Hành trình gian nan chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù
So với nóc nhà Đông Dương Fansipan, đường lên Tà Chì Nhù có vẻ khó khăn hơn, do địa hình của Yên Bái nhiều núi đá. Con đường độc đạo lên đỉnh núi dựng đứng, trải dài như vô tận.
Đỉnh Tà Chì Nhù cao 2.979 m thuộc huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Thời tiết khắc nghiệt, nhưng đây là nơi lý tưởng để ngắm đại dương mây vào những ngày trời đẹp.
Nằm trong khối núi Pú Luông thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, đường lên chinh phục ngọn núi cao thứ 6 Việt Nam này được đánh giá là rất khó khăn do địa hình khắc nghiệt, đòi hỏi sức bền và sự dẻo dai. Tuy nhiên vẻ đẹp của mây ngàn, gió núi lại rất cuốn hút những tay máy thích săn ảnh và dân phượt mê khám phá.
Đỉnh núi này có nhiều tên gọi tùy theo từng dân tộc. Người dân tộc Thái gọi là Phu Song Sung. Người dân tộc Mông gọi là Chung Chua Nhà, còn tên phổ biến là Tà Chì Nhù.
Trên đường đi, bạn có thể sẽ được chiêm ngưỡng những đồi hoa muống bạt ngàn, hay những loài hoa dại mà đến chính những người bản địa cũng không biết tên.
Thỉnh thoảng, bạn có thể gặp vài người dân tộc đi làm nương rẫy hoặc chăn thả gia súc, những con suối nhỏ, khu rừng trúc đẹp như trong phim kiếm hiệp.
Đôi chỗ cũng có đường mòn băng qua các đỉnh đồi lộng gió.
Video đang HOT
Điều bắt buộc khi lên đỉnh Tà Chì Nhù là bạn phải mang theo lều bạt, vì nơi đây xa cách nhà dân.
Cắm trại giữa núi rừng bạt ngàn mây và gió, cùng dậy sớm, nắm tay nhau ngắm bình minh ở nơi có thể gọi là thiên đường hạ giới cho cảm giác vô cùng thú vị.
Theo Zing News
Ký sự Tây Bắc: Hành trình săn lúa và mây
Trời chiều lòng người, vừa đến Tú Lệ thì nắng lên chan chứa, thung lũng ruộng bậc thang hiện ra vàng rực, có vài chỗ đã gặt, có vài chỗ còn xanh, nhưng màu vàng của lúa chín trong nắng chiều vẫn rực rỡ hơn hết thảy...
Nhiều lần tôi nói với bạn Thắm, anh món gì cũng thử rồi chỉ có leo núi là chưa, thấy mấy bạn trẻ leo núi thấy ham quá, dù giờ cũng có tuổi, bụng to gối mỏi chân chùn nhưng cũng phải thử sức một chuyến. Lần đầu chọn Ma Thiên Lãnh, có vẻ vừa sức mình thì lại lỡ hẹn.
Lần sau tôi âm thầm chọn đỉnh Tà Chì Nhù, ngọn núi cao 2.979m, cao thứ sáu ở Việt Nam nhưng độ dốc, độ khó thì còn hơn cả Fansipan nhiều lần, là tôi nghe các bạn trẻ nói thế. Cô em tôi leo cùng cũng đã từng leo Fansipan cũng xác nhận là độ dốc, độ khó của Tà Chì Nhù khốc liệt hơn Fansipan nhiều.
Dù đã âm thầm tính trước việc leo núi và nhắc nhở nhau tập luyện thể lực mỗi ngày nhưng hai đứa chỉ mới lên kế hoạch trước chỉ hai tuần, vì năm nay chúng tôi kỷ niệm 20 năm yêu nhau nên có quá nhiều hoạt động không lường trước được. Lần này cũng vậy, chỉ hai tuần. Chúng tôi rủ hai người bạn thân, hay nói đúng là hai người anh em của tôi, cùng tham gia, vì chúng tôi biết mức độ nguy hiểm của cuộc phiêu lưu lần này, chúng tôi cần phải là một team, những đồng đội thân thiết và hiểu nhau, sẵn sàng hy sinh tất cả cho nhau.
