Hành khách tàu SE19 kể lại việc giúp nhau thoát khỏi toa xe lật
Trong ánh đèn pin điện thoại yếu ớt, những người đàn ông, cả khách Tây, cùng đập vỡ cửa kính, cứu người bị mắc kẹt trong 6 toa tàu lật.
18h15 ngày 24.5, khoảng 200 hành khách cuối cùng trên tàu SE19 về đến ga Đà Nẵng. Nhiều người, trong đó có khách nước ngoài, vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ tai nạn, nhưng lóe lên chút niềm vui vì cùng nhau vượt qua cơn hoạn nạn.
Đoàn tàu bị lật ở xã Trường Lâm (Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Ảnh: Lê Hoàng
Đoàn tàu SE19 gồm đầu máy và 15 toa xe. Sau cú đâm vào xe tải chở đá ở xã Trường Lâm (Tĩnh Gia, Thanh Hóa), đầu tàu và 6 toa liền kề bị lật, trong đó có 4 toa hành khách. Ảnh: Lê Hoàng.
Đập vỡ kính tự cứu nhau
Anh Quang Hải (30 tuổi, Hà Nội) cùng 30 đồng nghiệp mang theo con nhỏ vừa được nghỉ hè lên tàu SE19 từ Hà Nội vào Đà Nẵng du lịch, tiện thể xem trình diễn pháo hoa quốc tế vào tối thứ Bảy (26.5). Đoàn mua vé ở toa nằm số 4. Lên tàu lúc 20h10 ngày 23.5, đến chừng 22h mọi người ngủ thiếp đi.
Khoảng 0h30, đoàn tàu lắc mạnh, tiếng động như bom nổ phát ra từ đầu tàu khiến anh Hải và nhiều người choàng dậy. Hành lý trên tầng rơi xuống ầm ầm. “Chưa kịp định hình chuyện gì xảy ra, tôi thấy mình cùng toa tàu trượt đi một đoạn rồi lật nhào”, anh Hải nhớ lại.
Kính tàu tại nhiều vị trí vỡ bung ra, bắn tung tóe. Biết tàu gặp tai nạn, anh Hải gọi tìm người thân, may mắn không có ai bị thương. Điện tắt, toa xe tối om, cửa lên toa tàu đang bị khóa. Phát hiện một cửa gương bị vỡ, nằm ngửa mặt lên trời, anh bẻ thêm kính cho hết cạnh sắc rồi đưa mọi người ra ngoài.
Nhiều người khác tìm được một ô kính vỡ do đập xuống bờ kè đường sắt. Lần lượt trẻ em, phụ nữ được đưa ra dưới sự hỗ trợ của những người đàn ông.
Ra khỏi tàu số 4, anh Hải thấy nhiều toa tàu ở phía trước bị lật văng khỏi đường ray, nhiều người bị mắc kẹt phía trong. Tiếng trẻ em, phụ nữ kêu cứu xé toạc màn đêm yên tĩnh của làng quê xã Trường Lâm (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa).
Ông Phạm Quốc Đạt kể về giây phút được giải cứu. Ảnh: Võ Thạnh
Ông Phạm Quốc Đạt (72 tuổi, Hà Nội) cùng ở toa số 4 kể, đang nằm ngủ thì nghe tiếng va đập lớn. Hệ thống điện trong buồng phụt tắt. Loạng choạng khua tay, ông Đạt vơ trúng cháu trai 15 tuổi bị rớt từ giường tầng hai xuống sàn.
Sau ít giây trấn tĩnh, ông biết tàu bị lật. Dưới ánh sáng lập lòe, biết nhiều ô kính đã vỡ, ông Đạt vơ chăn trùm cho cháu để không bị kính cắt. Kêu mãi không thấy người bên ngoài phát hiện, ông Đạt bật đèn pin điện thoại rọi vào kính.
Video đang HOT
Thấy tín hiệu, những người bên ngoài dùng búa đập vỡ kính toa tàu, gia đình ông Đạt ở bên trong lấy chăn, gối trùm vào người rồi lần lượt chui ra. “Lúc leo lên phía trên toa tàu, nhìn cảnh tượng các toa tàu lật nằm nghiêng ngả, chân tay tôi run bắn vì nghĩ sẽ có nhiều người chết”, ông Đạt nói.
