Hành trình 12 năm và 10.000 em bé mắc bệnh tim được cứu sống
Chứng kiến bệnh lý tim mạch cướp đi sinh mạng non nớt của 10% bệnh nhi nhập viện mỗi năm, các bác sĩ BV Nhi đồng 1 quyết tâm triển khai chương trình tim mạch nhi 12 năm qua.
Sáng 30-5, BV Nhi đồng 1 TP.HCM đã tổ chức tổng kết 12 năm triển khai chương trình Tim mạch nhi.
PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi đồng 1 cho hay, trăn trở trước bệnh tim bẩm sinh ngày một tăng, đe dọa sinh mạng non nớt của các em, từ năm 2004 BV đã bắt đầu triển khai chương trình tim mạch nhi với việc thực hiện phẫu thuật tim kín. Đến năm 2007, BV bắt đầu triển khai phẫu thuật tim hở. Năm 2009 BV áp dụng kỹ thuật thông tim can thiệp và từ 2010 triển khai phẫu thuật tim sơ sinh.
Việc áp dụng các kỹ thuật đã giúp cứu sống nhiều bệnh nhi. Từ năm 2004 đến 2018, BV đã phẫu thuật tim cho hơn 4.800 ca. Trong đó, giai đoạn 2009-2018 thông tim cho hơn 6.000 ca, điện sinh lý từ tháng 4-2019 đến nay là 13 ca. Ngoài ra, BV còn làm nhiều ca khó như tứ chứng fallot, thông lỗ van 3 lá, hoán vị đại động mạch, tim 3 buồng nhĩ, tim 1 thất, kênh nhĩ thất…
Sở Y tế TP.HCM đã trao tặng giấy khen cho bốn tập thể thực hiện xuất sắc chương trình tim mạch nhi của BV . Ảnh: HL
Đến nay, BV đã áp dụng những kỹ thuật hiện đại trong phẫu thuật tim mạch nhi như siêu âm tiền sản, can thiệp điện sinh lý, ECMO cho trẻ sơ sinh, MRI tim mạch…
BS Nguyễn Thanh Hùng cho biết, trong giai đoạn 2019-2021, BV Nhi đồng 1 định hướng sẽ thành lập khoa Phẫu thuật tim mạch, tiếp tục phát triển các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu (phẫu thuật tim cho trẻ sơ sinh non tháng, cực nhẹ cân, can thiệp điện sinh lý tim, can thiệp mạch máu não…). Xây dựng Trung tâm huấn luyện mô phỏng, nâng cao chất lượng hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học. Phấn đấu giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo sẽ hoàn thành Trung tâm tim mạch với đầy đủ các khoa chuyên sâu…
Là một trong những người đầu tiên học chuyển giao các kỹ thuật phẫu thuật tim tại BV, PGS-TS-BS Vũ Minh Phúc, Trưởng khoa Tim mạch của BV cho hay: “Trước năm 2004, khi BV chưa triển khai phẫu thuật tim, cứ 2.000 bệnh nhi mắc bệnh tim nhập viện thì đến 10% tử vong, một con số rất “khủng hoảng”. Hiện nay, con số này đã kéo giảm ngoạn mục còn dưới 1%. Để có được thành quả như trên là nỗ lực rất lớn của cả tập thể BV và các chuyên gia nước ngoài đã không quản khó khăn chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ BS”.
Video đang HOT
Cũng theo BS Phúc, đặc điểm bệnh nhi tim bẩm sinh tại BV thường là 70% bệnh nhân nặng và phức tạp. Có tới 70% bệnh nhân dưới 12 tháng tuổi, 40% dưới 3 tháng tuổi. Trung bình mỗi ngày BV thực hiện 2-3 ca phẫu thuật tim, 5 ca thông tim, trong đó có 70% bệnh nhi nặng phải mổ cấp cứu. Một trong những thành công đáng kể của BV là phẫu thuật tim cho bệnh nhi non tháng, nhẹ cân.
