‘Hạnh phúc của mẹ’: Không sinh ra là một siêu anh hùng nhưng mẹ là một anh hùng
‘Hạnh phúc của mẹ’ xứng đáng là bộ phim tôn vinh người phụ nữ nhân ngày 8/3 và là tác phẩm tuyệt vời để bạn thưởng thức cùng người thân yêu nhất – Mẹ.
Hạnh phúc của mẹ (tên ban đầu: Mẹ Tuệ) là tác phẩm của đạo diễn Huỳnh Đông. Phim kể về hành trình của mẹ Tuệ ( Cát Phượng) giúp con trai Tim ( Huy Khang) mắc hội chứng tự kỷ sống tự tin, hòa nhập với cộng đồng và thực hiện niềm đam mê nhảy múa.
Nếu trả lời câu hỏi ‘làm mẹ có khó không?’, hẳn không ai dám tự tin khẳng định là ‘có’, và làm mẹ một đứa trẻ đặc biệt như bé Tim lại khó khăn gấp nhiều lần cho mẹ Tuệ.
Nhưng bằng tình yêu, nghị lực, niềm tin, mẹ Tuệ đã trao cho con đôi cánh vững vàng bay vào đời.
Trailer Hạnh phúc của mẹ
Mẹ dành tất cả cho con, trên hết là niềm tin
Mẹ Tuệ là người phụ nữ không may mắn. Chồng mất sớm, ngay khi mẹ Tuệ đang mang thai Tim.
Thử thách chưa dừng lại ở đó, khi sinh ra, Tim lại là đứa trẻ không bình thường như những đứa trẻ khác, Tim mắc hội chứng tự kỷ.
Mặc người đời cười chê, mẹ Tuệ tin rằng: ‘Con là một đứa trẻ đặc biệt, dù có thế nào đi nữa, mẹ cũng không bao giờ từ bỏ hy vọng’. Niềm tin của mẹ Tuệ dành cho Tim được nuôi dưỡng từng ngày, từng giờ, bắt đầu từ những điều nhỏ nhất.
Trên chiếc xe lam chở hàng, từ sáng đến chiều, ngày này qua ngày khác, mẹ Tuệ lặp đi lặp lại câu nói ‘Tim, nói theo mẹ nha, màu xanh… màu đỏ…’, dù đáp lại mẹ , Tim chỉ nói ‘Tuệ’.
‘Tuệ’ cũng là từ duy nhất Tim nói được khi giao tiếp với mọi người.
Mẹ Tuệ và Tim luôn có nhau, và ‘chỉ cần mẹ con ta luôn có nhau’
Khi Tim bị những đứa trẻ khác chọc ghẹo, mẹ Tuệ nhẹ nhàng nhắc ‘Đừng cười em, từ từ em sẽ nói được’. Khi người lớn nói ‘Tim không bình thường’, mẹ Tuệ sẵn sàng ‘xù lông’, ‘thượng cẳng chân, hạ cẳng tay’ vì ‘đụng vào tôi thì được, đụng vào con tôi, tôi không để yên’.
Chính niềm tin mãnh liệt luôn bùng cháy trong tim, và mong con được trải nghiệm, được thử thách, được sống hòa mình với mọi người mà mẹ Tuệ cho Tim đi học, cho Tim tham gia vào cuộc thi nhảy trên truyền hình. Dù hơn ai hết, mẹ Tuệ biết mọi chuyện cần thời gian và không đơn giản.
Mẹ Tuệ luôn đặt niềm tin vào Tim dù biết con trai là một đứa trẻ không bình thường như những đứa trẻ khác
Và cũng như những người phụ nữ khác trên đời, mẹ Tuệ luôn sẵn sàng hy sinh bản thân mình để mang lại cho con những điều tốt đẹp nhất. Từ vận chuyển cá, chở hàng, làm muối, đến công việc nặng nhọc là bốc vác…, mẹ Tuệ không từ công việc nào.