Canh ngay thời điểm mùa vàng của thiên đường ruộng bậc thang Tây Bắc, chúng tôi gọi hành trình này là "săn lúa và săn mây". Để thực hiện được chuyến đi này, chúng tôi đã tham khảo nhiều người từng chinh phục ngọn núi, về lộ trình, thông tin porter, chuẩn bị hành lý, quần áo, ba lô, dụng cụ... rất kỹ lưỡng, vậy mà cũng có rất nhiều biến cố bất ngờ. Hy vọng với kinh nghiệm lần này, tôi sẽ ghi lại để các bạn đi sau có sự chuẩn bị kỹ hơn và phù hợp hơn.
Khởi hành ở Sài Gòn khá sớm, gần như đêm đó, và những đêm trước chúng tôi quá háo hức nên chẳng đứa nào ngủ được, mới 4 giờ sáng đã lục tục ra sân bay ngồi ngáp vặt chờ đợi. Máy bay đáp xuống Nội Bài thì đã có một chiếc xe với chìa khóa, trên xe có 2 cái lều dã ngoại, 4 tấm trải và 4 cái áo mưa đã chờ sẵn, chỉ việc chụp tấm hình lưu niệm và trực chỉ Tây Bắc.
Tôi cầm lái chiều đi vì đã hứa với lòng phải thử cung đèo Khau Phạ, một trong tứ đại đèo của Việt Nam. Trên xe chúng tôi như cá gặp nước, nói chuyện và cười suốt cuộc hành trình nên con đường như ngắn lại nhiều lần, chỉ chút xíu đã thấy ở Thu Cúc, một thị tứ nhỏ, trước khi lên vùng núi cao Tây Bắc, để ăn cơm trưa. Quán Tuấn Liên, ngay trước ngã ba Thu Cúc, Phú Thọ là một quán cơm bình dân rất được, cơm canh nóng, đồ ăn vừa miệng, giá cả rất mềm và anh chủ quán cực kỳ dễ thương, cả đám ăn uống no nê chỉ hết có 200.000 đồng.
Như đã lên kế hoạch từ trước, chúng tôi phải tới Tú Lệ tầm 2 - 3 giờ chiều, nếu may mắn chúng tôi sẽ bắt kịp nắng vàng chiều trong thung lũng Tú Lệ huyền thoại. Lúc bắt lầu vào những đồi chè chập chùng, vùng giáp ranh giữa Phú Thọ và Yên Bái, trời vẫn xanh trong và nắng rất đẹp, chúng tôi mừng thầm và tranh thủ chụp vài tấm ảnh ở gần Nghĩa Lộ. Nhưng rời khỏi Nghĩa Lộ thì trời đổ mưa lâm thâm, lại bắt đầu lo lắng và khẩn cầu nắng lên.
Trời chiều lòng người, vừa đến Tú Lệ thì nắng lên chan chứa, thung lũng ruộng bậc thang hiện ra vàng rực, có vài chỗ đã gặt, có vài chỗ còn xanh, nhưng màu vàng của lúa chín trong nắng chiều vẫn rực rỡ hơn hết thảy. Vẻ đẹp huy hoàng của thung lũng Tú Lệ làm chúng tôi ngất ngây mãi, cứ đi một đoạn lại dừng chụp ảnh, đi một đoạn lại phải dừng chụp ảnh. Và từ đó, theo con đèo Khau Phạ uốn lượn, chúng tôi bắt đầu vào vùng đất trong mơ của ruộng bậc thang Tây Bắc, Cao Phạ, Khau Phạ... chụp không biết bao nhiêu là ảnh.