Những khách Tây làm hiệp sĩ
Ban đầu, ông Đạt nghĩ những người cứu mình thuộc đội cứu hộ, về sau mới biết họ là hành khách ở 9 toa cuối không bị lật cùng nhau đi cứu người. Vị trí tàu gặp nạn xa khu dân cư nên ban đầu chủ yếu là hành khách tự cứu nhau. “Nhiều người bị thương được đưa ra ngoài sơ cấp cứu”, ông Đạt kể.
Những khách Tây chuyển hành lý khi tàu xuống ga Huế. Ảnh: Võ Thạnh
Không chỉ khách Việt tự cứu nhau mà nhiều khách Tây trên hành trình du lịch miền Trung cũng ra tay nghĩa hiệp. Gia đình ông Đạt đã được hai du khách Tây phối hợp làm bậc thang để leo từ mạn tàu lật ở độ cao 4m xuống đất.
Những toa tàu lật có hàng chục khách nước ngoài. Khi thoát ra ngoài an toàn, họ không vội tìm hành lý mà cùng người Việt đi giải cứu nạn nhân. Bất đồng ngôn ngữ, họ ra hiệu để người bị nạn hợp tác nhanh thoát khỏi cảnh hỗn loạn.
Ở toa số 5, áp sát với toa tàu bị lật, Trần Phương Linh (làm nghề phiên dịch) kể rất nhiều khách Tây hoảng loạn, không biết chuyện gì đang xảy ra. Dù tim đập thình thịch, Linh vẫn biết mình phải làm gì. Cô lấy hết bình tĩnh giải thích cho khách nước ngoài, hướng dẫn họ thoát ra.
“Tàu bị nạn nhưng không một nhân viên đường sắt nào có thể thông báo cho khách nước ngoài bằng tiếng Anh”, Linh nói. Dáng nhỏ nhắn, biết không đủ sức đi giúp những người khác, Linh tìm những toa có khách nước ngoài để trấn an họ. Khi hiểu chuyện gì xảy ra, những khách Tây ở các toa sau gọi nhau đi cứu người. “Mọi người khi đó rất đoàn kết”, Linh kể.
Trần Phương Linh cho biết rất vui khi được góp phần công sức nhỏ bé giúp mọi người đi cùng khi tàu bị nạn. Ảnh: Nguyễn Đông
30 phút sau tai nạn, 30 chiến sĩ của Phòng Cảnh sát PCCC số 2 Thanh Hóa đã có mặt ở hiện trường. Cuộc giải cứu các nạn nhân diễn ra trong khoảng một giờ. Hành khách được hướng dẫn thoát hiểm và lên xe trung chuyển về ga Trường Lâm để tiếp tục hành trình vào Đà Nẵng.
Riêng hai lái tàu vẫn mắc kẹt trong buồng lái. Lực lượng cứu hộ phải dùng máy cắt sắt thép, vừa cắt vừa phun bọt chống cháy vì đầu máy chứa nhiều dầu. Sau hơn 6 giờ, hai nạn nhân được đưa ra ngoài, thi thể không còn nguyên vẹn.
Ngồi trên tàu, anh Bertrand (du khách Pháp) liên tục hỏi những người Việt Nam đi cùng về số người thương vong trong vụ tai nạn. Bertrand đã được những người Việt Nam cứu đưa ra khỏi toa tàu lật. Anh nói đây là chuyến du lịch định mệnh, nhưng cũng thêm một trải nghiệm về tình người trong cơn hoạn nạn.
“Đến giờ, tâm trí tôi vẫn hiện lên hình ảnh các toa tàu bị văng khỏi đường ray, nằm ngổn ngang”, anh nói và mong sẽ không ai còn phải trông thấy cảnh tượng tương tự, nếu mọi người đều ý thức được việc lái xe khi tham gia giao thông, nhất là ở những đường ngang giao cắt với đường sắt vốn dày đặc ở Việt Nam.
