Hành trình cựu trung tá Triều Tiên đào tẩu đến Hàn Quốc
Khi rời khỏi Triều Tiên, cuộc phiêu lưu của trung tá Han bắt đầu theo cách không thể khác thường hơn: Một đường dây buôn lậu đồ lót từ Hàn Quốc.
Năm 2008, đồ lót nằm trong số những mặt hàng thiết yếu bị thiếu hụt ở Triều Tiên và Han, lúc bấy giờ là một trung tá quân đội, đang tìm cách mua đồ lót cho cô con gái ngoài 20 tuổi của mình, Han Ock.
Khi đó, Han được điều tới một doanh nghiệp thuộc quân đội tại Khu công nghiệp Kaesong, nơi các công ty Hàn Quốc tuyển dụng lao động từ Triều Tiên. Khu công nghiệp này từng bị đóng cửa và mở lại nhiều lần, tương đương với từng thời điểm mối quan hệ Hàn – Triều đi xuống hay được cải thiện. Tuy nhiên, vào thời Han làm việc tại đây, nó hoạt động rất mạnh và việc thực thi các quy định thường lỏng lẻo.
Han trên khu đất nơi ông sinh sống cùng gia đình ở huyện Seosan, phía nam Hàn Quốc. Ảnh: SCMP.
“Ban đầu, chúng tôi tuân thủ quy định và tránh xa người đến từ phía Nam. Nhưng tất cả chúng tôi đều là con người và thời gian trôi đi, chúng tôi đã trở nên thân thiết với nhau một cách rất tự nhiên”, Han, 63 tuổi, chia sẻ với SCMP. Ông chỉ sử dụng họ vì sợ ảnh hưởng tới người thân còn ở Triều Tiên.
Cha mẹ của một số binh sĩ dưới quyền Han làm việc trên những cánh đồng nhân sâm nổi tiếng ở Kaesong. Ông đã nhờ họ mang những củ nhân sâm cho mình khi trở về sau kỳ nghỉ phép tại nhà. Han sau đó đổi nhân sâm lấy những đồ dùng thiết yếu hàng ngày từ người Hàn Quốc, bao gồm cả đồ lót.
Ban đầu, Han chỉ đổi nhân sâm lấy một vài bộ đồ lót để gửi về cho con gái ở Bình Nhưỡng, nhưng về sau, ông tăng lên thành vài thùng.
“Con gái tôi bị mê hoặc bởi những món đồ lót thiết kế đẹp, tinh xảo ở Hàn Quốc và con bé khoe chúng với bạn bè. Dần dần, con bé bắt đầu bán đồ lót cho bạn, thu về lợi nhuận rất tốt”, ông kể.
Nhưng không lâu sau, Han Ock, lúc bấy giờ làm y tá cho một bệnh viện quân y, bắt đầu nhận ra cô bị nhà chức trách ở Bình Nhưỡng theo dõi. Cô nhờ bạn trai mình, lái xe cho một sư đoàn trưởng quân đội, đưa cô cùng mẹ và em trai tới biên giới rồi chở họ qua sông Áp Lục vào Trung Quốc.
Lính biên phòng để họ qua các chốt kiểm soát an ninh vì cho rằng trên xe chở gia đình sư đoàn trưởng. Hoàn thành công việc, bạn trai Han Ock trở về Bình Nhưỡng một mình.
Video đang HOT
Gia đình Han đến tỉnh Vân Nam, phía nam Trung Quốc, vượt biên giới sang Lào, cuối cùng đến Thái Lan. Họ liên lạc với Đại sứ quán Hàn Quốc tại đây. Nhưng Han không hay biết tất cả những chuyện trên. Khi trở về nhà vào một ngày tháng 4/2008, ông nhận ra gia đình mình đã biến mất.
Vài tháng sau Han mới nhận được điện thoại từ Han Ock nói với ông rằng cả nhà vẫn sống khỏe ở Seoul.
