Hành trình 17 năm trốn nã của ‘đại ca Bưởng vàng’
Ngày 3/10/1997, tại bãi vàng Nước Nác (thôn 4, xãTrà Bui, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) đã diễn ra cuộc chiến đẫm máu giữa 28 đối tượng là đại ca, đầu gấu gianh hồ.
Đối tượng bị truy nã Vũ Đức Thắng
Đây là cuộc chiến giữa các đại ca, đầu gấu của các băng nhóm đào đãi vàng trái phép, khiến 1 người chết, hàng chục người bị thương. Đến nay, 27 đối tượng đã bị xét xử và thi hành án, riêng tên Vũ Đức Thắng (SN 1965, ngụ tại phường Quang Trung, TP.Thái Nguyên), đối tượng duy nhất còn lại đã bỏ trốn và bặt vô âm tín cho đến ngày 11/3/2014 thì bị lực lượng cảnh sát truy nã tội phạm của Công an tỉnh Quảng Nam bắt giữ.
Cuộc chiến giữa các đại ca bãi vàng
Đầu năm 1997, tại bãi vàng Nước Nác có hàng chục băng nhóm đào đãi vàng ở khắp nơi đỗ về. Một số băng nhóm đình đám ở “xứ sở vàng” do các đại ca cầm đầu như Đỗ Duy Lệ (Nam Định), Vũ Đức Thắng (Thái Nguyên), Lê Xuân Thu, Ngô Thu Sương (Quảng Nam)… Trong quá trình đào đãi vàng tại đây, do tranh giành lãnh địa nên giữa các băng nhóm này thường xảy ra mâu thuẫn. Trong đó, nhóm của Đỗ Duy Lệ oai hùng nhất. Để thống lĩnh các bưởng vàng, Lệ thường câu kết với các chủ lán khác như Lưu Văn Luận, Lưu Văn Thanh (Thái Nguyên), Hoàng Văn Sỹ (Hà Tĩnh), Ngô Văn Chiến, Nguyễn Văn Minh… chuyên dùng hung khí như dao, mã tấu, kiếm, để uy hiếp, cướp bóc tài sản của các lán trại khác. Khi thấy băng nhóm nào khai thác được bột đá (còn gọi là sái, có chứa vàng chưa xử lý), Lệ thường đến tìm cách “phạt” để thu bột đá rồi đưa đi phân kim, bán để tiêu xài.
Đầu tháng 8/1997, Hoàng Văn Sỹ phát hiện 3 đống bột đá của Lê Xuân Thu khai thác để tại bãi Nước Nác bèn kể cho Lệ nghe. Lệ liền cùng Sỹ, Luận, Thanh, Chiến, Minh… mang hung khí đi cưỡng đoạt. Đến nơi, Lệ cắm thánh giá vào đống bột đá của Thu và dõng dạt tuyên bố: “Chỗ nào có thánh giá là chỗ đó của tao!”. Mặc dù rất tức nhưng do yếu thế nên Thu đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, để yên cho Lệ lấy gọn 90m3 bột đá (trị giá khoảng 27 triệu đồng) mà mình vừa bỏ bao công sức đưa từ dưới đáy hầm lên.
Chưa dừng lại đó, cuối tháng 8/1997, Lệ lại bảo Luận, Thanh, Chiến, Minh, Sỹ đi cùng với mình đến chiếm đoạt 8m3 bột đá mà Thu vừa khai thác được. Lần này, Thu nhất quyết không cho. Dù vậy, Lệ cùng 16 tên đàn em dùng dao, rựa, búa, gậy, kẻ đứng canh, người nhào vào hốt sạch đống bột đá của Thu. Lần đó, bọn của Lệ phân kim bột đá được 15 chỉ vàng rồi chia nhau tiêu xài.
Giữa tháng 9/1997, anh Phạm Anh Tuấn và Nguyễn Xuân Kỳ (người Lâm Đồng) đang đứng ở máy xay đá của mình thì bất ngờ phát hiện một số tên lạ mặt đột nhập và lấy đi 2 máng thủy ngân đang lọc vàng bột của mình chạy về hướng lán của Cao Trọng Tiến (một đồng bọn của Lệ). Thấy thế, anh Kỳ liền cầm một viên đá ném về phía những người lấy trộm máng thủy ngân, tuy nhiên viên đá lại trúng vào lán của Tiến. Đang ngủ. Nghe có tiếng động nên Tiến thức giấc, cầm mã tấu và đèn pin chạy ra khỏi lán. Thấy Tuấn, Kỳ đang nhìn về lán của mình, nghi 2 người họ ném đá nên cất tiếng hỏi: “ Sao tụi mầy lại ném đá?”. Không để Tuấn, Kỳ trả lời, Tiến liền đi đến rút 2 máng thủy ngân còn lại ở máy xay của Tuấn, Kỳ và đưa mã tấu kề vào cổ của Kỳ bắt về lán của mình.
