Hành trình nối dài kỳ tích ghép tạng xuyên Việt
Trong 3 năm qua, 6 ca ghép tạng xuyên Việt tưởng chừng “không tưởng” đã được thực hiện, sự sống được tiếp nối trong 10 cơ thể người bệnh.
Các bác sĩ phẫu thuật lấy tạng
6 giờ chạy đua chuyển tim gan hiến tặng từ Nam ra Bắc
Ngày 4 và 5/9/2015, lần đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam ghi nhận ca ghép tạng thành công mà tim và gan của người hiến được vận chuyển xuyên Việt, 1.700 km bằng máy bay. Tập thể hơn 100 y, bác sỹ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) đã làm được việc này, mang đến sự hồi sinh cho hai bệnh nhân đang cận kề cái chết.
Ngày 3/9, Giám đốc Trung tâm điều phối hiến, ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy tới Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia thông báo ở Bệnh viện Chợ Rẫy có một bệnh nhân chết não và gia đình đồng ý hiến tạng.
Kíp đập đá để chuẩn bị bảo quản tạng sau khi được đưa ra khỏi ổ bụng.
Cùng lúc, thông tin nêu trên được Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia chuyển đến các đầu cầu gồm: Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện 103, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Trung ương Huế.
Qua rà soát, đối chiếu, các y, bác sỹ đã sàng lọc ra hai bệnh nhân hội tụ các điều kiện tương thích với tạng của người cho để tiến hành lấy ghép. Hai bệnh nhân may mắn sau quá trình rà soát là ông Trần Ngọc Hải (59 tuổi) bị ung thư gan và suy gan giai đoạn cuối và anh Nguyễn Văn Hải (37) tuổi bị bệnh suy tim giai đoạn cuối. Hai bệnh nhân này cùng ở Hà Nội, nằm trong danh sách chờ ghép từ trước nhưng không có tạng phù hợp để tiến hành lấy ghép.
Nhờ sự giúp đỡ của hàng không, kíp bác sĩ đã kịp thời có chỗ ngồi trên chuyến bay lúc 14h30 ngày 4/9 thay vì 16h30 như dự kiến ban đầu.
Đúng 14 giờ 30 ngày 4/9, một đoàn bác sỹ của Bệnh viện Việt Đức ngay lập tức lên đường, ra sân bay quốc tế Nội Bài để hành quân thần tốc vào miền Nam.
Có mặt tại BV Việt Đức úc 23 giờ 30 đêm 4/9, quả tim được đưa và phòng mổ để chuẩn bị các bước trước khi ghép cho bệnh nhân suy tim.
Dẫn đầu đoàn là hai chuyên gia đầu ngành về ghép tạng của Việt Nam là GS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia và PGS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Tim mạch lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức.
Ngay sau khi có mặt tại phòng phẫu thuật Bệnh viện Chợ Rẫy, kíp bác sĩ Bệnh viện Việt Đức bắt tay vào bóc tách tim và gan của người hiến rồi cho vào túi nilon đựng dung dịch chuyên biệt để bảo quản tạng.
Đến 17 giờ 30 cùng ngày, với sự hỗ trợ tận tâm của các y, bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy, ê kíp bác sỹ Bệnh viện Việt Đức đã lấy thành công khối tạng gồm tim, gan của bệnh nhân chết não hiến tặng. Tạng được chuyển vào thiết bị bảo quản và đưa thẳng ra sân bay.
Video đang HOT
Nhóm giáo sư, bác sĩ, điều dưỡng BV Việt Đức cùng 2 thùng đựng sẵn đá và dung dịch bảo quản tạng từ BV chuẩn bị ra sân bay vào TP HCM nhận tạng hiến ngày 4/9
Trên chuyến bay trở về, cứ 15 phút, các bác sĩ lại kiểm tra độ an toàn của 2 chiếc hộp chứa quả tim, lá gan của người hiến chết não được đặt trên khoang lái.
Chuyến bay hạ cánh tại sân bay Nội Bài vào lúc 23 giờ 30. Một xe cấp cứu đã được phép tiếp cận tận đường băng để đón đoàn sau đó xé màn đêm lao thẳng về Bệnh viện Việt Đức.
Tới nơi, đoàn bác sỹ cùng hơn 60 y, bác sỹ khác tại bệnh viện bắt tay vào thực hiện hai ca ghép cho hai bệnh nhân.
Sau hàng loạt các thao tác chính xác và cẩn trọng, ngay khi các miệng nối của tĩnh mạch và động mạch của người nhận và tim người hiến được khớp với nhau, trái tim mới đã đập trở lại trong lồng ngực một người hoàn toàn xa lạ.
Tại phòng ghép gan, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã cắt bỏ khối gan hỏng cho bệnh nhân rồi nhanh chóng chuyển lá gan của người hiến vào ổ bụng. Sau 7,5 tiếng ca ghép hoàn tất, lá gan mới chuyển màu hồng đầy sức sống rất nhanh.