Dừng chân ở La Pán Tẩn, nơi được coi là có ruộng bậc thang dốc và có cái mâm xôi lúa đẹp nhất vùng, chúng tôi dừng xe và thuê bốn chiếc xe máy, loại xe win100 có quấn xích vào bánh xe chống trượt, để các trai bản người Mông chở chúng tôi lên núi cao, nơi có nhiều nhiếp ảnh gia đang tác nghiệp.
Đi xe máy lên núi quả thật là một trò cảm giác mạnh, con đường nhỏ xíu, trơn trượt với những sống trâu, những rãnh nước, dốc dựng đứng có lúc tưởng như xe không thể leo nổi và trượt xuống, cua gấp ngặt, một bên là vực sâu, ngồi trên xe bảo đảm bạn sẽ nín thở vì sợ.
Lang thang trên những sườn ruộng bậc thang của La Pán tẩn trong mùa gặt thật thú vị, có quá nhiều các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp lẫn không chuyên đều đến đây ghi lại những khung cảnh đẹp lộng lẫy của mùa vàng Tây Bắc. Và trên đường trở lại, một lần nữa lại được chơi trò mô tô triền núi cảm giác mạnh không thể tả xiết.
Tôi nói với các bạn: chính thức là ngán lúa rồi, về Mù Căng Chải uống rượu thôi. Vậy mà từ La Pán tẩn về Mù Căng Chải chúng tôi lại không dưới chục lần dừng xe để chụp ảnh. Ba Nhà, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình... chỗ nào cũng đẹp, chỗ nào cũng phải bàng hoàng thốt lên: trời ơi đẹp quá.
Lúc này chúng tôi phát hiện đôi giày bốt, loại giày lính, của bạn tôi do lâu không sử dụng đã bị bung đế, kiểu này mai không leo núi nổi. Chúng tôi ghé chợ Mù Căng Chải mua một đôi giày, chỉ có duy nhất loại giày Thái Bình, giá 85.000 đồng/đôi. Trong cái rủi hư giày có cái may là tìm được đôi giày cực kỳ thích hợp để leo núi, chi tiết sẽ kể sau.
Chúng tôi nghỉ ở nhà nghỉ Suối Mơ, một nơi rất tiện nghi và giá cả chấp nhận được. Sau đó kéo nhau ra quán làm một cái lẩu gà và rượu táo mèo, ăn mừng ngày đầu tiên chinh phục ruộng bậc thang thành công mỹ mãn, cùng nâng ly hẹn nhau nhìn mây trên đỉnh Tà Chì Nhù vào hôm sau....
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi nhắc nhau dậy sớm, từ lúc trời còn tối đen và đẫm sương đêm đã lục tục dậy chuẩn bị ba lô leo núi. Ghé đổ đầy bình xăng, ăn đại mấy tô bún chẳng biết gọi là bún gì rồi quay đầu xe lại hướng Nghĩa Lộ. Trên đường đi, qua đèo Khau Phạ lại vẫn tiếp tục dừng xe mấy chục bận để chụp ảnh lúa.
Thực ra nỗi háo hức vì lúa lúc này dần dần đã chìm xuống, nhường chỗ cho cảm giác hồi hộp, phấn khích trước cuộc săn mây trên đỉnh Tà Chì Nhù sắp tới, hứa hẹn nhiều thử thách và cũng đáng đổi những trải nghiệm tuyệt vời mà đứa nào cũng nhắc nhau, cố gắng lên nhé.
(còn tiếp)
Theo iHay
Ấn tượng từng cung đường lên đỉnh Fansipan Đường tới đỉnh Fansipan với muôn vàn khó khăn, đá ghềnh treo leo, bùn đất lầy lội khi mưa xuống, nhưng những trải nghiệm trên đường đi sẽ giúp mỗi người trưởng thành hơn rất nhiều. Để có những trải nghiệm chân thực nhất về chặng đường nhiều gian nan này, tôi đã quyết định tham gia đoàn leo núi vào những ngày...