Điển hình là ca phẫu thuật cho bé gái chỉ nặng 850g. Bé gái sinh non khi được 31 tuần, chỉ nặng 850g bị hẹp eo động mạch chủ nặng. Sau khi sinh 20 ngày, bé được chỉ định mổ. Ca mổ kéo dài 60 phút, các BS đã kẹp nối động mạch chủ thành công. Bé được cai máy thở sau 5 ngày phẫu thuật và sau 14 ngày, bé tăng 940g, ăn sữa hoàn toàn và hồi phục ngoạn mục.
Theo PLO
Mang "án tử" vì bố mẹ không muốn mắc nợ, bé 9 tuổi thoát chết thần kỳ
Sau thời gian nỗ lực thuyết phục cha mẹ của A Huyên- cậu bé 9 tuổi bị bỏng xăng nặng đang nằm thoi thóp ở nhà chờ chết, những nhà hảo tâm đã đưa được bé đi bệnh viện chạy chữa.
Các bác sĩ tại TP.HCM lặn lội lên Kon Tum điều trị cho A Huyên. Ảnh: Thanh niên
Báo Thanh niên đăng tin, nhận được tin báo từ các nhóm thiện nguyện về việc các vết bỏng trên người cháu A Huyên đang chuyển biến xấu, ngày 12/5, một nhóm bác sĩ ở bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. HCM đã về tận nơi (thôn Đăk Kang Piêng, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô, Kon Tum) để khám cho cháu.
A Huyên nằm thoi thóp trên chiếc giường duy nhất của gia đình. Khi các bác sĩ tháo băng gạc, mùi hôi của vết thương hòa lẫn cùng mùi thuốc bốc lên nồng nặc. A Huyên khóc ré lên, giàn giụa nước mắt khi những vết thương được lau rửa, sát trùng...
Sau khi thăm khám, họ đi đến kết luận: Một phần da mới ghép đã bị hoại tử, nhiễm trùng. Những vết thương lại tiếp tục loang ra trên 30% cơ thể. A Huyên cần phải quay trở lại bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp tục chữa trị.
A Huyên khóc khi bị các vết thương đày đọa. Ảnh: Thanh niên
"Nhiễm trùng máu là điều hiển nhiên, cái chết chỉ còn trong gang tấc nếu để cháu ở nhà", BS. Nguyễn Bảo Lộc, chuyên khoa I, bệnh viện Vạn Hạnh (TP.HCM), là người hỗ trợ A Huyên ngay từ đầu cho hay.
Sau khi lau rửa các vết thương cho A Huyên, các bác sĩ tiếp tục thuyết phục, thậm chí nài nỉ cha mẹ, thân thích để đưa cháu về TP. HCM nhưng thất vọng vì gặp phải những cái lắc đầu.
"Thời gian qua, con mình được các bác sĩ, các nhà hảo tâm giúp đỡ, mình biết ơn lắm. Nhưng mình không muốn mắc nợ thêm nữa. Vợ chồng mình chỉ cho bác sĩ khám cho con lần này, lần sau sẽ không cho khám nữa. Số phận con do trời quyết định. Bản thân mình và gia đình không muốn làm phiền ai vì sợ mang nợ. Nếu con chết mà mình đi tù thì mình đành cam chịu", chị Y Húi - mẹ của A Huyên nói trong nước mắt.
Rất nhiều cá nhân, tổ chức, cơ quan đoàn thể đã đến nhà cháu bé ở thôn Đăk Kang Piêng, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum để thuyết phục cha mẹ cháu cho con trai đến cơ sở y tế chữa trị.
Kỳ lạ là hai vợ chồng nhất quyết không đồng ý. Chị Y Húi còn dọa sẽ tự tử nếu "bắt" con họ đi. Đoàn đưa ra ý kiến, chỉ đem A Huyên lên Trung tâm y tế huyện Đắk Tô gần nhà, cho gia đình dễ dàng chăm sóc, thăm hỏi. Cùng với đó, nhờ láng giềng, bạn của hai vợ chồng tác động thêm, vợ chồng A Nguy mới thay đổi thái độ. Khi vợ chồng A Nguy gật đầu, các bác sĩ liền bế A Huyên đi ngay vì sợ cha mẹ cháu đổi ý.
