Hành trình của 2 ông “cán bộ cấp cao” giả chữ ký thủ tướng, đi xe 80B lừa dự án
Sử dụng dấu “củ khoai” làm giả giấy tờ dự án, cùng 4 chiếc xe công vụ biển xanh tạo vỏ bọc, hai đối tượng Trần Ngọc Quyết (SN 1953, quê ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) câu kết cùng “cấp dưới” Phan Ngọc Thực (SN 1971, ở huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) đã tự gán mác “cán bộ cấp cao của Thủ tướng” để “chạy” dự án cho các doanh nghiệp…
Ảnh minh họa
Gắn mác cán bộ lừa tiền tỷ
Theo hồ sơ vụ án, Trần Ngọc Quyết vốn thất nghiệp, qua một số mối quan hệ, Quyết biết được thực trạng hiện nay nhiều cơ quan, doanh nghiệp đang rất cần vốn để triển khai dự án nên đã chỉ đạo Phan Ngọc Thực (đứng tên lập Công ty TNHH Bạch Diệp để thu hút vốn đầu tư. Qua đó, 2 đối tượng này lập kế hoạch giả danh “chuyên viên cao cấp của Chính phủ” để cùng lừa các doanh nghiệp và dự án đang cần vốn.
Để thực hiện kế hoạch nêu trên, Quyết giả danh là Trưởng ban dự án, còn Thực là cán bộ dự án của Chính phủ. Cặp “bài trùng” này mạnh tay chi tiền mua 4 chiếc xe công vụ biển số xanh 80B và cả lái xe riêng để tạo vỏ bọc lấy lòng tin của đối phương. Ngoài ra, Quyết còn sử dụng dấu giả để làm một số giấy tờ như Giấy chứng nhận cán bộ quản lý dự án, hồ sơ tài liệu về việc thành lập ban quản lý dự án an sinh xã hội cấp Chính phủ. Sau khi đã trang bị đầy đủ, Thực đi hóng tin dự án, chủ yếu là lĩnh vực an sinh xã hội đang “khát” vốn rồi lập danh sách báo lại cho Quyết.
Hai đối tượng Trần Ngọc Quyết ( tay trái) và Nguyễn Ngọc Thực
Video đang HOT
Sau đó, chúng sẽ đến thăm dò “thái độ” của các doanh nghiệp, khi biết chắc “con mồi” có thể cắn câu thì kẻ tung người hứng để làm tròn vai diễn là những cán bộ cao cấp khiến nhiều chủ doanh nghiệp “tin sái cổ”.
Quyết và Thực tự xưng là cán bộ chủ chốt trong Ban quản lý dự án trực tiếp trình Thủ tướng ký giải ngân vốn vay ưu đãi, kể cả nguồn vốn không hoàn lại. Các chủ đầu tư muốn tiếp cận được 2 nguồn vốn nói trên thì đều phải thông qua Quyết và Thực nên chúng gợi ý muốn đi “đường tắt” là phải có tiền “bôi trơn”.
Nghe hai kẻ lừa đảo “nổ”, cùng với giấy chứng nhận, xe biển xanh làm vỏ bọc che mắt, nhiều chủ đầu tư bị “gãi đúng chỗ ngứa” nên không chút nghi ngờ đã đưa hồ sơ, giấy tờ dự án cho chúng “nghiên cứu”. Qua đó, chúng lại nắm thêm được những điểm yếu của doanh nghiệp.
Mặt khác, có trong tay những hồ sơ tư liệu về dự án, 2 đối tượng trên lại quay sang thực hiện kế hoạch “ăn hai mang” gặp gỡ những nhà thầy tiềm năng giới thiệu dự án, đồng thời không quên “nổ” rằng chúng là cán bộ có quyền chỉ định nhà thầu và giải ngân vốn. Những nhà thầu muốn có dự án thi công thì đương nhiên phải có phí “bôi trơn”.
