Hành trình đi tìm công lý qua 3 thập kỷ của 2 anh em ruột
Khi đang ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, hai anh em Henry McCollum và Leon Brown cùng bị bắt vì tình nghi có liên quan đến một vụ án mạng man rợ. Sau 31 năm ngồi tù, họ mới được giải oan, kết thúc những tháng ngày sau song sắt cho một tội ác mà mình không hề liên quan.Trong lịch sử ngành tư pháp thế giới, có không ít vụ án oan khiến nhiều người phải lâm vào bước đường cùng, thậm chí trả bằng cả mạng sống. Mảng tối về sự vô trách nhiệm với mạng sống con người của những người nắm quyền sinh sát sẽ phần nào được hé lộ qua loạt bài “Những vụ án oan làm chấn động lịch sử”.
2 anh em Henry McCollum (trái) và Leon Brown (phải)
Vụ án mạng đau lòng
Vào ngày 25/9/1983, chờ mãi không thấy con gái trở về nhà, Ronnie Buie vội đến đồn cảnh sát thị trấn Red Springs, bang North Carolina, báo rằng cô con gái 11 tuổi của mình, Sabrina, đã mất tích. Ngày hôm sau, thi thể không một mảnh vải của Sabrina được tìm thấy trên một cánh đồng đỗ tương. Hung thủ đã cưỡng hiếp và bóp cổ cô bé đến chết, hắn còn nhét chiếc quần lót vào miệng Sabrina.
Tại hiện trường, cảnh sát thu được một mẩu tàn thuốc lá, vài lon bia, bộ quần áo đầy máu của Sabrina, hai cây gậy và một mảnh gỗ dán cũng dính máu. Một số bằng chứng khác cũng được tìm thấy trong một cánh đồng gần cửa hàng tạp hóa Hardin. Cảnh sát tin rằng đó mới là nơi Sabrina bị hãm hiếp và sát hại, sau đó hung thủ đã kéo xác cô bé tới cánh đồng đỗ tương.
Viên cảnh sát Larry Floyd đã làm việc với Ronnie Buie để xem xét liệu có khả năng người từ nơi khác đến thị trấn 4000 dân này đã tiếp cận Sabrina. Hai ngày sau, Larry Floyd tiến hành thẩm vấn một thanh niên 19 tuổi thiểu năng trí tuệ với chỉ số IQ chỉ đạt mức 51 tên là Henry McCollum, sống ở nơi khác và tới đây để thăm mẹ.
Trong buổi thẩm vấn đầu tiên, McCollum nói rằng đã nhìn thấy Sabrina đi bộ đến cửa hàng Hardin khoảng trưa ngày 24/9 và khẳng định mình không có bất kỳ liên quan nào đến vụ án này.
Tuy nhiên, một học sinh trung học tiết lộ với cảnh sát rằng ở trường cậu mọi người đồn McCollum là hung thủ vì anh có nhiều biểu hiện rất lạ. Kết quả là, McCollum lại bị triệu tập tới đồn cảnh sát. Trong hơn 4 giờ, cảnh sát đã mớm lời và “dụ” McCollum thừa nhận hành vi phạm tội. Theo lời khai họ cung cấp, ngày 23/9, anh và 4 nam thanh niên khác đã đưa nạn nhân tới cánh đồng thay phiên nhau hãm hiếp cô bé và sau đó nhét quần lót vào miệng cho đến khi cô bé ngừng thở. 4 đồng phạm khác là Leon Brown (15 tuổi, em trai cũng mẹ khác cha của McCollum), Darrel Suber, Chris Brown và Louis Moore, tất cả đều sống ở Red Springs.
Trong khi McCollum bị thẩm vấn, Leon Brown (cũng bị thiểu năng trí tuệ như anh mình với chỉ số IQ 49) cùng mẹ và em gái tới đồn cảnh sát. Không lâu sau khi McCollum ký vào bản nhận tội, Leon Brown cũng ký vào biên bản tương tự.
Tuy nhiên, Chris Brown, Louis Moore và Darrel Suber đều đưa ra được bằng chứng ngoại phạm của mình. Ngày 29/9/1983, chỉ có McCollum và Brown bị bắt giữ với tội danh hiếp dâm và giết người.
Video đang HOT
Trong khoảng thời gian này, một vụ án tương tự cũng làm dư luận tại Red Springs bàng hoàng. Ngày 22/10, một cô gái 18 tuổi khác tại Red Springs – Joann Brockman – được thông báo mất tích. Cùng ngày hôm đó, thi thể của cô được tìm thấy trong tình trạng bị cưỡng hiếp và bóp cổ. Các nhân chứng kể lại thấy Brockman trong công ty của Roscoe Artis (43 tuổi), người đàn ông mới chuyển tới Red Spring. Cảnh sát đã bắt giữ Artis sau khi tên này thú nhận mình chính là hung thủ. Artis đã bị tử hình vào mùa hè năm 1984.
