Hành trình khám phá Campuchia bằng xe đạp của phượt thủ Việt
Ký ức của tôi về Campuchia là bức tranh với những màu sắc đối lập giữa giàu và nghèo, kỳ quan thế giới và khu nhà ổ chuột.
Gần một tháng đi dọc từ vùng biển phía nam, tôi đã đến trung tâm thủ đô Phnom Penh, qua tàn tích cố đô Chân Lạp gần Thom, đến với Angkor Wat – kỳ quan tôn giáo lớn nhất thế giới và cuối cùng là biên giới giáp Thái Lan.
Tác giả Trần Việt Anh sinh ra tại Hải Dương, lớn lên ở Hải Phòng, sống và làm việc tại Hà Nội. Anh có sở thích đi, chụp ảnh và viết blog. Sau hành trình đạp xe xuyên Việt quyên tiền làm từ thiện, từ ngày 15/8, anh bắt đầu đạp xe tới các nước Đông Nam Á: Campuchia, Lào, Myanmar. Anh đang dừng chân tại Thái Lan với mong muốn xin việc làm thêm ở đây.
Đất nước mà tôi từng được nghe nhiều khi còn bé ẩn chứa cả một thế giới khác, với rất nhiều kiến thức không có trong sách vở, báo đài.
Tôi đã chạm vào những ký ức huy hoàng nhất, cho tới tăm tối, đau thương, mất mát nhất của đất nước này. Tôi xin được chia sẻ nó với bạn đọc qua series bài viết “Hồi ức Campuchia”, với những ghi chép vụn vặt.
Kỳ 1: Phnom Penh – Wat Phnom, Cung điện Hoàng gia và Center Market
Tượng đài Độc Lập
Các điểm đến trong ngày đều gần nhau, nên tôi chọn di chuyển bằng xe đạp. Tôi khởi đầu ngày mới bằng việc tìm một quán bán đồ ăn sáng Campuchia và tập chào hỏi bằng tiếng Khmer mới học được từ Internet.
Nhưng người dân ăn cơm tấm và hủ tiếu như ở TP HCM. Nửa tiếng đạp quanh phố, tôi mới mua được bánh mì dài (gấp 2 lần bánh mì ở Việt Nam), rất hấp dẫn, giá 6.000 riel (khoảng 30.000 đồng, đủ cho 2 người) và không quên nói “Ô Kun Boong” (cảm ơn anh/chị) với người bán hàng. Chị nở một nụ cười rất tươi.
Tôi lại gần công viên ngay sát tượng đài Độc Lập, vừa ăn vừa quan sát dòng người đi làm buổi sáng ở Phnom Penh. Cảnh tượng giao thông nhộn nhịp, có phần hơi lộn xộn giống ở Việt Nam, chỉ khác là xe ôtô nhiều hơn xe máy.
Tượng đài Độc Lập là biểu tượng của thành phố, có kiến trúc đặc trưng chùa tháp Campuchia, hình tháp với 5 tầng mái, mỗi tầng đều có tượng đầu rắn thần Naga.
Wat Phnom
Rời tượng đài Độc Lập, thẳng hướng đại lộ Sihanoukville về hướng bắc, tôi tìm đến Wat Phnom. Từ xa, ngọn tháp trắng nơi chôn cất tro cốt của vua Ponhea Yat (1405-1467) đã hiện ra. Người Campuchia kể, ngôi chùa là nơi bắt nguồn ra tên gọi của thành phố. Mọi người nhắc tới câu chuyện về một người phụ nữ giàu có tên Penh. Bà đi bộ bên bờ sông, thấy có cây gỗ to từ đâu trôi dạt tới. Bà cho người vớt lên, thấy bên trong có 5 pho tượng Phật. Tin là điềm lành, bà huy động nhân dân chung tay đắp một ngọn đồi, xây chùa trên đó để thờ tự.
Trong tiếng Campuchia, Wat nghĩa là chùa và Phnom nghĩa là ngọn đồi. Wat Phnom là ngôi chùa nằm trên ngọn đồi. Bên trong ngôi chùa có gian chính thờ tượng Phật Thích Ca, sau gian thờ là ngọn tháp trắng nơi đựng tro cốt nhà vua Ponhea Yat (người dời kinh đô về Phnom Penh). Ngay sát đó là gian thờ tượng bán thân bà Penh, như để tỏ lòng thành kính.
