Hạnh phúc của nghệ nhân xăm mình từng 5 lần vào tù
Tuổi trẻ ngổ ngáo với những trò nghiện hút, gây rối, đánh người gây thương tích nhưng đến khi “chín” về suy nghĩ, anh tìm được một người phụ nữ của đời mình.
Gánh nặng đường xa đối với anh bớt mỏi khi có sự chung sức từ người đàn bà anh yêu và cậu con trai kháu khỉnh. Bỏ lại quá khứ với những án tù, bây giờ công việc của một người xăm nghệ thuật giúp anh đoạn tuyệt thú đua đòi của thời nông nổi. Chính tình yêu của người vợ đã mang lại cho người đàn ông từng 5 lần ra tù vào tội như anh hạnh phúc ngọt ngào và bến đỗ bình yên.
Cuộc gặp vô tình chắp nối hai tâm hồn
Nói đến xăm hình nghệ thuật ở đất Hà Nội này không ít dân chơi biết tới nick name Học Tatoo (tức Học Xăm nghệ thuật). Nhất là những thanh niên có chút ngổ ngáo và có chút máu “anh chị” hầu như đều biết đến tài xăm trổ của anh. Căn nhà cũng là nơi anh cùng một số nhân viên hành nghề xăm nghệ thuật nằm gọn gàng trong con ngõ nhỏ ở khu vực Cầu Chui, quận Long Biên, Hà Nội.
Sau một vài cuộc điện thoại, anh hẹn chúng tôi đến “cơ sở” của mình. Anh bảo, như nhiều người khác họ thường ngại tiếp xúc với người làm báo để nói về bản thân. Riêng anh thì khác, cuộc sống ai cũng có quá khứ nhưng quan trọng là hiện tại họ sống ra sao và cách ứng xử của họ thế nào với những mối quan hệ xung quanh từ bạn bè, anh em, vợ chồng, hàng xóm. Anh không ngại mà sẵn sàng chờ đón cuộc nói chuyện cởi mở về cuộc đời mình.
Lúc chúng tôi tới, anh không ra tận cửa để đón tiếp, anh đang cởi trần trùng trục, để lộ đầy hình xăm trên người, tay không ngừng công việc đang dang dở với khách hàng. Với ai đó gặp anh ngoài đường chắc sẽ không khỏi e dè, ngại tiếp xúc vì trong mắt họ những người xăm trổ đều là dân anh chị, là khó chơi. Tôi xem qua chiếc danh thiếp để trên bàn, biết được tên họ đầy đủ của người đàn ông đầu trọc, bụng phệ đang chăm chú xăm hình cho khách là Trần Quang Học.
Anh cũng không mời khách ngồi mà chỉ lộc cốc mấy từ: “Đợi anh tí, đang bận chút”. Anh nói mà không ngước mắt nhìn người cần nhận thông điệp ngắn ngủn đó. Tính cách thẳng thắn và võ biền của người đàn ông từng trải ai hiểu mới cảm thông và quý mến. Bên cạnh chiếc ghế kiểu giường khách nằm xăm, cậu nhân viên trẻ tuổi cũng đang chăm chú thực hiện những thao tác chuẩn trên khuôn hình đã vẽ trước đó, sửa lại hình mà khách xăm bị hỏng ở một cửa hiệu khác.
Nghe thấy tiếng khách ở dưới nhà, người phụ nữ trên tầng 2 đi xuống, đấy là vợ của anh Học.Vừa mới sinh con được hơn nửa tháng nên chị phải kiêng khem, nhưng trên gương mặt chị chứa đựng sự mãn nguyện, lẫn hạnh phúc tràn trề. Lấy nhau 6 năm có lẻ, đến giờ chị mới sinh cho chồng được một bé trai kháu khỉnh. Cậu bé có gương mặt giống bố, nước da trắng trẻo, nằm ngủ ngon lành trên giường.
Chị nhỏ nhẹ cho biết, khi đến với anh Học, chị đã từng có gia đình và hai con. Sau khi ly hôn, các con chị sống với bố và gia đình bên nội. Cuộc tình của chị và anh Học rất tình cờ và như do duyên phận chắp cho họ thành một đôi. Năm 2005, khi ấy chị đã chia tay với chồng cũ và bán vé số ở thị trấn Bần, giáp với Hà Nội. Buổi chiều năm đó, đang ngồi bán vé thì một người đàn ông dáng bặm trợn tới hỏi thăm về người bạn.
Video đang HOT
“Anh ấy bảo rằng mới ra tù, có chiếc điện thoại, người bạn tới chơi và lấy mất. Sau khi nghe mô tả, tôi nói với anh rằng có biết người này” – chị kể. Lúc ấy chị có hơi choáng vì người đàn ông mới đi tù về hỏi han mình. Nhưng sau đó, định thần lại, trực quan của người phụ nữ cho chị biết đấy là một người chân thật. Chị đã đồng ý và ghi lại số điện thoại nếu sau này nhìn thấy người bạn sẽ báo cho anh Học biết.
