Hạnh phúc nơi “đầu sóng ngọn gió”
Cuộc chiến với tử thần ở các đơn vị hồi sức tích cực càng cam go hơn khi bệnh nhân là những thiên thần bé nhỏ vừa chào đời
NICU (hồi sức tích cực sơ sinh) được xem như nơi “đầu sóng ngọn gió”, tập trung các bệnh nhi sơ sinh nặng nhất của toàn viện. Tại các đơn vị NICU của TP HCM, hầu hết bệnh nhi là những em bé sinh non, gặp biến chứng khi ra đời (ngạt, xuất huyết, đa dị tật, sang chấn…) phải duy trì mạng sống bằng thiết bị hỗ trợ ô xy, hỗ trợ tiêu hóa…
“Làm việc không thể như cái máy”
Ngày cuối cùng trước khi bé Nguyễn Quốc Huy – cháu bé “văng khỏi bụng mẹ” trong vụ tai nạn giao thông xảy ra ở tỉnh An Giang vào tháng 10-2014 làm mẹ cháu chết tại chỗ, bố bị gãy chân – xuất viện, cậu bé bỗng nhiên bật khóc. Khóc không nước mắt với… một cái liếc ngang theo bóng cô bảo mẫu vừa đi qua rồi ngừng ngay khi cô quay lại bế. Lúc đó, chúng tôi mới vỡ lẽ cậu bé đã quen hơi ấm và tình thương của các bác sĩ (BS), điều dưỡng, bảo mẫu của Khoa Hồi sức sơ sinh – Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM).
Cũng tại đây, chúng tôi không ít lần bắt gặp điều dưỡng Nguyễn Thị Lệ Huyền vừa làm những thao tác y tế vừa trò chuyện cùng các bệnh nhi ở độ tuổi mà nhiều người cho rằng chưa biết gì. Qua nhiều năm làm việc, chị vẫn thường vỗ về các bé: “Con nằm yên để cô chích một chút nhé, để con khỏe mà cô cũng khỏe nhé!”. Thế là bệnh nhi ngừng quấy khóc, ngoan ngoãn để chị tiêm dễ dàng. Trong khoa cũng có nhiều cháu bị bỏ rơi, thương các cháu, chị thường ghé thăm và trò chuyện, nếu rảnh tay thì tranh thủ bế một chút.
Các bệnh nhi được chăm sóc trong đơn vị hồi sức tích cực sơ sinh của Bệnh viện Từ Dũ
Còn đối với điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức sơ sinh Đặng Lê Ánh Châu: “Làm việc không thể như một cái máy”. Bí quyết để giữ được sự trẻ trung, hóm hỉnh sau gần 20 năm trong nghề của chị chính là luôn trò chuyện, cười với các bé và quan tâm đến cuộc sống gia đình các cháu.
Đến giờ, chị vẫn nhớ cậu bé rất đáng yêu là con của 2 công nhân trẻ, lỡ có do “vỡ kế hoạch”. Cháu bé bị suy hô hấp sau sinh, phải thở máy, cha mẹ từ đó cũng bặt tăm… May là 1 tháng sau, cháu khỏe lại và sau khi bệnh viện cố thuyết phục qua rất nhiều cuộc điện thoại, người cha cũng lên đón con. Thấy con, anh công nhân bật khóc, trần tình là thương con lắm nhưng không có tiền. Thế là các BS, điều dưỡng giúp làm các thủ tục bảo hiểm để thanh toán toàn bộ chi phí điều trị cho cháu.
“Thấy các cháu đoàn tụ với gia đình, chúng tôi mừng lắm! Tội nhất là những cháu mãi không ai đón, chúng tôi phải đưa đến các tổ chức xã hội. Các cháu hình như cũng quyến luyến mà chúng tôi cũng không nỡ xa các cháu” – điều dưỡng Đặng Lê Ánh Châu, bộc bạch.
Video đang HOT
Áp lực vô hình
Tiếp nhận mỗi bệnh nhi vào NICU, các thầy thuốc cũng nhận lấy sự trông đợi rất lớn từ gia đình các cháu. Mà chăm sóc bệnh nhi sơ sinh nào có đơn giản. BS trẻ Nguyễn Thị Thanh Hương (Khoa Sơ sinh, BV Từ Dũ) kể khi mới vào thực tập, chị thậm chí không dám bế các bệnh nhi vì nhiều cháu còn bé nhỏ, mong manh hơn các bé sơ sinh bình thường rất nhiều.
Niềm vui luôn đan xen với vô vàn áp lực mà các nhân viên NICU phải đối mặt mỗi ngày khi vừa chăm sóc một đàn con nhỏ cùng lúc vừa không được phụ lòng trông mong của gia đình các bé và cả những chênh vênh giữa ranh giới sống – chết mong manh… “Tôi từng rất căng thẳng nhưng cứ qua mỗi năm, tháng, được tiếp xúc, được chỉ dạy và tiếp tục học để vững nghề hơn, những căng thẳng cũng vơi dần” – BS Hương chia sẻ.
