Hành khách ‘tố’ Vietnam Airlines thiếu trách nhiệm
Tối 25.8, nhiều hành khách trên chuyến bay VN 1397 của Hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã phải ngủ tại Sân bay Phù Cát (Bình Định) với tâm trạng đầy bức xúc do bị hủy chuyến bay và cách xử lý tình huống của nhân viên hãng này.
Hành khách chuyến bay VN 1397 nằm ngủ tại sảnh của Cảng hàng không Sân bay Phù Cát
Theo lịch trình, chuyến bay VN 1397 từ Sân bay Phù Cát đi Sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) khởi hành lúc 17 giờ ngày 25.8. Tuy nhiên, do thời tiết xấu nên chuyến bay không thể khởi hành như lịch trình ban đầu.
Đến hơn 23 giờ cùng ngày thì Vietnam Airlines thông báo chuyến bay này đã bị hủy và sẽ khởi hành lại vào 8 giờ sáng hôm sau (26.8).
Theo một số hành khách, Vietnam Airlines có thông báo là sẽ bố trí xe đưa mọi người về lại thành phố Quy Nhơn, còn việc nghỉ ngơi ở đâu thì hành khách tự lo lấy.
Thời điểm này đã nửa đêm, nhiều hành khách trên chuyến bay VN 1397 là người ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam lo ngại về Quy Nhơn sẽ không tìm được khách sạn nghỉ ngơi nên không đồng tình với cách giải quyết của Vietnam Airlines.
“Sự cố hủy chuyến bay là do thời tiết bất lợi chứ không ai muốn vậy nhưng Vietnam Airlines cũng nên có cách giải quyết hợp tình hợp lý cho cả đôi bên chứ. Theo tôi được biết, quy định của ngành hàng không là nếu hủy chuyến bay vào ban đêm thì hãng hàng không phải bố trí chỗ nghỉ ngơi qua đêm cho hành khách để chờ chuyến bay mới. Đằng này, cách giải quyết của Chi nhánh Vietnam Airlines tại Bình Định rất thiếu trách nhiệm, giống như bỏ mặc khách hàng. Ở một thành phố xa lạ vào giữa đêm thì chúng tôi biết làm gì và biết bao nhiêu chuyện thiếu an toàn đang chờ đón chúng tôi?”, một hành khách bức xúc.
Video đang HOT
Nhiều người nằm dưới nền gạch
Các hành khách cho rằng khi giải quyết sự việc nói trên, chỉ có nhân viên của Chi nhánh Vietnam Airlines tại Bình Định, không có mặt lãnh đạo đơn vị này. Trong khi nhiều người còn đang bức xúc, tranh cãi về cách giải quyết vụ việc thì 2 xe của Vietnam Airlines lần lượt về Quy Nhơn, bỏ mặc hành khách.
Những hành khách không đồng ý về lại Quy Nhơn đã phải ngủ tại sảnh của Cảng hàng không Sân bay Phù Cát, bất chấp cái nóng và muỗi đốt. Trong số này có cả người già và trẻ em.
Sau đó, lãnh đạo và nhân viên Cảng hàng không Sân bay Phù Cát đã quyết định mở cửa phòng khách, nơi có máy điều hòa, máy quạt để những hành khách này vào nghỉ ngơi.
Một số người ngồi trên ghế
Hành khách tập trung phản đối cách giải quyết của nhân viên Vietnam Airlines khi hủy chuyến bay VN 1397 tại Sân bay Phù Cát
Sáng 26.8, trao đổi với Thanh Niên Online, ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng chi nhánh Vietnam Airlines tại Bình Định, cho biết: “Sau khi hủy chuyến bay, Vietnam Airlines đã bố trí xe đưa hành khách về lại Quy Nhơn. Tuy nhiên, lúc đó đã quá khuya, nhiều người không về Quy Nhơn, muốn ở lại sân bay để sáng hôm sau đi sớm thì đó là quyền của họ, chúng tôi không thể ép được. Sự cố hủy chuyến bay là do thời tiết xấu, đêm khuya nên chúng tôi mới có quyết định như vậy, cũng là để bảo đảm an toàn cho mọi người. Mong khách hàng thông cảm”.
Theo ông Thành, chuyến bay VN 1397 có 163 hành khách. Mặc dù đã thông báo là có xe đưa đón về lại Quy Nhơn nhưng có hành khách tự đi xe riêng, có người đi xe của Vietnam Airlines nên không xác định được số người ngủ tại Sân bay Phù Cát tối 25.8.
