây chính là bùa hộ mệnh góp phần ngăn chặn sự nổi giận của núi lửa và đem lại điều may mắn, bình an cho cả khu vực.
Ngoài ngắm cảnh, du khách đến hồ Taupo còn có thể chèo thuyền kayak, nhảy dù, lướt ván, lướt cano hoặc chơi phản lực trên hồ.
Bạn sẽ tiếc nuối nếu đến New Zealand mà chưa đến thăm hang động đom đóm Waitomo. Hang động được tìm thấy vào năm 1887 bởi tộc trưởng người Maori – Tane Tinorau cùng một điều tra viên người Anh.
Nằm sâu hơn 40 mét trong lòng đất, Waitomo là nơi cư trú của hàng triệu con đom đóm phát ra thứ ánh sáng xanh dương và xanh lá huyền ảo.
Tại đây, du khách được đắm chìm trong một không gian yên tĩnh, lấp lánh như đứng giữa dải ngân hà. Hướng dẫn viên địa phương đưa khách vào hang bằng một chiếc thuyền nhỏ, không gắn động cơ.
Hòa mình giữa bầu không khí yên tĩnh được bao quanh bởi hàng triệu ánh sáng li ti và tiếng nước róc rách chảy là trải nghiệm không thể quên ở hang đom đóm Waitomo.
Sẽ là thiếu sót nếu đến New Zealand mà không tham quan vài trang trại địa phương. Agrodome là điểm dừng chân thú vị được nhiều du khách lựa chọn. Điểm đặc biệt của trang trại này là màn biểu diễn hài hước của các loài động vật.
Mở đầu show diễn là tiết mục giới thiệu 19 loại cừu khác nhau của New Zealand. Đáng chú ý có giống lạc đà không bướu Alpakka dễ thương. Tiếp đó là màn biểu diễn chăn cừu của những chú chó trong trang trại.
Du khách cũng được xem biểu diễn xén lông cừu, cho cừu con uống sữa tại đây. Ngoài tham quan nông trại, du khách có thể ghé thăm các vườn trái cây, đặc biệt là kiwi. Bạn được nếm thử trái cây, nước ép mà mua một ít mật ong Manuka nổi tiếng về làm quà.
Tạm xa đảo Bắc, điểm dừng chân tiếp theo trong hành trình khám phá New Zealand là thị trấn Queenstown ở đảo Nam. Đây được xem là thành phố du lịch đẹp nhất của New Zealand. Bất kỳ thời điểm nào trong năm khi đến Queenstown, du khách cũng được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên đẹp như tranh vẽ. Hai thị trấn tìm vàng Clyde và Arrowtown, hồ Wanaka và trại nuôi cừu ở đỉnh núi Walter là những điểm tham quan nổi tiếng ở Queenstown.
Thành phố cũng được xem là nơi bắt nguồn của môn thể thao mạo hiểm nhất hành tinh – nhảy bungee. Cây cầu bắc qua sông Kawarau là điểm nhảy bungee thương mại đầu tiên trên thế giới. Trước khi nhảy, du khách được kiểm tra sức khoẻ, sau đó ký vào bản cam kết tự chịu mọi trách nhiệm nếu xảy ra rủi ro.
Kết thúc cú nhảy, bạn được cấp giấy chứng nhận. Các thông tin về người chơi cũng được cập nhật lên hệ thống website trên toàn cầu. Chi phí cho mỗi lần nhảy được phân chia rõ ràng theo độ tuổi. Trung bình một lần nhảy cho người lớn trên 4 triệu đồng, bao gồm các dịch vụ quay phim, chụp hình.
Núi Cook là ngọn núi cao nhất ở New Zealand quanh năm phủ tuyết trắng gồm ba đỉnh Hạ – Trung – Thượng. Vườn quốc gia Aoraki ở đây có nhiều hoạt động cho du khách như trượt tuyết, đi bộ đường dài leo núi hoặc săn bắn.