Hoạt động thú vị mà tôi thích nhất ở Wat Phnom là việc người dân Campuchia và cả khách du lịch tới gian thờ bà Penh, quỳ và nghe thầy cúng đọc phép. Vừa đọc, ông vừa dùng bó chân hương vẩy nước lên người như ban phép. Những vị khách tới từ Pháp vui cười thích thú. Tôi quan sát họ và nghĩ về cái tên Phnom Penh – Phnom tức là đồi, Penh là tên gọi của người phụ nữ ấy, vậy là rõ rồi!
Thầy cúng làm phép ban phước cho khách du lịch ở Wat Phnom.
Video đang HOT
Center Market
Rời Wat Phnom, tôi đến thăm Center Market, một trong những điểm đến mà bất cứ du khách nào cũng nên ghé. Khu chợ này được xây với kiến trúc rất đẹp, nổi bật nhất là gian giữa với mái vòm rộng, chính giữa đặt một chiếc đồng hồ. Tôi thấy như mình đang đứng trong một nhà ga châu Âu. Hàng quán ở đây bán đủ thứ quà lưu niệm đậm dấu ấn Campuchia. Tôi mua vài chiếc khăn rằn karma (loại khăn cổ truyền của người Khmer) và ngắm nghía những hàng đá quý, hàng đồ lưu niệm đủ màu sắc. Đồ ở Campuchia chất lượng rất tốt. Chủ cửa hàng nhiều người nói tiếng Việt và tôi có thể tiêu tiền Việt Nam.
Center Market – điểm đến của cả khách du lịch và tiểu thương ở Việt Nam.
Cung điện Hoàng gia và ngôi chùa Vàng
Sau khi hiểu hơn về nguồn gốc của thành phố, tôi đạp xe tới cung điện Hoàng gia. Chưa tới 14h, tôi ngồi ở quảng trường, ngắm nhìn đàn chim bồ câu mà Hoàng gia Campuchia nuôi, có tới hàng nghìn con.
Quảng trường Hoàng gia có hàng nghìn con chim bồ câu.
Royal Palace là một trong những điểm tham quan thu hút nhiều du khách nhất tại Phnom Penh. Một không gian rộng, với những gian nhà theo lối kiến trúc tháp mái điển hình của các đất nước theo Phật giáo Tiểu Thừa, mọi thứ đều rất chỉn chu, sang trọng, sạch sẽ. Gian điện chính là nơi đặt ngai vàng của nhà vua không còn cho du khách tham quan. Qua khung cửa sổ nhỏ, tôi thấy mọi thứ bên trong đều rất lộng lẫy, xa hoa.
Nhưng dường như tất cả công trình ở Royal Palace chỉ làm nền cho một nơi duy nhất – chùa Phật Ngọc (chùa Vàng, chùa Bạc theo cách gọi người Việt). Theo đoàn du khách nước ngoài, tôi bước qua cánh cửa nhỏ nơi ngăn cách cung điện Hoàng gia và ngôi chùa.
Khuôn viên không quá lớn, nhưng nổi bật với những tháp chôn cất tro cốt Hoàng thân, một ngôi chùa lớn và một ngôi đền Hindu nhỏ. Đây là nơi thờ cúng linh thiêng nhất của thành phố, không có sư ở, chỉ dành riêng cho vua và các thành viên trong hoàng gia tu tập. Pol Pot và quân Khmer Đỏ đã chiếm, tàn phá mọi công trình, nhưng riêng ngôi chùa và Hoàng cung mọi thứ đều còn nguyên vẹn.
Nền ngôi chùa được lát bằng 5.329 viên gạch làm từ bạc, mỗi viên nặng 1 kg. Bước trên nền, tôi còn nghe rõ tiếng lạch cạch không khớp nhau của những viên bạc. Đó chưa phải thứ quý giá nhất. Ngôi chùa này còn có bức tượng Phật bằng vàng nặng 90 kg, trên thân đính hơn 2.086 viên kim cương. Và quý nhất là bức tượng Phật làm từ ngọc lục bảo (cả châu Á chỉ có 4-5 bức), đặt ở vị trí cao nhất.
Hướng dẫn viên kể, vào ban đêm, bức tượng sẽ phát sáng và soi rọi khắp căn phòng này. Tôi thật sự mong muốn được một lần nhìn ngắm cảnh tượng đó. Ngoài ra, trong ngôi chùa còn có hàng nghìn bức tượng Phật nhỏ làm bằng vàng, bạc, đồng đen…
Quảng trường và khu phố Tây mới Sisowath Quay
Hai đứa trẻ lang thang đùa nghịch trên chiếc xe đạp của tôi.
