Hành trình bao phủ vaccine ở một trong những vùng khắc nghiệt nhất thế giới
Vào một buổi sáng lạnh giá, gió mạnh thổi tuyết bay khắp không trung, tại một ngôi làng trên dãy Himalaya ở vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, nhân viên y tế trẻ tuổi Masrat Farid đã đặt những lọ vaccine vào túi để chuẩn bị cho hành trình của mình.
Masrat Farid cầm túi đựng vaccine đi bộ trên cánh đồng tuyết ở Gagangeer, phía đông bắc Srinagar, Kashmir. Ảnh: AP
Theo hãng tin AP, Farid là thành viên của nhóm nhân viên y tế thực hiện chiến dịch tiêm phòng COVID-19 tại nhà cho thanh thiếu niên và tiêm mũi tăng cường cho người cao tuổi ở các ngôi làng hẻo lánh trong vùng Kashmir, nơi có khí hậu vô cùng khắc nghiệt.
“Chúng tôi phải chiến đấu chống lại các ca lây nhiễm. Chúng tôi phải tiếp tục đi”, Farid nói khi băng qua lớp tuyết cao tới đầu gối ở Gagangeer, một ngôi làng nằm giữa rừng.
Nhân viên y tế đi bộ trên con đường phủ đầy tuyết trong chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 ở Budgam, phía tây nam Srinagar, Kashmir. Ảnh: AP
Farid và các đồng nghiệp đã tiêm chủng cho hàng nghìn người trong năm ngoái, chủ yếu là người dân sinh sống ở những ngôi làng xa xôi, chỉ có thể tiếp cận được bằng cách đi bộ đường dài qua những vùng núi hiểm trở. Nhưng cái lạnh thấu xương và địa hình khắc nghiệt nơi đây không phải là trở ngại duy nhất đối với họ. Một số cư dân ở đây vẫn do dự tiêm chủng và có được sự tin tưởng của họ còn khó hơn là vượt qua mùa đông khắc nghiệt ở Himalaya.
“Hầu hết các cô gái trẻ đều do dự tiêm chủng. Họ bị ảnh hưởng bởi những thông tin sai lệch và không tin tưởng vào vaccine”, Farid nói trong đợt tiêm chủng gần đây ở một ngôi làng trên núi phủ đầy tuyết. Cô chia sẻ rằng nhiều người tin vào lời đồn vaccine COVID-19 ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, thậm chí là gây vô sinh. “Chúng tôi không chỉ tiêm chủng cho người dân, mà còn phải nâng cao nhận thức của họ về tầm quan trọng của vaccine để có được lòng tin từ họ”, cô cho biết.
Một cô gái trẻ ở Kashmiri được tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: AP
Video đang HOT
Trong đợt tiêm chủng mới bắt đầu từ tháng này, các nhân viên y tế sẽ triển khai tiêm vaccine cho thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15-18 và tiêm nhắc lại cho những người trên 60 tuổi có vấn đề về sức khỏe. Các mũi vaccine tăng cường, được các quan chức y tế Ấn Độ coi là liều “phòng ngừa”, đang được cung cấp cho nhóm nguy cơ cao, những người đầu tiên được tiêm vacicne vào năm ngoái và khả năng miễn dịch của họ có thể đang suy yếu.
Không giống như năm trước, khi nhiều người dân địa phương phản đối tiêm chủng vì lo sợ tác dụng phụ nghiêm trọng của vaccine, quan chức y tế Jaffar Ali cho biết thách thức hàng đầu trong chiến dịch tiêm chủng năm nay là thời tiết khắc nghiệt.
Jaffer Ali, nhân viên chăm sóc sức khỏe, nói chuyện với Ghulam Yousaf Mir sau khi tiêm mũi tăng cường Covishield cho anh. Một người họ hàng của Ghulam đã từ chối tiêm phòng. Ảnh: AP
Nhân viên y tế Masrat Farid đang chuẩn bị tiêm liều vaccine tăng cường cho ông Ghulam Hassan. Ảnh: AP
Dù vậy, theo dữ liệu chính thức, cho đến nay, đã có trên 72% người trong tổng số 14 triệu dân đủ điều kiện của khu vực đã được tiêm vaccine. Để đạt được thành tựu này, các nhân viên y tế đã không ngại khó khăn đi bộ dường dài đến một số ngôi làng bị chia cắt khỏi các thị trấn do tuyết rơi dày đặc. Tại làng Khag nằm sâu trong rừng, nơi cư dân chủ yếu là các bộ tộc sống trong những ngôi nhà làm từ bùn, đá hoặc gỗ, hầu hết mọi người đã được tiêm vaccine.
Cụ Arsha Begum, một phụ nữ mù lớn tuổi, đã bày tỏ lòng biết ơn khi đội ngũ y tế đến thăm nhà và tiêm mũi vaccine tăng cường tại nhà cho cụ. “Tôi đã không thể đến bệnh viện trong thời tiết khắc nghiệt này. Tôi vô cùng biết ơn họ”, cụ bà nói.