Trở lại với 2 anh em McCollum và Brown, họ bị đưa ra xét xử tại Tòa thượng thẩm quận Robeson vào tháng 10/1984. Bồi thẩm đoàn chủ yếu dựa vào những lời thú tội của 2 bị cáo, do cảnh sát kể lại. Ngoài ra, họ cũng gọi L.P. Sinclair (17 tuổi) tới làm chứng. Sinclair khai rằng, trước khi tội ác xảy ra, cậu đã đi cùng Brown, McCollum trên phố và nghe thấy hai người nói về việc quan hệ tình dục với Sabrina. Sinclair cũng kể rằng sau khi giết người, McCollum tiết lộ với cậu về việc hãm hiếp và giết chết Sabrina.
Mặc dù dấu vân tay trên các vỏ lon bia tại hiện trường đều không phải của McCollum hay Brown, các chứng cứ pháp y khác cũng không cho thấy mối liên hệ của 2 chàng trai này tới vụ giết người nhưng họ vẫn bị kết án vào ngày 25/10 với mức tử hình.
Năm 1988, Tòa án tối cao bang North Carolina hủy bản án và yêu cầu xét xử lại với tội danh riêng biệt cho từng người. Phiên xử lại dành cho McCollum vào năm 1991 vẫn y án tử hình trong khi Brown ra tòa vào năm 1992 với án chung thân cho tội hiếp dâm.
Ánh sáng nơi cuối con đường
May mắn cho 2 người, nhiều năm sau, trong quá trình điều tra lại, các luật sư biện hộ phát hiện ra rằng 3 ngày trước phiên tòa năm 1984, cơ quan điều tra bang North Carolina đối chiếu những dấu vân tay trên các lon bia phù hợp với vân tay của Roscoe Artis nhưng kết quả đã bị “ỉm” đi.
Năm 2004, theo yêu cầu của McCollum, các nhà chức trách đã tiến hành phân tích mẫu ADN được tìm thấy trên thuốc lá gần thi thể nạn nhân. Kết quả đều không trùng với ADN của Brown hay McCollum.
Năm 2010, Ủy ban Điều tra án oan bang North Carolina bắt đầu điều tra vụ án theo yêu cầu của luật sư bào chữa cho Leon Brown. Họ yêu cầu cảnh sát đưa mẫu ADN trên mẩu thuốc lá vào kho dữ liệu của cảnh sát bang. Kết quả đối chiếu cho thấy ADN là của Roscoe Artis.
Lúc này, một tù nhân cũng lên tiếng xác nhận Roscoe Artis từng liên tục nói rằng Brown và McCollum vô tội. Hắn còn tỏ ra hiểu rất rõ về Sabrina, thậm chí tiết lộ cách thức giết người cũng như màu quần lót của cô bé.
Từ đây, mọi chứng cứ đều có lợi cho 2 anh em McCollum. Theo đó, nhân chứng Sinclair đã từng trải qua bài kiểm tra nói dối trước phiên tòa năm xưa. Kết quả cho thấy Sinclair chẳng biết gì về vụ án. Thế nhưng các thông tin này chưa bao giờ được tiết lộ.
Tháng 8/2014, các luật sư nộp đơn lên tòa án, yêu cầu hủy mọi tội danh và bản án dành cho McCollum và Brown. Ngày 2/9/2014, họ được thả tự do sau gần 31 năm tù giam. Tháng 6/2015, Thống đốc Pat McCrory thay mặt chính quyền bang gửi lời xin lỗi đến anh em McCollum và Brown. Tháng 9/2015, bang North Carolina tiến hành bồi thường cho mỗi người 750.000 USD.
Khi đang ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, hai anh em Henry McCollum và Leon Brown cùng bị bắt vì tình nghi có liên quan đến một vụ án mạng man rợ. Sau 31 năm ngồi tù, họ mới được giải oan, kết thúc những tháng ngày sau song sắt cho một tội ác mà mình không hề liên quan.
———————————————-
Kết thúc loạt bài “Những vụ án oan chấn động lịch sử”, mời độc giả đón đọc Cái chết bí ẩn của các ngôi sao nổi tiếng thế giới, vào 4h ngày 1/3/2017.
Theo Danviet
Được minh oan sau 35 năm bị kết tội bắt cóc, hiếp dâm
Vào tù khi mới 19 tuổi, độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, James Bain đã phải mất tới 35 năm sau song sắt với những nỗ lực đấu tranh không mệt mỏi để minh oan cho tội ác bắt cóc và hiếp dâm mà mình không hề thực hiện.
Trong lịch sử ngành tư pháp thế giới, có không ít vụ án oan khiến nhiều người phải lâm vào bước đường cùng, thậm chí trả bằng cả mạng sống. Mảng tối về sự vô trách nhiệm với mạng sống con người của những người nắm quyền sinh sát sẽ phần nào được hé lộ qua loạt bài " Những vụ án oan làm chấn động lịch sử".
James Bain đã phải chờ đợi tới 35 năm để minh oan cho mình
Tối 4/3/1974, một cậu bé 9 tuổi đang ngủ tại nhà riêng ở Lake Wales, bang Florida, thì bỗng một người đàn ông lạ mặt từ đâu đột nhập vào nhà và nhanh chóng kéo cậu ra sân bóng chày. Sau đó cậu bị hung thủ đè xuống đất và cưỡng hiếp.