Rời Royal Palace lúc trời dần tối, tôi lại ngồi ở quảng trường trước cung điện Hoàng gia ngắm nhìn lũ trẻ, du khách nô đùa cùng hàng nghìn chú chim bồ câu. Quảng trường “chim bồ câu” là một trong những nơi tôi thích đến nhất ở thành phố này. Tôi nhận ra, chỉ cần ngồi đây, mọi mệt mỏi dần tan. Tôi làm quen được với mấy cậu nhóc Campuchia vô gia cư. Chúng thích thú với chiếc xe đạp tôi đi.
Tôi đi dọc theo con phố Sisowath Quay trở về nhà nghỉ. Đói bụng, tìm gì đấy ăn, ngay trước cửa nhà nghỉ, tôi gặp chị Vinh, người dân tộc Khmer sống ở Trà Vinh, rời quê sang Campuchia làm ăn. Chị bán món bún bò vừa ngon, vừa rẻ, chỉ với 1 USD. Tôi và chị trò chuyện một lúc lâu về cuộc sống ở đây, về con người, văn hóa nơi này và về cả chuyến đi của tôi. Chị kể cho tôi nghe về bảo tàng diệt chủng Khmer Đỏ, nơi đội quân của Pol Pot đã bắt nhốt, tra tấn, ép cung hơn 20.000 trí thức (những người có học) ở Phnom Penh, rồi sau đó đưa họ đi hành quyết ở một nơi cách đó 15 km. Người ta gọi đó là “Cánh đồng chết” -nơi tôi dành cả ngày mai để đến và tìm hiểu.
Theo Zing News
Lịch trình 48 giờ ở Phnom Penh
Khách du lịch tới Campuchia thường chỉ đến Agkor Wat ở Siem Riep, mà bỏ qua thủ đô Phnom Penh, nơi cũng có khá nhiều điều thú vị.
Ngày 1
Mua sắm ở chợ Trung tâm
Một trong những khu chợ được du khách ghé thăm nhiều nhất khi du lịch Phnom Penh là chợ Trung tâm được xây dựng từ năm 1935. Khu chợ này bày bán đầy đủ các mặt hàng từ quần áo, giày dép, đồ trang sức bằng vàng hay bạc, đồ thủ công mỹ nghệ, các đồng xu cổ... và tất nhiên khi mua hàng ở đây bạn nhớ mặc cả. Chợ Trung tâm mở cửa hàng ngày từ 5h sáng tới 5h chiều. Khách du lịch Việt Nam khi tới đây có thể gặp nhiều người bán hàng nói tiếng Việt rất thông thạo.
Ăn uống ở Aeon Mall
Aeon Mall là trung tâm mua sắm phức hợp tại Campuchia với nhiều sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng. Đặc biệt, tại khu vực tầng hầm là nơi bán nhiều món ăn đặc trưng của người Khmer và nhiều món côn trùng chiên giòn rất hấp dẫn. Địa chỉ: 132 Phnom Penh, Campuchia. Thời gian mở cửa: Từ 9h sáng tới 10h tối.
Tham quan Bảo tàng Diệt chủng Tuol
Tuol Sleng là bảo tàng thể hiện tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ trong thời gian cầm quyền từ 1975 đến 1979. Trong thời gian 4 năm cầm quyền của Khmer Đỏ, nơi đây giam giữ khoảng 20.000 người dân vô tội bao gồm cả phụ nữ và trẻ em nhưng chỉ có một số ít người sống sót được. Bảo tàng mở cửa hàng ngày từ 7h sáng đến 5h30 chiều.
Cung điện Hoàng gia
Là biểu tượng của đất nước Campuchia, Cung điện Hoàng gia là một trong những địa điểm tham quan mà du khách không thể bỏ qua khi đến Phnom Penh. Cung điện Hoàng gia Campuchia là tổ hợp các tòa nhà với kiến trúc truyền thống Khmer, nơi ở của của Quốc vương và hoàng tộc. Cung điện được khởi xây sau khi vua Norodom chuyển đô từ Oudong về Phnom Penh. Cung điện mở cửa hàng ngày từ 8h sáng tới 5h chiều.
