Hành trình dọc eo biển Melaka – Kỳ 2: Lãng đãng Penang
Chuyến xe cuối cùng của ngày từ Melaka đi Penang khởi hành lúc 11 giờ đêm. Tôi đã cố đi chuyến muộn nhất để tiết kiệm cho mình một đêm khách sạn. Nhưng cái đêm ngủ không tròn giấc trên xe ghế ngồi ấy đã khiến toàn thân tôi bải hoải…
Phố cổ Georgetown trên đảo Penang
Người ta đã không cho tôi lên xe khi xuất bến vì tôi mua vé thông qua đại lý vé, mã vé không giống với vé họ bán cho hành khách. Một sai lầm trong chuyến đi này của tôi là đã quá cẩn thận: mua vé trước qua đại lý vé, để vé bị đắt hơn. Lằng nhằng mãi tôi mới được lên xe sau khi chạy ngược xuôi lúc đêm hôm tìm sự trợ giúp của các quầy vé, mà toàn nhận được sự từ chối. Tôi đã tưởng mình bị bỏ lại đêm ấy giữa bến xe Melaka.
Cho đến khi tỉnh dậy, thấy mình đang đi trên cây cầu dài từ đất liền nối với đảo, tôi mới yên tâm rằng mình đã đến Penang. Phố cổ hiện ra trước mắt, tôi ở trọ trong một “khách sạn tự phục vụ” với phòng mini, giường tầng bằng sắt ở ngay trung tâm.
Ở Malaysia, hình thức này khá phổ biến, nghĩa là khi làm thủ tục thuê phòng, chủ nhà sẽ giao cho bạn chìa khóa phòng, bạn ở một giường trong phòng có bốn giường. Đi khóa về mở, kể cả cổng chính, không có nhân viên trong suốt thời gian lưu trú, nước nóng và thông tin ở quầy, hàng ngày họ dọn vệ sinh một lần. Hình thức nhà trọ này rất thuận tiện vì nó thường nằm ở khu phố chính, giá rẻ, chỉ khoảng 12 – 15 RM/người trong một đêm.
Penang ngập tràn sắc trắng
Penang, thành phố cổ với những công trình hơi hướng Anh quốc trắng muốt hiện ra, lãng đãng trong màu sương sớm. Tôi yêu thích Penang hơn cả không phải là ở những bức hình vẽ trên tường xuất hiện khắp nơi, cũng không phải ở trang trại bướm, chùa rắn hay những bãi biển dài trong xanh diệu kỳ.
Tôi yêu thích Penang vì có thành phố di sản trung tâm Georgetown đủ rộng và dễ mến, để khách du lịch có thể dành trọn 2 ngày đạp xe vòng quanh, thi thoảng dừng lại bên những xe hàng rong ven đường bán đồ ăn, nước uống giá rẻ. Ẩm thực đường phố Penang làm người ta nhớ đến hương vị phảng phất trong những món ăn Hồng Kông và pha chút sắc màu của ẩm thực Hindu.
Tôi đến Penang vào thứ 6, không may mắn có rất nhiều thánh đường ở phố cổ đóng cửa, không phục vụ khách du lịch. Đặc sản của Penang là nhà thờ của rất nhiều tôn giáo xen kẽ nhau, sống hòa hợp trên đảo. Điểm chung duy nhất mà những công trình kiến trúc Hồi giáo, Hindu giáo, Thiên chúa giáo ở Penang là sắc trắng tinh tươm, mà khi đến gần, bạn chỉ sợ mình chạm tay vào sẽ làm bẩn bức tường.
Bụi thời gian cũng che phủ lên những con phố cổ. Đất nước Malaysia bé nhỏ đã không biết bao lần bị chia năm xẻ bảy cũng chỉ vì eo biển trọng yếu Melaka, nơi tàu bè giao thương và tàu quân sự.