Một trong những cung đường được nhiều du khách yêu thích là đoạn qua đèo Copland đến núi Cook, đi qua khu bảo tồn rừng nguyên sinh. Một điểm dừng chân khác trên hành trình khám phá núi Cook là hồ Pukaki phẳng lặng, quanh năm có màu xanh ngọc bích.
Nếu đến New Zealand vào khoảng tháng 11 – 12, du khách nên ghé thăm hồ Tekapo. Nơi đây có những ngọn núi phủ tuyết trắng, hồ nước màu xanh ngọc và một nhà thờ nhỏ xinh.
Vào mùa xuân, những bông hoa Lupin rực rỡ sắc màu lại thi nhau đua nở tạo nên một khung cảnh lãng mạn. Lupin có thể cao tới 1,5 mét với đủ màu từ trắng, xanh, tím, cam, vàng cho tới hồng. Mỗi mùa xuân về, hồ Tekapo trở thành điểm chụp ảnh yêu thích của các nhiếp ảnh gia từ khắp nơi trên thế giới.
Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên đẹp, nền văn hoá đặc sắc, New Zealand còn ghi điểm với du khách bởi nền ẩm thực hấp dẫn. Một trong những món nhất định phải thử khi đến đảo quốc kiwi là thịt cừu nướng.
Cừu ở đây thường được chăn thả trên các đồng cỏ tự nhiên với nguồn thức ăn sạch, đảm bảo hương vị thơm ngon đặc trưng. Sau khi đã tẩm ướp gia vị, thịt được nướng theo nhiều cách khác nhau như nướng trên đá, lò nướng hoặc để trong chảo cho đến khi chín. Món cừu nướng ở New Zealand thường ăn kèm các loại rau củ tươi.
Tiếp đến là món bánh quy Anzac được làm từ những loại nguyên liệu đơn giản như: Bột mì, bột yến mạch, dừa vụn, bơ và mật. Trước đây loại bánh này thường được những phụ nữ New Zealand làm cho chồng, con họ đem ra chiến trường. Ngày nay Anzac trở thành món bánh phổ biến bậc nhất ở xứ sở kiwi. Du khách có thể thưởng thức Anzac cùng một ly cà phê hoặc sữa tươi.
Perna Viridis là loại vẹm xanh đặc trưng của vùng biển New Zealand được nuôi, thu hoạch theo quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Một trong những món được du khách yêu thích nhất là vẹm xanh hấp hoặc nướng phô mai. Ngoài ra bạn cũng có thể tìm thấy món vẹm nướng mỡ hành hoặc sốt kem ở khắp các nhà hàng từ cao cấp đến bình dân ở New Zealand với giá phải chăng.
Một món ăn bình dân và phổ biến khác là Kumara (khoai lang được luộc, hấp hoặc nấu cháo). Tuy nhiên món khoai lang nướng trên đá núi lửa của người Maori đặc biệt hơn cả. Khoai được nướng trong những lò đá đào sâu dưới lòng đất, đặt chung với thịt và nhiều loại rau củ khác.
Cuối cùng là món tráng miệng du khách sẽ bắt gặp ở bất kỳ nhà hàng nào khi đến New Zealand – Pavlova còn có tên gọi khác là bánh mây. Đầu bếp dùng lòng trắng trứng gà đánh bông với đường. Khi đánh trứng phải đủ độ cứng để tạo hình, nhưng vẫn đảm bảo đủ độ xếp, mềm mại.
Một chiếc Pavlova đạt tiêu chuẩn khi có màu vàng nhạt, không quá cứng, cũng không quá mềm để giữ được hương vị đặc trưng. Khi cắt bánh, lớp marshmallow óng ánh cùng vị mềm, xốp như tan trong miệng và không có cảm giác bị béo, ngấy. Đầu bếp thường phủ thêm một lớp trái cây như kiwi, dâu tây, dứa, mận, mâm xôi, việt quất… để cân bằng lại vị ngọt của bánh.
