Hành khách không tử vong ngay sau khi MH17 trúng tên lửa
Tất cả ba thành viên tổ bay tử vong ngay lập tức trong khi không loại trừ khả năng một số hành khách vẫn còn có ý thức trong vòng 90 giây chuyến bay MH17 trúng tên lửa trên bầu trời miền đông Ukraine.
Đồ hoạ mô phỏng tên lửa Buk phát nổ ở phía trước buồng lái máy bay Malaysia Airlines. Đồ hoạ: SkyNews
“Phần phía trước của máy bay bị hàng trăm vật thể mang năng lượng lớn từ đầu đạn đâm thủng”, Sky News dẫn báo cáo của đội điều tra nguyên nhân thảm hoạ MH17 do Hà Lan dẫn đầu cho biết. “Kết quả của áp lực do vụ nổ làm ba thành viên tổ bay trong buồng lái tử vong ngay lập tức và máy bay vỡ tung giữa không trung”.
Báo cáo cho biết hầu hết hành khách còn lại bất tỉnh khi máy bay rơi từ độ cao hơn 10.000 m, nhưng một số có thể vẫn còn ý thức trong 90 giây rơi xuống đất. “Không thể loại trừ khả năng một số người vẫn có ý thức trong vòng từ một phút tới một phút rưỡi vụ va chạm diễn ra”, báo cáo viết.
Một nạn nhân được phát hiện vẫn đeo mặt nạ dưỡng khí, nhưng “không rõ làm thế nào mặt nạ nằm ở đó”, Ủy ban An toàn Hà Lan cho biết.
Video đang HOT
Ủy ban An toàn Hà Lan, cơ quan điều tra thảm họa MH17, hôm qua công bố báo cáo điều tra cuối cùng, cho biết phi cơ Malaysia bị một tên lửa Buk bắn rơi. Máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines rơi ngày 17/7/2014 khi đang bay qua phần lãnh thổ phe ly khai kiểm soát ở miền đông Ukraine, làm toàn bộ 298 người trên khoang, hầu hết là công dân Hà Lan, thiệt mạng.
Giới chuyên gia phương Tây tin rằng phe ly khai thân Nga bắn rơi máy bay, có thể là do nhầm nó với phi cơ quân sự Ukraine. Moscow đưa ra một số giả thiết khác, trong đó có khả năng một chiến đấu cơ Ukraine hoặc các lực lượng của Kiev đã bắn rơi MH17.
Trọng Giáp
Theo VNE
Hà Lan dự kiến kết luận MH17 bị tên lửa Nga sản xuất bắn rơi
Ủy ban An toàn Hà Lan hôm nay công bố báo cáo điều tra thảm họa MH17, dự kiến kết luận phi cơ của Malaysia Airlines bị tên lửa do Nga sản xuất bắn rơi nhưng không chỉ rõ bên nào chịu trách nhiệm.
Một tay súng ly khai kiểm soát khu vực gần hiện trường thảm họa MH17 ở vùng Donetsk ngày 18/7/2014. Ảnh: Reuters.
MH17 bị bắn rơi ngày 17/7/2014 khi đang bay qua phần lãnh thổ phe ly khai kiểm soát ở miền đông Ukraine làm toàn bộ 298 người trên khoang, hầu hết là công dân Hà Lan, thiệt mạng.
Giới chuyên gia và phương Tây tin phe ly khai bắn rơi máy bay, có thể là do nhầm nó với phi cơ quân sự Ukraine. Moscow đưa ra một số giả thiết khác, trong đó có khả năng một chiến đấu cơ Ukraine hoặc các lực lượng của Kiev đã bắn rơi MH17.
Tjibbe Joustra, giám đốc Ủy ban An toàn Hà Lan (DSB) hôm nay sẽ trình bày kết quả điều tra, trước tiên là với gia đình các nạn nhân, sau đó là báo giới tại căn cứ quân sự ở Gilze-Rijen, Reuters đưa tin. Căn cứ này là nơi các mảnh vỡ MH17 được chuyển về và tái lắp ghép.
Kết quả điều tra được dự đoán là MH17 bị tên lửa Buk do Nga sản xuất bắn rơi dù theo quy định điều tra tai nạn hàng không quốc tế, DSB không đủ thẩm quyền để đưa ra cáo buộc. Kết quả điều tra ban đầu DSB công bố tháng 9/2014 cho biết MH17 bị bắn rơi bởi "những vật thể năng lượng cao từ phía ngoài phi cơ", có thể là mảnh đạn.
Dmitry Peskov, người phát ngôn Tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm qua cáo buộc DSB "phớt lờ" nhiều thông tin liên quan đến thảm họa MH17 do Moscow cung cấp. Ông kêu gọi truyền thông đợi báo cáo chính thức được công bố và cam kết giới chuyên gia Nga sẽ "phân tích kỹ lưỡng nhất" tài liệu này, theo RT.
Hà Lan còn đang dẫn đầu một cuộc điều tra hình sự quốc tế. Công tố viên Fred Westerbeke nói ông sẽ không bỏ cuộc cho đến khi những người chịu trách nhiệm ra tòa. Tuy nhiên, các công tố viên không thể kết tội nếu chưa có tòa án xét xử. Tháng 7, Nga phản đối đề xuất thành lập một tòa án quốc tế Hà Lan gửi lên Liên Hợp Quốc và Amsterdam đang tìm giải pháp thay thế.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte dự kiến tổ chức họp báo ngay sau khi kết quả điều tra được công bố.
Almaz-Antey, nhà sản xuất tên lửa Buk, cũng sẽ tổ chức họp báo riêng rẽ trong hôm nay để công bố kết quả một cuộc thử nghiệm do hãng thực hiện nhằm chứng minh tên lửa của họ không phải loại bắn rơi MH17. Trong thử nghiệm, Almaz-Antey sẽ bắn một tên lửa vào một máy bay Boeing, cùng loại với MH17, không còn sử dụng.
Ngoài nguyên nhân thảm họa, DSB cũng sẽ giải đáp một số câu hỏi quan trọng khác như vì sao đường bay MH17 lại đi qua vùng xung đột ở Ukraine. Ukraine vẫn mở cửa không phận đối với các chuyến bay thương mại tại độ cao đủ an toàn và một số hãng hàng không vẫn bay qua đây.
Như Tâm
Theo VNE
Nga bắn thử tên lửa Buk vào máy bay cùng loại MH17 Tập đoàn Almaz-Antey, Nga, chuẩn bị công bố kết quả của một cuộc thử nghiệm do hãng này thực hiện nhằm chứng minh tên lửa của họ không phải loại hơn một năm trước bắn rơi máy bay MH17. Phóng viên hồi đầu tháng ba chụp ảnh các mảnh vỡ của chiếc phi cơ MH17 được bày trong một nhà chứa máy bay...