Người mẹ đơn thân còn không dám đón nhận tình yêu ngay cả khi có rung động để có thời gian và tâm sức chăm lo cho con. Đỉnh điểm, khi biết mình bị bệnh, có thể không qua khỏi, mẹ Tuệ vẫn lao vào làm việc và chỉ một lòng trăn trở rằng từ nay sẽ không có ai thay mình chăm sóc chu toàn cho con trai.
Mẹ Tuệ da đen xạm nơi miền biển và chiếc chong chóng đủ sắc màu của Tim như là 2 hình ảnh tượng trưng cho sự lam lũ của mẹ, tất cả vì những gì tốt đẹp nhất dành cho con
Trên hành trình dài cố gắng chiến đấu là những khoảnh khắc bình dị hàng ngày của 2 mẹ con. Những khoảnh khắc hàng ngày ấy dưới bàn tay của đạo diễn Huỳnh Đông được tái hiện đầy rung cảm.
Như khi Tim 1 mình rời khỏi chỗ mẹ dặn rồi bị rơi xuống sông, mẹ Tuệ trong cơn hoảng loạn đã đánh Tim thật đau, rồi đêm về lại ôm con vào lòng hỏi ‘Lúc sáng mẹ đánh con có đau không, tại mẹ sợ quá. Tim ơi…’ có thể khiến người xem không kiềm lòng được mà bật khóc. Hẳn người mẹ nào cũng tìm thấy chính mình trong khoảnh khắc này trên màn ảnh rộng.
Người với người sống để yêu nhau
‘Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau’. Mẹ Tuệ trong Hạnh phúc của mẹ cũng vậy.
Không có chồng, người thân bên cạnh, dù người mẹ đơn thân nào cũng phải vừa mạnh mẽ, vừa dịu dàng nâng niu tâm hồn bé bỏng và ước mơ trong sáng của con, nhưng sẽ may mắn hơn khi có sự yêu thương và san sẻ của những người xung quanh. Mẹ Tuệ trong Hạnh phúc của mẹ có được may mắn này.
Đó là Giang (Kiều Minh Tuấn) – chàng trai có phần ‘lầy lội’ đã dành tình yêu, tình thương đầy chân thành cho mẹ Tuệ và bé Tim.
Tình yêu đó không phải là ‘chót lưỡi đầu môi’ mà biến thành hành động thiết thực: Giang đưa tiền để mẹ Tuệ có chi phí cho Tim đi học, Giang thay mẹ Tuệ chăm sóc, chơi đùa với Tim, Giang muốn cưới mẹ Tuệ làm vợ, nhận Tim là con trai…
Bị mẹ Tuệ từ chối bởi cô không còn tâm trí nghĩ đến tình cảm riêng tư và cô cũng không muốn bị mang tiếng lợi dụng, Giang vẫn bền bỉ bên cạnh mẹ con Tuệ với lời khẳng định chắc nịch ‘Ở đâu có Tuệ, ở đó có Giang!’.
Tính cách và lối diễn xuất có phần ‘lầy lội’ của Kiều Minh Tuấn đã mang lại cho Hạnh phúc của mẹ màu sắc tươi vui, lạc quan
Đó là ông bà Tám (nghệ sĩ Trung Dân – Ngân Quỳnh), hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau với mẹ Tuệ và Tim; là thầy hiệu trưởng trường tiểu học (NSƯT Công Ninh), là cô giáo nghỉ hưu (NSƯT Minh Đức) với kinh nghiệm nhiều năm đứng trên bục giảng, cũng như với tình yêu thương, sự tận tâm đã dạy Tim thành công, giúp cậu bé giao tiếp bằng những từ đơn giản như ‘Hoa’, ‘màu đỏ’, ‘màu xanh’…, và đặc biệt là gọi ‘Mẹ Tuệ’.
Cuối cùng là Quân (Lâm Vinh Hải) – người phụ trách cuộc thi nhảy trên truyền hình đã giúp mẹ Tuệ biến đam mê nhảy múa của Tim thành hiện thực.
Niềm tin của mẹ Tuệ dành cho Tim đã lan truyền sang những người bên cạnh, để cây non bé bỏng như Tim được tưới tắm, được vươn lên đón ánh mặt trời và trở nên khỏe mạnh, cứng cáp.