Đến 5 giờ ngày 5/9, hai ca ghép tạng hoàn tất. Quả tim đã co bóp bơm dòng máu hòa vào cơ thể hồi sinh sự sống cho bệnh nhân suy tim. Còn lá gan sau khi được ghép xong cũng ngay lập tức tiết mật cứu sống bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối.
Những chuyến ghép tạng xuyên Việt nối dài
Việt Nam hiện có hơn 6 nghìn người cần ghép gan, 4.000 – 5.000 người cần ghép tim, gần chục nghìn người cần ghép thận. Trên thế giới, người chết não hiến tạng ngày càng ít đi, thì tại Việt Nam người hiến tạng chủ yếu người chết não do tai nạn giao thông hoặc người bị phình mạch máu não.
GS.TS Trịnh Hồng Sơn, cho biết, trên thế giới có máy bay chuyên dụng phục vụ vận chuyển tạng. Tại Việt Nam, việc vận chuyển, điều phối tạng xuyên quốc gia phụ thuộc vào hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam.
Tạng được vận chuyển bằng máy bay dân dụng nên ê kíp ghép tạng không thể chủ động thời gian, thậm chí mua vé gấp gáp cũng rất khó khăn.
Vận chuyển thùng hàng đặc biệt lên máy bay để chuẩn cho một hành trình đặc biệt
“Năm ca điều phối tạng xuyên quốc gia thành công phải nhờ tới công sức vận chuyển của Vietnam Airlines. Tôi vô cùng cảm kích trước sự giúp đỡ, phục vụ vận chuyển cả 5 tạng thành công và cả 5 bệnh nhân sau ghép tạng đều có cuộc sống khỏe mạnh, tốt đẹp hơn”, GS Trịnh Hồng Sơn chia sẻ.
Đằng sau những ca ghép tạng nghẹt thở ấy còn có sự chung tay của không ít những người tưởng chẳng liên quan: nhân viên hàng không, hải quan, cảnh sát giao thông…
Việc vận chuyển tạng bằng máy bay trực thăng chuyên dụng, chỉ tối đa trong khoảng 500 dặm (hơn 800 km) và có sự hỗ trợ của cảnh sát dẫn đường. Còn ở Việt Nam, khoảng cách vận chuyển quá xa.
Theo GS Sơn, tim sau khi lấy khỏi lồng ngực chỉ bảo quản được 6 giờ, thận là 10 giờ. Người bệnh đang nằm trên bàn mổ chờ ghép tính mạng như “ngàn cân treo sợi tóc” nên bất cứ trục trặc, tắc đường, muộn giờ bay thì nghĩa cử, nỗ lực thành vô nghĩa.
GS Sơn cho biết từ năm 2017, Việt Nam đã có thùng đựng tạng chuyên biệt do Bộ Công an tặng. Còn với các lần ghép tạng “xuyên Việt” trước đó, các bác sĩ Việt Nam đã tạo thêm “kỳ tích” khi đã biến tấu chiếc thùng đựng kem để bảo quản nguồn tạng hiến đưa từ Nam ra Bắc.
Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã thực hiện 6 chuyến vận chuyển tạng hiến bằng máy bay để kịp thời ghép tạng cứu 10 người bệnh.
Những cuộc ghép tạng xuyên Việt vẫn sẽ được tiếp tục, níu giữ sự sống mong manh trở lại từ cõi chết…
Tính tới thời điểm này, đã có 6 ca ghép tạng xuyên Việt được thực hiện:
Ca 1 ngày 20/7/2015: TP Hồ Chí Minh – Thừa Thiên Huế: 1 tim 1 phổi
Ca 2 ngày 4/9/2015. TP. Hồ Chí Minh -> Hà Nội: 1 tim 1 gan
Ca 3 ngày 25/4/2016, TP. Hồ Chí Minh -> Hà Nội: 1 tim 1gan
Ca 4 ngày 26/2/2018: Hà Nội -> TP. Hồ Chí Minh: 1 tim 1 thận
Ca 5 ngày 16/5/2018: Hà Nội -> Thừa Thiên Huế: 1 tim
Ca 6 ngày 14/6/2018: Hà Nội -> Thừa Thiên Huế: 1 tim
Theo giadinhmoi
Cuộc gặp giữa người vợ với trái tim của chồng đã khuất
6 tháng sau khi hiến tạng của người chồng không may qua đời, chị Hằng mới có cơ hội gặp được ông Trần Tuấn, người nhận ghép quả tim.
Nhận lời mời tham gia chương trình "Cho đi là còn mãi" nhân kỷ niệm ngày thành lập của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia sáng 29/11, chị Nguyễn Thị Thu Hằng 26 tuổi ở Hưng Hà, Thái Bình, không ngờ mình có thể gặp được người đang mang quả tim của chồng mình.
Khoảnh khắc người dẫn chương trình xướng tên ông Trần Tuấn 52 tuổi ở Thừa Thiên Huế, và người đã được ghép tim của chồng chị đứng dậy, chị Hằng không kìm nổi cảm xúc. Nước dâng trong mắt, đôi tay run rẩy, chị Hằng ôm chầm lấy ông Tuấn. Cả hai ôm siết nhau, nấc nghẹn, không nói lên lời.
