Hành trình 6 tháng bè tre Việt Nam vượt Thái Bình Dương
Hơn 20 năm trước, một chiếc bè tre của Việt Nam được đóng tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã cùng các nhà thám hiểm nước ngoài vượt 5.500 dặm qua Thái Bình Dương. Hành trình kéo dài hơn 6 tháng trên biển cho thấy sức mạnh vươn ra biển lớn của ngư dân Việt Nam.
Người Việt Nam duy nhất cùng tham gia hành trình vượt Thái Bình Dương bằng bè tre là ông Lương Viết Lợi (SN 1959), phường Trường Sơn, TX Sầm Sơn (Thanh Hóa). Dân trí đã có dịp gặp gỡ và giới thiệu “người Việt Nam duy nhất trên chiếc mảng vượt Thái Bình Dương” tới độc giả.
Hôm nay Dân trí gửi tới độc giả những hình ảnh của hành trình “vĩ đại” đó, được nhà thám hiểm Tim Severin ghi lại từ khi bắt đầu cho tới khi kết thúc, kéo dài trong hơn 6 tháng:
Năm 1992, ông Tim Severin (SN 1940) là nhà du hành, nhà sử học, nhà văn người Anh. Ông nổi tiếng với những chuyến du hành theo chân các nhân vật lịch sử và được nhiều giải thưởng lớn đã đến Việt Nam tìm hiểu về nghề đi bè mảng sau đó chọn Sầm Sơn để làm chiếc bè bằng tre cho cuộc hành trình thám hiểm mới của mình.
Chiếc bè bằng tre thử nghiệm do những ngư dân Sầm Sơn đóng được đưa xuống biển chạy thử ngay sau đó thời gian ngắn.
Các ngư dân Sầm Sơn đang đóng bè thử nghiệm theo ý của ông Tim, bè được làm bằng tre luồng, buộc bằng nguyên liệu tự nhiên (dây mây).
Để kiểm tra độ nổi của chiếc bè, Tim Severin đã cho hàng chục ngư dân ngồi lên bè rồi làm cho bè nghiêng để biết độ lật của chiếc bè.
Sau khi thấy khả quan, ông Tim Severin đã quyết định chính thức làm một chiếc bè bằng tre luồng thực hiện hành trình vượt Thái Bình Dương. Chiếc bè được làm từ hơn 550 thân cây luồng, do hơn 100 ngư dân Sầm Sơn đóng. Bè được buộc hoàn toàn bằng những thân cây mây và không có bất cứ một chiếc đinh sắt nào. Trong ảnh: các ngư dân Sầm Sơn đang đóng chiếc bè.
Video đang HOT
Sau hơn 6 tháng, chiếc bè đã hoàn thành và được làm lễ hạ thủy ngay dưới chân đền Độc Cước, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa vào ngày 16/3/1993.
Những cánh buồn của chiếc bè được đặt làm tại xã Hà Nam, huyện Yên Hưng, Quảng Ninh nơi nổi tiếng với nghề làm thuyền buồm và có nhiều kinh nghiệm với việc chế tạo những cánh buồm này.
Sau khi hoàn thành các công đoạn tại Việt Nam, chiếc bè được đưa sang Hồng Kông, Đài Loan rồi sang Nhật để đưa đến vùng bờ biển phía bắc, bắt đầu chuyến hành trình vượt Thái Bình Dương.
Những thành viên trong đoàn thám hiểm: Ông Tim Severin làm thuyển trưởng, lái trưởng là ông Lương Viết Lợi – người duy nhất của Việt Nam trên chuyến hành trình vượt Thái Bình Dương. Ngoài ra còn có 1 bác sĩ và hai vận động viên du thuyền trên chuyến hành trình.
Từ bờ biển Hokkaido phía bắc Nhật Bản, chiếc bè mảng Sầm Sơn bắt đầu cuộc hành trình vượt Thái Bình Dương, trực chỉ vào vùng biển San Francisco miền Tây nước Mỹ.
Trên chiếc bè được làm bằng tre có trang bị đầy đủ các hệ thống thông tin liên lạc, lương thực, nước uống và phòng ngủ cho các nhà thám hiểm và phi hành đoàn. Trong ảnh: Các nhà thám hiểm cùng phi hành đoàn ăn cơm trên bè khi đang lênh đênh trên đại dương.
Để cải thiện bữa ăn, các thành viên trên bè đã làm một chiếc cung và chiếc lao tự chế để săn cá biển trên đường đi.
Mỗi ngày, thuyền trưởng Tim Severrin liên lạc về với đất liền một lần để thông báo hành trình trên biển của đoàn thông qua hệ thống thông tin liên lạc bộ đàm và radar.
Chuyến hành trình hơn 6 tháng vượt qua 5.500 dặm trên Thái Bình Dương đoàn đã gặp rất nhiều những mối nguy hiểm như: bị dòng hải lưu Kuroshio cuốn trôi, gặp cướp biển, những cơn bão lớn,… Trong ảnh: Trưởng đoàn Tim Severin bị gãy 2 chiếc xương sườn do va đập phải nằm cấp cứu ngay trên bè.
