Hành trình đi tìm Simson
Chỉ có những người thực sự đam mê và kiên trì mới có thể chơi Simson, một huyền thoại về sự sang trọng của những năm 70-80 của thế kỷ trước.
Khi nhắc tới các dòng xe xã hội chủ nghĩa, ngoài Minsk, sidecar thì không thể không nhắc tới Simson. Nếu lấy vàng làm thước đo, dòng xe 2 bánh này trước kia có giá đắt đỏ chẳng kém những chiếc ô tô sang trọng ngày nay.
Chiếc xe là ký ức của cả thế hệ miền Bắc Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ trước.
Theo lời giới thiệu của một người quen, chúng tôi đã tìm tới nhà của anh Thành Long Simson, người được mệnh danh là “phù thủy” của những chiếc xe Simson. Lúc chúng tôi đến, cả chục chiếc Simson đang dựng ngổn ngang, cái thì để ở trong nhà, chiếc thì để ngoài sân, có xe thì chỉ còn bộ khung và cái máy trơ trụi và có xe thì sáng loáng đang chờ khách tới nhận.
Những người chơi Simson hiện nay đều phải có đam mê thực sự.
Sau khi uống chén trà nóng anh mới pha, anh nói: “Chúng ta vừa làm việc vừa nói chuyện nhé”. Ngay lập tức, anh đi lại chiếc xe đang sửa dở vừa làm vừa chỉ cho chúng tôi, cũng như chia sẻ những câu chuyện xoay quanh Simson.
“Mới đây cũng có người dưới Hà Nội chuyển xe lên đây nhờ sửa. Chiếc xe lúc đó đang trong tình trạng gần như sắt vụn: máy không nổ được, số má cũng không còn vào được, hai giảm xóc trước sau đều đã chết hết nên cứng ngắc, trục may-ơ ở hai bánh đã mòn rỗng nên nó đảo như rang lạc, khung xe cũng đang trong tình trạng xập xệ vì trước kia xe dùng để chở hàng nặng. Để hoàn thiện mình đã phải mất cả hơn một tháng trời, nhưng giờ thì xe đã có thể chạy khá tốt rồi”.
Video đang HOT
Hầu hết những chiếc xe Simson bây giờ đều được làm lại khung và máy.
“Hay một trường hợp khác, khách hàng tận trong Sài Gòn có người quen ngoài này nên mua được một chiếc S50 đời 1975, nhưng chỉ còn lại có mỗi khung xe và cái máy nên đưa về đây để làm (loại này giờ ở Việt Nam rất hiếm, đặc điểm là 3 số, không có đèn xi-nhan, thanh nối của phanh sau nằm gọn trong càng sau chứ không lộ ra ngoài như các loại khác). Vì là loại hiếm nên việc tìm đồ phải tốn thời gian chứ không thể nhanh được, nhưng vì mê xe nên khách sẵn sàng chờ một năm nữa lấy xe cũng được, miễn sao đồ đạc phải là nguyên bản chứ không được pha tạp”.
Chuông điện thoại của anh reo liên tục làm anh phải dừng tay và dừng trò chuyện với chúng tôi liên tục, có lúc kéo dài cả 15 – 20 phút vì phải hướng dẫn khách khắc phục sự cố, nhưng anh vẫn luôn vui vẻ mỗi khi nhấc máy. Tới đây, chúng tôi mới hiểu được tình yêu, đam mê xe nói chung và Simson nói riêng không chỉ dừng lại ở việc chơi xe, giữ xe mà cả ở việc hỗ trợ nhau một cách vô điều kiện bất cứ khi nào anh em cần đến.
Chế hòa khí Simson nguyên bản hiện nay đã kém, thường phải phục chế lại.