“Chúng tôi đều biết Hàn Quốc rất thịnh vượng và tôi cũng có ý định tới đó. Cuộc gọi của con gái có ý nghĩa quyết định. Nó thúc đẩy tôi từ bỏ 38 năm binh nghiệp ở Triều Tiên để đào tẩu sang Hàn Quốc”, Han cho hay.
Thời điểm nhận cuộc gọi từ con gái, Han đang giám sát các công nhân Triều Tiên tại một dự án khai thác gỗ ở Nga. Rất nhanh chóng, Han thuê người đưa ông từ Nga qua Trung Quốc rồi sang Thái Lan.
Han xin tị nạn tại Đại sứ quán Hàn Quốc ở Bangkok. Từ đây, ông bay tới Hàn Quốc vào năm 2009 trên một chuyến bay riêng cùng với 29 người đào tẩu Triều Tiên khác.
Sau khi tới sân bay Incheon, ông được phép đoàn tụ trong thời gian ngắn với gia đình trước khi bị cơ quan tình báo thẩm vấn suốt 7 tháng. Ông nhận được 300 triệu won (275.000 USD) vì đã giao nộp cho họ những bí mật quân sự.
Han tiết lộ rằng Triều Tiên đã xây 6 đường hầm xuyên biên giới trước năm 1998 nhằm xâm nhập Hàn Quốc nếu chiến tranh nổ ra. Hàn Quốc đã tìm thấy ba đường hầm, ba tuyến còn lại được phát hiện nhờ thông tin từ Han.
Với số tiền nhận về, Han mua một mảnh đất rộng 9.000 m2 ở huyện Seosan, phía nam Hàn Quốc, nơi ông cùng gia đình định cư, lập nghiệp. Con gái ông đã kết hôn với bạn trai vào năm 2012 sau khi anh này cũng đào tẩu khỏi Triều Tiên cùng mẹ mình.
Han hiện làm việc tại một nhà máy đóng cửa sổ ở Seosan, đồng thời chăm sóc những mảnh vườn trồng bắp cải, thuốc lá, ngô và vừng. Ông còn nuôi gà và cùng gia đình vận hành một nhà máy sản xuất vỏ xúc xích làm từ đậu.
Trường hợp của gia đình Han đặc biệt ở chỗ cả nhà họ cùng tới được Hàn Quốc và ổn định cuộc sống thành công trên miền đất mới, không giống như nhiều người đào tẩu Triều Tiên khác.
Han cùng người thân bên trong nhà máy làm vỏ xúc xích từ đậu của gia đình. Ảnh: SCMP.
Rất nhiều người trong 33.000 người đào tẩu Triều Tiên sống tại Hàn Quốc phàn nàn về tình cảnh nghèo đói, bệnh tật cũng như nỗi cô đơn, nhớ nhà. Một số người cảm thấy bí bách đến mức tìm tới cái chết. Năm ngoái, 8 người Triều Tiên đào tẩu đã tự tử tại Hàn Quốc.
Con gái Han, hiện 32 tuổi, cho cho rằng quyết định đào tẩu sang Hàn Quốc là “đúng đắn”. Nhà máy của gia đình Han ở Seosan trang bị số máy móc có giá trị khoảng 120 triệu won (110.000 USD).
Tại một góc nhà máy, hai người cháu của Han, 7 tuổi và ba tuổi, ngồi quanh lò sưởi, xem hoạt hình trên điện thoại di động.
“Dù vậy, mọi thứ ở đây vẫn rất khác. Họ nói bằng nhiều ngữ điệu khác nhau. Tôi thấy không thoải mái khi một số người Hàn Quốc có định kiến với người Triều Tiên sống tại Hàn Quốc”, Han chia sẻ. “Và việc cho con đi học khá tốn kém”.
Han Ock cho biết cô đã phải chi số tiền lớn để gửi con đến các trường luyện thi toán và tiếng Anh. Đây được cho là việc phải làm đối với những học sinh tiểu học Hàn Quốc nhằm chuẩn bị cho cuộc thi đại học khắc nghiệt trong tương lai.
