Hành trình hoàn lương đầy nước mắt của “Nữ hoàng ma túy”
Ban ngày, Thelma Wright là một doanh nhân thành đạt, một người mẹ hết mực thương con. Ban đêm, người phụ nữ này biến thành thủ lĩnh mafia khét tiếng ở Philadelphia (Mỹ). Một ngày, cô quyết định phải thoát khỏi vòng luẩn quẩn của việc buôn bán ma túy, cho dù con đường đó đầy chông gai.
Nhắc đến “trùm mafia”, người ta thường hình dung ra những gã tội phạm máu lạnh, mang hàng loạt các tội danh vô cùng nghiêm trọng liên quan đến ma túy, cướp bóc, giết người, khủng bố… Họ không chỉ nổi như cồn trong thế giới ngầm mà còn khiến các nhà điều tra phải mất nhiều thời gian và công sức trong việc thực thi pháp luật. Tuy nhiên, cuộc đời của họ cũng có nhiều góc khuất, đôi khi khác hẳn với vẻ bên ngoài ngang tàng. Loạt bài “ Cuộc đời của những ông trùm khét tiếng thế giới” sau đây sẽ hé lộ một phần thế giới không được biết đến ấy.
Trải qua nhiều sóng gió, giờ đây, “Nữ hoàng ma túy” là cái tên chỉ còn trong ký ức của Thelma Wright
Sinh ra trong một gia đình cơ bản, cuộc sống của Thelma Wright không khác gì những cô gái Mỹ bình thường. Trải qua tuổi thơ êm đềm, lớn lên cô theo học Đại học Temple sau đó chuyển đến Los Angeles, California, nơi Thelma bắt đầu các dự án kinh doanh, gồm cả việc thành lập một công ty thiết kế thời trang mang tên Jackiem Enterprises, Inc. Vào cuối những năm 1980, sau khi trải qua nhiều năm ở LA, Thelma quyết định trở lại quê nhà Philadelphia để gần gia đình, bố mẹ.
Năm 1977, khi mới 20 tuổi, Thelma Wright gặp chồng tương lai, Jackie Wright, một trùm ma túy tên tuổi hàng đầu ở Philadelphia và có mối quan hệ mật thiết với Black Mafia – một băng đảng đường phố nổi tiếng tàn bạo. Mối quan hệ đó khiến hắn trở thành một trùm ma túy quyền lực nhưng cũng tạo ra vô số kẻ thù nguy hiểm. Sau khi kết hôn, hai người sinh được một con trai vào năm 1982.
Bi kịch xảy ra vào tháng 8/1986, khi Jackie Wright bị giết. Cơ thể của trùm mafia được tìm thấy với viên đạn chí mạng ở đầu, bọc trong một tấm thảm.
Được thừa hưởng tất cả tài sản của chồng, Thelma phải học cách tự lo cho bản thân và con trai 4 tuổi. Đây cũng là lúc Thelma phải đối mặt với hai sự lựa chọn: tiếp quản sự nghiệp còn dang dở của chồng hay bắt đầu một cuộc sống bình thường với vô vàn khó khăn vì không nghề nghiệp và bị xã hội kỳ thị.
Cuối cùng, không muốn tâm huyết cả đời của chồng “đổ xuống sông xuống biển”, Thelma tiếp tục kinh doanh như trước đây.
Vào đầu những năm 1990, Philadelphia là một thánh địa phân phối ma túy. Wright nhanh chóng bắt nhịp và chiếm lĩnh thị trường thương mại này. Nữ trùm điều hành một tổ chức tội phạm lớn, trở thành nhà cung cấp ma túy chính ở Philadelphia, song song với việc mở rộng thị trường, vận chuyển cocaine và heroin tới Los Angeles.
Vào thời điểm đỉnh cao, Thelma kiếm khoảng 400.000 USD/tháng (khoảng hơn 8,7 tỷ đồng) từ việc bán ma túy. Thời đó, kể cả những tay anh chị khét tiếng trong giới buôn ma túy cũng phải nể bà vài phần. Họ gọi Thelma là “Nữ hoàng ma túy”.
Video đang HOT
Nhưng đế chế của Thelma cuối cùng cũng rơi vào khủng hoảng khi bà bị tạm giữ trong một cuộc đấu súng giữa 2 băng đảng đối lập tại hộp đêm ở Philadelphia. Thêm vào đó, một đối tác của Thelma sa lưới khi đang cố vận chuyển ma túy theo đường bưu điện. Từ đây, nữ trùm nhận ra mối họa cho tương lai và muốn chấm dứt việc buôn bán hàng trắng đầy nguy hiểm, trở về con đường lương thiện.
