Hạnh phúc đến với các mảnh đời khốn khó qua kết nối của Báo Gia đình và Xã hội
“Nhờ sự kết nối của báo mà mọi người biết đến con tôi để chia sẻ, con tôi mới có những tiến triển như ngày hôm nay. Điều đó với gia đình tôi thật sự rất đáng quý mà không bao giờ quên được” – mẹ của em Lê Thị Thắm (nhân vật Vòng tay nhân ái MS 450) tâm sự.
Như Báo Gia đình & Xã hội đã đưa tin, hoàn cảnh gia đình nhà em Lê Thị Thắm ở thôn Văn Quán, xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội rất khốn khó. Thắm mang trong mình căn bệnh ung thư xương. Căn bệnh đã khiến em mất đi một chân trái.
Hiện Thắm đang điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện K3 Tân Triều với những đợt truyền hóa chất dài ngày. Dù có bảo hiểm hỗ trợ 80% chi phí nhưng do bệnh quá nặng, Thắm vẫn cần dùng đến những loại thuốc ngoài danh mục với giá đắt đỏ. Có loại thuốc phải mua ngoài tới cả triệu đồng/hộp khiến gia đình khánh kiệt.
Trong khi kinh tế gia đình lại gặp khó khăn, bố mẹ Thắm đều làm nông, thu nhập dựa vào 2 sào ruộng và mảnh vườn trồng đào. Năm vừa qua hàng loạt cây bị chết, rụng lá nên thua lỗ nặng.
Đau lòng hơn là ngày Thắm bước vào phẫu thuật, bố của Thắm đi khám lại phát hiện mắc bệnh tim. Các bác sĩ khuyên gia đình cần phẫu thuật sớm cho bố của Thắm. Nhưng nghĩ đến con gái đang cần tiền chữa bệnh, bố của Thắm đã cắn răng chịu đựng, dành tiền lo cho con điều trị.
PV Phương Thuận – đại diện chương trình Vòng tay nhân ái trao số tiền 3.305.000 đồng cho Thắm
Khi hoàn cảnh của gia đình Thắm được kết nối nhờ chuyên mục Vòng tay nhân ái, nhiều bạn đọc hảo tâm đã hỗ trợ cho gia đình Thắm. Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, chị Lê Thị Học – mẹ của Thắm cho biết: “Thời gian đầu sau khi phẫu thuật cắt chân, Thắm rất yếu. Đêm ngủ rất ít, ăn cũng không được nhiều. Ổn định được hơn, bác sĩ cho ra viện về nhà. Tuy nhiên, khi về nhà được thời gian ngắn, sức khỏe yếu lại phải quay lại viện.
Ngày hôm qua, các bác sỹ đã tiến hành tái khám lại. Hiện sức khỏe của cháu cũng đã ổn hơn. Cháu giờ chỉ ao ước mình sẽ được lắp chân giả. Giữa lúc gia đình gặp hoạn nạn, hoàn cảnh khó khăn nhờ sự kết nối của báo đến bạn đọc hảo tâm, mọi người đã chia sẻ động viên và ủng hộ. Nhờ điều đó mà cháu đã có những tiến triển như hôm nay. Điều này với gia đình tôi thật sự rất đáng quý, không bao giờ quên…”.
Một hoàn cảnh khác vô cùng bi đát là bé Giàng Thị Ngọc, 7 tuổi, ở Bản Phố, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang bị bỏng điện. Những vết bỏng bé mắc phải ở diện rộng với 22%, trong đó 10% độ 4 – 5 nên việc điều trị phải kéo dài.
Câu chuyện về gia cảnh của bé Ngọc mà Báo Gia đình & Xã hội đăng tải cách đây không lâu đã được bạn đọc, các tổ chức cá nhân gần xa biết đến sẻ chia. Được biết, gia đình bé Ngọc nhận trực tiếp được gần 100.000.000 đồng của bạn đọc hảo tâm.
Ông Nguyễn Ngọc Đức – Phó Tổng biên tập Báo Gia đình và Xã hội cùng bà Đỗ Thị Thúy đại diện Chương trình Vòng tay nhân ái, PGS.TS Hồ Thị Xuân Hương – Khoa Bỏng trẻ em trao tiền cho gia đình bé Ngọc. Ảnh PT
Vừa qua, trong lần đến Viện Bỏng Quốc gia trực tiếp thăm các hoàn cảnh bị bỏng mà Báo GĐ&XH đã đăng tải đang điều trị tại đây, ông Nguyễn Ngọc Đức – Phó Tổng biên tập báo đã tiếp tục mang những phần quà của bạn đọc hảo tâm đến với gia đình bé Ngọc với số tiền 9.475.000 đồng.