Chị Hằng và ông Tuấn xúc động trong lần đầu tiên gặp nhau. Ảnh: L.N.
Sáu tháng qua, chị mong lắm ngày được gặp người nhận tim của chồng mình. Lần này, chị được thỏa nguyện khi được gặp ông Tuấn. "Tôi vẫn luôn nói với hai con rằng bố của chúng vẫn còn sống, sống trong cơ thể của một người khác. Để có thể kéo dài hơn sự sống của anh, tôi mong chú Tuấn cũng luôn khỏe mạnh để giữ gìn trái tim của bố bọn trẻ", chị Hằng nắm chặt bàn tay ông Tuấn nói.
Chị Hằng nói nếu biết ông Tuấn ra Hà Nội, chị sẽ nhường mẹ chồng đến gặp. "Mẹ là người sinh ra anh ấy, mẹ mong mỏi được gặp chú Tuấn hơn ai hết", chị xúc động nói.
Lấy lại bình tĩnh, chị Hằng kể chồng chị là anh Nguyễn Ngọc Khiêm là quân nhân giải ngũ về quê học nấu ăn, làm cách nhà 30 km. Ở tuổi 30, anh là lao động chính của cả gia đình. Anh trai bị thiểu năng, nhà còn bố mẹ già, vợ, hai con gái mới hơn một tuổi và 3 tuổi.
Giữa tháng 5, anh Khiêm không may bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về, được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức cấp cứu nhưng nhanh chóng rơi vào hôn mê rồi chết não. Đề cập đến vấn đề hiến tặng mô tạng của chồng, chị Hằng đã điện thoại cho mẹ chồng. Hai mẹ con có một cuộc điện thoại không dài, nhưng đủ sự đau đớn và quyết đoán. Họ thống nhất đồng ý hiến tim, gan, thận và 2 giác mạc của con trai cho y học. Ở vùng quê Hưng Hà của chị, gia đình chị là gia đình đầu tiên quyết định hiến tặng mô tạng người thân.
Trái tim của anh Khiêm được vận chuyển từ Hà Nội vào Huế, cứu sống ông Trần Tuấn vào ngày 18/5. Những mô tạng còn lại cũng được chuyển ghép cho 5 người xa lạ khác. "Khi nhìn thấy thùng đựng tim của anh Khiêm chuyển đi Huế, cháu ruột anh thốt lên: 'Lần đầu tiên cậu được đi máy bay'", chị Hằng kể.
Ông Tuấn và chị Hằng nắm chặt bàn tay nhau. Ảnh: L.N
Sau ca ghép tim, ông Trần Tuấn hiện khỏe mạnh bình thường. Ông Tuấn chia sẻ bị bệnh suy tim hai năm và điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. "Tháng 4, bác sĩ nói bệnh đã giai đoạn cuối, hy vọng duy nhất là chờ ghép tim. Tôi được làm đầy đủ các xét nghiệm và chỉ chờ có người cho tim để làm phẫu thuật. Nhưng lúc đó tôi không còn hy vọng gì nhiều, thậm chí đã buông bỏ", ông Tuấn kể.
Điều kỳ diệu đã đến, sau nhiều lần thất vọng và chờ đợi, ông đã được ghép trái tim của anh Khiêm. 6 tháng qua, ông cũng đã tìm kiếm gia đình người hiến. Ông đăng tải thông tin lên Facebook cá nhân nhưng không tìm được. "Lần này được gặp chị Hằng tại Hà Nội, tôi vô cùng cảm động. Sau chuyến đi này, tôi sẽ cùng gia đình ra Thái Bình thắp nén hương cho Khiêm, mong muốn được là một thành viên trong gia đình anh ấy", ông Tuấn nói.
Ghép tạng là một trong 10 phát minh vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỷ 20, là biện pháp duy nhất để cứu sống người bệnh giai đoạn cuối. Mỗi năm, trên thế giới có hàng chục nghìn người được thừa hưởng thành tựu từ ghép tạng. Hàng chục nghìn bệnh nhân giai đoạn cuối đang chờ chết mỗi năm vì thiếu tạng ghép ở nước ta.
Tuy nhiên nhờ nỗ lực của các hoạt động kêu gọi hiến tặng mô tạng, đặc biệt sau câu chuyện của bé Hải An và Vân Nhi, số người đăng ký hiến tặng mô tạng đã tăng lên nhanh. Trong 10 tháng qua đã tăng lên gần 20.000 người đăng ký.
Lê Nga
Theo VNE
Sau 5 năm thành lập trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, hơn 19.000 người đã lựa chọn "cho đi" Từ con số 200 người đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, chết não năm đầu tiên, đến nay đã có 19.300 người đến Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đăng ký nghĩa cử cao đẹp này. Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia vừa tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập với chương trình mang tên...