Hoàng Trọng
Ảnh: Ngọc Quốc
Theo Thanhnien
Đề xuất tăng tiền bồi thường chậm hủy chuyến bay cho hành khách
Ngoại trừ "lỗi" kỹ thuật máy bay thì tất cả những trường hợp chuyến bay chậm, hủy, các hãng hàng không đều phải thực hiện bồi thường cho hành khách, số tiền bồi thường ứng trước không hoàn lại đang được Cục Hàng không Việt Nam đề xuất tăng cao hơn 100.000 đồng so với mức hiện tại.
Các cơ quan liên quan của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có cuộc bàn bạc về vấn đề chậm hủy chuyến bay của các hãng hàng không và mức bồi thường thiệt hại cho hành khách đi máy bay. Việc này được xem xét kỹ lưỡng nhằm đảm bảo việc bồi thường để vừa tăng cường quản lý nhà nước, vừa phục vụ lợi ích của khách hàng song cũng phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Các hãng hàng không sẽ phải bồi thường đầy đủ cho hành khách khi bị chậm hủy chuyến bay, trừ trường hợp kỹ thuật
Theo Dự thảo Thông tư quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyểnhành khách bằng đường hàng không được Cục Hàng không Việt Nam trình Bộ GTVT, trường hợp hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng chuyến bay bị chậm kéo dài (có giờ khởi hành thực tế tính từ thời điểm rút chèn tàu bay muộn hơn 4 giờ so với dự kiến), hành khách được tăng mức bồi thường 100.000 đồng so với hiện nay.
Cụ thể, với chuyến bay nội địa có độ dài dưới 500 km, hành khách được đền bù 200 nghìn đồng; Từ 500 km đến dưới 1 nghìn km bồi thường 300.000 đồng và 400.000 đồng cho quãng đường từ 1.000 km trở lên. Với các đường bay quốc tế, dự thảo Thông tư này vẫn giữ nguyên mức bồi thường là 25 USD cho chuyến bay dưới 1.000 km, 50 USD cho quãng đường từ 1.000 - 2.500 km, 80 USD cho chuyến bay dài từ 2.500 đến dưới 5.000 km, 150 USD cho chuyến bay từ 5.000 km trở lên.
Đồng ý với đề xuất tăng mức bồi thường ứng trước không hoàn lại của Cục Hàng không Việt Nam, đại diện Vụ Pháp chế - Bộ GTVT cho rằng, mức bồi thường trong trường hợp hủy chuyến hiện tại khá thấp so với mặt bằng giá hiện nay nên không thỏa mãn yêu cầu của hành khách. Việc tăng mức bồi thường là để nhằm mục đích giảm tỷ lệ chậm huỷ chuyến và nếu giữ nguyên mức như hiện nay thì sẽ không hiệu quả.
Theo Dự thảo thông tư này, hãng vận chuyển được miễn trừ nghĩa vụ bồi thường ứng trước không hoàn lại trong trường hợp hủy chuyến bay hoặc chuyến bay bị chậm kéo dài vì các nguyên nhân như: Điều kiện thời tiết ảnh hưởng đến khai thác an toàn chuyến bay; nguy cơ an ninh ảnh hưởng đến khai thác an toàn chuyến bay; chuyến bay không thể thực hiện hoặc bị chậm kéo dài theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trường hợp nếu hãng hàng không đã thông báo cho hành khách về việc hủy chuyến, chậm chuyến bay kéo dàiít nhất 24 giờ trước giờ khởi hành dự kiến.
Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam loại trường hợp chậm huỷ chuyến vì lỗi kỹ thuật khỏi điều khoản miễn trừ bồi thường. Theo Cục này thì việc miễn trừ nhằm nâng cao trách nhiệm của hãng hàng không trong công tác kiểm tra, bảo dưỡng tàu bay để đảm bảo an toàn tính mạng hành khách.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Qúy Tiêu cho rằng, hàng không là ngành hội nhập cao nên quy định như thế nào cũng phải tính đến việc hội nhập và áp dụng theo thông lệ quốc tế, hiện không hãng vận chuyển nào phải bồi thường cho hành khách trong trường hợp chuyến bay bị chậm hủy vì lỗi kỹ thuật. Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cũng lưu ý tránh tình trạng cứ chậm thì bảo lỗi kỹ thuật, nhằm tăng cường quản lý nhà nước và phục vụ lợi ích của khách hàng nhưng cũng phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Khách Việt ồ ạt hủy tour du lịch, trả vé máy bay đến Thái Lan Các vụ đánh bom xảy ra tại Bangkok (Thái Lan) đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động du lịch của người Việt đến nước này. Trong khi nhiều đơn vị lữ hành phải hủy tour thì các hãng hàng không cũng buộc phải chấp nhận đổi hành trình, hoặc hoàn trả tiền vé máy bay cho hành khách. Kế hoạch đi du lịch...