Mẹ bé Ngọc xúc động xin gửi lời cảm ơn tới các bác sĩ của Viện Bỏng Quốc gia thời gian qua đã tích cực cứu chữa cho bé Ngọc. Đồng thời, gia đình cũng xin gửi lời cảm ơn qua báo Gia đình và Xã hội tới tất cả những tấm lòng hảo tâm đã hỗ trợ cho bé Ngọc có điều kiện để chữa trị đầy đủ, kịp thời.
P.Thuận
Theo Giadinh.net
Cơ ngơi chục tỷ đồng ở Hà Giang hoang tàn vì thủy điện dâng nước
Một số hộ dân ở xã Đạo Đức (huyện Vị Xuyên, Hà Giang) đang rơi cảnh điêu đứng khi cơ ngơi chục tỷ đồng nguy cơ bị phá hủy do thủy điện Sông Lô dâng nước.
Video: Điêu đứng nhìn cơ ngơi chục tỷ hoang tàn vì thủy điện dâng nước
Lò gạch của gia đình anh Phùng Tiến Nam (SN 1984, xã Đạo Đức) gần 1 năm nay bị phá sản khi hệ thống lò bị nước Sông Lô thẩm thấu, không thể vận hành.
Lò gạch được hai vợ chồng anh Nam xây dựng khoảng 4 năm nay, thời gian đầu hoạt động theo mô hình thủ công, sau khi tiếp thu chính sách bảo vệ môi trường, năm 2015 anh đầu tư hệ thống lò vòng với số vốn khoảng 10 tỷ đồng.
Năm 2018 là thời điểm hoạt động thuận lợi, anh Nam thuê hơn 30 công nhân. Hàng tháng, doanh thu từ lò gạch lên đến cả trăm triệu đồng.
Thế nhưng rạng sáng 19/6/2018, vợ chồng anh phát hiện khu vực hầm thông gió có nước ngấm liên tục làm lò không thể hoạt động. Khi đó, trong lò có hơn 60 vạn viên gạch đang đốt dở.
Thoạt đầu, anh Nam cho rằng nước thấm là do mưa lớn, tuy nhiên qua theo dõi, cả những ngày nắng ráo, lò gạch vẫn không hết ẩm.
Anh Nam nhận định, nước ngấm vào lò gạch kể từ khi nhà máy thủy điện Sông Lô 2 (nằm cách lò khoảng 3km) đi vào vận hành chính thức. Anh đã trình báo sự việc đến cơ quan chức năng địa phương và công ty TNHH Thanh Bình, chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Lô 2.
"Ban đầu, đại diện công ty Thanh Bình chối bỏ trách nhiệm và cho rằng, lò bị ngập là do mưa và nước thẩm thấu từ vũng nước ở chân núi đá gần đó. Để làm rõ sự thật, tôi thuê máy bơm hút sạch vũng nước ở chân núi, tuy nhiên lò vẫn bị ngấm nước", anh Nam nói.
Theo anh Nam, lò gạch chỉ khô ráo như cũ khi nhà máy thủy điện xả đáy không tích nước. Việc này đã được cơ quan chức năng địa phương chứng kiến và thừa nhận. Cuối cùng, phía công ty Thanh Bình đã đứng ra nhận trách nhiệm khi lò gạch của anh Nam bị dừng hoạt động.
"Công ty đã cho công nhân đến đặt ống hút để khắc phục, tuy nhiên việc làm này không mang lại hiệu quả nên sau đó dừng lại và tính đến phương án bồi thường", lời anh Nam.
Tháng 10/2018, công ty Thanh Bình có văn bản gửi UBND huyện Vị Xuyên đề nghị Ban bồi thường - giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện vào cuộc kiểm đếm, xác định thiệt hại của lò gạch để xem xét việc hỗ trợ.
Tháng 11/2018, Ban bồi thường - GPMB huyện Vị Xuyên có văn bản gửi công ty Thanh Bình về kết quả kiểm đếm thiệt hại của gia đình anh Nam. Tổng kinh phí tạm tính hơn 16 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục hạ tầng kiến trúc, máy móc thiết bị.