Một cửa hàng bán đồ cho khách du lịch
Bức vẽ nổi tiếng nhất Penang
Khi người Trung Quốc phát hiện ra hòn đảo này, họ đặt tên cho nó cái tên là Pulo Pinang (có nghĩa là quả cau) – một hòn đảo lớn không người ở. Đến thế kỷ 18, đảo bị thực dân Anh chiếm đóng.
Màu trắng của Penang gần như là sự vớt vát của thành phố với sự phát triển chóng mặt của đô thị, họ cố giữ gìn những giá trị bản sắc về giao thoa văn hóa Trung hoa, bản địa và ngoại lai, như một cách phát triển du lịch. Penang không cổ xưa bằng Melaka, nhưng nó lại có cái tươi mới của một hòn đảo cố gắng gìn giữ những giá trị di sản cho đời sau. Tôi thích cuộc sống ở Penang, cách mà những người dân dễ mến hướng dẫn tận tình khi tôi đạp xe lạc ra xa khu trung tâm, cách họ rót cho tôi một tách trà ấm khi tôi đứng trú mưa trước hiên nhà của họ.
Khi người châu Âu đến xâm chiếm mảnh đất này, họ gọi những người bản địa là những kẻ da màu, những người ăn lông ở lỗ khi ăn uống bằng tay và làm mọi thứ bằng tay. Họ ra sức bóc lột những kẻ da màu trong đồn điền, công trường. Có lẽ vì sự cam chịu, mà tôi thấy trong mắt những người dân Penang có một sự chân thành. Nỗi sợ hãi về những người đàn ông gốc Ấn và đạo Hồi dường như biến mất.
Video đang HOT
Trước cửa tiệm bánh bao nổi tiếng ở Penang
Tiểu khu Ấn nằm tách biệt với các công trình kiến trúc tiêu biểu ở Penang, tôi dễ dàng tìm được đến đây bởi mùi hương thơm đượm và mùi gia vị nồng lên từ các khu chợ. Quần áo, trang sức, thực phẩm được bày bán khắp nơi. Trước nhà hàng Hồi giáo trưa thứ 6, hàng trăm con người kiên nhẫn xếp hàng chờ phục vụ. Họ vừa trở về từ buổi lễ trong một nhà thờ đạo Hồi gần đó. Sự sặc sỡ của những con phố trong tiểu khu Ấn đối lập với màu trắng và rêu phong phủ đầy trên tường nhà ở phố người Hoa.
Tôm – bạn tôi nói đúng, người ta dễ yêu ở Penang, bởi ở đây có hẳn một con đường có tên Tình yêu (Love St.) nằm ngay trong khu phố cổ với những quán cà phê xinh xắn, ban công đầy nắng hướng ra đường, những khách sạn giá rẻ trang trí đẹp mắt dành cho dân du lịch bụi, những hàng lưu niệm bán đồ thủ công tinh tế…
Tôi đã tìm thấy một con phố có tên Mới kết hôn (Just Married) với những tòa nhà đổ nát đang dần được đập phá đi để xây mới. Có quá nhiều ngôi nhà bỏ hoang ở Penang, giống như Melaka, nhưng cũng có những người không có một mái nhà tử tế để sống qua ngày. Đó là cuộc sống!
Con phố có tên Mới kết hôn (Just Married)
Không biết có phải khập khiễng không, khi người ta gọi phố cổ Georgetown là thành phố di sản còn toàn đảo Penang lại mang cái tên “hòn ngọc của phương Đông”. Một di sản có mài giũa đến đâu, có thăng trầm theo thời gian ra sao thì sẽ mãi mãi là di sản, nó chỉ trở thành một thứ cũ đi, cổ kính hơn chứ không thể thành ngọc.
Penang sở hữu những khu bảo tồn thiên nhiên lớn, trang trại bướm là đặc sản du lịch mà không ai từng đến đây không ghé qua. Tôi có lẽ là kẻ hiếm hoi không thích thú với những điều ấy, như việc không muốn dành thời gian cho những bãi biển cát trắng, nắng vàng nhưng lại hạn chế du khách mặc bikini dạo quanh bãi tắm công cộng.