Khu Sisowath Quay
Nằm dọc bờ sông Tonle Sap, Sisowath Quay được biết đến như là khu phố Tây với các nhà hàng, quán café, quán bar sôi động. Nơi đây là điểm đến thú vị được nhiều người dân địa phương và du khách yêu thích. Ở khu Sisowath Quay, buổi sáng thường có nhiều người dân đến tập thể dục, còn buổi tối khu vực này cũng sôi động không kém nhờ âm nhạc từ các nhà hàng hay quán bar.
Massage thư giãn tại Amara Spa
Sau một ngày tham quan vui chơi đã đời còn gì tuyệt hơn là được massage thư giãn theo phương pháp truyền thống của người Khmer. Bạn sẽ mất khoảng 18 USD với 90 phút massage truyền thống. Địa chỉ: Góc khu Sisowath Quay và St.110 Phnom Penh.
Ngày 2
Ghé chợ Nga
Mặc dù Campuchia nổi tiếng bị thực dân Pháp chiếm đóng, tuy nhiên trong thời kỳ chiến tranh lạnh cũng có khá đông người Nga đến Phnom Penh. Khu chợ Nga có hàng hóa phong phú, đa dạng với đầy đủ các loại mặt hàng như VCD, DVD, CD, đồ trang sức, vải và các phụ liệu may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ... Thời gian mở cửa từ 7h sáng tới 5h chiều.
Mua đồ cổ ở Hak Seng Kim
Từ chợ Nga, bạn đi về hướng Đông là sẽ nhìn thấy một cửa hàng chuyên bán các sản phẩm điêu khắc và đồ cổ có tên là Kim Hak Seng. Đây là địa điểm lý tưởng nếu bạn muốn mua hay chiêm ngưỡng các tác phẩm điêu khắc tinh xảo. Địa chỉ: 114 đường 450, phía Đông chợ Nga.
Tham quan cánh đồng chết Choeung Ek
Nằm cách thủ đô Phnom Penh khoảng 15 km và chỉ mất 30 phút đi xe, cánh đồng chết Choeung Ek là nơi thể hiện rõ nhất tội ác diệt chủng của chế độ Pol Pot những năm 1970. Hiện nay, ở trung tâm cánh đồng chết, có một tháp tưởng niệm được xây dựng nhằm mục đích tưởng niệm các nạn nhân xấu số. Tháp tưởng niệm này có chứa hơn 5.000 xương sọ của các nạn nhân. Đến đây, du khách sẽ cảm nhận được nỗi đau sâu sắc mà chế độ Pol Pot đã gây cho người dân vô tội Campuchia trong thời gian cầm quyền.
Ngồi thuyền ngắm hoàng hôn ở Phnom Penh
Ngồi trên thuyền và đi dạo trên sông để ngắm hoàng hôn sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ khi đến Phnom Penh. Tùy theo giá tiền mà du khách sẽ lựa chọn hành trình cho phù hợp với túi tiền của mình. Bạn có thể chọn thuyền của Phocea Mekong Cruises hay Memorable Cambodia Cruise, cả hai thuyền du lịch này đều có bến khởi hành ở khu Sisovath Quay.
Uống bia Angkor
Cũng như Việt Nam, bia là một loại thức uống rất phổ biến ở Campuchia với vị đắng và ngọt nhẹ. Giá của bia cũng khá bình dân, chỉ khoảng 1 USD một chai, trong đó hai loại bia nổi tiếng nhất ở Campuchia là Angkor Beers và Cambodia Beers.
Trải nghiệm cuộc sống về đêm tại Nova Club
Một trong những điểm đến để bạn cảm nhận cuộc sống về đêm ở Phnom Penh là Nova Club với nhiều hoạt động giải trí sôi động. Đặc biệt, vào thứ tư hàng tuần nếu khách hàng nữ đến đây sẽ được thưởng thức miễn phí cocktail. Thời gian mở cửa từ 9h tối đến 4h sáng. Địa chỉ: 19 Đường 214, Ville de Phnom Penh, Phnom Penh.
Theo ngôi sao
Điểm đến hấp dẫn tại Campuchia Phnom Penh, chùa Bạc, khách sạn sòng bài NagaWorld, khu ẩm thực đặc trưng... là những điểm đến hấp dẫn du khách tại xứ sở Chùa Vàng. Thủ đô Phnom Penh hấp dẫn nhiều du khách bởi hoàng cung lộng lẫy hướng ra mặt sông lộng gió với quảng trường xanh mát và những bầy chim bồ câu hiền lành. Hoàng cung ở...