Ngoại trưởng Triều Tiên 4 tháng không xuất hiện, dấy đồn đoán bị thay thế
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Son-gwon không xuất hiện suốt bốn tháng, dấy lên đồn đoán ông bị thay thế.
Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc đưa tin, Ngoại trưởng Ri Son-gwon đã không xuất hiện trước công chúng kể từ tháng 8. Lần cuối cùng ông Ri xuất hiện công khai là tại một cuộc họp của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên hôm 19/8.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời các quan chức ở Seoul cho biết họ đang "theo dõi sát sao" các diễn biến ở Bình Nhưỡng liên quan tới vấn đề này.
"Vẫn chưa có thông báo chính thức, nhưng chúng tôi sẽ theo sát tình hình liên quan", Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho hay. Bộ này nói thêm rằng ông Ri vẫn đang tiếp tục các hoạt động của mình trong vai trò Ngoại trưởng.
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Son-gwon. (Ảnh: Stripes)
Ông Ri được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Triều Tiên vào tháng 1. Ông nổi tiếng là người cứng rắn trong những cuộc đàm phán liên Triều.
"Ông Ri Son-gwon là nhà đàm phán cứng rắn, không thỏa hiệp và từng rời khỏi phòng họp ngay giữa cuộc đàm phán quân sự với Hàn Quốc năm 2014. Khi đó, phía Hàn Quốc yêu cầu Triều Tiên xin lỗi về những hành động mà Seoul xem là sự khiêu khích quân sự trước đây", một cựu quan chức Hàn Quốc từng gặp ông tiết lộ.
Ở thời điểm đó, việc bổ nhiệm ông Ri được coi là tín hiệu cho thấy Bình Nhưỡng hướng tới chính sách ít hợp tác hơn với Seoul và Washington trong bối cảnh Triều Tiên thất vọng khi các cuộc đàm phán bị đổ vỡ.
Theo Chosun Ilbo, ông Ri - một cựu đại tá quân đội chịu trách nhiệm giám sát các vấn đề liên Triều trước khi ông được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng. Nhưng cách tiếp cận cứng rắn của ông có thể làm suy yếu nỗ lực của Bình Nhưỡng trong việc thúc ép Mỹ nhượng bộ.
Ông Biden từng nhiều lần nhắc tới cam kết phi hạt nhân hóa Triều Tiên bất chấp một số chuyên gia cho rằng đây là một mục tiêu rất khó đạt được.
Cựu Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Kim Hyung-suk cho rằng việc bổ nhiệm ông Ri để thể hiện lập trường cứng rắn của Triều Tiên hơn là quan tâm đến các cuộc đàm phán sâu hơn với Washington.
"Giờ đây, chính quyền khả năng sẽ thay thế ông bằng một người có thể nói chuyện với Mỹ" , ông Kim cho hay.
Trong chiến dịch tranh cử, dù nhiều lần nhắc tới cam kết phi hạt nhân hóa Triều Tiên, ông Biden khẳng định sẽ cứng rắn với Bình Nhưỡng hơn những gì mà ông Trump đã làm.
Dưới thời chính quyền Obama mà ông Biden làm phó Tổng thống, giới chức Mỹ chọn cách tiếp cận "kiên nhẫn", chờ đợi và hy vọng các lệnh trừng phạt sẽ buộc Bình Nhưỡng phải tuân thủ các yêu cầu của Mỹ.
Quốc hội Hàn Quốc thông qua dự luật cấm rải truyền đơn chống Triều Tiên Ngày 14/12, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua dự luật cấm rải truyền đơn chống Triều Tiên qua biên giới liên Triều. Bóng bay có gắn truyền đơn chống Triều Tiên được thả từ thành phố Paju, Hàn Quốc. Ảnh tư liệu: Yonhap/TTXVN Dự luật sửa đổi Đạo luật Phát triển quan hệ liên Triều nghiêm cấm các hành động rải truyền...