Ông Vũ Hoàng Linh, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa, cho biết thời điểm xảy ra tai nạn trên tàu có hơn 400 hành khách, trong đó có khoảng 50 người nước ngoài.
Khoảng 0h30 ngày 24.5, tàu SE19 chở 407 hành khách từ Hà Nội vào Đà Nẵng, khi đến xã Trường Lâm (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đã tông vào xe ben chở đá đang băng qua đường ngang. Sau cú đâm rất mạnh, đoàn tàu tiếp tục lao về phía trước. Đầu máy đứt rời khỏi đoàn tàu, lộn nhiều vòng xuống mương nước bên cạnh.6 toa khác gồm 2 toa chuyên dụng, 4 toa hành khách bật khỏi đường ray. 2 lái tàu tử vong, 9 hành khách và lái xe tải bị thương nặng, đang được cấp cứu ở bệnh viện Thanh Hóa và Nghệ An. Trong đó 3 người bị thương rất nặng được đưa ra Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).Hai nhân viên gác chắn đã bị công an Thanh Hóa tạm giữ do nghi ngờ họ không kéo barie khi đoàn tàu sắp đến, để xe tải băng qua đường ray.
Theo Nguyễn Đông – Võ Thạnh (VNE)
Tận cùng nỗi đau của gia đình lái tàu SE19 tử nạn
Rạng sáng nay (24.5), một vụ tai nạn đường sắt thảm khốc xảy ra ở địa bàn huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã cướp đi sinh mệnh của 2 lái tàu. Gạt vội nước mắt, bố đẻ anh Nguyễn Xuân Đệ (1 trong 2 lái tàu tử vong) cùng người thân đã vào Thanh Hóa "đón" con trai trở về trong sự đau đớn, bàng hoàng của gia đình.
00h30 phút sáng nay, đoàn tàu khách mang số hiệu SE19 do đầu máy 927 kéo, đi theo hướng Hà Nội - Đà Nẵng, khi đến đường ngang có gác tại Km 234 050, khu gian Khoa Trường - Trường Lâm, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh (thuộc xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) đã va chạm với ô tô tải chở đá mang biển kiểm soát 37C-15138.
Vụ tai nạn khiến đầu máy 927 bị đổ và 6 toa xe bị trật bánh khỏi đường sắt, ô tô bị hư hỏng. 2 người tử vong gồm lái tàu và phụ lái tàu. 4 hành khách, 3 nhân viên đường sắt và lái xe bị thương nặng đã được đưa đi cấp cứu.
Danh tính 2 lái tàu tử vong được xác định là anh Nguyễn Xuân Đệ (SN 1985, thôn Phần Hà, xã Bắc Sơn, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) và anh Nguyễn Thế Hùng (SN 1976, Minh Tân, Hưng Hà, Thái Bình).
Vụ tai nạn đường sắt ở Thanh Hóa vào rạng sáng nay đã khiến 10 người thương vong.
Trong đêm tối, tiếng người la hét, kêu khóc thảm thiết vì vụ va chạm nghiêm trọng. Những hành khách trên chuyến tàu được di chuyển khẩn trương tới vị trí mới, những người bị thuơng cũng được đưa đi cấp cứu. Không lâu sau đó, sau khi xác định được lái tàu và phụ lái đã tử vong trong vụ tai nạn, thông tin cũng được thông báo tới người nhà của các nạn nhân.
Thôn Phần Hà một ngày tháng 5, nóng, oi ả, ngột ngạt hơn bình thường. Trong ngôi nhà nhỏ của gia đình anh Nguyễn Xuân Đệ, mọi con mắt đều thẫn thờ, hướng ra phía cổng để chờ đón người con của gia đình "trở về".
Lái phụ Nguyễn Xuân Đệ là một trong những người tử vong trong vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng vào sáng cùng ngày. Sau khi nhận được tin con trai gặp nạn, ông Nguyễn Xuân Đài (SN 1965, bố đẻ anh Đệ) đã cùng người thân trực tiếp vào hiện trường vụ tai nạn để đón thi thể con về.
