Hành khách đột tử trên máy bay, phi hành đoàn xử lý như thế nào?
Máy bay không nhất thiết phải hạ cánh khẩn cấp khi có hành khách đột tử. Phi hành đoàn có thể bố trí để thi thể nạn nhân tại một số vị trí nhất định.
Ngày 24/2, một người đàn ông đã qua đời khi đang trên chuyến bay cùng vợ đi từ quần đảo Falkland tới Chile.
Theo Independent, cảnh sát Chile đã có mặt ở sân bay Carlos Ibanez del Campo lúc chiếc phi cơ hạ cánh để tiếp nhận vụ việc. Không có dấu hiệu cho thấy đây là một vụ án mạng. Vợ của nạn nhân cho biết chồng mình có một số bệnh nền.
Trước đó, giữa tháng 2, một hành khách 63 tuổi đã chết trên chuyến bay từ Bangkok (Thái Lan) đến Munich (Đức) dù đã được cấp cứu y tế.
Phi hành đoàn phải sẵn sàng cho nhiều tình huống bất thường trên máy bay. Ảnh minh họa: Adobe
Tần suất tử vong giữa chuyến
“Tử vong trên máy bay thương mại thực sự khá hiếm”, Tiến sĩ Arnold Seid, Giám đốc y tế của Global Rescue, đơn vị tập trung vào các trường hợp cấp cứu y tế khi đi du lịch, cho biết.
Nghiên cứu năm 2021 được công bố trên tạp chí Y học Cấp cứu Mỹ cho thấy tỷ lệ cấp cứu y tế trên máy bay toàn cầu là 18 trường hợp trên 1 triệu khách với tỷ lệ tử vong là 0,21 trên 1 triệu khách.
Dự kiến sẽ có 4,7 tỷ lượt khách bay vào năm 2024, vượt cả mức trước đại dịch. Vì vậy, bạn có thể phải nghe nhiều hơn về những sự cố bi thảm này.
Về phần mình, các hãng hàng không lên kế hoạch tốt nhất có thể. Nhiều hãng mang cáng lên máy bay.
Video đang HOT
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào tử vong trên không cũng gây ra bất ngờ. Khi một người mắc bệnh nan y mong muốn đến thăm nơi nào đó lần cuối – thường để gặp gia đình – các hãng hàng không cho phép họ lên máy bay như một cử chỉ nhân đạo, mặc dù môi trường oxy thấp trong cabin có thể khiến người bệnh mệt mỏi hơn.
Cách xử lý khi hành khách gặp sự cố y tế
Theo Cntraveler, mỗi hãng bay có các thủ tục trong trường hợp cấp cứu y tế đe dọa tính mạng hoặc tử vong khác nhau. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đưa ra một số khuyến nghị với phi hành đoàn khi xử lý các tình huống đó.
Theo hướng dẫn của IATA, phi hành đoàn nên thực hiện hô hấp nhân tạo cho đến khi có một trong các tình huống sau: bệnh nhân có thể hô hấp và tuần hoàn trở lại, máy bay đi vào vùng thời tiết xấu, nhân viên cứu hộ kiệt sức, bệnh nhân tử vong.
Hướng dẫn của IATA cho biết: “Nếu hồi sức tim phổi tiếp tục trong 30 phút hoặc lâu hơn mà không có dấu hiệu của sự sống và không có thông báo sốc điện nào từ máy khử rung tim ngoài tự động, người bệnh có thể được cho là đã chết và ngừng hồi sức”.
Trong trường hợp khẩn cấp, phi hành đoàn sẽ luôn hỏi xem có bác sĩ trên máy bay không. Chỉ bác sĩ mới có thể tuyên bố một cách hợp pháp ai đó đã chết.
Nếu không có bác sĩ trên máy bay, phi hành đoàn sẽ kết nối với dịch vụ y tế mặt đất. Tiếp viên hàng không sẽ cung cấp các thông tin sức khỏe của bệnh nhân để nhờ hỗ trợ.
Nếu có hành khách đột tử, máy bay có cần hạ cánh khẩn cấp không?
Tiến sĩ Seid cho biết: “Không có quy định bắt buộc phải thay đổi đường bay hoặc hạ cánh khẩn cấp trong trường hợp có hành khách tử vong. Phi công phải tuân theo các thông báo nhất định, tùy thuộc vào quốc gia và khu vực pháp lý của sân bay đến cũng như quy định của công ty”.
Nếu phi công quyết định không chuyển hướng, phi hành đoàn sẽ được giao nhiệm vụ xử lý thi thể trong thời gian tạm thời.
Theo đề xuất của IATA, người quá cố sẽ được đi chuyển đến chỗ ngồi có ít hành khách. Nếu máy bay đã đầy, thi thể có thể được trả về chỗ ngồi ban đầu của mình hoặc chuyển sang khu vực khác không cản trở lối đi, lối ra. Nếu không có túi đựng, phi hành đoàn nên vuốt mắt và đắp chăn cho thi thể.
Người đó có thể được chuyển đến khu vực nghỉ ngơi của phi hành đoàn, thậm chí khoang hạng nhất, nơi có thể có nhiều không gian hơn, ghế dự phòng, nơi thi thể được đặt một cách kín đáo.