Tại đây, Tiến tiếp tục đánh Kỳ và giữ lại không cho ra về. Khoảng 4 giờ sau, Kỳ nhờ một số người hành nghề cõng chuyến báo với Mạnh, Tuấn đến gặp Tiến van xin giúp. Khi đến, Tiến yêu cầu nộp phạt 2 triệu đồng mới thả cho Kỳ về. Không còn cách nào khác, Tuấn, Kỳ, Mạnh đành phải cắn răng lạy lục, van xin nhiều lần thì Tiến mới hạ giá xuống còn 500.000 đồng. Khi Tuấn giao nộp đầy đủ số tiền theo yêu cầu thì Tiến mới cho Kỳ ra và trả lại 2 máng thủy ngân.
Đến 15h ngày 22/9/1997, Lệ đến lán của Trịnh Thị Hòa (người yêu của Lệ) thì bắt gặp Ngô Thu Sương cùng một số người khác chơi bài. Lệ liền dùng cây đánh Sương với mục đích cướp tiền. Biết Lệ là tên cướp khét tiếng nên những người chơi bài đều bỏ chạy. Lệ ung dung lật chiếu lấy tiền của các con bạc để lại. Chưa thỏa lòng tham, Lệ thọc tay vào túi áo của Sương lấy đi 700.000 đồng. Sau đó, Lệ đánh đuổi Sương ra khỏi lán.
Video đang HOT
Ra khỏi lán của Hòa, Sương chạy thục mạng về lán của mình kể cho mọi người nghe rằng mình bị Lệ cướp 1,4 triệu đồng. Trưa ngày 25/9, Lệ nghe tin Sương nói mình lấy 1,4 triệu đồng, nhiều gấp đôi số tiền thực tế đã lấy nên cầm búa và rủ Thanh, Luận, Sỹ, Minh, Chiến đi tìm Ngô Thu Sương để “tính sổ”. Sau khi đánh Sương, Lệ cho đàn em trói Sương đưa về lán của Lệ. Khi Sương van xin thì Lệ bắt Sương phải “bồi thường danh dự” cho mình bằng cách viết giấy nợ Lệ 10 cây vàng và hẹn đến này 5/10 Sương phải trả đủ số vàng trên cho Lệ.
Bị dồn vào đường cùng, không thể nhịn nhục được nữa nên Sương rủ Vũ Đức Thắng, Lê Xuân Thu, Trần Duy Nhất và các chủ lán khác hợp sức lại chống trả lại băng nhóm của Lệ. Sau khi hạ quyết tâm phục hận, các đại ca giang hồ phân công nhiệm vụ cho từng người một. Thu có nhiệm vụ vẽ sơ đồ, vị trí các lán của Lệ, Tiến, Duấn. Những người khác được phân công liên hệ các nhóm đào đãi vàng khác để xin quân chuẩn bị cho trận đánh. Đến chiều 2/10, băng nhóm của Thu đã tập hợp được gần 100 tên. Sau khi tập hợp được lực lượng, Thu lấy giấy có vẽ sẵn sơ đồ vị trí các lán của đối phương để chỉ cho đồng bọn cách thức tấn công.