Đất nước đạo Hồi là thế, cho dù có được phép mặc nhưng chẳng một cô gái nào cảm thấy không thoải mái khi biết có hàng nghìn con mắt nhìn mình. Thế giới của phụ nữ đạo Hồi là đằng sau chiếc khăn trùm đầu. So với các nước đạo Hồi hà khắc ở Trung Đông xa xôi, phụ nữ ở Malaysia còn may mắn hơn rất nhiều, ít nhất họ không bị xã hội bó buộc trong những chiếc hijab màu đen tuyền từ đầu đến chân, chỉ hở mỗi cặp mắt.
Những công trình kiến trúc như ngôi đền Phật giáo Kek Lok Si tọa lạc trên một quả đồi ở phía bắc với lối kiến trúc giao thoa giữa văn hóa Trung hoa và các nền văn hóa khác. Ngôi đền Thánh Mẫu, nhà thờ gia tộc Khoo Kongsi, dinh thự Cheong Fatt Tze của người Hoa, chùa Phật giáo Thái Lan Wat Chayamangkalaram… đã tạo cho phố cổ Penang những giá trị văn hóa nhất định, hài hòa mà không mất đi bản sắc gốc.
Nhà thờ Hindu
Buổi tối, trên những con phố nhỏ, những hàng quán ven đường trở nên tấp nập, rộn rã. Người Penang không có thói quen ăn uống ở nhà, có thể vì họ bận. Nhưng tôi nghĩ vì ẩm thực đường phố quá ngon và tiện lợi. Người ta có thể ăn được mọi món ngon trên thế giới tại Penang, nhưng món ăn vặt nổi tiếng như hokkien mee, hủ tiếu, hoành thánh, bánh cuốn, chè sendo, tàu phớ… đều có ở Penang.
Cũng như việc bạn có thể đi bộ xuyên rừng, leo núi, dã ngoại, tắm biển, lướt sóng… ở Penang. Chính đặc thù địa lý đa dạng đó đã mang đến cho hòn đảo này một không gian ẩm thực đa sắc thái.
Chè Malaysia
Phải nói Malaysia là đất nước làm du lịch rất tốt, thiên nhiên không ưu đãi họ quá nhiều, di sản cũng không quá lâu đời, nhưng khi nhắc đến Malaysia, ai cũng biết đến những cái tên Melaka, Penang, Langkawi, Kinabalu…Và những kẻ tò mò về văn hóa như tôi, sẵn sàng dành nhiều thời gian của bản thân để trải nghiệm.
(còn tiếp)
Theo iHay
Hành trình dọc eo biển Melaka - Kỳ 1: Thành phố 'ngủ'
Đôi khi trong cuộc đời, người ta có những hành trình lặp đi lặp lại, mà không hiểu sao mình lại nhất định phải trở về trên con đường cũ ấy.
Khi gói ghém hàng trang rời Việt Nam, tôi không biết mình sẽ đi những đâu, ngoài tấm vé một chiều đến Singapore, chốn không dành cho dân du lịch bụi. Có lẽ bởi vì đó là đất nước lần đầu tiên tôi đặt bước chân mình ra ngoài thế giới, là đất nước mà tôi đã từng mơ ước được chạm vào từ thời sinh viên, rồi đi ngay khi tích cóp đủ 100 USD để mua một tấm vé khứ hồi.
Tôi bắt đầu hành trình từ Singapore, nhưng không đắm chìm vào những chốn phồn hoa ở trung tâm thành phố, mà lại đi rất xa, ra gần biên giới với Malaysia, nơi có những khu bảo tồn để đi bộ hết những con đường rừng nguyên sơ với đôi chân rã rời vì đi bộ hơn 40km. Bạn đồng hành không ai khác là bầy khỉ hoang.