Khách sạn, căn hộ cho thuê hoặc nhà nguyên căn ở New Zealand khá phổ biến. Tuy nhiên nếu đi tự túc vào mùa cao điểm, bạn sẽ phải đặt vé máy bay và phòng ở từ sớm để chủ động trong lịch trình.
Thủ tục xin visa New Zealand không quá phức tạp nhưng đòi hỏi du khách phải chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết như chứng minh tài chính, tình trạng hôn nhân, sổ hộ khẩu, hộ chiếu, giấy khám sức khoẻ… Hồ sơ xin visa có thể nộp online hoặc nộp trực tiếp tại văn phòng Lãnh sự quán tại Việt Nam.
Khi nhập cảnh New Zealand, du khách không được mang theo thực phẩm tươi sống, trái cây, hạt kể cả đã qua chế biến. Các sản phẩm được làm từ sữa, mật ong cũng không được phép mang vào New Zealand. Nếu buộc phải mang theo thuốc hoặc những thứ có nguồn gốc từ động vật, thực vật… du khách cần khai báo chi tiết. Hải quan sẽ xem xét và quyết định bạn có được mang theo chúng vào New Zealand không.
Thời tiết ở đảo quốc kiwi thay đổi theo mùa nên du khách nhớ mang theo quần áo phù hợp với thời tiết. Một trong những thứ du khách cần nhớ mang theo là kem dưỡng da, son dưỡng môi vì nhiệt độ thấp, chênh lệch độ cao khá lớn so với Việt Nam. Các nhà thuốc tây ở đây không phổ biến nên du khách cần chuẩn bị sẵn thuốc men cần thiết.
Một điều quan trọng khi đến nhà hàng hay những nơi công cộng ở New Zealand là phải tôn trọng quyền riêng tư của mọi người. Nếu muốn làm gì phải xin phép trước, không nên tuỳ ý và lớn tiếng ở nơi đông người.
Cuối cùng là phải tôn trọng pháp luật, chỉ làm những gì được phép và tuân thủ theo những chỉ dẫn của hướng dẫn viên.
Theo vnexpress.net
Vùng đất dân đổi đời nhờ trồng bạt ngàn các loài sâm quý
Với khí hậu mưa nhiều, nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, UBND xã Măng Cành (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) đã tận dụng nguồn vốn hỗ trợ, vận động người dân và các doanh nghiệp phát triển các loại dược liệu. Chỉ hơn 1 năm thực hiện, hàng nghìn ha sâm của các hộ dân phát triển tươi tốt chỉ chờ ngày thu hoạch.
Thu nhập gấp 5 - 7 lần trồng sắn
Vào một ngày mưa phùn, khi chúng tôi ngỏ ý muốn thăm vườn sâm của các hộ dân nơi đây đã được đích thân ông Trần Nết - Chủ tịch UBND xã Măng Cành dẫn đi. Băng qua một đoạn đường rừng, chúng tôi ghé thăm vườn sâm đương quy chưa đầy 1 năm tuổi của gia đình anh A Dong (thôn Đăk Ne).
Lãnh đạo xã Măng Cành thăm vườn sâm tươi tốt của anh A Dong. Ảnh: T.H
Anh A Dong kể: "Ngày trước gia đình mình chỉ biết trồng mì, trồng bắp thôi. Sau khi được xã hỗ trợ giống, tận tình hướng dẫn cách trồng, chăm sóc sâm đương quy, bây giờ mình có hơn 6.000 gốc sâm phát triển tốt".
"Lên đời" sớm hơn mọi người nhờ dược liệu là ông A Thô (43 tuổi, trú tại thôn Đăk Ne). Ông Thô bắt đầu trồng dược liệu từ đầu năm 2018, với 700m2 cây đương quy, sau gần một năm chăm bón gia đình ông đã thu hoạch được 2 tạ củ. "Với giá bán 40.000 đồng/kg, tính ra mỗi ha sâm đương quy cho thu tới 120 triệu đồng, lại không phải đầu tư gì nhiều. Nếu so với trồng mì, trồng bắp thì trồng sâm cho thu nhập cao gấp 5 - 7 lần" - ông Thô nói.