Về thời điểm tấn công, băng nhóm của Thu thống nhất vào khoảng 3-4h ngày 3/10 bởi đây là thời điểm mà bọn của Lệ ngủ say do hút thuốc phiện. Về hung khí thì bọn chúng chuẩn bị quả nổ, mã tấu, dao, gậy, kiếm. Thu được giao nhiệm vụ dùng quả nổ để mở màn trận đánh. Về lực lượng “tác chiến”, bọn chúng lên kế hoạch chặt chẽ như sau: nhóm thứ nhất do Sương và Vũ Đức Thắng, Vi Văn Thắng cầm đầu với hơn 14 người có nhiệm vụ bao vây lán của Trịnh Thị Hòa để đánh Lệ đang ngủ tại đây. Khi tấn công vào lán của Hòa, nhóm này sẽ lục soát lấy lại giấy nhận nợ 10 cây vàng của Sương do Lệ đang tạm giữ. Nhóm thứ hai do Trần Duy Nhất, Trần Hòa Sơn, Trần Văn Lộc, Trần Ngọc Tư cầm đầu với hơn 20 người có nhiệm vụ đánh lán của Lệ và bắt giữ Lưu Văn Thanh. Nhóm thứ ba do Thu, Trần Phong Trắc, Phan Văn Vinh, Nguyễn Ngọc Tịnh cầm đầu gồm khoảng 15 người có nhiệm vụ vây đánh và bắt trói lán Đinh Văn Duấn…
Sau khi họp thống nhất phương án, ngay trong đêm đó các tên cầm đầu trong nhóm về lán tập hợp quân của mình để phổ biến nội dung và phân công người chuẩn bị hung khí, phương tiện đánh nhau. Tại lán của Trần Duy Nhất, Trần Hòa Sơn và Nguyễn Văn Thành làm được 7 quả nổ. Sơn giữ một quả nổ và giao cho Trần Ngọc Tư, Đoàn Chín, Ngô Tấn Tường, Lê Văn Lầu, Trần Hoàng Quy, Phan Anh Kiệt mỗi người một quả để sử dụng khi tấn công nhóm của Lệ.
Cuộc thanh trừng đẫm máu
Đến khoảng 4h sáng, đúng như kế hoạch, các tên cầm đầu các nhóm dẫn quân đi đánh các lán của Lệ, Duấn, Hòa theo kế hoạch đã phân công. Nhóm của Sương dẫn quân đến vây lán của Hòa thì phát hiện Lệ đang ngủ ở đây đúng như đã dự tính. Sương gọi Lệ dậy. Lệ đang còn chưa kịp tỉnh thì Vi Văn Thắng dùng gậy đánh một cái vào đầu. Lệ chưa hết choáng váng thì Vũ Văn Thắng dùng rựa chém vào mặt Lệ khiến Lệ ngất đi. Hòa thấy vậy liền la lên thì bị Vi Văn Thắng đánh chạy bỏ ra ngoài. Vũ Đức Thắng, Sương đã lục soát và lấy được giấy nợ 10 cây vàng, một đồng hồ đeo tay của Lệ hiệu Goldstar, 4,5 triệu đồng của Hòa và 42 chỉ vàng bãi (55% vàng) vừa khai thác được.
Cũng trong thời gian đó, nhóm do Thu cầm đầu bao vây lán của Đinh Văn Duấn nhưng quân của Duấn thấy động nên đã chạy thoát. Không bắt được Duấn, Thu liền đốt lán của đối phương. Trong khi đó, Trần Văn Lộc, Trần Duy Nhất, Phan Anh Kiệt… dẫn quân lên vây lán của Lệ. Bước vào lán, thấy Lưu Văn Luận, Lộc chụp vai Luận và rọi đèn pin vào mặt Luận hỏi “Thằng nào đây?”. Vừa nghe giọng Bắc của Luận trả lời: “Là tôi đây”, ngay lập tức, Lộc dùng gậy đánh vào đầu Luận khiến Luận ngất tại chỗ. Đúng lúc đó, Trần Phong Trắc, Lê Xuân Thu chạy vào, thấy Luận nằm bất tỉnh dưới đất, bọn chúng vừa cầm gậy đánh tới tấp vào người anh này vừa nói: “Đánh cho chết luôn”. Chưa hả giận, bọn chúng đập phá lán trại, đồ đạc của Lệ tan tành.