Đây cũng là thông điệp ý nghĩa mà đạo diễn Huỳnh Đông muốn gửi gắm vào Hạnh phúc của mẹ: Không xa lánh, kỳ thị mà mọi người hãy cùng chung tay quan tâm, giúp đỡ những em bé mắcchứng tự kỷ.
Mẹ Tuệ – người hùng đặc biệt trong những người hùng
Vào dịp 8/3 năm nay, ngoài rạp bên cạnh Hạnh phúc của mẹ có sự xuất hiện của 2 tác phẩm là Captain Marvel và Hai Phượng.
Hạnh phúc của mẹ không có những pha hành động mãn nhãn như 2 tác phẩm kia, nhưng tác phẩm được kỳ vọng mang đến màu sắc rất khác, một gam màu trầm, cảm động về tình mẫu tử.
Không sinh ra là một siêu anh hùng với những năng lực siêu phàm vốn có nhưng trong chính bản thân mẹ Tuệ đã là một anh hùng
Trên Saostar, NSƯT Hữu Châu đã có những chia sẻ rất chân tình sau khi xem phim: ‘Thậm chí, ở những phân đoạn cảm thấy xúc động, tôi đã khóc, nhưng đó là những giọt nước mắt tích cực. Tôi nghĩ thông điệp trong bộ phim này đã làm cho tôi cảm thấy cuộc đời này đẹp và đáng sống hơn’.
Còn ca sĩ Phương Thanh thì cho rằng: ‘Bộ phim rất nhẹ nhàng nhưng đối với những người mẹ như Phương Thanh khi đã có con thì lại sâu lắng và sâu sắc vô cùng’.
Và bạn, nếu hàng ngày vẫn ngại ngần khi nói ‘ con yêu mẹ’, hãy nắm tay mẹ ra rạp xem Hạnh phúc của mẹ để thay lời yêu thương và cảm ơn tới mẹ!
Theo tiin.vn
"Hai Phượng" Ngô Thanh Vân lay động trái tim khán giả bởi tình mẫu tử thiêng liêng
Hai Phượng là một bà mẹ lầm lì, ít nói và làm nghề đòi nợ mướn - cái nghề khiến cả dân làng khinh bỉ, dè bỉu. Thế nhưng, đằng sau cái vẻ xù xì gai góc ấy, Hai Phượng khiến bất kỳ người mẹ nào cũng phải rơi lệ và đồng cảm sâu sắc trước tình mẫu tử cao quý và thiêng liêng.
Không chỉ để lại ấn tượng về các phân cảnh hành "đánh đấm" đã mắt và nghẹt thở, Hai Phượng của Ngô Thanh Vân còn khiến trái tim của khán giả "thổn thức" bởi tình mẫu tử đầy thiêng liêng. Khai thác đề tài về nạn bắt cóc trẻ em để lấy nội tạng, Hai Phượng đã khắc họa thành công hình ảnh của một bà mẹ dũng cảm, sẵn sàng đối mặt với mọi hiểm nguy, thậm chí là hi sinh tính mạng để cứu lấy con mình. "Đó là một thông điệp rất nhân văn mà tôi muốn dành cho vai diễn "đả nữ" cuối cùng của mình trong bộ phim này", Ngô Thanh Vân chia sẻ.
Nhìn gương mặt thất thần và tuyệt vọng khi mất con của Ngô Thanh Vân khiến người xem không khỏi rơi lệ
Có lẽ, trên trái đất này, không có bất kỳ món quà nào ngọt ngào hơn tình yêu thương mà mẹ dành cho con và cũng không có hạnh phúc nào bằng niềm vui sướng của mẹ khi nhìn thấy con mình khôn lớn trưởng thành. Hai Phượng cũng là một người mẹ vĩ đại như thế. Hai Phượng bị mọi người xung quanh cười chê, khinh bỉ, kể cả người anh trai của mình trước lối sống buông tha, bỏ nhà ra đi, chửa hoang. Cuộc đời của cô là những chuỗi ngày chật vật tiền nuôi con bằng nghề đòi nợ mượn, cái nghề bất nhân bị cả dân làng bè dỉu. Thế nhưng, vì con, người phụ nữ "lừng lẫy" một thời đã nén mọi nỗi đau vào trong và chịu đựng tất cả.