Tội ác diễn ra quá nhanh khiến cậu không khỏi bàng hoàng khi nhớ lại. Theo mô tả của cậu bé với cảnh sát, hung thủ khoảng 17,18 tuổi, có râu mép và tóc mai rậm rạp. Trong lúc hoảng loạn, cậu mơ hồ nhớ rằng có lúc tên hung thủ cho biết tên của hắn phát âm gần như "Jim" hay "Jimmy" gì đó.
Ngay lập tức, cảnh sát thấy rằng những mô tả này có vẻ rất giống James Bain. Sau khi đã khoanh vùng các đối tượng trong vùng, họ đưa ra 5 bức ảnh để cậu bé này xác định hung thủ, và nạn nhân đã chỉ vào bức ảnh của Bain. Thêm vào đó, trong những nghi can này, chỉ Bain và một người đàn ông khác là có tóc mai.
Cảnh sát lập tức thẩm vấn Bain ngay tại nhà riêng vào nửa đêm ngày 5/3/1974. Bain khẳng định vào thời điểm tội ác diễn ra, anh đang ở nhà xem tivi, người chị của Bain cũng đã đứng ra làm chứng cho lời khai này. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn truy tố Bain với các tội danh trên và đưa ra tòa án xét xử.
Theo phân tích của FBI tại phiên tòa, tinh dịch của hung thủ đã vương lại trên đồ lót của nạn nhân. Tuy nhiên, thời đó những cuộc xét nghiệm ADN chưa phổ biến, thay vào đó, họ kết luận dựa vào nhóm máu.
Một nhà phân tích của FBI sau khi xem xét mẫu tinh dịch đã khẳng định rằng tinh dịch trên đồ lót là của người mang nhóm máu B. Bain thuộc nhóm AB, nhưng theo ông này, yếu tố A trong nhóm máu của Bain rất mờ nhạt, không đủ mạnh so với yếu tố B và do đó không loại trừ khả năng mẫu tinh trùng đó là của Bain. Tuy nhiên, một chuyên gia của lực lượng quốc phòng lại thấy rằng yếu tố A trong máu anh khá mạnh và do đó chắc chắn Bain vô tội.
Mặc dù bằng chứng huyết thanh có sự mâu thuẫn và chứng cứ ngoại phạm của Bain là rõ ràng, thẩm phán vẫn không tin và phán quyết chàng trai 19 tuổi Bain phải chịu án chung thân cho tội trộm cắp, bắt cóc và cưỡng hiếp. Quyết định này phần lớn dựa vào việc nhận dạng của nạn nhân qua những bức ảnh.
Ở trong tù, Bain không lúc nào thôi nghĩ cách minh oan cho mình. Cơ hội cho anh đã đến khi năm 2001, bang Florida thông qua điều luật cho phép mở lại hồ sơ các vụ án trước đây để kiểm tra ADN. Bain đã 4 lần viết đơn xin được thực hiện xét nghiệm này nhưng đều bị từ chối. Không nản chí, Bain viết đơn lần thứ 5 và cuối cùng đã được chấp nhận sau khi một tòa án phúc thẩm phán quyết rằng anh được quyền điều trần.
Với sự trợ giúp của Innocence Project - một tổ chức chuyên bảo vệ những người bị kết án oan sai, Bain cuối cùng được thực hiện phương pháp xét nghiệm ADN. Họ đã gửi mẫu ADN tìm thấy trên đồ lót của nạn nhân năm xưa tới Trung tâm Chẩn đoán ADN. Và kết quả cho thấy Bain hoàn toàn không liên quan đến vụ án này.
Vào ngày 17/12/2009, lệnh thả James Bain ngay lập tức được thực thi. Anh nhận được 1,7 triệu USD từ chính quyền bang Florida cho những oan sai mà mình phải chịu đựng.
Để có được sự tự do này, Bain đã uổng phí mất 35 năm tuổi xuân đằng sau song sắt với những nỗ lực đấu tranh không mệt mỏi cho công lý và sự thật. Vào tù khi đang ở độ tuổi xuân xanh và được công nhận bị oan ở tuổi 54, Bain vẫn không hề tỏ ra trách cứ nạn nhân đã khiến mình phải rơi vào vòng lao lý. "Tôi không giận dữ", James Bain phát biểu sau phiên tòa tại thành phố Bartow, Flordia, "Chúa ở trong tim tôi. Tôi biết có ngày Ngài sẽ minh oan cho tôi".
----------------------------------------------
Mời độc giả đón đọc phần tiếp theo Những vụ án oan chấn động lịch sử, vào 4h ngày 28/2/2017.
Theo Danviet
Bé gái bị tấn công tình dục và bản án oan dậy sóng xã hội Mỹ Cái chết của Leo Frank cách đây hơn 100 năm là một trong những vụ hành hình nổi tiếng nhất lịch sử nước Mỹ. Trong đó, nạn nhân bị kết án dựa trên những bằng chứng thiếu thuyết phục xuất phát từ định kiến với người Do Thái và việc thực thi công lý lại không phải do cơ quan tư pháp thực...