Tất cả những điều diễn ra ở Singapore đã khiến tôi nghĩ rằng, có lẽ mình sẽ đi đường bộ sang Malaysia, vào đúng ngày tết lớn nhất của họ. Tôi đã từng e dè trước thứ tôn giáo có tên đạo Hồi, vậy tại sao không một lần quay trở lại đất nước mà mình đã từng đi rất nhiều, và coi nó như một điểm quá cảnh nhàm chán? Đêm pháo hoa bừng lên ở tiểu khu Ấn là đêm cuối cùng tôi dành cho đất nước Singapore đa sắc tộc.
Một người bạn gốc Ấn đã nắm tay tôi rất chặt và đề nghị được ôm tôi vào cái ngày tôi đặt chân sang đất Joho Baru nơi cửa khẩu biên giới của Singapore và Malaysia.
Chuyến xe dài đưa tôi rời bến xe Laskin, hơn ai hết, tôi mong được đưa đi thật nhanh, khỏi Joho Baru, khỏi những tiếng la ó, mời chào, cái níu tay của những người đàn ông xa lạ.
Kỳ 1: Thành phố ngủ
Tôi đến Melaka vào một buổi chiều muộn, thành phố nhỏ sau cơn mưa nhìn chơ vơ đến tội nghiệp. Tất cả những gì mà Melaka phô ra trong tiếng nhạc xập xình của những chiếc xe lam chở khách cài đầy hoa không thể giấu đi được vẻ buồn bã của một đô thị đang bị hoang hóa bên sông.
Một phố cổ ở Melaka phảng phất hình ảnh Hội An của xứ mình
Tôi vẫn nhớ mình đã đọc một cuốn sách nào đó nói về eo biển Melaka này, chỉ cái tên thôi cũng đủ làm khiếp sợ đám tàu bè giao thương mỗi lần ghé qua bởi nạn cướp biển. Đô thị sầm suất, tấp nập xưa kia bỗng trở thành một chốn bình yên, lãng mạn cuối tuần của khách du lịch. Ai đó ca ngợi Melaka là Venice của phương Đông. Tôi nhìn xuống dòng sông bé nhỏ, đục ngầu dường như đang oằn mình lên cho những con tàu chở khách du lịch lướt trên, bỗng thấy buồn. Hay bởi những nơi được ví với Venice thì luôn buồn như thế?
Thời gian đã phủ màu trên những di tích ở Melaka, thành phố cổ xưa nhất Malaysia. Thời gian cũng mang đến bao biến đổi thăng trầm cho mảnh đất gắn liền với sự xăm lăng, chiếm đóng. Hai bên bờ sông, thành phố được chia thành hai bờ đông - tây, mà khi đi qua nó, du khách không tinh ý sẽ chẳng bao giờ biết được đâu là dấu ấn của Hà Lan, của Bồ Đào Nha, của thực dân Anh.
Một tuyến phố chính trong khu phố người Hoa
Ngõ nhỏ u buồn
Chiến tranh và nạn cướp bóc khiến người ta dần rời bỏ cố đô này. Những người gốc Ấn sống tách biệt ở một khu phố khác bên kia sông, trong khi người gốc Hoa bám lại phố cũ để mưu sinh, phục vụ khách du lịch. Thánh đường Pauls, pháo đài A'Famosa chỉ còn lại đống hoang tàn, phế tích. Có lẽ nhà thờ Đỏ là công trình kiến trúc nguyên vẹn nhất, lớn nhất ở Melaka mà ai ghé chân cũng phải lưu giữ một tấm hình.
Nhà thờ Đỏ - công trình kiến trúc nổi tiếng nhất Melaka
Không phải tự dưng tôi gọi Melaka là thành phố ngủ. Phải ở lại đây, phải đi hết những con đường ngang ngõ dọc ở phố cổ mới hiểu tại sao tôi gọi nơi này như thế. Bởi cố đô này rất gần Kuala Lumpur, khách du lịch trong ngày thường đến từ 2 giờ chiều rồi rời đi vội vã lúc 5 giờ chiều cho kịp chuyến xe cuối.
