Hành trình ‘ngã ngựa’ của người đứng đầu hãng xe Ford
Mark Fields sẽ bị đuổi việc sau 28 năm làm việc với 3 năm cuối cùng ngồi ghế CEO của Ford Motors.
Mark Fields bước khỏi ghế CEO Ford Motors sau 3 năm cầm quyền. Ảnh: Bloomberg.
Ngày 22/5, Forbes dẫn nguồn tin thân cận từ Ford phát đi thông tin gây bất ngờ ngành công nghiệp ôtô thế giới: CEO đương nhiệm Mark Fields sắp bị đuổi việc và người thay thế ông trong vai trò quan trọng nhất này là Jim Hackett – người đang nắm quyền mảng xe tự lái của hãng.
Sau 3 năm ngồi ghế Giám đốc điều hành, Mark Fields bị các nhà đầu tư và Hội đồng quản trị sa thải với lý do không hoàn thành nhiệm vụ mở rộng vị thế của Ford trên thị trường, đồng thời không đưa công ty tiến xa ở mảng xe tự lái cũng như phát triển các công nghệ trong tương lai.
Quyết định được đưa ra chưa đầy 2 tuần sau cuộc họp tổng kết năm tài chính thường niên mới kết thúc. Ở đó, ông Mark Fields bị lên án mạnh mẽ khi để cổ phiếu của Ford giảm 40% trong 3 năm điều hành. Giá trị vốn hóa của công ty cũng tụt mạnh, để Tesla và General Motors (GM) vượt xa.
CEO trong tương lai gần của Ford. Ảnh: Wall Street Journal.
Chỉ ngay tuần trước, ông Fields (56 tuổi) còn đưa ra những quyết sách mang tính cứu vãn, trong đó có việc cắt giảm lượng lớn nhân sự trên toàn cầu để giảm chi phí. Mục tiêu ít nhất là sa thải 1.400 nhân viên để giảm 3 tỷ USD chi phí trong năm nay.
Tuy nhiên, kết quả đã thành hình với những con số biết nói. Ở mảng xe tự lái – vốn là thị trường mà các nhà đầu tư và Hội đồng quản trị của Ford muốn giành giật thị phần – Ford bị tụt lại phía sau GM và các đại gia công nghệ như Google. Cả hai đều đã thử nghiệm xe tự lái. Còn Ford phải tới năm 2021 mới hy vọng có xe tự lái hoàn toàn.
Ví dụ khác, mẫu xe điện của GM là Chevrolet Bolt với phạm vi hoạt động 383 km đã bán ra thị trường từ năm ngoái. Ford vẫn đang trong giai đoạn thai nghén một mẫu SUV điện với phạm vi 482 km. Năm bán ra phải tới 2020.
Mary Barra – người trở thành CEO của GM khoảng 6 tháng trước khi Fields lên nắm quyền tương đương ở Ford – đã có những bước tiến quan trọng như hợp tác với Lyft hay đẩy doanh số của GM tại châu Âu, Ấn Độ, Nam Phi. Cổ phiếu của GM trị giá 33 USD trong khi cổ phiếu của Ford dưới 11 USD.
Video đang HOT
Hay Tesla hiện tại đã bỏ xa cả GM và Ford khi đang đưa các mẫu xe điện và tự lái bản thương mại ra thị trường.
Tại buổi họp thường niên hôm 11/5, ông Fields vẫn khẳng định Ford còn giữ được vị thế cạnh tranh với các đối thủ và “đang đặt một chân tới tương lai” trong việc sản xuất xe tự lái hay xe chạy bằng điện.
Dẫu vậy, mọi lời nói của ông Fields không thể che lấp thực tế đang diễn ra.
Không những thế, lợi nhuận trong quý đầu tiên năm 2017 đã tụt giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái dù thị trường Mỹ chỉ giảm nhẹ. Sau 2 năm đạt đỉnh, doanh số và lợi nhuận của Ford tại Mỹ nói riêng và Bắc Mỹ nói chung khó có thể lập được thế cân bằng với các khoản đầu tư mà họ chi ra tại đây.
Ông Fields cũng gặp bất lợi khi kế hoạch xây dựng thêm nhà máy (chủ yếu dành cho xe cỡ nhỏ) trị giá 1,6 tỷ USD tại Mexico bị hủy bỏ. Lý do là doanh số “đi ngang” cùng những áp lực từ các chính sách của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Không những vậy, ngay trong đầu năm nay, Ford phải đối mặt với nhiều vụ thu hồi xe đều liên quan tới yếu tố an toàn. Hãng xe Mỹ đang chứng kiến doanh số xe nhỏ và xe cỡ vừa tụt giảm mạnh. Điều này khiến các chuyên gia kinh tế ở phố Wall dự đoán Ford sẽ lần đầu tiên mất lợi nhuận kể từ khi thành lập.
Theo New York Times, doanh số bán hàng của Ford kể từ đầu năm đã giảm 25% so với cùng kỳ năm 2016.
Như vậy, sau 28 năm làm việc với 3 năm đứng trên đỉnh cao, Mark Fields sẽ sớm rời “ghế nóng” trong những ngày tới đây. Ông bắt đầu vào làm việc tại Ford kể từ tháng 7/1989 và từng cùng hãng xe Mỹ trải qua nhiều thăng trầm trước khi ông lên chức Giám đốc điều hành từ giữa năm 2014.
