Hành trình mẹ của Trump chinh phục ‘giấc mơ Mỹ’
Là một người nhập cư nghèo gốc Scotland, Mary Anne MacLeod Trump có lẽ không bao giờ nghĩ con trai bà sau này sẽ trở thành tổng thống Mỹ.
Khác biệt hoàn toàn so với những tòa nhà chọc trời ở Tân Thế giới, Mary Anne MacLeod, sinh ngày 10/5/1912, trưởng thành trên đảo Lewis xa xôi ở Scotland, là con út trong gia đình gồm 10 đứa trẻ với bố là ngư dân và mẹ làm nội trợ. Các nhà sử học địa phương cho biết cuộc sống trên đảo khi đó rất khốn khó và tồi tệ.
Tiếng mẹ đẻ của MacLeod là Gael, ngôn ngữ của người Scotland, nhưng bà đã học thêm tiếng Anh tại trường. Khi Thế chiến I bùng nổ và khiến nền kinh tế địa phương càng thêm tồi tệ, MacLeod, người lớn lên trong một căn nhà chật hẹp, bắt đầu ước mơ về cuộc sống tốt đẹp hơn.
Mary Anne MacLeod, mẹ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, tại quê nhà ở Scotland. Ảnh: Mirrorpix.
Mục tiêu này trở nên bớt mờ mịt hơn vào năm 1930, khi MacLeod lên con tàu hướng đến thành phố New York khi mới 18 tuổi. Bất chấp thị trường chứng khoán Mỹ lúc đó đang ảm đạm, MacLeod vẫn quyết tâm di cư khỏi Scotland để tìm kiếm cơ hội ở “miền đất hứa”, chỉ với 50 USD trong người. Khi tới nơi, MacLeod báo cáo với chính quyền rằng cô sẽ sống với chị gái ở quận Queens và bắt đầu kiếm tiền chân chính bằng nghề giúp việc.
MacLeod ban đầu được nhận làm bảo mẫu cho một gia đình giàu có ở New York, nhưng mất việc giữa cuộc Đại Khủng hoảng. Năm 1934, bà trở về Scotland, nhưng cũng sớm rời đi.
Cũng trong khoảng thời gian những năm đầu thập niên 1930, MacLeod gặp Fred Trump, khi đó là một doanh nhân đầy hứa hẹn, đánh dấu bước ngoặt cuộc đời bà. Họ được cho là gặp gỡ tại một buổi khiêu vũ và nhanh chóng đem lòng yêu nhau.
Video đang HOT
Trump và MacLeod kết hôn vào tháng 1/1936 tại một nhà thờ ở quận Manhattan, với bữa tiệc 25 khách được tổ chức ở khách sạn Carlyle gần đó, rồi nhanh chóng đi hưởng tuần trăng mật ở thành phố Atlantic, bang New Jersey. Họ bắt đầu xây dựng gia đình sau khi định cư tại khu Jamaica thuộc quận Queens.
Ngày 5/4/1937, cặp vợ chồng đón con gái đầu lòng Maryanne Trump, và một năm sau đó là Fred Jr. Trump. Tới năm 1940, MacLeod Trump đã trở thành bà nội trợ khá giả với một giúp việc riêng người Scotland. Chồng của bà khi đó kiếm được 5.000 USD mỗi năm, tương đương 86.000 USD theo tỷ giá năm 2016.
Ngày 10/3/1942, cùng năm với sự ra đời của đứa con thứ ba Elizabeth, MacLeod trở thành công dân Mỹ nhập tịch. 4 năm sau, bà hạ sinh Donald Jr. Trump.
Tuy nhiên, năm 1948, MacLeod gặp những biến chứng nghiêm trọng trong quá trình sinh con út Robert, đến mức bà phải cắt bỏ tử cung khẩn cấp và trải qua một loạt cuộc phẫu thuật bổ sung. Donald Trump khi đó mới hơn hai tuổi, nhưng Mark Smaller, cựu chủ tịch Hiệp hội Phân tâm học Mỹ, tin rằng việc bà MacLeod từng cận kề cái chết có khả năng đã ảnh hưởng đến ông.
“Hai tuổi rưỡi là lúc đứa trẻ đang trải qua quá trình trở nên tự chủ và độc lập hơn một chút với người mẹ. Sự gián đoạn hoặc cắt đứt trong mối liên hệ tại thời điểm này sẽ tác động đến cảm xúc của đứa trẻ về bản thân, cảm giác an toàn và cảm giác tự tin”, Smaller giải thích.
MacLeod đã vượt qua tình cảnh khó khăn và gia đình bà bắt đầu trở nên phát đạt hơn bao giờ hết. Nhờ sự bùng nổ bất động sản thời hậu chiến, Fred Trump ngày càng “ăn nên làm ra”.
Sự giàu có giúp người phụ nữ Scotland nhập cư, từng lên tàu hơi nước sang Mỹ khi chẳng có gì ngoài ước mơ, giờ đây có mặt trên các du thuyền và chuyến bay đến những nơi như Bahamas, Puerto Rico và Cuba. Với tư cách vợ của một nhà phát triển bất động sản đang lên, MacLeod dần mở rộng mối quan hệ và trở thành chủ đề bàn tán trong thành phố.
Mặc dù vậy, bà không bị chìm đắm vào sự nổi tiếng. Thay vào đó, với mong muốn hỗ trợ những người gặp hoàn cảnh khó khăn, MacLeod dành phần lớn thời gian để làm từ thiện, giúp các bệnh nhân bại não hay người trưởng thành bị thiểu năng trí tuệ.