Với những thủ đoạn trên, bọn chúng đã tiếp cận cả chục doanh nghiệp lớn và nhỏ nhằm để “làm tiền” và đã thực hiện trót lọt hàng loạt phi vụ, số tiền lừ đảo lên đến vài chục tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi mất phí “bôi trơn”, một số doanh nghiệp đã vỡ mộng và nhận ra những điểm bất thường từ những cán bộ này, tìm cách xác minh thì biết đã bị lừa đảo nên đã trình báo sự việc tới cơ quan công an.
Nhận được đơn trình báo, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, làm rõ chân tướng 2 “cán bộ cấp cao” nói trên, thu hồi 2 xe ôtô biển xanh, các máy móc, thiết bị, con dấu giả có liên quan.
Cán bộ ở “chui”, đỗ xe “lậu”
Theo tìm hiểu, để thực hiện hành vi lừa đảo, che giấu thân phận và lấy địa điểm giao dịch, 2 đối tượng trên rất tinh vi khi chọn thuê ở các chung cư cao tầng. Đặc thù những chung cư này là nơi người ra vào tự nhiên ít bị kiểm soát.
Tại chung cư trên đường Minh Khai (Hà Nội) nơi đối tượng Quyết tạm trú, theo Tổ trưởng tổ dân phố tại tòa nhà cho biết, từ khi tới thuê nhà, Quyết không khai báo tạm trú. Ngoài việc đi xe biển xanh, Quyết tạo vỏ bọc bằng cách ăn nói ra vẻ là người có địa vị, khoe khoang là cán bộ Trung ương và đặc biệt là người nhà của một vị Phó Thủ Tướng để ra oai và khiến mọi người trong khu nhà nể phục. Tuy nhiên, vị “cán bộ cấp cao” này đi về rất bí ẩn, lúc thì 3-4 người về cùng, lúc thì ở cùng một cô gái trẻ giới thiệu là vợ.
Tại khu chung cư ở trên đường Pháp Vân (Hà Nội). Thực cũng dập khuôn lối sống giống với “cấp trên” của mình. Tại nơi thuê nhà, Thực cũng giới thiệu là cán bộ Trung ương, có lái xe riêng, đi xe biển xanh nhưng phong cách sinh hoạt lại có nhiều điểm không đàng hoàng. Cụ thể, Thực không thuê chỗ đỗ xe mà nhiều lần đỗ không đúng nơi quy định. Khi bị bảo vệ trông giữ xe nhắc nhở vì tội đỗ “lậu”, Thực lại đỗ chiếc xe biển xanh chình ình ở sân chơi của các cháu thiếu nhi. Có lúc hai ba chiếc xe biển xanh đến đỗ cùng lúc. Căn hộ Thực sinh sống thì tuềnh toàng chỉ có vài vật dụng kê tạm sơ sài. Chính lối sống có một phần thiếu sang trọng ấy của Thực làm người dân trong tòa nhà nghi ngờ vị cán bộ cấp cao này.
Đặc biệt, có dịp Tết Trung thu vừa qua, mọi người trong tòa nhà tổ chức cho các cháu thiếu nhi phá cỗ. Đúng lúc đó Quyết đi xe biển xanh về đỗ chình ình vào sân chơi đang làm sân khấu phá cỗ cho các cháu. Bị người dân nhắc nhở, Quyết cậy mình làm “quan lớn” nên còn to mồm hạnh họe lại mọi người. Chỉ khi cơ quan công an ập vào bắt giữ hai đối tượng trên thì người dân mới vỡ lẽ là kẻ lừa đảo có hạng.
Vụ việc nêu trên cho thấy hoạt động tội phạm ngày càng tinh vi và bất chấp luật pháp. Nhưng nó còn chỉ ra một mặt trong lối hoạt động đầu tư, xây dựng dự án. Vì lợi ích trước mắt không ít doanh nghiệp chấp nhận đi “cửa sau” để có được dự án.Từ đó sẽ tạo thành “miếng bánh” cho những kẻ cơ hội lợi dụng “làm tiền” và tội phạm hoạt động. Đây có thể coi là bài học không nhỏ cảnh tỉnh cho các chủ đầu tư, các nhà thầu trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó lường của các loại tội phạm.