Hai Phượng không phải là một người phụ nữ đảm đang, nấu ăn ngon như những bà mẹ mà ta thường thấy. Nhìn cái cách cô cố gắng chuẩn bị bữa cơm cho Mai một cách khá vụng về khiến khán giả vừa buồn cười nhưng cũng vừa thương.
Một Hai Phượng ăn nói bỗ bã, khắc khẩu với con nhưng luôn cố gắng mang đến những gì tốt nhất cho con
Có lẽ, một người phụ nữ dù có quá khứ đầy tội lỗi thế nào, dù vụng về hay đảm đang và dù cách thể hiện tình thương cho con có khác nhau đến thế nào thì bản năng làm mẹ của họ đều như nhau. Yêu thương, chăm sóc và bảo vệ cho con, đó là sứ mệnh thiêng liêng của bất cứ người mẹ nào trong cuộc sống này.
Tình yêu của người mẹ dành cho con không giống bất kỳ điều gì khác trên thế giới này. Nó không biết đến luật lệ hay sự thương hại. Nó thách thức tất cả và không khoan nhượng tiêu diệt tất cả những gì cản đường nó.
Tình yêu mà Hai Phượng dành cho Mai cũng như thế. Khi con gái mình bị bọn buôn người cướp mất, cô điên cuồng bám theo bọn chúng, rượt đuổi suốt cả hành trình hơn 14 tiếng đồng hồ lần theo dấu vết, lao vào hang ổ để giành giật mạng sống cho con khỏi tay bọn buôn người. Trong cuộc chạy đua nhọc nhằn ấy, Hai Phượng phải chiến đấu đến "sức cùng lực kiệt" với hàng loạt tên giang hồ cao to, khỏe mạnh. Có lúc cô gần như gục ngã, thế nhưng hình bóng của đứa con luôn hiện hữu trong đầu khiến Hai Phượng không thể nào gục ngã. Cô mạnh mẽ vùng dậy, chiến đấu đến cùng để cứu Mai - lẽ sống duy nhất trong cuộc đời của Phượng.
Có phân đoạn trong phim, Hai Phượng đã bật khóc giữa đường. Đó là giọt nước mắt hiếm hoi của một người mẹ gan lì, mạnh mẽ vì đau đớn khi nghĩ đến con mình bị thương, vì bất lực vì không biết phải làm gì để cứu con mình. Có lẽ, ai làm mẹ cũng sẽ hiểu cái cảm giác đau đớn này. Câu chuyện tình mẫu từ thiêng liêng của Hai Phượng đã thực sự lay động trái tim của khán giả và trở thành lời tri ân sâu sắc cho các mẹ nhân ngày 8/3 này.
Tình mẫu tử thiêng liêng trong Hai Phượng là món quà tri ân dành tặng phụ nữ nhân ngày 8/3
Có người đã từng nói rằng "Không có tình yêu nào trên trái đất này vĩ đại nhưng tình yêu của mẹ". Những giọt mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa mà Hai Phượng đã trải qua trong suốt hành trình đi cứu con là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này.
Bộ phim hành động Hai Phượng với thông điệp cảm động về tình mẫu tử vẫn đang được công chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc. Đây sẽ là món quà ý nghĩa và thiêng liêng nhất để bạn dành tặng cho người mẹ thân yêu của mình nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.
Theo trí thức trẻ
"Hạnh Phúc Của Mẹ" của Cát Phượng sẽ hay và sâu sắc hơn nếu không có Kiều Minh Tuấn Nếu như diễn xuất của Cát Phượng và bé Huy Kháng là điểm sáng trong "Hạnh Phúc Của Mẹ" thì sự xuất hiện của Kiều Minh Tuấn trong phim lại là dấu hỏi lớn. Anh chàng làm gì trong bộ phim này vậy? Sau khi đổi tên phim từ Mẹ Tuệ thành Hạnh Phúc Của Mẹ, thì dự án do diễn viên Huỳnh...