Donald Trump và mẹ tại tiệc sinh nhật tuổi 50 của ông tổ chức ở Tháp Trump, New York, năm 1996. Ảnh: NY Times.
Bên cạnh đó, MacLeod còn được cho là người sáng tạo ra kiểu tóc uốn thành một vòng đầy ấn tượng mà các thành viên trong gia đình bà đều để, bao gồm Donald Trump.
“Khi nhìn lại, tôi nhận ra mình thừa hưởng một số tài quảng bá từ mẹ. Bà ấy luôn nhạy bén với những điều ấn tượng và vĩ đại. Dù là một bà nội trợ rất truyền thống, mẹ tôi vẫn cảm nhận tốt về thế giới bên ngoài”, Donald Trump viết trong cuốn “Nghệ thuật Đàm phán” xuất bản năm 1987.
Trump hiếm khi nhắc tới mẹ mình, nhưng mỗi lần đề cập, ông luôn ca ngợi bà. Tổng thống Mỹ thậm chí lấy tên bà đặt cho một căn phòng ở khu nghỉ dưỡng của ông ở Mar-a-Lago, bang Florida, nơi được mệnh danh là “Nhà Trắng mùa đông”.
Trump cũng tiết lộ những vấn đề của ông với phụ nữ hầu hết bắt nguồn từ việc ông “phải so sánh họ” với “người mẹ tuyệt vời và vô cùng thông minh”. Tầm ảnh hưởng của bà MacLeod dường như còn thể hiện qua việc Trump dùng quyển Kinh thánh bà tặng trong lễ nhậm chức tổng thống năm 2017, đồng thời đặt ảnh bà trong Phòng Bầu dục.
Dù sống trong giàu sang, MacLeod chưa bao giờ ngừng các hoạt động nhân đạo. Bà là trụ cột của bộ phận hỗ trợ phụ nữ thuộc bệnh viện Jamaica và nhà trẻ Jamaica ở New York, đồng thời đóng góp cho vô số tổ chức từ thiện. Bà cũng chưa bao giờ lãng quên quê hương, khi thường xuyên thăm Scotland và nói tiếng Gael mỗi dịp trở về.
Những năm cuối đời, MacLeod phải chịu đựng chứng loãng xương nghiêm trọng. Bà qua đời ở New York hồi năm 2000 ở tuổi 88, một năm sau cái chết của chồng.
Thị trấn đổi tên vì 'quá độc hại'
Người dân thị trấn Asbestos ở Quebec chọn một cái tên khác, vì tên hiện nay có nghĩa là amiăng, một loại sợi độc hại gây ung thư.
Thị trấn Asbestos (có nghĩa là amiăng), cách Montreal khoảng 128 km về phía đông, sẽ được đổi tên thành Val-des-Sources (Thung lũng của những dòng suối). Khu vực này từng là nơi khai thác mỏ Jeffey, mỏ amiăng lớn nhất thế giới tới tận năm 2011.
Mỏ Jeffey tại Asbestos, Canada, nơi từng là mỏ khai thác amiăng lớn nhất thế giới, hồi tháng 7. Ảnh: AFP
Theo nhà sử học Jessica Van Horseen, thị trấn có tên là Asbestos khi Bưu cục Hoàng gia bắt đầu lấy tên gọi của loại khoáng sản này để đặt cho khu dân cư mọc lên gần mỏ Jeffey.
Amiăng có trong tự nhiên, từng được sử dụng phổ biến để làm vật liệu cách nhiệt. Tuy nhiên, sợi amiăng gây độc nếu hít phải và làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ đã cấm sử dụng amiăng trong một số loại vật liệu từ năm 1973. Canada bắt đầu cấm sản phẩm chứa amiăng năm 2018.
"Chúng tôi từng có thời rất tự hào về cái tên này, nhưng bây giờ thì không bởi amiăng là tên của loại sợi khiến ai cũng sợ", Louise Moisan-Coulombe, cựu lãnh đạo thị trấn, nói.
"Mỗi lần chúng tôi giới thiệu mình từ Asbestos đến, đặc biệt là ở Mỹ, hoặc khi người ta đọc thấy chữ Asbestos trên bao bì, ai cũng sợ vì nghĩ đó là chất độc".
Người dân trong thị trấn đã tổ chức một cuộc bình chọn tên mới hồi giữa tháng 10. Tại bãi đỗ xe ở địa phương, cư dân tuổi từ 14 trở lên có thể tham gia bình chọn và gần 2.800 người đã đi bỏ phiếu, trong đó gần một nửa đủ điều kiện. 51,5% chọn tên Val-des-Sources, theo kết quả công bố hôm 19/10. Thị trấn sẽ chính thức mang tên mới từ tháng 12.
"Chúng tôi đang được chứng kiến một thời khắc lịch sử. Tôi xin cảm ơn mọi người đã nhiệt tình đi bầu", người đứng đầu thị trấn Hugues Grimard nói. "Hội đồng và tôi rất tự hào khi nhận thấy quá trình bình chọn thu hút đầy đủ người dân. Do đó, chúng tôi có thể khẳng định cái tên Val-des-Sources sẽ được mọi người chấp nhận".
Tranh cãi về 3.000 lính Trung Quốc 'biến mất' năm 1937 Một tiểu đoàn 3.000 binh sĩ Trung Quốc biến mất không dấu vết năm 1937, châm ngòi cho tranh cãi trong giới sử học. Chiến tranh Trung - Nhật lần hai (1937-1945) đã chấm dứt được 75 năm, nhưng sự biến mất của 3.000 binh sĩ tiểu đoàn Nam Kinh của Trung Quốc vẫn là bí ẩn tới nay vẫn chưa có lời...