Theo Câu Chuyện Pháp Luật
Giả chữ ký Thủ tướng Chính phủ, lừa đảo gần 100 tỷ đồng
Với những tập hồ sơ, tài liệu được làm giả con dấu và chữ ký của Thủ tướng Chính phủ, chỉ trong vòng vài tháng, Quyết và Thực đã lừa đảo, chiếm đoạt gần 100 tỷ đồng của các doanh nghiệp.
Theo hồ sơ vụ án, Trần Ngọc Quyết, SN 1953, trú tại Liễu Đề, Nghĩa Hưng, Nam Định, hiện sống tại Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội, vốn làm nghề tự do nên luôn trong tình trạng túng thiếu. Để có tiền, Quyết cấu kết với Phan Ngọc Thực, SN 1971, trú tại Thị trấn Tam Sơn, Quản Bạ, Hà Giang, hiện là Giám đốc Công ty TNHH Bạch Diệp, hiện đang tạm trú tại phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội, để cùng thực hiện các phi vụ lừa đảo tiền tỷ.
Đối tượng Quyết (trái), Thực (phải)
Sau khi cùng bàn bạc, Quyết nhận nhiệm vụ làm giả các giấy tờ như: Giấy chứng nhận cán bộ quản lý dự án, Hồ sơ tài liệu về việc thành lập ban quản lý dự án An sinh xã hội, các giấy tờ, con dấu giả của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng... trong khi đó, Thực nhận nhiệm vụ đi các tỉnh khảo sát, tìm các dự án đang cần huy động vốn rồi báo lại cho Quyết.
Giấy tờ giả của Phan Ngọc Thực được làm giả có con dấu và chữ ký giả của Thủ tướng Chính phủ giống... y như thật
Nắm được thông tin, Quyết và Thực cùng nhau đi mua lại 4 chiếc xe ô tô BKS 80B để thuận tiện trong việc đi lại, và đánh lừa các bị hại. Sau đó, hai "siêu lừa" này đến tìm các chủ đầu tư, Quyết giới thiệu là Trưởng ban dự án của Chính phủ, còn Thực là cán bộ dự án. Với chức năng, quyền hạn của một Trưởng ban dự án, Quyết có thẩm quyền phê duyệt dự án và trình Thủ tướng Chính phủ ký giải ngân nguồn vốn vay quốc tế (vốn ODA) hỗ trợ không hoàn lại.
Khi đã tạo được lòng tin, Quyết và Thực yêu cầu chủ đầu tư hối lộ tiền để Quyết làm thủ tục giải ngân. Mặc khác, hai đối tượng này đến gặp các nhà thầu, đề nghị các nhà thầu xây dựng muốn tham gia dự án phải đưa tiền cho Quyết và Thực để được ưu tiên.
Với hàng loạt các hồ sơ, tài liệu, giấy tờ được làm giả... y như thật, cho đến khi bị bắt, hai đối tượng đã lừa đảo gần 100 tỷ đồng của các bị hại.
Nhận được đơn trình báo, Đội điều tra hình sự - CAQ Hoàng Mai, Hà Nội, đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, làm rõ thủ phạm, đồng thời thu hồi 2 xe ô tô "biển xanh", các máy móc, thiết bị có liên quan: 1 máy tính xách tay, 1 máy in màu, 2 máy in đen trắng, 1 máy scan, 2 con dấu vuông, các loại tài liệu giả danh Ban Quản lý dự án của Chính phủ, các Quyết định giả, tờ trình, danh sách nhân sự, tài liệu giả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ... liên quan đến 35 dự án trên toàn quốc.
Đây có thể coi là bài học cảnh tỉnh cho các chủ đầu tư, các nhà thầu trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó lường của các loại tội phạm.
Theo An Ninh Thủ Đô
Nữ quái lừa đảo hơn 20 tỷ đồng Hà giả chữ ký của nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn Tây Ninh để lừa đảo chiếm đoạt của hàng chục người với số tiền hơn 20 tỷ đồng. Ngày 2/11, Công an tỉnh Tây Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Dương Thị Hà (36 tuổi, ngụ Tân Châu, Tay Ninh) về hành vi lừa đảo chiếm...