Những nhà hàng nổi tiếng bán cơm gà viên, chè sendo... cũng phải đến 2 giờ chiều mới bắt đầu dọn hàng, mở cửa. Những kẻ ở lại lâu thường là dân du lịch bụi, cặp tình nhân yêu sự yên tĩnh, họ ngồi thờ ơ bên những ly cà phê ven sông, chờ đêm xuống.
Trước một khu chợ ở Melaka
Tôi nghĩ rằng nơi này đã rất sầm uất trở lại, khi được công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2008 nhưng rồi nó lại trở nên buồn tẻ như bây giờ khi những tiểu thương rời đi vì kinh doanh không có lãi. Một đô thị liệu có thể giàu không nếu nó cứ ngủ say như Melaka? Một đô thị có thể vui không nếu tiếng cười nói chỉ rộn rã khi chiều đến rồi tất cả lại rơi vào im lặng, như dòng sông đang âm thầm ra biển ngoài kia? Melaka chỉ vui khi cuối tuần, và rồi mỗi sang thứ 2, trạng thái ngái ngủ lại trở về như cũ. Những ki ốt đóng cửa im lìm, những ngôi nhà bỏ hoang rêu phủ, chiếc giày ai bỏ quên ngoài hiên... Có quá nhiều điều bị bỏ lại ở nơi này, dù quá khứ đã ở rất xa.
Người lao động Việt Nam sang Malaysia rất nhiều, bằng nhiều hình thức. Họ làm thuê trong những công xưởng, quán ăn, tiệm bánh... khắp nơi trên đất nước đạo Hồi này. Tôi dễ dàng bắt chuyện với một vài người đồng hương trong hành trình của mình. Cuộc sống xứ người vất vả, họ vắt kiệt sức lao động của mình để kiếm tiền gửi về quê nhà nuôi gia đình.
Một người trong số họ đã nói với tôi: "Bọn em đi nước ngoài thì sướng, còn bọn anh thì khổ, sống chui lủi, đi đâu cũng sợ bắt". Khi tôi nhập cảnh vào Malaysia, hải quan không dễ dàng gì với một cô gái trẻ đi một mình như tôi. Sau 15 phút vặn vẹo ngược xuôi, xem tất cả giấy tờ liên quan đến chuyến đi mà tôi xuất trình, họ mới cho tôi nhập cảnh.
Nạn trộm cắp vẫn luôn hoành hành Melaka, trước cửa nhà nghỉ tôi ở, hình ảnh những tên trộm được dán cảnh báo cho khách du lịch biết. Trên các bức tường cũ cũng có những bức hình tương tự. Cho dù người ta có sơn sửa, tô điểm cho cố đô này rực rỡ bao nhiêu, thì những vết ố loang lổ cũng không bao giờ giấu được.
Ở Melaka, bồ câu đông hơn người
Bình yên
Biển hiệu của nhà nghỉ theo mô hình tự phục vụ
Những sắc màu trong bức hình mà tôi ghi lại có điều gì đó u buồn, giống như việc người ta cố làm cho Melaka vui trong tiếng nhạc xập xình từ xe chở khách khắp thành phố. Và giữa chốn yên ắng này, đâu đó đàn bồ câu hàng trăm con đứng thẫn thờ, trong năm tháng hòa bình của Melaka...
(Còn tiếp)
Theo iHay
5 cách trải nghiệm như dân bản địa ở Penang Không chỉ nổi tiếng với con đường Gurney Drive - thiên đường ẩm thực, Penang còn là thành phố xinh đẹp, hứa hẹn nhiều thú vị khiến du khách khó có thể từ chối. Du khách đến Penang, Malaysia hãy thử áp dụng các gợi ý dưới đây để chuyến đi thêm phần đáng nhớ. Đi dã ngoại tại mũi Muka Head Du...