Như để thanh minh, anh nói: “Cách đây hai hôm, sau khi khách nhận xe từ ô tô xuống đi được mấy cây số thì chết máy nên gọi điện lên hỏi nguyên nhân (mặc dù trước đó mình đã chạy thử khá lâu). Sau khi hướng dẫn khách kiểm tra xăng, khóa xăng và thử điện ở dây cao áp thì nhận được câu trả lời là không có điện, nhưng 10 phút sau thì khách điện lại nói là máy đã nổ. Mình đoán ngay là do cuộn nổ bị om nhưng chưa chết hẳn, lúc máy nóng nó mới chết. Điều này không thể biết trước được, nên nếu ai không hiểu lại nghĩ mình làm ăn vớ vẩn. Vì vậy ngay trong ngày hôm đó, đích thân mình phóng xe 60 cây số mang theo cả bộ điện đang lắp trên xe mình đến tận nơi để thay cho khách mà không lấy bất cứ đồng tiền công nào”.
Phụ tùng là điều đau đầu nhất với dân chơi Simson. Cũng như xe, phụ tùng cũng ngày càng khó kiếm và chất lượng thì cũng chỉ ở mức chấp nhận được. Với những tay săn đồ thì không có bãi phá xe nào là không có dấu chân của họ. Có người may mắn kiếm được hàng tồn của một cửa hàng phụ tùng xe máy trước kia còn sót lại thì như bắt được vàng vậy. Cũng có nhiều người có tiền, họ sẵn sàng đặt hàng từ nước ngoài về để đắp lên chiếc xe của mình.
Từng chiếc xe được sửa chữa cẩn thận chuẩn bị cho những cung đường phía trước.
Một vài năm trở lại đây, số lượng người chơi Simson cũng có tăng nhưng vẫn còn rất khiêm tốn. Các hội chơi cũng nằm tản tác mỗi nơi một ít, từ thành phố tới tỉnh lẻ đều có cả nhưng hoạt động chủ yếu vẫn là tự phát. Tuy nhiên, đa số những người đến với Simson đều là những người mê xe thực sự. Trong hội Simson Vĩnh Phúc mà anh Long đang tham gia có đủ các ngành nghề như giáo viên, kỹ sư, công nhân, cán bộ nhà nước, tuổi tác thì cũng từ gần 30 cho tới ngoài 60. Và họ đều đã gắn bó với Simson từ khá lâu, ít thì cũng 3 – 4 năm, nhiều thì cả hơn chục năm.
Vì cùng niềm đam mê nên họ đến với nhau, ngồi với nhau hàng giờ liền chỉ để nói về xe mà không hết chuyện. Họ yêu cái tính tình đỏng đảnh của chiếc xe nên việc phải dắt bộ vài cây số cũng chỉ là gia vị để tình yêu thêm mặn nồng mà thôi. Họ yêu tiếng pô hơn bất cứ tiếng cười giễu cợt và đàm tiếu của những người xung quanh. Họ yêu sự êm ái của những chiếc giảm xóc để sẵn sàng đi cả trăm cây số chỉ để tìm kiếm một món đồ mà xế cưng của mình đang thiếu. Và họ là những người đang cố giữ lại những dấu ấn lịch sử của một dòng xe đã một thời làm khuynh đảo giới thượng lưu người Việt, đó là Simson.
Theo VNE
Simson - huyền thoại sang trọng một thời
Sở hữu xe máy Simson cách đây vài chục năm thể hiện sự sang trọng như các thương hiệu xe hơi hàng đầu hiện nay.
Simson là hãng xe nổi tiếng của Đông Đức (cũ) trước chiến tranh thế giới thứ II. Thành lập năm 1856 bởi Lob và Moses, xuất phát của Simson là nhà máy sản xuất vũ khi phục vụ chiến tranh. Đến năm 1936, chiếc xe máy đầu tiên nhãn hiệu BSW (Berlin Suhler Waffen) ra đời mang tên BSW 98 sử dụng động cơ 2 thì 98 phân khối, hộp số truyền động hai cấp.
Simson AWO 425. Ảnh: Veteran.
Sau thế chiến II, chủ nghĩa phát xít bị lật đổ, Simson được Liên xô tiếp quản. Năm 1947, nhà máy sáp nhập vào SAG Awtowelo (Soviet Avtovelo Company Limited). Phần lớn các sản phẩm mà Simson sản xuất ra ở thời kỳ này dành để xuất khẩu sang các nước thuộc liên bang Xô Viết.