Quyết định từ bỏ con đường tội lỗi, Thelma đơn giản chỉ muốn lao động, kiếm tiền bằng chính công sức của mình nhưng gặp phải khá nhiều định kiến.
“Thật khó khăn để làm lại từ đầu. Rất nhiều lần tưởng chừng tôi đã không thể vượt qua thử thách, thậm chí muốn từ bỏ để trở về thế giới trước đây nhưng tự nhủ đó không phải là một môi trường an toàn và chắc chắn không hề tốt đẹp để có thể nuôi dạy con trai tôi”, Thelma tâm sự. “Làm việc với những phụ nữ từng lầm lỡ trong quá khứ vì ma túy và rượu đã cho tôi cơ hội để nhìn thấy mặt trái của cuộc sống mà mình từng là một phần nguyên nhân tạo nên. Và đây là cách tôi muốn làm để trả nợ đời”.
“Rất nhiều người hỏi tôi tại sao tôi không bị đi tù. Đơn giản vì tôi đã bước ra khỏi con đường tội lỗi trước khi điều đó có thể xảy ra. Tôi có một quy tắc rằng mình có thể làm mọi thứ ngoại trừ giết người. Tôi không bao giờ làm tổn hại tới thân thể bất cứ ai. Thật may mắn rằng Chúa đã luôn ở bên tôi. Tôi tin rằng Người sẽ luôn giúp tôi bước đi vững vàng về phía trước để không bao giờ phải quay đầu lại”.
Thelma sống lặng lẽ trong một thập kỷ trước khi xuất bản cuốn tự truyện về cuộc đời của bà. Hiện tại, Thelma trở thành một diễn giả nhằm thuyết phục người khác không theo con đường ma túy. “Đó là con đường không có chiến thắng, chỉ có hai lựa chọn: Chết hoặc vào tù”, bà khẳng định.
———————————————
Mời độc giả đón đọc phần tiếp theo của “Góc khuất cuộc đời của những trùm mafia khét tiếng”, vào 4h ngày 24/5/2017
Theo Danviet
Con đường hoàn lương thành linh mục của trùm mafia khét tiếng
Bề ngoài, Sensei Tatsuya Shindo không khác gì một người đàn ông hiền lành, chân chất, cho đến khi ông cởi bỏ chiếc áo và để lộ những hình xăm kín cơ thể cùng một ngón tay út bị cắt cụt...
Nhắc đến "trùm mafia", người ta thường hình dung ra những gã tội phạm máu lạnh, mang hàng loạt các tội danh vô cùng nghiêm trọng liên quan đến ma túy, cướp bóc, giết người, khủng bố... Họ không chỉ nổi như cồn trong thế giới ngầm mà còn khiến các nhà điều tra phải mất nhiều thời gian và công sức trong việc thực thi pháp luật. Tuy nhiên, cuộc đời của họ cũng có nhiều góc khuất, đôi khi khác hẳn với vẻ bên ngoài ngang tàng. Loạt bài " Cuộc đời của những ông trùm khét tiếng thế giới" sau đây sẽ hé lộ một phần thế giới không được biết đến ấy.
Nếu không trực tiếp nghe câu chuyện về cuộc đời Sensei Tatsuya Shindo, chẳng ai có thể hình dung vị linh mục này từng là tội phạm mafia
Ở Nhật Bản, bất kỳ người đàn ông nào bị cụt ngón tay, mọi người xung quanh đều ngầm hiểu rằng người này đang hoặc từng là thành viên của mafia yakuza, băng đảng khét tiếng tại đất nước mặt trời mọc. Theo luật bất thành văn này, khi một nhân vật bất kính với ông trùm hoặc bôi nhọ danh dự của băng đảng, người đó sẽ phải tự chặt ngón tay mình.
Với Sensei Tatsuya Shindo, đây chính là bằng chứng về một cuộc đời đầy tội lỗi mà không bao giờ có thể xóa nhòa. Nhưng sau mọi sóng gió, người đàn ông này đã quyết định tìm cho mình một bến đỗ bình yên.
Hành trình gột rửa vết nhơ
Suốt 25 năm qua, cứ vào mỗi buổi sáng chủ nhật, từng tốp người cả nam lẫn nữ lại cùng nhau tập trung trong một quán bar nhỏ mang tên June Bride, nằm khiêm tốn bên góc phố trong khu dân cư yên tĩnh ở quận Saitama, thành phố Kawaguchi.