Quân của Lệ, Duấn, Lưu Văn Luận, Hoàng Văn Sỹ… bị đánh bất ngờ nên bỏ chạy tán loạn. Quân của Lê Xuân Thu, Ngô Thu Sương, Vũ Văn Thắng… tiếp tục lùng sục đối phương để đánh. Đến trưa ngày 3/10, bọn chúng bắt được Ngô Văn Chiến (đồng bọn của Lệ) và đưa vào một quán nước tại một con dốc để trừng phạt. Lợi bắt Chiến nằm xuống, lấy hòn đá đè lên lưng Chiến rồi bảo Ngọc dùng dây dừa của quán trói lại. Trói xong, Ngọc tiếp tục dùng gậy đánh Chiến, còn Lợi dùng nước chè đổ lên đầu Chiến và bảo Trắc dùng dao lam cạo một đường từ chân tóc ở trán lên đến đỉnh đầu. Bọn chúng đã bắt giữ Chiến qua đêm, đến sáng 4/10, Thu bảo Trắc mở dây trói và buộc Chiến viết “bản kiểm điểm” về việc nhiều lần lấy xái của Thu và Lợi. Chúng còn buộc buộc Chiến viết một lá thư gửi cho Lệ với nội dung yêu cầu đem 10 cây vàng nộp cho Thu và Lợi để chuộc người về. Khi Chiến viết xong, bọn chúng nhờ một người cõng chuyến đem vào cho Lệ nhưng không gặp. Người này đã đưa cho thư cho một người khác tên là Lê Minh Huỳnh. Trong khi chờ đợi Lệ đem vàng đến chuộc Chiến, băng nhóm Thu nghe tin Lệ bị thương đang cấp cứu tại bệnh viện nên thôi không giữ Chiến nữa, chúng thả cho Chiến về đi bệnh viện chữa trị vết thương.
Sau khi đập phá lán trại và đánh đuổi quân của Lệ, bọn của Ngô Thu Sương, Vũ Đức Thắng… chia nhỏ mỗi người trốn một nơi để trốn tránh cơ quan pháp luật. Lưu Văn Luận, Hoàng Văn Sỹ, Cao Trọng Tiến, Đỗ Duy Lệ và một số người khác bị thương nặng nên sau đó đã được đồng bọn đưa đi bệnh viện cấp cứu… Đến trưa ngày 5/10, Lưu Văn Luận tử vong do chấn thương sọ não, vỡ lún xương hộp sọ, tụ máu trong và ngoài màng cứng. Cao Trọng Tiến bị thương tật là 14%, Đỗ Duy Lệ 10%; Ngô Văn Chiến 9% và Hoàng Văn Sỹ9%.
Sau khi nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về trận quyết chiến giữa các đại ca “xứ sở vàng”, ngay sau đó cơ quan công an đã khẩn trương có mặt tại hiện trường. Lúc này, bãi vàng Nước Nác đã trở nên đìu hiu, xơ xác. 4 lán trại của Đỗ Duy Lệ và đồng bọn bị đánh sập, cây cối ngã đổ như có cơn bão vừa đi qua. Vết máu vẫn còn vương vãi trên nền đất lẫn lá rừng rơi. Cơ quan điều tra nhận định, đó là vụ thanh toán nhau giữa các nhóm khai thác vàng, mà nguyên nhân chính là việc tranh giành lãnh địa.
Công tác điều tra lúc bấy giờ gặp rất nhiều khó khăn, bởi những người chứng kiến vụ “thảm sát” đều đã rời khỏi hiện trường. Thiếu tá Huỳnh Đức Cường (Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra), người trực tiếp chỉ đạo phá án đã mưu trí chỉ đạo các trinh sát nắm tình hình từ những người bị thương được điều trị tại các bệnh viện lân cận. Đúng như nhận định của thiếu tá Cường, ngay trong ngày 4/10, các điều tra viên đã lần ra chân tướng sự việc. Chỉ trong thời gian ngắn sau đó, các đối tượng tham gia trong đêm “đại chiến” đã bị bắt giữ để điều tra.
Sau đó vào năm 1998, hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm xét xử các đối tượng tham gia vụ án đã diễn ra, căn cứ cáo trạng của VKSND tỉnh, HĐXX đã tuyên phạt Đỗ Duy Lệ 16 năm tù, Hoàng Văn Sỹ 9 năm 6 tháng tù, Nguyễn Văn Minh 9 năm tù, Lê Xuân Thu 15 năm tù, Trần Phong Trắc 12 năm 9 tháng tù và hàng chục đối tượng khác cũng bị tuyên phạt với mức án từ 21 tháng đến hơn 10 năm tù… Tuy nhiên, có một kẻ lọt lưới đó là Vũ Đức Thắng. Trước đó, ngày 10/12/1997, cơ quan công an đã ra Quyết định truy nã toàn quốc đối với Vũ Đức Thắng.