Áp lực nâng cao kỹ thuật điều trị cũng luôn khiến các BS trăn trở. Tại BV Nhi Đồng 1, điều dưỡng Đặng Lê Ánh Châu tâm sự chị và các đồng nghiệp mong mỏi một số kỹ thuật cao tại đây sẽ được bảo hiểm chi trả bởi nhiều gia đình bệnh nhi quá nghèo. Nhiều trường hợp, BV đã dùng quỹ để hỗ trợ bệnh nhân nhưng đó không phải giải pháp lâu dài.
Còn tại BV Từ Dũ, BS Nguyễn Thị Từ Anh (Trưởng Khoa Sơ sinh) cho biết chị và các đồng nghiệp đã nhiều lần đề xuất liên quan đến kỹ thuật mới. Bởi hơn ai hết chị đã trực tiếp gặp một ca sinh mổ khi còn rất trẻ, trong lúc đi công tác tại Bình Phước. Em bé ra đời bị ngạt, không thở được. Vừa xử lý, chị vừa hỏi to “ô xy đâu?” để thực hiện theo các bước hồi sức thông thường ở BV. Nhưng câu trả lời “không có ô xy đâu” của nhân viên y tế địa phương khiến chị rụng rời. Thế là chỉ biết cố gắng bằng cách bóp bóng và sử dụng những phương tiện thô sơ có sẵn. Rất may cháu bé được cứu sống và cũng cứu luôn cả vị BS lúc ấy còn rất trẻ, dễ bị cú sốc từ những tai nạn nghề nghiệp đầu tiên.
“Có lần, người nhà của một bệnh nhi đã hỏi tôi làm bấy nhiêu năm, chắc đã quen với việc một số em bé quá yếu rồi cũng từ giã mình đi cho dù có cố gắng đến đâu. Nhưng tôi trả lời ngay rằng mình không quen, không bao giờ quen được cảnh chứng kiến những bé sơ sinh mất đi. Ngày mới vào nghề, có khi nhiều đêm liền gặp ác mộng, thấy trẻ con chết. Bây giờ đã 17 năm qua đi, không đến nỗi còn ác mộng nhưng đó vẫn là áp lực lớn nhất trong nghề, dù biết rằng chuyện ấy không thể tránh khỏi” – BS Anh ngậm ngùi.
Nụ cười ngày trở lại
Vài năm trước, có lần, Khoa Sơ sinh BV Từ Dũ đón một vị khách đặc biệt, chuẩn bị sang định cư ở Mỹ nên đến khoa để chào các BS. Ông dắt theo một bé trai vài tuổi khỏe mạnh, xinh xắn. Ông kể rằng ngày xưa, bé sinh ra ở tuần thai thứ 25, nặng chỉ có 600 g, nằm suốt 2 tháng tại đây. 600 g và tuần thai thứ 25 thì quả là một ca đầy khó khăn. Vậy nên nhìn bệnh nhi đã lớn đến chừng ấy, khỏe mạnh vậy, dù không thể nhớ nổi mình có trực tiếp chăm bé không vì mỗi ngày trong khoa có đến vài trăm bệnh nhi nhưng các nhân viên y tế ở đây ai cũng thấy hạnh phúc. Đó chính là món quà vô giá mà họ mong nhận được mỗi ngày.
Bài và ảnh: Anh Thư
Theo_Người lao động
Vụ thai nhi văng khỏi bụng mẹ: Đón cháu về mà rơi nước mắt!
Từ hôm bé Quốc Huy về nhà, rất đông bà con đã đến thăm hỏi, chúc mừng cha con anh Nam vượt qua ải tử thần. Câu chuyện chào đời bi thương và hành trình chiến đấu với tử thần của bé Huy khiến ai cũng rơi nước mắt.
Sự đoàn tụ không trọn vẹn
Trưa ngày 18/11, anh Nguyễn Văn Nam và con trai là bé Nguyễn Quốc Huy đã được xe cứu thương của Bệnh viện Nhi Đồng 1 đưa về nhà cha mẹ vợ tại ấp Kinh Đào, xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang trong niềm vui vỡ òa của người thân, xóm giềng.
Sáng nay (19/11) vẫn còn đông bảo bà con lối xóm đến thăm hỏi anh Nam và bé Quốc Huy. Xen lẫn những câu chuyện về vụ tai nạn, sự ra đi quá đau đớn của chị Kim Ngọc và sự sống kỳ diệu của bé Quốc Huy... là những giọt nước mắt, buồn vui khó tả của người thân và bà con lối xóm.
Bà Lê Thị Bảy - một người hàng xóm với anh Nam - cho biết, sau vụ tai nạn bà con ở địa phương ngày nào cũng xem thời sự trên ti vi để biết tình hình sức khỏe của hai bố con anh. "Bé Huy ra đời trong một hoàn cảnh quá ngặt nghèo nên bà con chúng tôi ai cũng cầu trời mong bé và anh Nam khỏe mạnh. Và trời cao đã thương cho bé khỏe mạnh, xuất viện, mặc dù mẹ cháu thì không còn nữa", bà Bảy chia sẻ.