Các nhân viên y tế đi trên con đường phủ dày tuyết ở Budgam, phía tây nam Srinagar, Kashmir. Ảnh: AP
Bà Arsha Begum, một người cao tuổi được tiêm vaccine Covishield tại nhà: Ảnh: Ảnh AP
Chiến dịch tiêm chủng thành công ở các ngôi làng hẻo lánh trên dãy Himalaya
Dù nằm ở khu vực hẻo lánh có địa hình hiểm trở, bang Himachal Pradesh hồi đầu tháng này đã trở thành nơi đầu tiên ở Ấn Độ tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng bệnh COVID-19 cho tất cả người trưởng thành.
Nhân viên y tế Bimla Thakur, 56 tuổi, đi bộ xuyên núi để tiêm phòng cho người dân ở các ngôi làng hẻo lánh. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters (Anh), nằm sâu trong dãy Himalaya, làng Malana ở bang Himachal Pradesh (Ấn Độ), được bao quanh bởi những vách đá dựng đứng và những sườn núi hiểm trở. Để đến được ngôi làng này, nhóm các nhân vien y tế đã phải băng qua khu vực vừa xảy ra lở đất một ngày trước đó, đi bộ trên những con đường ngổn ngang sỏi đá suốt 3 giờ đồng hồ.
Địa hình dốc là một trở ngại khiến các y bác sĩ phải đi bộ hàng giờ, thậm chí hàng ngày để đến các ngôi làng hẻo lánh ở bang Himachal Pradesh giúp tiêm vaccine cho người dân. Ngoài ra, niềm tin tôn giáo cũng là một thách thức đối với việc vận động người dân nơi đây đi tiêm chủng. Song bang chủ yếu phụ thuộc vào du lịch này đã miễn dịch cho khoảng 5 triệu người trưởng thành
Các nhân viên y tế phải đi bộ hàng giờ để tiêm phòng cho người dân ở các ngôi làng hẻo lánh trên dãy Himalaya. Ảnh: Reuters
Ngày 14/9, một nhóm các nhân viên y tế gồm 5 người, do bác sĩ Atul Gupta, cán bộ y tế quận dẫn đầu, đã lên đường đến Malana để tiêm mũi vaccine thứ 2 cho người dân. Những đống đổ nát sau trận lở đất khiến họ phải dừng xe, mang theo 2 hộp vaccine trên vai và đi bộ đến lối đường mòn dẫn tới ngôi làng hẻo lánh.
Trước khi đến làng Malana, Gupta và nhóm của ông đã phải đặt những thùng đựng vaccine vào một chiếc giỏ gắn với ròng rọc, dùng dây cáp để chuyển vaccine từ đường mòn qua hẻm núi đến ngôi làng. Điều này giúp các nhân viên y tế dễ dàng di chuyển khi phải vượt hẻm núi dốc khoảng 100 mét mới đến được điểm tiêm chủng.
Bộ dụng cụ y tế và hộp đựng COVISHIELD, được vận chuyển trên một xe đẩy dây thừng đến làng Malana. Ảnh: Reuters
Ông Gupta cho biết hồi tháng 8, để thuyết phục 1.100 người dân Malana tiêm mũi vaccine đầu tiên, giới chức đã phải nhờ các nhà sư cầu nguyện một vị thần Hindu ở địa phương. Điều này giúp người dân yên tâm để các nhân viên y tế có thể khám chữa bệnh cho họ.
Nhân viên y tế mang theo bộ dụng cụ y tế và một thùng đựng vaccine để tiêm phòng cho người dân ở các ngôi làng hẻo lánh trên dãy Himalaya. Ảnh: Reuters
Khi nhóm y bác sĩ đến ngôi làng, gần 30 người dân đã hoàn thành tiêm mũi vaccine đầu tiên, đã xếp hàng chờ được tiêm mũi thứ 2 ở ngay đối diện một ngôi đền cổ kính.
Ngồi cạnh bức tường gỗ chạm khắc trong ngôi đền, trưởng làng Rajuram cho biết: "Ban đầu, mọi người rất sợ hãi khi tiêm vaccine, họ sợ rằng sẽ ốm hoặc chết. Sau đó tôi đã làm gương tiêm vaccine và khuyến khích mọi người cùng tiêm chủng".
Giám đốc Y tế Jai Ram Thakur của bang Himachal Pradesh đã ca ngợi chiến dịch tiêm chủng thành công ở khắp tiểu bang. Ông cho rằng thành công này là nhờ sự phối hợp chặt chẽ của giới chức địa phương và việc thúc đẩy ưu tiên tiêm chủng tại các điểm nóng du lịch của chính phủ.
Kamla Devi, 58 tuổi, một nhân viên y tế, tiêm vaccine phòng COVID-19 cho một người dân trong làng. Ảnh: Reuters
Ấn Độ đặt mục tiêu tiêm chủng cho hầu hết tất cả người trưởng thành vào tháng 12 tới. Cho đến nay, nước này đã tiêm ít nhất một mũi vacine cho 2/3 dân số và tiêm đủ 2 mũi vaccine cho gần 1/4 dân số. Ông Thakur hy vọng Himachal Pradesh sẽ trở thành bang nhanh nhất đạt được cột mốc tiêm đủ 2 mũi vaccine cho tất cả người dân vào tháng 11 tới.
Toàn thế giới đã ghi nhận 222,9 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 8/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 222,9 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó 4,6 triệu người không thể qua khỏi do COVID-19 mà virus này gây ra. Số bệnh nhân bình phục hiện đã lên tới 199,49 triệu người. Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN Châu...