Quang cảnh ở một bãi đào vàng
17 năm trốn chui lủi vì sợ bị trả thù
Sau khi cùng đồng bọn thanh trừng Đỗ Duy Lệ, biết thế nào cũng bị công an bắt nên Vũ Đức Thắng trốn khỏi tỉnh Quảng Nam. Rời bãi vàng, Thắng chạy về Thái Nguyên. Về quê được 2 tháng sống bằng nghề thợ mộc, Thắng lên Lào Cai, rồi đi Nghệ An, mỗi nơi Thắng chỉ ở lại một thời gian ngắn. Giữa năm 1998, Thắng vượt biên qua Trung Quốc. Ở xứ người không được bao lâu, Thắng về lại Việt Nam và vào Bình Thuận sinh sống. Ban đầu, Thắng mưu sinh bằng nghề làm thuê, sau đó quay lại nghề thợ mộc. Đến năm 2000, Thắng gặp và kết hôn với chị Võ Thị Tuyết (SN 1966, ngụ tại phường Phước Hội, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận). Chị Tuyết làm nghề buôn bán cua ghẹ, đã qua một đời chồng. Thấy Thắng cao to, đẹp trai, thông minh, nhanh nhẹn, chị Tuyết đem lòng yêu thương và gá nghĩa vợ chồng. Sau khi lấy chị Tuyết, Thắng bỏ hằn nghề mộc để cùng vợ buôn bán cua ghẹ.
Cuộc sống của Vũ Đức Thắng cứ thế êm ả trôi qua cho đến ngày 11/3/2014, khi các trinh sát phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm của Công an tỉnh Quảng Nam xuất hiện. Khoảng 20h ngày hôm đó, khi thấy một số người lạ mặt vào nhà mình, Thắng run bắn người và ngay lập tức nhớ về trận thảm sát năm xưa. Ban đầu, cứ nghĩ rằng các đại ca giang hồ ngày xưa tìm mình để trả thù, mặt Thắng xanh không còn chút máu. Khi các anh công an đưa thẻ ngành ra, Thắng mới thở phào vì đó không phải kình địch năm xưa tìm đến “tính sổ”. Tuy không bị trả thù nhưng Thắng phải quay trở về Quảng Nam để trả giá cho những hành động năm xưa của mình.
Phóng viên có mặt tại Công an tỉnh Quảng Nam ngay trong sáng sớm ngày 14/3, khi các trinh sát vừa di lý Thắng về đến nơi. Sau khi ăn sáng với bát phở do chính các trinh sát mua về, Thắng đã trải lòng mình sau 17 năm dài trốn truy nã. Thắng kể, dù không có can đảm để đến cơ quan công an đầu thú, nhưng khi bị bắt, Thắng lại cảm thấy như mình vừa được giải thoát. Bởi trong 17 năm qua, Thắng đã sống với nỗi ám ảnh kinh hoàng về trận chém giết ngày xưa. Nhiều đêm đang ngủ, Thắng toát cả mồ hôi bởi nỗi lo sợ bị trả thù. Ban ngày, Thắng ít khi ở nhà mà đi khắp nơi bán cua ghẹ. Ban đêm về nhà Thắng thường đóng cửa cẩn thận. Thi thoảng, Thắng lại giật thót tim khi nhìn thấy bóng dáng nào đó giống hình dáng của các đại ca trong bãi vàng xưa kia. Kẻ bị truy nã như Thắng, sống cuộc đời vừa sợ công an đòi món nợ công lý, vừa sợ kẻ thù đòi món nợ máu, thật quả là cuộc sống địa ngục. Bởi thế, Thắng bảo, những người như Thắng, lúc hai tay tra vào còng chính là lúc lòng thanh thản…
Theo Xahoi
Vàng tặc dựng lán hoành hành công khai
Đã nhiều tháng nay, vàng tặc tập kết tại đỉnh núi Cư Kuin, thuộc thôn Thanh Bình, xã Ea Kinh, huyện Krông Pách (Đăk Lăk) dựng lán trại, sử dụng máy móc khai thác vàng một cách công khai...
Thâm nhập mỏ vàng
Nhận được nguồn tin báo trên đỉnh núi Cư Kuin, vàng tặc ngang nhiên đào đất, khoét núi, sử dụng máy nổ... hoạt động sôi nổi suốt ngày đêm như một công trường lớn, chúng tôi đã lặn lội về đây. Từ dưới chân núi đã thấy những lán trại của vàng tặc cheo leo nơi vách núi, tiếng máy nổ vang xa cả cây số...
Lán trại và máy móc phục vụ khai thác vàng trên đỉnh núi Cư Kuin
Khi nhóm chúng tôi cách vị trí khai thác khoảng 20m, phát hiện chiếc xe máy của "nhân viên" cảnh giới vòng ngoài của vàng tặc, ngay lập tức tiếng máy nổ im bặt; mọi hoạt động ở đây trong phút chốc trở nên "bình yên" đến lạ thường.