Trước các biến động mạnh của thị trường và tham vọng lấy lại thị phần, Ford sẽ bổ nhiệm ông Jim Hackett lên làm CEO, đồng thời thay nhiều vị trí quan trọng trong ban điều hành của hãng.
Người đàn ông 62 tuổi này có thâm niên làm việc tại hãng nội thất lừng danh Steelcase và trở thành người đứng đầu mảng “di chuyển thông minh” của Ford từ năm ngoái, trong đó có phân nhánh phát triển xe tự lái.
Hồng Quân
Theo Zing
Ngành công nghiệp ôtô bị ảnh hưởng sau khi Trump đắc cử?
Trong chiến dịch tranh cử của mình, Trump thể hiện ông sẽ đối đầu với tình trạng nhập cư vào Mỹ, các hiệp định thương mại, các hãng công nghệ lớn và cả ngành công nghiệp ôtô.
Sau đêm 9/11, tỷ phú Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống Mỹ thứ 45 bằng chiến thắng thuyết phục tại nhiều bang, trong đó có Ohio và Michigan là pháo đài của ngành công nghiệp ôtô cả nước. Liệu những chính sách sau này của ông Trump có ảnh hưởng đến nền sản xuất ôtô của Mỹ?
Các nhà máy ở Mexico có thể trở thành vấn đề chính trị
Trong suốt chiến dịch bầu cử, Donald Trump luôn ở thế đối đầu với các đại gia ôtô, trong đó phải kể đến CEO của Ford - Mark Fields trong việc thiết lập các nhà máy sản xuất ở Mexico.
Ford muốn tiếp tục duy trì dây chuyền sản xuất xe ôtô nhỏ ở Mexico bên cạnh các dòng SUV và CUV nhằm cung cấp cho thị trường Mỹ. Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã và đang cho phép Ford và các hãng sản xuất khác tiếp cận nguồn lao động dồi dào với giá thành rẻ hơn trong nước.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới của Donald Trump, không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra với NAFTA. Khả năng cao những hãng xe này sẽ phải bất đắc dĩ di dời nhà máy về Mỹ.
Cuộc đụng độ giữa CEO của Ford - Mark Fields và Tổng thống Trump. Ảnh: Ford.
Doanh số bán hàng sụt giảm do nền kinh tế bất ổn
Các chuyên gia đầu ngành hy vọng, số lượng ôtô bán ra vẫn sẽ duy trì ở mức 17,5 triệu đơn vị cho đến năm 2017. Song thị trường bão hòa kết hợp với sự lo lắng về tương lai của người dân có thể kéo tụt mức doanh số nhanh hơn dự tính.
Không phải lo lắng về tiêu chuẩn khí thải
Theo kế hoạch trước đây, Tiêu chuẩn tiêu thụ nhiên liệu trung bình (CAFE) sẽ được nâng lên đáng kể trong năm 2025, đòi hỏi quá trình xử lý nhiên liệu tiên tiên hơn từ các công ty ôtô.
Thế nhưng số liệu thống kê mới nhất cho thấy, thay vì lựa chọn loại xe nhỏ, tốn ít nhiên liệu, người dân Mỹ đang ưu tiên mua và sử dụng các dòng xe tải lớn và SUV nhiều hơn. Điều này khiến mục tiêu bảo vệ môi trường năm 2025 trở nên bất khả thi. Mặc dù có phát triển trong thời gian gần đây, nhưng xe điện và xe hybrid vẫn chưa phổ biến để phù hợp với các tiêu chuẩn khí thải sắp đưa ra.
Vì vậy, có khả năng Nhà Trắng và Quốc hội sẽ thông cảm và cho phép kéo dài lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khi thải mới.
Xe điện gặp trở ngại lớn
Dẫu đã được giảm thuế và nhận hỗ trợ từ chính phủ, song các dòng xe chạy bằng điện từ Tesla hay Chevy vẫn có giá thành cao hơn nhiều so với xe chạy bằng nhiên liệu thông thường.
Có lẽ trong tương lai, những nhà kinh doanh như tỷ phú Elon Musk sẽ phải nghĩ cách kích thích nhu cầu mua sắm từ phía người tiêu dùng theo nhiều cách khác nhau.
Bà Mary Barra, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của General Motors cùng Mark Reuss, Phó chủ tịch phát triển sản phẩm toàn cầu của GM trong buổi ra mắt xe điện Chevrolet bolt . Ảnh: Bill Pugliano/Getty Images.
Lợi ích toàn cầu giảm
Thị trường ôtô lớn thứ hai thế giới sau Mỹ là Trung Quốc. Đây cũng là có nhiều công ty liên doanh Mỹ - Trung nhất.
Nếu quan hệ thương mại giữa hai nước này trở nên bất ổn, các công ty này cũng sẽ lao đao theo. Đặc biệt trong bối cảnh ông Trump luôn tỏ ra khắt khe với các hiệp định thương mại, rất có thể cục diện thương mại tự do thế giới sẽ thay đổi đáng kể trong năm 2017.
Minh Minh
Theo Zing
Hé lộ hình ảnh mẫu xe cơ bắp Shelby GT500 Mustang Một vài hình ảnh trên đường chạy thử được cho là của mẫu Shelby GT500 Mustang vừa lộ diện. Đây là mẫu xe cơ bắp có sức mạnh vượt trội. Những tín đồ đam mê xe "cơ bắp" không thể không biết đến những cái tên như LS6 Chevelle, 440 Road Runner hay Boss 429 Mustang, với sức hấp dẫn đến từ thiết...