Ông Lợi nhớ lại: “Khi chiếc bè chỉ còn cách bờ biển bang California khoảng 1.000 hải lý thì một số thanh luồng bên hông bè bị bong ra, ông Tim hỏi tôi theo kinh nghiệm bè có đi tiếp được không? Tôi bảo: nếu chỉ còn 1000 dặm nữa thì bè có thể đi tốt, nhưng lúc này nghe tin sắp có bão lớn nên ông Tim đã quyết định cho dừng chuyến hành trình, sau đó chúng tôi lên một chiếc tàu hàng của Nhật Bản trở về Tokyo. Khép lại cuộc hành trình hơn 6 tháng”.
Hơn 20 năm xa cách sau chuyến vượt Thái Bình Dương, ngày 2/4/2014, ông Lương Viết Lợi đã được gặp lại thuyền trưởng, nhà thám hiểm Tim Severin tại TP. Hồ Chí Minh.
Ông Lương Viết Lợi cùng chiếc chăn kỷ niệm có chữ ký của ông Tim Severin còn giữ lại được sau chuyền hành trình 20 năm về trước.
Thái Bá
Theo dantri
Cuốn sách cổ khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam
Một cuốn sách được cho là bản viết tay sớm nhất của triều Nguyễn, trong đó có phần bản đồ khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đang được một gia đình tại Thanh Hóa lưu giữ qua nhiều đời.
Bản sách cổ có tên "Khải đồng thuyết ước" được gia đình anh Văn Như Mạnh, ở khu phố Sơn Hải, phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa lưu giữ hàng trăm năm qua.
Anh Mạnh giới thiệu về cuốn sách quý mà gia đình anh đang lưu giữ.
Theo anh Mạnh thì đây là cuốn sách do Tiến sỹ Ngô Thế Vinh, người thuộc Bái Dương, Nam Trực, Nam Định viết vào năm 1841 và đến năm 1853 thì xong. Cuốn sách được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm và dùng để phổ cập giáo dục thời bấy giờ.
Chủ đề của cuốn sách viết về con người, sông núi, vị trí các tỉnh thành và biển đảo... của Việt Nam. "Cuốn sách này được các nhà khoa học đánh giá là bản sách viết tay sớm nhất triều Nguyễn, là tài sản quý của quốc gia. Cuốn sách được ông cụ cách tôi 4 đời dạy học thời triều Nguyễn đem về dạy học cho trẻ", anh Mạnh cho biết.
Sau khi ông cụ mất, cuốn sách được để lại ở nhà tổ và sau nhiều năm không được để ý đến và bản thân anh Mạnh lúc đầu cũng không biết là sách gì. Năm 2012, anh Mạnh phá nhà làm lại thì thấy cuốn sách trong chồng sách cũ của gia đình và có giở ra thì anhh ngạc nhiên khi nhìn thấy bản đồ địa quốc viết bằng chữ Hán.
Trong một lần ngồi trò chuyện với cán bộ Thị ủy Sầm Sơn, anh Mạnh đem câu chuyện về việc gia đình có lưu giữ một cuốn sách cổ trong đó có bản đồ địa quốc. Theo anh Mạnh thì sau đó, nhiều đoàn cán bộ cũng đã về trực tiếp tại gia đình anh để tiếp cận và thẩm định nội dung bên trong cuốn sách. Gia đình anh Mạnh cũng đã làm bản cam kết cùng Công an thị xã và các cấp chính quyền về việc bảo vệ tài sản quốc gia.
Sách "Khải đồng thuyết ước" là sách giáo khoa dạy cho học sinh cấp tiểu học bấy giờ. Đây là bản chép tay nhưng ghi rất đầy đủ toàn bộ nội dung cũng như lời tựa. Bản sách này viết bằng chữ Hán, không có phần dịch ra chữ Nôm. Sách gồm 37 tờ viết hai mặt, được viết trên giấy gió, chữ viết còn rất rõ, dễ đọc.
Điều đáng nói nhất trong tập sách này là tấm bản đồ với tên gọi Bản quốc địa đồ. Tên gọi của bản đồ và vị trí các tỉnh thành thể hiện trên bản đồ trong tập sách này cũng giống như trong các bản sách "Khải đồng thuyết ước" đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Trong đó, đáng chú ý nhất là phần Hoàng Sa và Trường Sa cũng được ghi trên tấm bản đồ này. Xung quanh ký hiệu về Hoàng Sa và Trường Sa có vẽ thêm những chấm tròn nhỏ. Có thể hiểu những dấu chấm tròn nhỏ này như những đảo nhỏ xung quanh. Dưới phần ghi Hoàng Sa và Trường Sa có ghi hai chữ là quốc nội.
Hiện bản sách quý này vẫn đang được gia đình anh Mạnh bảo quản và lưu giữ cẩn thận. Anh Mạnh mong muốn các cấp có chính sách phù hợp để anh giao nộp lại cuốn sách cho Nhà nước làm tài liệu, chứng cứ về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Duy Tuyên
Theo dantri
Tặng sách luật biển cho ngư dân Để khích lệ tinh thần các ngư dân trẻ vươn khơi bám biển, đại diện Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã gặp gỡ, chia sẻ những khó khăn và tặng sách Luật biển cùng nhiều món quà ý nghĩa cho các ngư dân Thanh Hóa. Chiều 19/5, tại xã Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa), anh Nguyễn Long Hải...