Biết việc thâm nhập đã bị phát hiện, chúng tôi nhanh chóng tiếp cận bãi vàng. Cửa hầm vàng nằm gần đỉnh núi Cư Kuin, ở vị trí có độ dốc khá cao. Chúng tôi hỏi chuyện 2 phu vàng, một người quê ở Thái Nguyên, người kia ở huyện Mđrăk (Đăk Lăk). Mặc dầu 2 phu vàng trò chuyện khá bình tĩnh, nhưng cả 2 vẫn thủ sẵn mỗi người một mã tấu bên cạnh, nhằm đề phòng trường hợp bị công an ra tay bắt giữ. Cả 2 cho biết, họ làm thuê cho chủ bãi Nguyễn Văn Hoàng (còn có biệt danh là Hoàng tóc dài) trú ở xã Hòa Đông, huyện Krông Pách, mỗi tháng ngoài cơm nuôi được trả công 5 triệu đồng.
Tại hiện trường, chúng tôi thấy có 4 lán trại, 1 nhà bếp, 1 máy nghiền, 2 máy nổ, 1 máy tời, nhiều máy khoan, 1 bể lọc, 1 máy phát điện kèm đường điện thắp sáng. Với quy mô khá hoành tráng này, chủ bãi vàng phải đầu tư hàng trăm triệu đồng cho dây chuyền và công nghệ.
Đang trò chuyện, thì phu vàng quê ở Thái Nguyên nghe điện thoại của chủ bãi gọi tới. Theo lời của chúng tôi, phu vàng này trả lời qua điện thoại: "Đoàn chỉ lên thăm chơi để làm phim và mời anh về nói chuyện". Chỉ trong thời gian ngắn, Hoàng "tóc dài" đã có mặt ở bãi vàng. Hầu hết số phu vàng khi thấy động cũng nằm im trong hầm vàng ẩn nấp, chỉ khi biết đó là đoàn lên làm phim, họ mới lầm lụi chui ra khỏi hầm vàng sâu hun hút. Theo các phu vàng, "công trường" chỉ có 8 nhân công. Nhưng qua quan sát vật dụng sinh hoạt, máy móc, phương tiện phục vụ việc đào đãi vàng, chúng tôi nhận định phải có vài chục người đang khai thác ở đây.
Cứu lấy môi trường
Ông Võ Minh Thành - Phó Trưởng công an xã Ea Kinh xác nhận: Chủ bãi vàng Hoàng "tóc dài" này trước đây đã tổ chức khai thác trên núi Pháo (thuộc thôn Thanh Xuân, xã Ea Kinh), sau khi bị lực lượng chức năng truy quét thì tiếp tục dạt về núi Cư Kuin để hành nghề. Còn anh Hoàng Đại Cương - công an viên thôn Thanh Bình bức xúc: "Việc tổ chức khai thác vàng trái phép trên núi Cư Kuin này không những hủy hoại môi trường rừng, môi trường nước, gây sạt lở núi mà còn gây mất an ninh trật tự địa bàn".
Theo người dân định cư gần chân núi Cư Kuin, do việc khai thác vàng bừa bãi, dẫn tới nguồn nước trong vùng bị nhiễm độc, đã có một số trâu, bò của bà con bị bệnh và chết. Cánh đồng lúa dưới chân núi cũng bị ảnh hưởng do nguồn nước đầu nguồn bị chặn lại để đãi vàng. Ở đây, hầu hết bà con sử dụng nước giếng, nên rất lo sợ những hóa chất phục vụ đào đãi vàng ngấm xuống làm nhiễm độc nguồn nước. Trước đây bà con có ý kiến, chủ bãi vàng hứa sẽ đền bù cho dân, nhưng chỉ hứa suông. Người dân trong thôn Thanh Bình bức xúc lắm, đã phản ánh lên chính quyền xã, nhưng chưa thấy lực lượng chức năng vào cuộc.
Theo Khampha
Xâm nhập lãnh địa hoạt động của "vàng tặc" Những tiếng máy nổ gầm rú inh ỏi bên cạnh các lán, trại được dựng lên để phục vụ việc khai thác vàng. Hàng chục phu vàng đang khẩn trương đào, đãi. Hoạt động khai thác vàng ở xã AVao, huyện Đakrông đang diễn ra hết sức công khai... Điểm "nóng" khai thác vàng trái phép Giữa trưa nắng, bỏ qua những lời...