Bên ngoài, June Bride chỉ cũ kỹ hơn chứ không có nhiều thay đổi. Nhưng bên trong, nơi này đã trải qua sự biến động mạnh mẽ. Quầy bar cũ và sân khấu karaoke trước đây đã được thay thế bằng bục giảng với cây thánh giá lớn bên cạnh. Các hàng ghế bên dưới dần dần được lấp đầy bởi lượng người đến ngày càng đông, trên khuôn mặt là nụ cười luôn thường trực. Họ trò chuyện với nhau rất khẽ khàng.
Một số từng là khách quen của quán nhiều năm về trước, nhưng giờ đây, họ không còn đến để nhậu nhẹt, thác loạn mà chỉ với mục đích cầu nguyện.
Sau khi tất cả đã yên vị, một người đàn ông bước ra. Đó chính là cha Sensei Tatsuya Shindo.
Shindo trông trẻ hơn nhiều so với tuổi 44, có lẽ một phần bởi mái tóc dài và nụ cười rạng rỡ. Ông rất hay cười, thậm chí cả khi kể về quá khứ đen tối cho khoảng 100 thành viên trong hội. "Trước đây, chúng ta đều thuộc về các băng nhóm tội phạm còn bây giờ, chúng ta cùng tôn sùng Đức Chúa Trời", ông nói.
Nếu không nghe chính miệng ông kể lại câu chuyện đời mình và không tận mắt chứng kiến những hình xăm trên cơ thể đó thì không ai có thể tin được rằng vị linh mục này từng là dân anh chị khét tiếng, bắt đầu bước vào thế giới ngầm từ rất sớm, khi mới chỉ 17 tuổi.
"Tôi lúc đó còn quá nhỏ, đâu thể suy nghĩ quá sâu sắc. Tôi ngưỡng mộ yakuza vì họ có nhiều tiền, trong mắt tôi họ thật sự rất tuyệt".
Nhưng khi Shindo đi sâu vào thế giới ngầm Nhật Bản, ông bắt đầu nhận thấy rằng con đường ấy thường phải trả giá bằng máu.
Shindo nói: "Mọi người đều bị giết trong các cuộc đấu tranh quyền lực, gã buôn thuốc cùng tôi cũng chết vì bị đầu độc. Tôi đã phải chứng kiến lần lượt từng đàn em của mình bị đâm chết". Cơ thể của Shindo mang nhiều vết sẹo là kết quả của những trận thanh toán đẫm máu. Ngực và cánh tay kín hình xăm, ngón tay út đã bị cắt mất một đốt và cũng từng là kẻ nghiện ma túy.
Shindo từng bị bắt 7 lần, vào tù 3 lần, lần đầu ở tuổi 22. Cuộc đời ông rẽ sang một trang mới chính nhờ những ngày bị giam cầm này khi bắt đầu nghiên cứu Kinh thánh.
Ánh sáng nơi cuối con đường
Hiện nay, Shindo đứng đầu một nhóm giáo dân đến từ mọi tầng lớp trong xã hội với các hoàn cảnh khác nhau. "Có người đã ly hôn, phá sản và bị hắt hủi. Có cả những bậc cha mẹ mất con, có con ngồi tù hoặc bị xa lánh sau khi ra tù. Đây là nơi họ làm lại cuộc đời".
Từ khi trở thành linh mục, Shindo đã rửa tội cho khoảng 100 người, trong đó có cả mẹ ông. Bà Yoshimi Shindo lấy làm hãnh diện mỗi khi nhìn thấy con mình giảng đạo vào Chủ nhật hàng tuần.
"Khi nó ra tù, nó xin lỗi và nói với tôi rằng "Con sống sót được là vì mẹ". Khi nghe được những lời này, tôi quyết định phải quên hết mọi điều trong quá khứ. Giờ tôi rất hạnh phúc", bà nói.
June Bride không còn là nơi người ta đến để uống cocktail và hát karaoke. Bây giờ, cứ đến cuối tuần là căn phòng lại tràn ngập tiếng nhạc và tiếng hát Thánh ca. "Tôi tin cuộc sống của con tôi giờ đây chính là cái kết có hậu mà Chúa ban tặng", bà nói.
---------------------------------------------
Mời độc giả đón đọc phần tiếp theo của " Góc khuất cuộc đời của những trùm mafia khét tiếng", vào 4h ngày 25/5/2017
Theo Danviet
"Bố già" giàu nhất mọi thời đại và cái chết do... phẫu thuật thẩm mỹ Nổi tiếng giàu có, tàn ác, ngông cuồng và từng là nỗi khiếp sợ trong thế giới của những tên mafia, thế nhưng cuộc đời tên trùm ma túy khét tiếng Mexico lại kết thúc hoàn toàn khác so với các "đồng nghiệp" của mình, sau khi thất bại trong một cuộc... phẫu thuật thẩm mỹ. Nhắc đến "trùm mafia", người ta thường...