Chi phí và hậu cần liên quan đến việc hồi hương hành khách gặp sự cố sau khi hạ cánh phụ thuộc từng hãng hàng không, hãng bảo hiểm du lịch. Quy trình vận chuyển thi thể vượt qua biên giới cần các cơ quan chuyên môn tạo điều kiện.
Singapore: Cảnh sát tiêu tiền từ thẻ tín dụng trong ví nhặt được đối mặt án tù
Thay vì báo cáo về hai chiếc ví bị mất, một sĩ quan cảnh sát hỗ trợ làm việc tại sân bay Changi đã dùng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ trong đó để mua sắm.
Giong Chun Yong - cảnh sát hỗ trợ ở sân bay Changi đã nhận 3 tội danh lừa đảo và hình sự vi phạm sự tín nhiệm của một công chức. Ảnh: Straitstimes
Ngày 28/2, Giong Chun Yong (46 tuổi) chính thức bị kết án 13 tháng tù sau khi nhận 3 tội danh về gian lận và vi phạm sự tín nhiệm của một công chức. Ba tội danh gian lận và chiếm đoạt tài sản không trung thực khác đã được xem xét để tuyên án.
Vào thời điểm xảy ra hành vi phạm tội, Giong đang là sĩ quan hỗ trợ có vũ trang của Cơ quan dịch vụ nhà ga sân bay Singapore.
Lần vi phạm đầu tiên xảy ra vào khoảng 7 giờ sáng ngày 19/7/2023. Giong đang trên đường trở lại phòng điều khiển sau khi kết thúc ca làm việc tại Nhà ga số 3 thì nhìn thấy một chiếc ví màu nâu dưới một trong những chiếc ghế dọc cổng lên máy bay, anh ta nhặt lên và cho vào túi. Chủ nhân của chiếc ví là một nữ hành khách người Bulgaria vừa hạ cánh xuống sân bay Changi ngày hôm trước.
Trên đường về nhà, Giong lục ví và lấy tiền mặt cùng hai thẻ tín dụng ra rồi vứt chiếc ví đi.
Cùng ngày, anh ta dùng một trong những tấm thẻ để mua sắm các vật dụng như đồng hồ, điện thoại di động và xe đạp leo núi. Sau đó, Giong mua thêm đồ ở hàng tạp hóa, đồ nội thất và một chiếc vòng chân bằng vàng cho trẻ em. Tổng cộng, anh ta đã chi tiêu khoảng 2.285 đô la New Zealand (hơn 36 triệu đồng).
Người phụ nữ Bulgaria đã báo cảnh sát sau khi nhận được loạt thông báo từ ngân hàng về những giao dịch được thực hiện bằng thẻ tín dụng của mình.
Bốn ngày sau khi tìm thấy chiếc ví đầu tiên, Giong đang làm việc tại Nhà ga số 3 thì một người dân đưa cho anh chiếc ví màu xám đã mà người này nhặt được. Giong kiểm tra ví và lén lấy ra một thẻ ghi nợ rồi đưa lại cho người dân, yêu cầu người này giao lại chiếc ví cho nhân viên tại quầy thông tin.
Sau giờ làm ngày hôm đó, anh ta dùng thẻ ghi nợ để mua quà sinh nhật cho vợ trị giá 726 USD (hơn 17 triệu đồng) từ thương hiệu trang sức Pandora, sau đó ném thẻ đi.
Chiếc ví màu xám và thẻ ghi nợ đó thuộc về nhân viên bán lẻ tại ga khởi hành của sân bay. Sau khi nhận ra ví của mình bị mất, nhân viên bán lẻ đã thông báo ngay cho cảnh sát.
Giong bị bắt vào ngày 9/10/2023. Anh ta đã bồi thường đầy đủ cho cả hai nạn nhân và từ chức ở Cơ quan dịch vụ nhà ga sân bay Singapore vào tháng 11/2023.
Phó công tố viên Ng Jun Kai đề nghị mức án từ 14 - 18 tháng tù cho Giong, lưu ý rằng tính răn đe chung là nguyên tắc tuyên án chính đối với những trường hợp như vậy.
Giong không có luật sư bào chữa và đến tòa cùng vợ. Anh ta cầu xin sự khoan hồng và cho biết bản thân là trụ cột duy nhất trong gia đình. Giong còn nói thêm gần đây tài chính của gia đình họ rất eo hẹp, vì vợ anh ta mới bị lừa đảo mất gần 50.000 USD (hơn 1 tỷ đồng).
Trước khi tuyên án, thẩm phán quận Kok Shu-En nói: "Những hành vi phạm tội mà anh đã làm là tội nghiêm trọng. Càng tệ hại hơn khi anh lại là cảnh sát hỗ trợ, lẽ ra anh nên hiểu rõ hơn".
Với mỗi tội gian lận, Giong có thể bị phạt tiền và phạt tù tới 10 năm. Tội vi phạm sự tín nhiệm của công chức có thể bị phạt tiền và phạt tù tối đa 20 năm.
Pin sạc dự phòng nổ, máy bay phải hạ cánh khẩn cấp Các hãng hàng không thường hạn chế vận chuyển pin lithium và thiết bị điện tử sử dụng pin lithium vì các đồ vật này dễ ảnh hưởng đến an toàn bay. Mới đây, một chuyến bay của hãng hàng không Royal Air Philippines đã phải hạ cánh khẩn cấp sau khi một cục pin sạc dự phòng phát nổ trên khoang máy...