Và rồi cứ thế, qua trao đổi điện thoại, tin nhắn, hai người dần thu hẹp khoảng cách, xích lại nhau gần hơn. Anh Học đã phải lòng người phụ nữ bán vé số, còn chị cũng đã yêu người đàn ông đầu trọc kém mình tới 4 tuổi. Trước khi “theo chàng về dinh” bạn bè đều khuyên chị không nên lấy người “vừa xấu, bặm trợn lại mới đi tù về”. “Song tôi thấy anh ấy quá chân thật. Anh ấy không ngại ngần kể về quá khứ của mình. Tôi nhận ra rằng anh Học là người tốt tính” – chị chia sẻ.
Chỗ dựa tinh thần cho con đường hoàn lương của Học Tatoo
Tình yêu đến với hai người một cách tự nhiên như thế. Chị không mặc cảm về quá khứ của anh và anh cũng không đả động đến chuyện trước kia của chị. Thời gian đó mẹ anh Học mới mất nên hai người dọn về sống chung và gắn kết với nhau bằng tờ giấy chứng nhận kết hôn chứ không làm tiệc ầm ĩ. Để cho người vợ tương lai của mình có một chỗ ở đàng hoàng, anh sửa sang lại mảnh đất bố mẹ để lại. Sau khi căn nhà được hoàn thiện một chút anh mới rước vợ về.
Chồng mới ra tù nên cuộc sống của vợ chồng anh chị cũng gặp nhiều khó khăn. Chị bảo, căn nhà hoàn thiện, khang trang như ngày hôm nay là sự dày công, làm việc vất vả của anh Học. Anh đã tự mình thiết kế tổ ấm của mình rồi tự tay dần làm mỗi ngày một tí. Thời gian về ở với nhau, chị vẫn đi bán vé số để kiếm thêm thu nhập. Dạo đó, anh Học cũng đã tìm đến nghề xăm nghệ thuật nhưng ít khách và tới chỗ anh chỉ toàn là những người “anh chị xã hội”.
Thời điểm đấy, người ta vẫn còn nặng nề với ý nghĩ xăm thường là xấu, chỉ có những kẻ ra tù vào tội mới xăm mình.
Thu nhập ít nhưng anh vẫn kiên trì bám trụ. Dần dần, khách hàng đến với anh không chỉ là dân anh chị, đã có nhiều thanh niên tới chỗ anh xăm mình, thu nhập vì thế cũng từng bước ổn định, chị nghỉ hẳn việc bán vé số và nghĩ tới việc sinh cho anh một đứa con.
Lúc về sống với nhau không có cưới hỏi, đến đầu năm nay anh chị định làm vài mâm cỗ mời hai bên họ hàng và bạn bè. Nhưng rồi dự định này bị gác lại khi chị biết tin mình có thai. Niềm vui vỡ òa vì ước mong sinh cho chồng một đứa con đã thành hiện thực. Nói chuyện được một lúc, chị vội lên xem con trai thế nào.
Lúc ấy, anh Học cũng xăm xong cho khách hàng. Anh nghỉ tay và rút thuốc châm hút. Giữa trưa mà vẫn có khách đang đợi để xăm. Vừa rít thuốc, anh vừa tâm sự về cuộc đời mình. Anh bảo, bản thân anh đã trải qua nhiều sóng gió. Anh cũng không thể nghĩ được việc “hoàn lương” của mình lại không khó như nhiều người nghĩ.
Học Tatoo với công việc hiện tại
Trong số ba anh em, anh là thứ hai và cũng là người ngông nhất nhà. Hồi còn thanh niên anh bập vào nghiện hút ma túy. Những trò như gây rối, đánh nhau trong đám dân chơi, ít khi thiếu mặt anh. Học khá, chơi bời cũng nhiều nên việc đi cải tạo với anh cũng là chuyện đương nhiên. Anh vào trại cải tạo từ năm 1994. Ra tù anh thi đại học và đỗ vào một trường chuyên về mỹ thuật. Anh có năng khiếu về hội họa. Nhưng học chỉ được một tháng, anh lại vào tù, dang dở việc học hành.
Suốt từ năm 1994 đến năm 2005, anh ra tù vào tội 5 lần. Trong một lần đi cải tạo, bố mất, anh không về đưa ông ra đồng được khiến anh day dứt. Ở trong trại giam anh chỉ biết khóc. Anh đã trốn về để mong có cơ hội chịu tang bố nhưng anh bị bắt ngay khi xuất hiện ở nhà. Đến khi mẹ mất, anh cũng trốn về. Cảnh sát ập đến bắt, khi ấy người đứng đầu chính quyền địa phương đã cảm thông và đứng ra bảo lãnh để anh được đưa tang mẹ rồi lại lên trại cải tạo tiếp.
Ra tù anh nhận thấy bản thân đã bỏ lỡ nhiều thứ nên anh đã bắt đầu lại. Anh đoạn tuyệt hẳn và sợ khi nhìn thấy ma túy. Nhất là khi lấy vợ rồi, anh chỉ nghĩ làm sao kiếm sống nuôi gia đình. Thời gian ở tù, do có năng khiếu vẽ nên anh thường sáng tác các hình và xăm cho bạn tù. Anh bảo đó cũng là cơ sở bước đầu để anh theo đuổi công việc này.