Giai đoạn từ năm 1949-1962 là thời kỳ hưng thịnh của những mẫu môtô 4 thì do Simson sản xuất với khoảng 209.000 xe xuất xưởng. Đặc trưng là các mẫu xe thuộc phân khúc 250 và 350 phân khối. Chiếc AWO 425 nổi tiếng thời kỳ đó với động cơ 4 thì 250 phân khối, hộp số 4 cấp. Các mẫu xe thời này mang nhiều ảnh hưởng của phong cách thiết kế thời kỳ trước đó của các hãng Trabant, Wartburg, MZ và Simson.
Bên cạnh những mẫu xe phổ thông, Simson cũng sản xuất xe đua như chiếc AWO 425R, chỉ có 15 chiếc và không được bầy bán rộng rãi. Ngoài ra còn có các mẫu Simson 425 GS, MZ và các mẫu xe đua 350 phân khối.
Giai đoạn xe 2 thì của Simson phát triển từ năm 1955 đến 1990, đây cũng chính là khoảng thời gian sản sinh ra các mẫu 2 thì được ưa chuộng tại Việt Nam. Năm 1955, khi mà chiếc 425S 4 thì ra đời cũng là thời điểm Simson giới thiệu các mẫu xe 2 thì, đầu tiên chính là SR 1 sử dụng động cơ 48 phân khối công suất 1,5 mã lực. Tiếp sau đó là SR 2 năm 1957, SR 2E năm 1959. Bên cạnh dòng SR còn có dòng KR sử dụng cùng động cơ nhưng có công suất cao hơn.
Simson S51. Ảnh: Eaf-online.
Năm 1970, Simson cho ra mắt chiếc xe moped đầu tiên (dòng xe máy có bàn đạp) mang tên SL1 Mofa 50 phân khối, cho công suất 1,6 mã lực. Tới năm 1972 thì dòng xe này ngừng sản xuất.
Năm 1975, chiếc S50 ra đời với hình ảnh hoàn toàn mới so với các mẫu xe trước đó giúp Simson thực sự lột xác. Tiếp theo đó là S51, S70, những cái tên xuất hiện nhiều ở Việt Nam. Ngoài ra, Simson cũng sản xuất scooter với những đại diện SR 50, SR 80. Năm 1994, hai chiếc SR 53 và SR 83 được đổi mới với hai phiên bản, dành cho đường phố với tên Alpha và dành cho off-road tên Beta. Những năm sau đó, Simson tiếp tục tung ra nhiều mẫu xe như SC, Shikra, Simson 125.
Ở Việt Nam, khoảng những thập niên 70-90 thế kỷ trước Simson xuất hiện như những xe hơi sang trọng ngày nay. Những chiếc xe chủ yếu được mang về từ nước ngoài bởi những người đi học tập và lao động. Vì thế, gắn liền với hình ảnh những chiếc xe hai thì khói bụi thì Simson còn thể hiện sự sang trọng, cái "danh" khá quan trọng là học tập làm việc tại nước ngoài.
Simson S83 hàng hiếm ở Tuyên Quang. Ảnh: Thế Hoàng.
Những mẫu xe ngày nay còn thấy nhiều như S51, S70 , S83...Người chơi Simson tụ họp nhau thành câu lạc bộ để có thể tận tay sờ nắm, trực tiếp sửa chửa những đứa con tinh thần, vì chơi Simson cũng như các xế cổ 2 thì khác đều khá vất vả trước những cơn "trái gió trở trời",và chắc chắn phải có một tình yêu thật sự lớn mới có thể theo đuổi niềm đam mê này.
Đức Huy
Theo VNE
Những xe máy vang bóng một thời tại Việt Nam Super Cub, Dream, Simson, Honda 67... là những mẫu xe mơ ước của nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam những năm 80-90 của thế kỷ trước. Super Cub Super Cub được xem là một trong những huyền thoại của Honda nói riêng và lịch sử xe máy nói chung, nhờ vào lợi thế cực lớn về tính tiện dụng, bền bỉ và...