Cho rằng việc kiểm đếm của huyện Vị Xuyên chưa sát với thực tế, công ty Thanh Bình đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Giang đề nghị đơn vị độc lập thuộc Sở Xây dựng thẩm định, lấy kết quả này làm căn cứ để hỗ trợ gia đình anh Nam.
Thời gian chờ kết quả thẩm định kéo dài nhiều tháng, từ một chủ lò gạch thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, gia đình anh Nam lâm vào cảnh vỡ nợ khi liên tục bị thúc ép các khoản vay hơn 10 tỷ đồng mua thiết bị trước đó.
Toàn bộ nhà xưởng, lò gạch của anh Nam sau gần một năm trở nên hoang tàn, xơ xác, những chồng gạch cuối cùng chưa kịp vào lò nhão nhoẹt, máy móc, hệ thống băng chuyền rỉ sét.
Theo gia đình anh Nam, nếu tiếp tục kéo dài việc bồi thường thiệt hại, sẽ đẩy gia đình vào cảnh màn trời chiếu đất khi các khoản nợ liên tục đến hạn.
"Chúng tôi đang làm ăn yên ổn, phút chốc cơ ngơi phá sản do thủy điện dâng nước. Bản thân là người bị hại mà đến nay chúng tôi phải cầu cạnh khắp nơi để được sớm giải quyết đền bù", anh Nam nói.
Ông Trần Công Cường (thôn Tân Tiến, xã Đạo Đức) thì đứng ngồi không yên khi dãy nhà kho rộng hàng trăm m2 bị nứt toác, sụt lún, có nguy cơ sập do thủy điện Sông Lô 2 dâng nước.
Theo ông Cường, khoảng tháng 3/2018, khi nhà máy thủy điện vận hành cũng là lúc dãy nhà kho của ông xuất hiện các vết nứt dài, nền nhà tạo nên các hàm ếch do móng bị lún khiến cuộc sống hoàn toàn đảo lộn.
Ông yêu cầu công ty Thanh Bình bồi thường với sự thẩm định của đơn vị độc lập thuộc Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang.
Kết quả kiểm định của trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng nêu rõ: Do thủy điện tích nước lòng hồ, chênh lệch mực nước so với đê bao, nước xâm nhập theo các địa tầng khác nhau ở độ sâu 7-13m, dẫn đến ngập nước vào móng nhà kho gia đình ông Cường, làm biến dạng trạng thái đất từ dẻo cứng sang dẻo mềm ở địa tầng -1,5-7m.
Mặc dù sự việc xảy ra trong thời gian dài, gia đình ông Cường phải sống trong sợ hãi, dãy nhà kho có thể sập xuống bất cứ lúc nào, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện dứt điểm việc bồi thường.
Ông Đỗ Đức Mai, PGĐ công ty Thanh Bình xác nhận, việc lò gạch của anh Phùng Tiến Nam bị phá sản và dãy nhà kho ông Trần Công Cường bị nứt là do thủy điện dâng nước. Đồng thời cho rằng, đang phối hợp với cơ quan chức năng lên phương án bồi thường.
Khi được hỏi về tiến độ bồi thường, lãnh đạo công ty Thanh Bình lắc đầu, chưa thể xác định được thời gian cụ thể.
"Sau khi nhận được kết quả thẩm định độc lập của cơ quan thuộc Sở Xây dựng, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét tính hợp pháp rồi sẽ đưa ra phương án bồi thường", lời ông Mai.
Phó Ban bồi thường - GPMB huyện Vị Xuyên Chu Hùng Cường thông tin, trường hợp của anh Nam và ông Cường, Ban rất quan tâm và chia sẻ với chủ hộ.
"UBND huyện đã nhận được báo cáo kết quả thẩm định của Sở Xây dựng liên quan đến hộ dân Phùng Tiến Nam, trên cơ sở này, Ban sẽ phối hợp với công ty Thanh Bình triển khai thực hiện theo quy định.
Với gia đình ông Cường, các bên thống nhất sẽ thuê đơn vị thẩm định độc lập rồi sẽ có phương án bồi thường", ông Cường thông tin.
Nguồn: Vietnamnet
Tấm lòng đảng viên trẻ bên những mảnh đời bất hạnh Một nhạc sĩ đã viết: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? - Để gió cuốn đi...", và gió đã cuốn tấm lòng đầy nhiệt huyết, yêu thương ấy của cô giáo - đảng viên Trần Thị Nhung tới những mảnh đời bất hạnh tại bệnh viện K, xóm chạy thận, làng chài và bệnh...