Không được đào tạo bài bản nhưng những sản phẩm của anh dần lấy được uy tín của khách hàng. Không khi nào anh thôi học hỏi thêm các kỹ năng của nghề xăm. Anh lên mạng tìm tòi những mẫu xăm mới cũng như các xu hướng trên thế giới. Ở Hà Nội, anh tự hào bảo mình là một trong số ít những thợ xăm theo kiểu truyền thần và xăm 3D. Đây là những loại hình đòi hỏi kỹ thuật cao. Khách đến cửa hàng thường là sửa lại những hình xăm bị hỏng. Hầu hết mọi người đều hài lòng sau mỗi lần đến cửa hàng anh tân trang lại hình xăm.
Giá cả ở Học Tatoo cũng là điểm níu chân khách quay lại và giới thiệu cho những người khác đến. Anh lấy rẻ hơn những cửa hàng xăm nghệ thuật khác tới 30-40% giá mỗi sản phẩm. Trong lúc nói chuyện, anh vào mạng và giới thiệu rất nhiều sản phẩm “hoành tráng” mà anh cùng nhân viên thực hiện. Anh không nhớ từng xăm cho bao nhiêu người và cũng rất nhiều người tới chỗ anh học nghề đều nhận được sự chỉ bảo tận tình, không giấu nghề từ anh.
Người đàn ông từng trải còn chia sẻ, từ lúc có cậu con trai “nối dõi”, anh càng ý thức hơn ý nghĩa của cuộc sống. Nhìn thấy cậu bé ngủ ngon trong vòng tay, thỉnh thoảng nhếch miệng cười, lòng anh như ấm lại. Dù bận rộn thế nào anh cũng dành thời gian để ngắm nhìn cậu bé lúc thức và khi ngủ. Anh bảo bản thân mình không giấu giếm quá khứ. Con người anh là vậy, sống thẳng thắn, chân thật và luôn hết mình vì mọi người. Đang nói chuyện, cơn mưa mùa hạ bất ngờ ập đến, anh tất tưởi chạy ra sân trước để cất đồ cho của cậu con mới sinh phơi trên dây.
Theo Phunutoday
Bị đánh hội đồng đến chấn thương sọ não vì "nhìn thấy ghét"
Một nhóm thiếu nữ nông thôn đã đánh trọng thương một cô gái chỉ vì "nhìn thấy ghét". Nạn nhân là Nguyễn Thị Tuyết, 19 tuổi ở ấp Tân Thuận, xã Đông Phước, thị trấn Ngã Sáu, tỉnh Hậu Giang đang cấp cứu tại bệnh viện.
Ngày 8/5, có mặt tại bệnh viện, bạn trai của Tuyết - người chứng kiến vụ việc, cho biết vào khoảng 20g ngày 1/5, khi Tuyết đang uống cà phê trong quán thì có hai cô gái kêu ra ngoài và cho rằng Tuyết đã liếc nhìn, chỉ chỏ mình.
Sáu cô gái khác tuổi trong độ tuổi mới lớn đã dùng chai thủy tinh và vật cứng vừa đánh vừa nhục mạ nạn nhân. Bạn trai Tuyết vào can cũng bị ba thanh niên khác đánh bật ra. Chỉ đến khi người chủ quán ra năn nỉ nạn nhân mới được tạm tha. Khi đó Tuyết đã bị ngất xỉu.
Bác sĩ bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ cho biết Tuyết bị chấn thương sọ não và đã phẫu thuật hai lần. Bà Lê Thị Lợi, mẹ của Tuyết nói gia đình đã vay 17 triệu đồng chữa trị cho con.
Chiều 8/5, ông Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng Công an thị trấn Ngã Sáu ( tỉnh Hậu Giang) cho biết đã bắt hai nghi can Đỗ Thị Thủy (16 tuổi, ngụ ấp Thị Trấn, thị trấn Ngã Sáu) và Hà Kim Yến (18 tuổi, ngụ ấp Thạnh Thới, xã Đông Thạnh, thị trấn Ngã Sáu) đã tham gia đánh hội đồng Tuyết.
Yến khai không có mâu thuẫn gì lớn mà chỉ nhìn Tuyết "thấy ghét" nên gọi bạn đến đánh hội đồng.
Công an thị trấn Ngã Sáu đang tiếp tục điều tra vụ việc đánh người gây thương tích này.
Theo Quang Vinh
Tuổi Trẻ
Đường phục thiện đẫm nước mắt của nữ sinh Những nữ sinh nhẹ dạ bị lừa bán thành nô lệ tình dục; sa chân vào con đường ăn chơi, nghiện hút vì ham giàu sang; dùng bạo lực học đường khẳng định quyền lực... Họ từng có cuộc đời tươi đẹp với cả một tương lai phía trước. Gặp em ở trung Trung tâm Giáo dục lao động xã hội (GDLĐXH) số...