Bố đẻ anh Đệ (áo đen ở giữa) không kìm được nỗi đau mất mát khi "kẻ đầu bạc tiễn người tóc xanh". (Ảnh: Thiên Tuấn)
Khi hay tin dữ, cả nhà không ai tin vào tai mình. Gạt vội giọt nước mắt, ông Đài tức tốc vào Thanh Hóa với một hy vọng mong manh, rằng có một sự kỳ diệu xảy ra, con trai ông sẽ tai qua nạn khỏi để trở về với vợ con, với bố mẹ, với gia đình.
Trong cái nắng giữa trưa, ngôi nhà của anh Đệ chật kín người. Họ hàng, làng xóm đến chia buồn với nỗi mất mát quá lớn lao của gia đình. Công tác hậu sự cũng được mọi người chuẩn bị. Một bầu không khí nặng nề bao trùm lên ngôi nhà. Chốc chốc, những tiếng khóc nghẹn của mẹ đẻ anh Đệ phát ra khiến cho khung cảnh càng thêm não nề.
Mặc dù đã cố gượng dậy trước tin dữ, tuy nhiên bà Nguyễn Thị San (SN 1965, mẹ đẻ anh Đệ) nhiều lần như muốn ngất xỉu. Nỗi đau quá lớn, cảnh kẻ đầu bạc tiễn người tóc xanh càng khắc sâu vào nỗi đau của gia đình.
Anh Đệ là con trai duy nhất trong gia đình, dưới anh còn một người em gái năm nay đã 30 tuổi. Vợ chồng anh Đệ hiện đã có một cháu trai 2 tuổi, vợ anh đang mang thai cháu thứ 2, chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ sinh nở.
Trước nỗi đau quá lớn, gia đình phải đưa vợ con anh Đệ sang một nhà khác để tránh sự ảnh hưởng tới thai phụ mới 24 tuổi này. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một biện pháp tình thế, nỗi đau mất mát với gia đình anh Đệ và vợ người đàn ông này không phải một sớm một chiều nguôi ngoai được.
Tiếng khóc nghẹn đắng trong cổ họng, bà San nói trong nước mắt, rằng con trai bà mới ở nhà cách đây vài hôm, nhưng hôm nay chỉ là một thân xác trơ trọi, lạnh lẽo. Người mẹ này than khóc, cuộc sống đối với bà giờ đây trở nên vô nghĩa.
Mẹ đẻ anh Đệ - bà Nguyễn Thị San như "chết đi sống lại", bà liên tục than khóc trước sự mất mát quá lớn. (Ảnh: Thiên Tuấn)
Chia sẻ nỗi đau mất mát của gia đình, bà con hàng xóm mỗi người một tay, chẳng ai bảo ai, cố gắng chuẩn bị chu đáo nhất cho hậu sự của phụ lái Nguyễn Xuân Đệ.
13h30 chiều cùng ngày, thi thể của anh Đệ được đưa về quê nhà.
Thi thể phụ lái Nguyễn Xuân Đệ "về" với gia đình, bạn bè, người thân vào trưa cùng ngày sau tai nạn thảm khốc. (Ảnh: Thiên Tuấn)
Chứng kiến giây phút xúc động, những người có mặt không ai kìm được giọt nước mắt. Cố cứng cỏi, bình tĩnh để lo hậu sự cho con nhưng trước giây phút con "trở về" tới gia đình, ông Đài òa lên nức nở.
Người đàn ông 33 tuổi đã "về" tới gia đình, "về" với vợ con, nhưng sự trở về của anh không phải với những món quà, đồ chơi cho con trai như những lần thăm nhà trước, anh "trở về" trong những hàng dài nước mắt của gia đình và bạn bè.
Theo Danviet
Sau vụ lật tàu: Nỗi niềm ít ai thấu của nhân viên gác chắn 18 năm theo công việc nhân viên gác chắn tàu, cô Nguyễn Thị Năm cho hay công việc của cô vất vả, hiểm nguy và không ít lần cô bị người tham gia giao thông chửi bới, xúc phạm... Có mặt tại trạm chắn tàu Linh Đàm (Hà Nội) vào một buổi chiều nắng nóng gay gắt của mùa hè, với nhiệt độ...