Tại đây, qua thăm khám các bác sĩ nhận định cháu sốt nhiệt độ 38,7oC. Nhiều mảng da đã ghép ở phần lưng, ngực, bụng, 2 chi dưới nhiễm trùng, rỉ dịch thấm băng, có mùi hôi. Bệnh nhi tỉnh táo, tiếp xúc tốt, thể trạng gầy, da niêm mạc nhợt nhạt.
Bé được điều trị kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, chăm sóc thay băng, rửa vết bỏng hàng ngày. Bên cạnh đó các y bác sĩ cũng đã hướng dẫn người nhà cách chăm sóc, chế độ ăn và vệ sinh cá nhân cho bệnh nhi.
Do trường hợp bệnh diễn biến nặng, A Huyên được chuyển ngay lên bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum. Sau mấy ngày điều trị tích cực, đến chiều 16/5, sức khỏe cậu bé đã hồi phục rõ rệt. Những vết thương không còn làm cậu khóc ré lên; những cơn sốt không còn hành bé... Ai cũng mừng và mong A Huyên lần này được chữa trị dứt điểm.
Cuối tháng 12/2018, sự việc thương tâm đã xảy ra với A Huyên. Khi đó, gia đình sai A Huyên đi mua xăng nhưng không có can, phải bỏ vào bịch ni lông cầm về. Trên đường về nhà, bịch xăng bị vỡ, chảy ướt hết áo A Huyên. Chẳng ai ngờ được, ngọn lửa ở đám cháy bên đường theo vết xăng loang bất ngờ phực lên. Cả người A Huyên thành ngọn đuốc.
A Huyên được bố mẹ đưa lên bệnh viện huyện cứu chữa nhưng do chi phí cao, không có tiền nên cả hai lại đành đem con về nhà chờ chết. Sau gần 20 ngày, các vết thương của A Huyên bắt đầu hoại tử.
Nhận được lời cầu cứu của cô giáo chủ nhiệm, nhóm thiện nguyện ACC (Kon Tum) đã đến nhà và đưa A Huyên tới BVĐK tỉnh Kon Tum chữa trị.
Vì vết bỏng quá nặng, ngày 20/1, A Huyên được chuyển lên BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) chữa trị. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán A Huyên bị bỏng cấp độ 2 với trên 65% cơ thể và bị nhiễm trùng máu. Vùng bỏng tập trung nhiều ở lưng, bụng, hai chân. Bé được ghép da miễn phí và sau gần 4 tháng nỗ lực cứu chữa, bé dần hồi phục tốt.
Cha mẹ kiên quyết cho A Huyên xuất viện về nhà.
Đời sống Plus cho hay, dự kiến bé còn phải trải qua một lần phẫu thuật ghép da, điều trị khoảng 2-4 tuần nữa mới có thể xuất viện. Tuy nhiên, đến ngày 5/5 người thân yêu cầu được đưa cháu về nhà, không tiếp tục điều trị vì mẹ A Huyên sắp sinh em bé, không ai chăm cho bé. Dù bệnh viện Nhi đồng 1 đã nhiều lần khuyên ngăn, thuyết phục nhưng gia đình kiên quyết từ chối.
Trước tình hình đó, các nhà hảo tâm, các nhóm thiện nguyện đã liên tục thuyết phục, vận động gia đình để cháu ở lại tiếp tục điều trị, thậm chí nhờ cả công an can thiệp nhưng đều bị khước từ.
Từ ngày xuất viện về nhà, do không được lau rửa vết thương, điều trị đúng cách, các vết bỏng trên người A Huyên tiếp tục lở loét, nhiễm trùng. Cậu bé bắt đầu bị các cơn sốt giày vò.
Minh Minh
Theo ĐSPL
Đại phẫu mổ tim với vết mổ chỉ 1,5 cm Bằng việc ứng dụng công nghệ mới nội soi 3D, các bác sĩ đã có thể thực hiện cuộc đại phẫu mổ tim cho bệnh nhân, với đường mổ nhỏ chỉ 1,5 cm giúp người bệnh nhanh hồi phục, không để lại sẹo xấu. Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E vừa thực hiện mổ thị phạm 3 ca mắc bệnh thông liên...