Anh Nam không thể đứng vững khi đến thắp nhang cho người vợ vắn số của mình
Cũng theo bà Bảy, gia đình nhà vợ anh Nam đơn chiếc, khi xảy ra sự việc, mấy người con trong nhà thay nhau túc trực ở bệnh viện chăm sóc cho hai cha con anh Nam, nên bà con trong xóm thay phiên nhau đến hỗ trợ việc nhà, chăm sóc bé Huyền - con gái thứ 2 của anh Nam.
Nhìn lên di ảnh của chị Ngọc, bà Thái Thanh Nga (54 tuổi) - mẹ chị Ngọc - xúc động: "Hôm nay chắc nó cũng mừng lắm vì chồng và con của nó mạnh khỏe trở về. Tôi biết dù sự đoàn tụ này không trọn vẹn nhưng như vậy cũng là niềm an ủi cho gia đình chúng tôi khi gặp chuyện không may. Nhưng tội nhất là con Ngọc không kịp gặp mặt con một lần!".
Được biết khi mới về nhà, anh Nam như chết lặng bên bàn thờ chị Ngọc, nhất là khi anh được người thân đưa ra viếng mộ vợ. Nghẹn ngào không nói lên lời, Nam nói ngắn gọn: "Tâm trí tôi bây giờ buồn lắm. Nhưng các chú cho tôi nhắn gửi lời cám ơn chân thành đến anh Hải (anh Phan Trọng Hải - Chấp hành viên thuộc Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Châu Thành- PV) - người cấp cứu con tôi và cám ơn tất cả các ân nhân xa gần đã gửi tiền giúp đỡ gia đình trong thời gian qua".
Mong bé Huy sống kiên cường!
Bà con đến thăm ai nấy đều vui mừng, dù đôi lúc không kìm được dòng nước mắt khi nghe nhắc đến biến cố quá đau buồn của gia đình anh Nam. Ngày 25/10, cả gia đình thay vì được vui đón bé Quốc Huy chào đời, thì lại nhận tin tang tóc: mẹ tử nạn, cha và con cùng nhập viện.
Gia đình người thân giờ đây ai ai cũng kỳ vọng bé Quốc Huy sau này lớn lên khỏe mạnh, kiên cường. Anh Bảo - một người dân ở huyện Châu Thành lặn lội hàng chục cây số đến thăm bé Quốc Huy, chia sẻ với anh Nam: "Anh cố gắng để nuôi dạy bé Quốc Huy thành một công dân tốt. Bà con cả nước ai cũng cảm phục ý chí sống mãnh liệt của cháu Huy. Mong cháu sau này cũng biết vượt qua mọi khó khăn để trở thành một người tốt cho xã hội".
Bé Quốc Huy bình yên tại gia đình
Mẹ vợ anh Nam kể, khi anh Nam và chị Ngọc lấy nhau, ông bà giao cho anh chị 3 công đất lúa ở xã Mỹ Hiệp Sơn (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) để canh tác. Dù vợ chồng anh Nam rất chuyên cần nhưng cuộc sống chỉ đủ ăn. Tuy cuộc sống còn vất vả nhưng vợ chồng anh Nam sống rất đầm ấm, hạnh phúc và rất được lòng bà con lối xóm.
Xung quanh vấn đề chi phí mai táng và tiền nằm viện của cha con anh Nam, bà Nga cho biết, sau vụ tai nạn chủ xe và đại diện Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Delta AGF (nơi tài xế Vũ làm việc) nhiều lần đến thăm hỏi gia đình và đã hỗ trợ tiền thuốc thang cho anh Nam và chi phí mai táng chị Ngọc với tổng số tiền gần 50 triệu đồng.
Từ khi đứa em trai Quốc Huy về nhà, bé Huyền luôn muốn âu yếm em
Trao đổi với PV Dân trí, bà Nguyễn Thị Mai Anh - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Phú Thuận - cho biết: "Ngày hôm qua và hôm nay có rất đông bà con địa phương và cả những người dân ở địa phương khác đến thăm hỏi hai cha con anh Nam rất đông. Việc này ít nhiều cũng ảnh hưởng sức khỏe bé Quốc Huy, tuy nhiên đây là tình cảm quý mến của người dân, rất đáng trân trọng. Hiện tại sức khỏe bé Quốc Huy rất tốt, bé uống sữa và ngủ khỏe, tuy nhiên phần vết thương ở chân vẫn chưa lành hẳn".
Nguyễn Hành
Theo Dantri
Điều kỳ diệu của sự sống Ngày 18-11, cháu Nguyễn Quốc Huy cháu bé sơ sinh bị văng khỏi bụng mẹ sau khi người mẹ bị tai nạn giao thông tử vong tại chỗ đã được Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM làm thủ tục xuất viện. 25 ngày chống chọi với tử thần, sinh linh bé bỏng ấy đã nhận được sự chăm sóc tận tình của đội...