Theo ông Trần Nết, diện tích dược liệu trên địa bàn xã Măng Cành hiện nay là 18,5ha, kế hoạch đến hết năm 2019 là 30,2ha. Trong số diện tích các loại dược liệu đã trồng, nhiều nhất vẫn là sâm đương quy, sâm dây..., tập trung ở các thôn Kon Tu Răng, Kon Tu Ma. Để phát huy lợi thế về khí hậu, từ các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, UBND xã đã hỗ trợ cho các hộ dân xây dựng các mô hình sâm đương quy, sâm dây, nghệ đỏ... Không chỉ hỗ trợ về vốn, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, xã còn phối hợp với UBND huyện tìm các hợp tác xã, doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm khi người dân thu hoạch.
Mở rộng quy mô
Thời gian qua, UBND xã Măng Cành đã tích cực vận động người dân thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả để chuyển sang trồng dược liệu. Bên cạnh đó, xã còn đưa các chương trình, dự án phát triển dược liệu với vốn đầu tư hàng trăm triệu đồng đến với người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số... Trên địa bàn xã cũng đã có một số doanh nghiệp đầu tư thu mua, chế biến dược liệu để cung cấp sản phẩm trên phạm vi toàn quốc. Trong đó HTX Nông nghiệp Tuyết Sơn đã có nhà máy chế biến cao đương quy, công suất 1.000kg củ tươi/tuần và thu về khoảng 80kg cao đương quy. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu chế biến cao, HTX đã ký hợp đồng với bà con nông dân từ hỗ trợ giống, phân bón, bao tiêu sản phẩm để mở rộng vùng nguyên liệu đương quy.
Nói về triển vọng của dược liệu trên địa bàn, ông Nết cho biết: "Các loại cây dược liệu mới đưa vào trồng đang sinh trưởng, phát triển tốt. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, triển khai trồng các loại cây dược liệu như đương quy, đẳng sâm với quy mô lớn hơn.
Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng các mô hình tưới nước nhỏ giọt trên luống dược liệu. Đặc biệt, sẽ vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn đầu tư vào việc phát triển dược liệu, khuyến khích hình thành nhiều HTX liên kết các hộ dân với nhau".
Trên phạm vi toàn huyện, theo kế hoạch đến năm 2020, huyện Kon PLông sẽ phát triển trên 110ha vùng trồng dược liệu tập trung, với một số loại có giá trị kinh tế cao, sức tiêu thụ mạnh như sâm đương quy và sâm dây. Bên cạnh đó, huyện sẽ hình thành ít nhất 1 cơ sở sản xuất các loại giống dược liệu, kêu gọi đầu tư chế biến dược liệu theo chuỗi liên kết định hướng xuất khẩu.
Ở giai đoạn sau 2020, huyện Kon Plông định hướng nâng tổng diện tích dược liệu lên khoảng 2.581ha, ngoài sâm dây và đương quy sẽ có thêm ngũ vị tử, sa nhân tím, lan kim tuyến, nấm dược liệu... Một trong những giải pháp quan trọng sẽ được triển khai là khoanh vùng sản xuất từng loại dược liệu, gắn với dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn, mở rộng quy mô sản xuất.
Theo Danviet
7 sai lầm phổ biến gần như nhà nào cũng mắc phải khi dùng điều hòa khiến vừa tốn tiền vừa gây hại cho sức khỏe Điều hòa không phải chỉ bật đúng nhiệt độ là có thể khiến bạn cảm thấy thoải mái. Ngược lại, nếu dùng điều hòa không đúng cách còn khiến người sử dụng thêm mệt mỏi, vừa hại sức khỏe vừa tốn tiền điện. Có những thói quen "vô thưởng vô phạt", bạn cứ nghĩ là đúng thì lại sai quá nhiều khi ảnh...